Cuộc sống của người đàn ông lấy 38 vợ
Trước khi qua đời ở tuổi 76, Ziona Chana là chủ của một gia đình đông thành viên nhất thế giới với 160 người.
Ziona Chana, sinh năm 1945, ở làng Baktawng Tlangnuam, bang Mizoram, đông bắc Ấn Độ, đang giữ kỷ lục thế giới với tư cách chủ của một gia đình đông đảo nhất thế giới với 38 người vợ, 89 đứa con và 33 cháu.
Là lãnh đạo của giáo phái Chana, trong đó cho phép các thành viên nam được cưới nhiều vợ, Ziona Chana nhiều lần chia sẻ ông cảm thấy mình thật “may mắn” vì có một gia đình đông thành viên như vậy. Lúc sinh thời, Ziona Chana cho biết ông là người đặt tên cho tất cả con cháu trong nhà và nhớ mặt nhớ tên tất cả thành viên gia đình.
Dù cưới tới 38 người vợ, gia đình của Ziona Chana dường như không xảy ra mâu thuẫn khi các bà vợ đều khẳng định thật lòng yêu ông. “Chúng tôi ở bên cạnh Ziona vì ông là người quan trọng nhất trong làng. Ông cũng là người đẹp trai nhất ở đây”, Rinkmini, một bà vợ ngoài 40 tuổi của Ziona, chia sẻ.
Ziona Chana (trái) dùng bữa cùng các bà vợ tại nhà riêng ở làng Baktawng Tlangnuam, bang Mizoram, Ấn Độ, hồi tháng 10/2011. Ảnh: The Hindu.
Cả đại gia đình của ông Ziona sống cùng trong một căn nhà 4 tầng mang tên “ngôi nhà thế hệ mới” với hơn 100 phòng. Ziona ở phòng riêng, trong khi các bà vợ ở cùng một căn phòng lớn và có lịch luân phiên thay nhau tới ngủ cùng chồng. Các con và cháu của Ziona sống ở phòng riêng, nhưng sử dụng chung khu bếp.
Gia đình đông thành viên nhất thế giới chủ yếu dựa vào trồng trọt để phục vụ nhu cầu thực phẩm và thậm chí mở cả trường học riêng để dạy về giáo phái Chana. Những người đàn ông trong gia đình sẽ tập trung chăn nuôi, trồng trọt, trong khi phụ nữ làm việc vặt trong nhà.
Vợ cả của Ziona là Zathiangi phụ trách phân bổ công việc trong nhà cho các thành viên. Một bữa ăn, gia đình Ziona có thể tiêu thụ hết 30 con gà, 60 kg khoai tây và 100 kg gạo.
Khi còn sống, Ziona từng tuyên bố ông không ngừng tìm vợ mới để kết hôn, cho dù có phải tới Mỹ, để mở rộng giáo phái Chana của mình. Các con trai của Ziona cho rằng ông cưới nhiều phụ nữ nghèo trong làng để có thể chăm sóc họ.
Căn nhà của đại gia đình Ziona Chana ở làng Baktawng Tlangnuam, bang Mizoram, Ấn Độ. Ảnh: Barcroft Media.
Thủ hiến Mizoram Zoramthanga hôm 13/6 thông báo Ziona đã qua đời ở tuổi 76. Giám đốc bệnh viện Trinity, Lalrintluanga Zahau, xác nhận ông Ziona qua đời sau thời gian điều trị bệnh tiểu đường và tăng huyết áp nghiêm trọng.
Gia đình ông Ziona từng hai lần xuất hiện trong chương trình “Tin hay không!” của nhà đài Mỹ vào năm 2011 và năm 2013, sau đó gây chú ý trên toàn thế giới. Căn nhà 100 phòng của gia đình ông cũng trở thành một địa điểm hút khách du lịch trong bang Mizoram.
Lắp xe kéo chở vợ mắc Covid-19 đi cách ly
Để đảm bảo duy trì khoảng cách an toàn, người chồng ở bang Mizoram lắp xe kéo sau xe jeep để chở vợ đến trung tâm cách ly.
Video được chia sẻ trên mạng xã hội hôm 31/5 cho thấy người đàn ông đánh xe jeep kèm theo một xe kéo gắn phía sau, đỗ trước nhà. Một phụ nữ sau đó bước ra, cầm theo chiếc ghế nhựa màu xanh, đặt ghế lên xe kéo và ngồi.
Người chồng bước ra từ xe jeep, hai vợ chồng vẫy tay với người quay video trước khi cùng đến trung tâm cách ly.
Chồng lắp xe kéo chở vợ mắc Covid-19 đi cách ly ở bang Mizoram, Ấn Độ. Video: Twitter/Rupin Sharma .
"Người chồng đưa vợ mắc Covid đến trung tâm cách ly ở Mizoram", người đăng video viết trong đoạn mô tả.
Video lập tức được tán thưởng trên mạng xã hội khi người dùng cho rằng cặp vợ chồng đã nghĩ ra cách sáng tạo để duy trì khoảng cách an toàn, đồng thời đảm bảo chồng vẫn đồng hành cùng vợ khi đi cách ly.
"Thực sự sáng tạo và ngọt ngào", một người dùng Twitter nhận xét.
Mizoram báo cáo 99 ca nhiễm hôm 31/5, nâng tổng số ca nhiễm của bang lên 12.087. Ca tử vong do Covid-19 tăng lên 40 sau khi ghi nhận thêm hai trường hợp.
Chính phủ Mizoram cuối tuần trước gia hạn lệnh phong tỏa ở thủ phủ Aizawl thêm 7 ngày nữa để phá vỡ chuỗi lây nhiễm. Lệnh phong tỏa dự kiến được dỡ bỏ vào 4h ngày 31/5. Các hạn chế lần đầu được ban hành ngày 10/5 và được gia hạn vài lần.
Gần 200 cảnh sát Myanmar đã vượt biên sang Ấn Độ Tổng cộng 264 người Myanmar, gồm 198 cảnh sát, đã vượt biên sang bang Mizoram, Ấn Độ, để trốn chạy khủng hoảng, theo quan chức an ninh địa phương. "Lý do từ Myanmar đến Ấn Độ là tôi không muốn phục vụ dưới chính quyền quân sự nữa", một cảnh sát giấu tên hôm 12/3 cho hay. "Lý do thứ hai là nếu...