Cuộc giải cứu muộn màng đảo Thổ Châu khỏi tay Khmer Đỏ
Hơn một tuần lễ sau, tin tức Thổ Châu bị quân Khmer Đỏ đánh chiếm, bắt cóc thường dân được một số người dân chạy thoát về báo. Mệnh lệnh đánh chiếm lại Thổ Châu, giải cứu người dân được gấp rút triển khai.
Lệnh giải cứu
Sau tin báo của dân, quân đội đã điều máy bay L-19 đi trinh sát hiện trường các đảo thì phát hiện các đảo này đã bị quân Khmer Đỏ chiếm đóng.
Ngày 20-5-1975, trung tướng Lê Trọng Tấn – phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam – thay mặt Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cho Quân khu 9 phải đánh chiếm lại toàn bộ các đảo và đất đai của Việt Nam bị quân Khmer Đỏ chiếm đóng.
Tại Phú Quốc, một hội nghị quân sự đã diễn ra, thống nhất kế hoạch hiệp đồng tác chiến giải phóng đảo Thổ Châu.
Theo tư liệu của Vùng 5 hải quân, các đơn vị được sử dụng đánh chiếm lại hòn đảo này gồm: tiểu đoàn bộ binh 410 thuộc Trung đoàn 195 (QK9), 2 tàu tuần tiễu loại 100 tấn của Trung đoàn 172 hải quân, 2 tàu vận tải loại 50 tấn của Trung đoàn 125 hải quân, một đại đội đặc công nước của Trung đoàn 126 đặc công hải quân, 4 tàu vận tải đổ bộ LCM8 và 4 tàu PCF thu hồi của quân đội VNCH; có sử dụng lại một số sĩ quan, nhân viên cũ thuộc đoàn hải quân Phú Quốc của chế độ Sài Gòn và một đại đội du kích huyện đội Phú Quốc…
Đại tá Võ Hồng Thanh (Sáu Thanh), nguyên phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 330 (QK9), kể lại thời điểm đó ông là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 410 – thuộc Trung đoàn 195. Đơn vị ông đang đóng tại Kiên Lương (Kiên Giang) được lệnh gấp rút hành quân ra Phú Quốc để chuẩn bị đánh Thổ Châu.
Lúc mới giải phóng, quân số của tiểu đoàn không nhiều. Tiểu đoàn 410 được biên chế làm ba đại đội, đại đội 1 và 2 mỗi đại đội 40 quân; đại đội 3 có 30 quân. Hỏa lực cũng chỉ có một pháo 82mm với 30 viên đạn, ngoài ra chỉ có một số B40, B41 và trung liên.
Lúc giao nhận nhiệm vụ, đơn vị cũng chưa nắm được tình hình của địch, cũng chưa từng tác chiến ở địa bàn hải đảo. Ông chỉ biết đảo Thổ Châu có hai bãi cát, bãi Ngự là bãi lớn, bãi Dông là bãi nhỏ. Người dân Thổ Châu chạy về còn cung cấp thêm địa hình phía bắc đảo có đoạn vách núi đứng, nước sâu, tàu lớn có thể vào được đến bờ.
Sơ đồ các mũi tiến công giải cứu Thổ Châu của QĐND VN (lấy từ trang quansu.net
Video đang HOT
Trận đánh Thổ Châu
Khoảng 13g ngày 23-5-1975, tàu chở các lực lượng từ cảng An Thới (Phú Quốc) xuất phát thẳng tiến ra Thổ Châu. Đại tá Thanh kể chạy ròng rã đến hơn 18g thì đã thấy được Thổ Châu. Lúc này có một chiếc tàu cá từ đảo chạy ra, hướng về vùng biển Campuchia.
Đến 19g, tàu chở tiểu đoàn 410 cặp lại phía bắc đảo với nhiệm vụ đánh địch đồn trú bãi Ngự. Lực lượng đặc công nước áp sát hướng đánh địch ở bãi Dông. Kế hoạch ban đầu là đến 24g khuya sẽ nổ súng. Tuy nhiên, địa bàn rừng núi tối om, hành quân lại không thuộc địa bàn, các chiến sĩ cứ níu lưng nhau mà đi tới. Đến 24g khuya, lực lượng chỉ mới đến đỉnh núi.
“Lúc ấy tôi lệnh cứ tiếp tục hành quân xuống bãi Ngự. Gặp địch lúc nào nổ súng lúc đó. Đến 4g sáng thì thấy có khu nhà lợp tôn, biết là doanh trại của quân địch” – ông Sáu Thanh nhớ lại.
Đại đội 1 và đại đội 2 được lệnh tiếp cận cách mục tiêu 200m thì từ bên trong khu nhà, quân Khmer Đỏ đã nổ súng. Các đơn vị của tiểu đoàn 410 đồng loạt nổ súng đáp trả.
Lúc này, quân Khmer Đỏ phản kháng yếu ớt nên khoảng 30 phút sau, đại đội 1 báo về đã làm chủ được khu vực. Lệnh của tiểu đoàn cho các đơn vị xung phong đánh chiếm doanh trại.
Cùng thời điểm, đơn vị đặc công nước dưới sự chỉ huy của QK9 cũng nổ súng đánh địch ở bãi Dông.
Khoảng 30 phút sau, quân Khmer Đỏ từ hai điểm cao phía bắc và nam kháng cự kịch liệt. Thế trận giằng co đến 10g sáng thì các đơn vị báo sắp… hết đạn. Lúc này, trên tàu hải quân vẫn còn đạn, nhưng không thể tiếp viện vì khi hành quân lên đảo, đơn vị đã mất liên lạc với tàu.
Tiểu đoàn trưởng lệnh cho công sự tại chỗ, thấy địch thì bắn tỉa, chờ trời tối sẽ xin tiếp viện đạn từ tàu. Giữa lúc tình thế nguy cấp thì xuất hiện yếu tố bất ngờ.
Khi đại đội 1 tổ chức đi lấy cây để ngụy trang thì phát hiện bên khe suối có một kho đạn lớn đủ chủng loại do Trung Quốc sản xuất được quân Khmer Đỏ cất giấu.
Tình thế thay đổi đột ngột đã xoay chuyển cục diện trận đánh. Khi có đầy đủ đạn dược, đến 14g ngày 24-5, các đại đội được lệnh tiếp tục nổ súng đánh địch. Đến 16g thì các đơn vị đã chiếm được sở chỉ huy địch. Quân Khmer Đỏ lúc này rút về co cụm ở hai quả đồi quanh bãi Ngự.
Sáng 25-5, tận dụng được hàng binh bắt được, chỉ huy tiểu đoàn đã cho tổ chức địch vận, cho các hàng binh đi vận động các nhóm quân Khmer Đỏ đang cố thủ ở hai quả đồi đầu hàng. Hiệu quả bất ngờ. Không cần tiếng súng, từ quả đồi bên phải bãi Ngự, 105 quân Khmer Đỏ lần lượt kéo xuống xin hàng; mũi bên trái 30 quân cũng tung cờ trắng.
Các hàng binh tiếp tục vận động đồng đội ra hàng ở hai hòn đảo gần đó là Hòn Cao và Hòn Từ, mỗi nơi còn một trung đội quân Khmer Đỏ. Đại tá Thanh tiếp tục cho địch vận để tránh đổ máu. Khoảng 30 phút sau, lính Khmer Đỏ trên hai hòn đảo lần lượt xếp hàng tung cờ trắng.
Chậm một bước
Kết thúc trận đánh ba ngày, tiểu đoàn 410 với 110 quân đã diệt 200 quân Khmer Đỏ, bắt sống 175 quân. Phía tiểu đoàn có 1 chiến sĩ tử trận, hai sĩ quan bị thương.
Trong đó, tiểu đoàn phó Út Minh bị thương do bị lính Khmer Đỏ tấn công trong loạt đạn đầu; người còn lại bị thương do nhóm 3 tàn quân không chịu đầu hàng, đã phục kích bắn bị thương một sĩ quan của tiểu đoàn. Nhóm 3 tên này sau đó vì đói đã mò vào lục cơm nguội ở bãi Dông nên bị bắt giữ.
Ngoài ra, còn 7 lính Khmer Đỏ khác ôm cây nhảy xuống biển trôi về hướng Phú Quốc, đã bị ngư dân bắt giao nộp.
Ông Sáu Thanh kể sau khi thắng trận, các lực lượng bộ đội đã chia nhau đi tìm dân, nhưng chỉ còn lại vài người. Trong đó có gia đình ông Chín Hải. Ông Hải kể lại quân Khmer Đỏ đã gom dân trên đảo đi từng đợt.
Chiều 23-5, khi các tàu chở quân ra đánh chiếm lại Thổ Châu đã gặp chiếc tàu cá chạy ra, đó chính là tàu bọn Khmer Đỏ vừa lùa dân chở sang Campuchia. Những người may mắn ở lại là do trên tàu đã không còn chỗ chứa.
Bọn chúng định quay lại chuyến sau để bắt hết những người dân cuối cùng thì hòn đảo đã được quân đội giải cứu. Ông Sáu Thanh nói rằng khi nghe kể ông tức điên người vì không biết tin để chặn chiếc tàu đó lại mà cứu dân mình.
Có một điều ít ai biết, tiểu đoàn quân Khmer Đỏ bị tiểu đoàn 410 của Việt Nam đánh bật khỏi Thổ Châu cũng có phiên hiệu là tiểu đoàn 410. Lý giải điều này, ông Sáu Thanh nói đám quân này là do trước đây được tiểu đoàn 410 của ta đào tạo trong kháng chiến chống Mỹ.
Không ngờ, vừa giải phóng đất nước xong, chúng lại kéo sang đánh chiếm các đảo của Việt Nam. “Trong đám quân bắt được, có những đứa tôi còn thấy quen mặt vì đã đào tạo cho chúng” – ông Sáu Thanh nói.
Theo Tuổi Trẻ
Thêm một cựu quan chức thời Khmer Đỏ bị buộc tội diệt chủng
Yim Tith, cựu quan chức cấp cao thời Khmer Đỏ đã bị cáo buộc tội diệt chủng và các tội ác khác chống lại loài người, theo Cambodia Daily.
Trong giai đoạn Khmer Đỏ cầm quyền từ năm 1975 đến năm 1979, đã có khoảng hai triệu người vô tội bị giết hại - Ảnh: Reuters
Báo Cambodia Daily ngày 9.12 đưa tin, Tòa án quốc tế xét xử tội ác chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia (ECCC) đã cáo buộc Yim Tith, cựu quan chức cấp cao thời Khmer Đỏ, phạm phạm tội diệt chủng và các tội ác khác chống lại loài người.
Yim Tith còn được biết đến với tên Ta Tith, từng là quản lý vùng tây bắc dưới thời Khmer Đỏ, nay là một doanh nhân giàu có, theo The Phnom Penh Post.
Theo thông báo của ECCC, ngoài tội ác diệt chủng chống lại người Khmer, Yim Tith còn bị cáo buộc phạm các tội ác khác như giết người, tống giam, tra tấn, ngược đãi và các hành động vô nhân tính khác, trong đó có cưỡng ép hôn nhân.
Người phát ngôn của tòa án, ông Lars Olsen cho biết sau khi bị tòa cáo buộc các tội danh trên, Yim Tith đã được về nhà riêng cùng các luật sư của mình. Theo ông Lars Olsen, hiện không rõ lệnh bắt giữ Yim Tith đã được phát ra hay chưa.
ECCC do Liên Hiệp Quốc bảo trợ được thành lập từ năm 2006 với mục đích tìm lại công lý cho gần 2 triệu người vô tội bị sát hại dưới thời chế độ Khmer Đỏ tại Campuchia. Phiên tòa đối với Yim Tith là phiên thứ tư. Tuy vậy cho đến nay, ECCC chủ yếu chỉ buộc tội và xét xử các nhân vật thuộc giới chóp bu trong chính quyền Khmer Đỏ.
Tháng 8.2014, ECCC đã tuyên án tù chung thân đối với hai lãnh đạo chính quyền Khmer Đỏ gồm Nuon Chea, 89 tuổi, và Khieu Samphan, 84 tuổi, với tội danh phạm tội ác chống lại loài người. Tuy nhiên, cả hai đều kháng án.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Thủ tướng Hun Sen cảnh báo sự trở lại của chế độ Khmer Đỏ Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen cảnh báo một chế độ tương tự Khmer Đỏ, từng tàn sát hàng triệu người Campuchia, có nguy cơ quay trở lại đất nước này nếu phe đối lập điều hành đất nước. Ông Hun Sen cảnh báo sự trở lại của chế độ Khmer Đỏ nếu phe đối lập điều hành đất nước - Ảnh: Reuters...