Cười chảy nước mắt với những pha đi… ‘bắt’ học sinh của cô giáo miền núi
Trong lúc học sinh đang tắm ở suối, cô Khuyên phải lén thu áo quần, để khi tắm xong, không có áo quần các em không thể chạy trốn được. Đó là cách ‘bắt’ học sinh của cô giáo miền núi.
Học sinh Trường tiểu học Pa Ủ tại một điểm bản – NVCC
Thu quần áo để… ‘bắt’ học sinh
Đang trên đường đi tìm học trò vào chiều cuối tuần thì cô Bùi Minh Khuyên (35 tuổi), giáo viên lớp 2 tại Trường tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) thấy một nhóm học sinh trường mình đang tắm ở dưới suối. Thấy bóng dáng cô giáo, cả nhóm học sinh vội vã lên bờ chạy trốn vào rừng.
Biết đã bị lộ, cô Khuyên vội quay ngược xe trở ra, gửi xe ở bên kia cầu rồi lặng lẽ đi bộ quay ngược lại con suối. Lũ học trò lại vừa quay trở ra tắm suối.
“Nếu lúc đó mình ới lên hoặc để bọn trẻ biết mình đã quay trở lại là kiểu gì chúng cũng trốn vì sợ cô bắt quay trở lại trường nên mình cứ lặng lẽ núp vào gốc cây, tìm kế. Ngồi ở gốc cây cả tiếng đồng hồ, nhưng hễ cứ thò mặt ra lại bị bọn nhỏ phát hiện, chúng cứ chạy ra giữa suối thì mình không cách nào bắt được mà cứ ngồi chờ đến tối thì có khi các em lại trốn mất.
Nghĩ mãi thì phát hiện lũ trẻ bỏ lại áo quần trên vách đá để xuống tắm, mình vội vàng lại thu đống áo quần và nói to: ‘Em nào chịu theo cô về trường thì cô trả lại quần áo, còn không thì ở trần về nhà nhé’. Lũ nhóc lúc đó mới nháo nhào nhìn về phía cô, những bạn mang cả áo quần tắm thì chạy về còn những bạn lỡ bị cô thu đồ thì mới chạy về phía mình. Nhưng cũng có lúc đưa quần áo xong, tụi nhỏ chạy mất tiêu, vừa chạy vừa quay lại lêu lêu cô”, cô Khuyên kể và cho biết, canh mất gần 4 giờ đồng hồ nhưng chỉ “bắt” được một học sinh.
Nhiều lúc, thấy cô ngồi ở cầu chờ, bọn nhỏ cứ mặc kệ cứ đi đào sắn, đốt lửa rồi nướng sắn ăn còn mình ngồi trên này phải chờ cả buổi. Khi thấy cô giáo xuống lũ trẻ lại lội ra giữa suối, giơ củ sắn lên để trêu cô. Cũng có lúc đi “bắt” học sinh cô Khuyên cho biết bị ong đốt, ruồi vàng cắn, trượt chân té… là chuyện bình thường.
Cô Bùi Minh Khuyên ‘bắt’ được một học sinh sau cả buổi ngồi canh các em tắm suối – NVCC
Video đang HOT
Để gọi được các em quay trở lại trường, cô phải nhờ cả trưởng bản, vận động cha mẹ đốc thúc các em.
“Có khi phải vào tận nhà để ‘ăn vạ’ cả bố mẹ của lũ trẻ. Cứ phải ngồi trực ở nhà họ nhiều tiếng liền”, cô Khuyên nói và cho biết cứ sau mỗi kỳ nghỉ kéo dài, học sinh nội trú được về nhà là việc vận động các em trở lại trường rất khó khăn. Còn hằng tuần, cứ chiều thứ 6 các em được về nhà và giáo viên lại dành cả ngày chủ nhật để đi vận động, kêu gọi các em trở lại trường.
Không để học sinh trốn học, nghỉ giữa chừng
Dạy tại cơ sở chính ở Trường tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) cô Khuyên cho biết lớp có 20 học sinh, trong đó có 8 học sinh dân tộc nội trú thuộc hai bản nằm sát vùng biên giới. Trong đó bản Chà Kế cách trường 8 km còn bản Hà Xi cách tới 18 km. Hai bản lại nằm cách xa nhau nên cô Khuyên cho biết thường cuối tuần vừa đi vừa về có khi phải chạy xe gần cả 50 – 60 km. Chưa kể đường đi vào những bản vùng sâu vùng xa vẫn đang là đường đất, dốc cao thậm chí là phải chạy qua suối qua khe.
“Không ít lần xe trượt bánh, ngã nhào xuống đường. Chưa kể vào mùa mưa thì cực gấp 100 lần vì đường đất sình lầy, trơn trượt, suối thì nước dâng cao. Nhưng mình không thể vì khó khăn mà để học sinh trốn học, nghỉ giữa chừng được”, cô Bùi Minh Khuyên chia sẻ.
Còn với những học sinh gần trường, cứ sáng sớm cô lại dậy sớm đến từng nhà gọi học sinh đi học.
“Kể qua thì nghe rất vất vả, nhưng mình về dạy ở đây 13 năm rồi và những hoạt động này đã trở thành thói quen nên không thấy mệt hay vất vả gì, những giáo viên khác trong trường cũng vậy”, nữ giáo viên lớp 2 kể và cho biết trường có 2 điểm chính và có tới 7 điểm bản (mở lớp tại bản) trong đó điểm ít nhất khoảng 20 em, còn điểm nhiều nhất là 40 học sinh.
Học sinh tại Trường tiểu học Pa Ủ tranh thủ đọc sách, những cuốn sách được gửi tặng từ miền xuôi lên – NVCC
13 năm hạnh phúc gắn bó với nghề
Kể về mình, cô Bùi Minh Khuyên cho biết dù sinh ra lớn lên ở vùng đồng bằng thuộc tỉnh Thái Bình, từ nhỏ đã mơ ước được làm giáo viên. Trong những lần xem chương trình về công việc của những giáo viên ở các vùng cao trên tivi cô Khuyên bất chợt mong muốn sau này sẽ được gieo chữ ở vùng cao. Vậy là sau khi học xong, nữ giáo viên này đăng ký về dạy và gắn bó với các em học sinh miền núi hơn 13 năm nay.
“Công việc ở đây có vất vả nhưng cũng rất nhiều niềm vui, dù mỗi lần cuối tuần nghỉ học phải đi vận động các em nhưng tụi nhỏ rất dễ thương, quấn quýt cô. Cứ nghĩ đến việc kèm cặp được em nào đó đọc được tròn vành, rõ chữ hay sự cố gắng của mình đổi lại việc các em được đến trường là mình thấy vui rồi.
Mùa này rừng bắt đầu có măng đắng, nhiều học sinh lại xin cô nghỉ học để đi lấy măng. Mình dạy ở miền núi, với học sinh dân tộc nhiều khi cũng phải nghĩ đến điều kiện của học sinh nữa, mình không thể không đồng ý nên nhiều khi cho các em nghỉ một buổi chiều rồi đi lấy măng với các em”, cô Khuyên nói thêm và cho biết bản thân vẫn luôn thấy may mắn, hạnh phúc vì được gắn bó với công việc này.
Nâng "chất" giáo dục vùng khó: Bắt đầu từ điểm trường lẻ
Các điểm trường lẻ được bố trí để đáp ứng quyền học tập của học sinh (HS) vùng sâu, vùng xa.
Các điểm trường cần được đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất. Ảnh: Đức Trí
Tuy nhiên, thực tế cho thấy chất lượng giáo dục tại các điểm trường lẻ còn nhiều bất cập, đòi hỏi địa phương và nhà trường phải đưa ra giải pháp tháo gỡ phù hợp.
Khó chồng khó
Theo số liệu thống kê từ Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), toàn quốc hiện có khoảng 13.995 trường tiểu học với 17.609 điểm trường. Tỉ lệ trung bình điểm trường/trường tiểu học là 1,26. Phần lớn trường tiểu học có từ 3 - 5 điểm trường, thậm chí có trường trên 10 điểm lẻ. Cơ sở vật chất, điều kiện dạy học... tại điểm trường có sự chênh lệch đáng kể so với trường chính. Sự bất cập từ cơ sở vật chất, con người dẫn tới chất lượng giáo dục giữa HS trường chính và điểm lẻ còn khoảng cách.
Thầy Lê Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát - Thanh Hóa) chia sẻ: Với địa hình đồi núi, 99% HS dân tộc (Tày, Nùng, Mông, Dao...) trên địa bàn xã Trung Lý nên trường có tới 1 điểm chính, 8 điểm lẻ để đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em trong xã.
Hiện, các điểm trường lẻ có hơn 300 HS, từ lớp 1 - 5. Điểm trường lẻ xa trường chính nhất gần 20 km. Tại đây, HS vẫn phải học lớp ghép trình độ lớp 1 - 2; lớp 1 - 3, lớp 3 - 4. Do HS dân tộc ít có điều kiện tiếp xúc, giao lưu với bên ngoài nên khả năng nói viết tiếng Việt, kĩ năng sống chậm và kém.
Đặc biệt, khi ngành Giáo dục thực hiện đổi mới, đưa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào dạy học, 6/8 điểm trường lẻ không có điện lưới, không có màn hình, máy chiếu, ánh sáng phòng học phụ thuộc vào năng lượng mặt trời, Tại các điểm trường này ,GV không thể ứng dụng CNTT vào dạy học. GV cũng không có sóng điện thoại, mạng Internet để truy cập, liên hệ...
Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh - Hà Giang) cũng được biết tới như điển hình về trường có nhiều điểm trường lẻ (1 điểm trường chính và 19 điểm trường lẻ. Điểm trường lẻ xa nhất cách điểm trường trung tâm 27 km). Lý giải nguyên nhân chất lượng giáo dục các điểm trường lẻ chưa tốt, theo thầy Dương Văn Đông - Hiệu trưởng, HS ở 20 thôn bản gần như không có điều kiện tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài, khả năng tiếng Việt kém.
Hiện trường duy trì 12 lớp ghép/15 điểm trường (ghép lớp 1 - 2, 2 - 3, 3 - 4). Mỗi học kỳ, để dự giờ, thăm lớp đủ 19 điểm trường lẻ, ban giám hiệu cùng 5 tổ khối chuyên môn phải chia thành nhiều đoàn mới hoàn thành công việc. Việc dồn dịch điểm trường không thể ít hơn bởi khoảng cách xa, các điểm trường không đủ phòng học nếu số HS tăng lên...
Việc sáp nhập các điểm trường phải tạo thuận lợi cho người học. Ảnh: Đức Trí
Kết hợp nhân lực và vật lực
Thực tế, HS theo học tại các điểm trường lẻ chiếm số lượng lớn. Như vậy, việc đầu tư cho các điểm trường lẻ là yêu cầu tất yếu để nâng cao chất lượng giáo dục toàn trường.
Thầy Dương Văn Đông khẳng định: Giải pháp trường hướng tới là dồn HS từ lớp 3 - 5 điểm trường lẻ về học tại trường chính. Như vậy đồng nghĩa trường phải đầu tư về cơ sở vật chất trường lớp, tuyển đủ GV hoặc hợp đồng thêm để đáp ứng dạy học 9 buổi/tuần. Đội ngũ GV dạy tại các điểm trường lẻ bố trí 100% GV trẻ, sức khỏe tốt và thực hiện quy định GV bám điểm trường từ đầu đến cuối tuần để đáp ứng thời gian dạy học...
Cũng là trường có tới 15 điểm trường lẻ với 17 lớp ghép, 455 HS, thầy Phạm Văn Tường - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Mậu Long (Yên Minh, Hà Giang) thông tin: Để tăng cường chất lượng giáo dục cho HS điểm lẻ, nhà trường cần tăng cường 15 GV để đủ số GV dạy học 9 buổi/tuần (hiện HS các điểm trường lẻ mới học 7 buổi/tuần).
Việc tổ chức bữa ăn bán trú cho HS điểm trường lẻ cũng được trường hướng tới để duy trì sĩ số. Gắn bó hơn 20 năm với giáo dục vùng cao, từ kinh nghiệm của mình thầy Tường khẳng định: Thầy cô dạy điểm trường lẻ phải thực sự tâm huyết với nghề, với trẻ. Có như vậy mới vượt qua khó khăn, dốc sức vì sự tiến bộ của HS, tự giác đầu tư thời gian nâng cao chuyên môn, trình độ...
Không phủ nhận yếu tố cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các điểm trường cũng như việc bảo đảm đủ GV để tách lớp ghép... song thầy Lê Quang Tùng đồng tình: Tâm huyết của người thầy đóng vai trò lớn trong việc tăng cường chất lượng giáo dục HS dân tộc thiểu số tại các điểm trường lẻ. Ví như, tại điểm lẻ không có điện, cơ sở vật chất hỗ trợ giảng dạy thiếu... chỉ có sự tâm huyết, chuyên môn của GV mới giúp việc dạy học đạt hiệu quả.
Đặc biệt, Trường Tiểu học Trung Lý đang thí điểm tổ chức mỗi tuần 2 bữa cơm có thịt cho HS các điểm trường lẻ vào buổi trưa để duy trì sĩ số. Mặt khác, ban giám hiệu thường xuyên chia nhau thăm điểm lẻ, đôn đốc nhắc nhở việc dạy học. Thậm chí, ban giám hiệu, tổ chuyên môn trong quá trình dự giờ sẵn sàng giảng mẫu, cầm tay chỉ việc cho GV ngay tại điểm trường lẻ...
Nhà trường đã lên phương án dồn ghép các điểm trường để HS được học tập trung, môi trường giáo dục toàn diện hơn nhưng cũng phải tính khoảng cách, thuận tiện đưa đón trẻ đi về trong ngày. - Cô Sền Thị Thơm
Thầy cô giáo vùng cao góp tiền, "đỡ đầu" học sinh nghèo Chứng kiến cảnh học sinh phải nghỉ học giữa chừng, các thầy cô giáo của xã vùng cao Đắk Ha (huyện Đắk G'Long) đã góp tiền, "đỡ đầu" cho các học sinh khó khăn. Trường Tiểu học- Trung học cơ sở Trần Quốc Toản, xã Đắk Ha (huyện Đắk G'Long) hiện có gần 600 học sinh, trong đó phần lớn là người đồng...