Cuộc đua tiêm vắc xin cho trẻ nóng dần
Với sự xuất hiện của biến thể Delta, tỉ lệ trẻ em mắc bệnh và chết vì COVID-19 có xu hướng tăng cao gần đây.
Để bảo vệ các em, bảo vệ cộng đồng, nhiều nước đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin cho nhóm tuổi này.
Một em trai tiêm vắc xin Sinovac tại thành phố Pekanbaru, tỉnh Riau, ngày 9-7 trong khuôn khổ chương trình tiêm chủng mở rộng của Indonesia – Ảnh: AFP
Xu hướng đáng lo ngại về dịch COVID-19 ở trẻ em đã được ghi nhận ở Mỹ khi thống kê vào cuối tháng 7 cho thấy có đến 18% số ca mắc COVID-19 là trẻ em (0-17 tuổi), trong đó hơn 350 em đã chết. COVID-19 cũng đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.200 trẻ em Indonesia, 1.500 trẻ em Ấn Độ và hơn 2.000 trẻ em Brazil.
Tại Việt Nam, xu hướng trẻ em mắc COVID-19 cũng đang tăng. Theo Bộ Y tế, vào đầu tháng 8 có đến 5% trong tổng số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội là trẻ em từ 0-5 tuổi. May mắn là chưa có trường hợp nào tử vong.
Vắc xin nào cho trẻ em?
Trước tình hình đó, các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Úc và Israel đã gấp rút triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ tháng 6. Trong khi đó, tại Anh ngày 19-7, các cố vấn về vắc xin đã khuyến cáo nên hoãn tiêm vắc xin cho hầu hết thanh niên dưới 16 tuổi tại Anh, với lý do tỉ lệ mắc bệnh nghiêm trọng ở nhóm tuổi này rất thấp.
Hiện tại, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 12-15 tuổi với hai mũi cách nhau 21 ngày. FDA lần đầu cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin này cho người từ 16 tuổi trở lên vào cuối năm 2020.
Nghiên cứu đã chỉ ra vắc xin của Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả 100% trong ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 ở trẻ em từ 12-15 tuổi. Nghiên cứu trước đây cho thấy vắc xin này có hiệu quả bảo vệ 95% ở những người từ 16 tuổi trở lên, và hiệu quả phòng ngừa bệnh nặng do biến thể Delta lên tới 96%.
Ngoài ra ngày 23-7, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cũng đã cấp phép dùng khẩn cấp vắc xin Moderna cho trẻ em từ 12-17 tuổi với hai mũi tiêm cách nhau ít nhất 4 tuần.
Video đang HOT
Nghiên cứu cho thấy nhóm trẻ 12 -17 tuổi tiêm vắc xin Moderna sinh miễn dịch kháng SARS-CoV-2 tương đương với nhóm 18-25 tuổi. Trong số 2.163 trẻ tiêm vắc xin này, không có trường hợp nào mắc COVID-19. Trong khi đó, nhóm trẻ tiêm giả dược có 4/1.073 trẻ mắc COVID-19.
Cho đến nay, tại Mỹ và châu Âu chưa có vắc xin nào được cấp phép sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi. Các thử nghiệm an toàn và hiệu quả của hai loại vắc xin do Pfizer/BioNTech và Moderna phát triển đang được thực hiện trên nhóm tuổi này. Hy vọng các kết quả sẽ được công bố sớm vào mùa thu năm nay.
Dù vậy, một trong những nước đầu tiên đã phê chuẩn vắc xin dành cho trẻ dưới 12 tuổi là Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Ngày 2-8, UAE phê chuẩn dùng khẩn cấp vắc xin COVID-19 của Sinopharm cho trẻ em từ 3-17 tuổi sau khi đã phê chuẩn vắc xin của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 12-15 tuổi trong tháng 5. Trung Quốc cũng đã phê chuẩn vắc xin COVID-19 của Sinopharm cho trẻ em từ 3-17 tuổi.
Vì sao trẻ em cần tiêm?
Có 3 lợi ích chính vắc xin COVID 19 mang lại cho trẻ. Thứ nhất, vắc xin giúp ngăn nguy cơ nhiễm COVID-19. Dù COVID-19 ở trẻ em đôi khi nhẹ hơn người lớn nhưng một số em có thể bị nhiễm trùng phổi nặng, bệnh nặng và phải nhập viện. Các em cũng có thể gặp các biến chứng cần chăm sóc đặc biệt, hoặc các triệu chứng kéo dài gây ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần, trong một số trường hợp có thể tử vong.
Thứ hai, vắc xin giúp ngăn ngừa hoặc giảm sự lây lan của virus. Giống như người lớn, trẻ em cũng có thể phát tán virus nếu mắc bệnh, ngay cả khi không có triệu chứng. Tiêm vắc xin COVID-19 giúp bảo vệ trẻ và những người khác, giảm nguy cơ truyền bệnh cho người khác, bao gồm người nhà và bạn bè, nhất là những người có nguy cơ bị nặng. Do đó, việc tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em cũng là để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Thứ ba, tiêm vắc xin COVID-19 có thể giúp ngăn chặn các biến thể khác xuất hiện. Kể từ khi bắt đầu đại dịch, đã xuất hiện nhiều biến thể của SARS-CoV-2. Trong đó, biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh hơn các phiên bản trước đó.
Việc mắc COVID-19 đang gia tăng ở trẻ em dường như có liên quan đến biến thể Delta. Giảm lây lan virus bằng tiêm vắc xin cũng góp phần giảm nguy cơ virus đột biến thành các biến thể mới nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, việc tiêm chủng không đầy đủ, nghĩa là không tiêm mũi thứ 2 (đối với vắc xin cần tiêm 2 mũi), cũng sẽ tạo cơ hội cho các biến thể mới xuất hiện.
Tóm lại, tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên có thể ngăn diễn tiến bệnh nặng và giảm sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Hiện nay vắc xin của Moderna và Pfizer/BioNTech được ưu tiên sử dụng vì cho thấy hiệu quả và an toàn.
Trong giai đoạn chờ đợi Bộ Y tế phê chuẩn và triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ em ở Việt Nam, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa COVID-19 cho trẻ em càng nên được chú trọng tối đa.
Lưu ý tác dụng phụ
Giống như nhiều vắc xin khác, vắc xin ngừa COVID-19 có thể có một số tác dụng phụ với trẻ em. Một số tình trạng thường gặp giống như người lớn gồm đau, đỏ và sưng tấy chỗ tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt và buồn nôn. Đó là những dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể trẻ đang được bảo vệ.
Những tác dụng phụ này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hằng ngày của trẻ, nhưng thường nhẹ và sẽ biến mất sau một vài ngày. Một số trẻ không gặp tác dụng phụ. Không nên cho trẻ uống thuốc giảm đau trước khi tiêm chủng với mục đích ngăn ngừa các phản ứng phụ.
Nhãn cảnh báo tác dụng phụ trên các loại vaccine Covid-19
Để thuận tiện cho việc sàng lọc người tiêm chủng và đảm bảo an toàn, các hãng dược bổ sung nhãn cảnh báo như viêm đa rễ thần kinh, đông máu hoặc viêm tim lên lọ vaccine Covid-19.
Các loại vaccine Covid-19 đã được chứng minh đủ an toàn và hiệu quả phòng ngừa virus. Tuy nhiên, giống với bất cứ dược phẩm nào khác, chúng luôn đi kèm tác dụng phụ. Sau quá trình đánh giá kỹ lưỡng, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm mỹ (FDA), Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị các hãng dán nhãn cảnh báo bên ngoài mỗi lọ vaccine. Điều này giúp nhân viên y tế dễ dàng sàng lọc người được phép tiêm chủng dựa trên bệnh lý nền.
Ngày 25/6, vaccine Pfizer và Moderna được FDA bổ sung cảnh báo về rủi ro viêm tim hiếm gặp vào tờ thông tin đính kèm.
Tính tới 11/6, Hệ thống Báo cáo Biến cố bất lợi Vaccine của Mỹ ghi nhận hơn 1.200 ca viêm tim hoặc viêm màng ngoài tim. Các ca viêm tim xuất hiện nhiều, triệu chứng rõ rệt ở tuần thứ hai sau tiêm, phổ biến hơn với nam giới. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ghi nhận 309 người nhập viện, hầu hết dưới 30 tuổi. Cơ quan cho biết bệnh nhân thường hồi phục tốt sau khi được điều trị. Hiện 295 người đã xuất viện.
Tiến sĩ Tom Shimabukuro, Phó giám đốc Văn phòng An toàn Tiêm chủng của CDC, cho biết tỷ lệ viêm tim sau tiêm liều vaccine thứ hai là 12,6 trên một triệu.
"Tình trạng này phổ biến ở các nhóm trẻ hơn, chủ yếu là thiếu niên và thanh niên khoảng 20 tuổi. Nam giới mắc bệnh nhiều hơn phụ nữ. Những người từ 50 tuổi trở lên hầu như không bị ảnh hưởng", ông nói.
Pfizer vẫn cho rằng tỷ lệ viêm tim không cao hơn mức thông thường. Moderna đã ghi nhận tình trạng này, sẽ phối hợp với cơ quan quản lý y tế công cộng để điều tra thêm.
Y tá chuẩn bị xilanh để tiêm vaccine Covid-19 tại Munich, Đức, tháng 6/2021. Ảnh: NY Times
Kể từ tháng 3, vaccine AstraZeneca vấp phải nhiều tranh cãi vì nguy cơ đông máu, giảm tiểu cầu hiếm gặp , khiều nước châu Âu phải dừng triển khai một thời gian để đánh giá sâu hơn. Hiện nay, hầu hết các quốc gia đã nối lại chủng ngừa bằng loại vaccine này, kèm theo giới hạn độ tuổi và nhãn cảnh báo trên bao bì.
Nghiên cứu từ Đức và Na Uy cho thấy ở một số người có đặc điểm sinh học hiếm gặp, vaccine AstraZeneca tạo ra kháng thể bất thường gây cục máu đông. Khi tiêm chủng, các kháng thể đó dẫn đến tình trạng giảm tiểu cầu huyết khối, gây ra cả đông máu và chảy máu bất thường. Các nhà khoa học đề nghị đặt tên cho tình trạng này là "giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch do vaccine" (VITT).
Tiến sĩ Andreas Greinacher, tác giả nghiên cứu, gọi đây là "tin tốt" đối với phần đông dân số, vì hầu hết không có đặc điểm sinh học bất thường. Tuy nhiên, ông nói thêm: "Chúng ta chưa thể dự đoán ai có khả năng phát triển loại kháng thể này".
Tình trạng đông máu cũng xuất hiện ở vaccine Johnson & Johnson, được EMA công nhận ngày 21/4. EMA cho rằng vẫn nên sử dụng vaccine Johnson & Johnson vì lợi ích nó đem lại lớn hơn nhiều nguy cơ.
Nhãn cảnh báo thứ hai trên vaccine Johnson & Johnson là hội chứng Guillain-Barré (GBS) - viêm đa rễ thần kinh sau khi tiêm. GBS là chứng rối loạn hiếm gặp, trong đó hệ miễn dịch của cơ thể làm tổn thương các tế bào thần kinh, gây yếu cơ hoặc tê liệt. Hầu hết người mắc hội chứng sau khi nhiễm vi khuẩn hoặc virus.
Vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson được sử dụng tại Mỹ. Ảnh: NY Times
Tuy chưa xác định vaccine có trực tiếp gây ra GBS hay không, FDA ghi nhận ngày càng nhiều người sử dụng vaccine Johnson & Johnson bị tê liệt sau tiêm.
"FDA cập nhật thông tin cho người sử dụng và nhà sản xuất vaccine Covid-19 Johnson & Johnson. Thông tin mới gồm cảnh báo về nguy cơ mắc hội chứng GBS sau tiêm chủng", FDA thông báo.
Theo cơ quan, các triệu chứng xuất hiện trong vòng 42 ngày sau khi tiêm. Trong khoảng 12,8 triệu liều vaccine Johnson & Johnson đã được triển khai, FDA ghi nhận 100 trường hợp GBS.
"Khả năng mắc hội chứng này là rất thấp", FDA khẳng định.
Nếu cảm thấy chân tay run hoặc ngứa ran ở tay và chân, đặc biệt là vùng ngứa lan rộng sau khi tiêm vaccine, người dân nên đi khám, FDA khuyến cáo. Các triệu chứng khác của GBS bao gồm khó đi, khó nói, nhai hoặc nuốt, nhìn một thành hai và các vấn đề khác liên quan đến hệ tiêu hóa, bài tiết.
Người cao tuổi, mắc bệnh nền có phải sẽ dễ gặp phản ứng phụ khi tiêm phòng Covid-19? Nhiều người đang lo lắng tác dụng phụ do tiêm vắc-xin Covid-19 dễ gặp hơn ở nhóm người cao tuổi, có bệnh lý nền. BS Trương Hữu Khanh sẽ giải đáp ngay trong phần hỏi đáp dưới đây. Hỏi: Gia đình tôi có bố mẹ đều đã 65 tuổi trở lên, lại mắc bệnh lý nền là cao huyết áp và tiểu đường...