Cuộc chiến pháp lý của Trump đuối lý
Hai ngày sau bầu cử, Trump tuyên bố nắm “rất nhiều bằng chứng” về gian lận cử tri, nhưng tới nay vẫn chưa có chứng cứ xác đáng nào được đưa ra.
Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden hôm 7/11 được truyền thông Mỹ xác định đã hội đủ số phiếu đại cử tri cần thiết để trở thành Tổng thống đắc cử. Hiện số phiếu đại cử tri của ông và Tổng thống Donald Trump cách nhau khá xa, lần lượt là 290 và 217.
Tuy nhiên, Trump không công nhận kết quả này và từ chối nhận thua. “Đó là một hệ thống suy đồi. Chúng tôi có rất nhiều bằng chứng”, Trump tuyên bố tại Nhà Trắng hôm 5/11, chỉ trích kết quả bầu cử có lợi cho Biden.
Chiến dịch của Trump đồng thời tiến hành cuộc chiến pháp lý quy mô lớn bằng cách nộp một loạt đơn kiện tại nhiều bang với cáo buộc có gian lận bầu cử trên diện rộng.
Trong đơn kiện tại hạt Montgomery, bang Pennsylvania , chiến dịch của Trump cáo buộc giới chức bầu cử đã đếm 592 phiếu bầu vắng mặt và qua thư bất hợp pháp, mà theo họ đáng lẽ phải bị loại bỏ do “những sai sót”. Tại phiên điều trần ở Montgomery hôm 10/11, một thẩm phán buộc luật sư Jonathan Goldstein đại diện cho chiến dịch của Trump đưa bằng chứng về số phiếu bầu gian lận này.
“Tôi đang đặt một câu hỏi cụ thể và muốn một câu trả lời cụ thể. Có phải ông đang cáo buộc rằng có tình trạng gian lận liên quan đến 592 phiếu bầu đã được chấp nhận này hay không?’, thẩm phán hỏi.
“Theo tôi được biết cho tới nay thì câu trả lời là không”, luật sư Goldstein đáp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lễ tưởng niệm nhân Ngày Cựu binh tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington, bang Virginia, hôm 11/11. Ảnh: AFP .
Tình huống tương tự cũng diễn ra tại các tòa án khác thuộc những bang mà Trump đang đấu tranh pháp lý. Paul Diamond, một thẩm phán khác ở Pennsylvania, được luật sư của Trump đề nghị ra lệnh ngừng kiểm phiếu, với lý do những quan sát viên thuộc đảng Cộng hòa không được phép chứng kiến quá trình này.
Tuy nhiên, khi thẩm phán Diamond hỏi lại rằng quan sát viên của đảng Cộng hòa có hiện diện trong phòng khi quá trình kiểm phiếu diễn ra hay không, luật sư của Trump xác nhận có đại diện của đảng Cộng hòa trong quá trình đó.
“Vậy, vấn đề của ông ở đây là gì?”, thẩm phán Diamond nói, trước khi bác bỏ vụ kiện.
Các vụ kiện do chiến dịch của Trump tiến hành tại Arizona, Georgia, Michigan và Nevada cũng đã thất bại. Đồng minh của Trump tuyên bố 10.000 người đã bỏ phiếu bất hợp pháp tại bang Nevada, nơi Biden chiến thắng và giành 6 phiếu đại cử tri. Tuy nhiên, đơn kiện nộp lên tòa án chỉ nêu ra duy nhất một trường hợp.
“Chiến thắng” pháp lý được coi là lớn nhất của phe Cộng hòa diễn ra tại bang chiến trường chủ chốt Pennsylvania, nơi Tòa phúc thẩm của bang bác một quyết định của Tổng thư ký cho phép gia hạn thời gian xác minh nhân thân cử tri gửi phiếu bầu qua thư. Tuy nhiên, số phiếu bị ảnh hưởng bởi phán quyết này được cho là quá nhỏ để “đổi màu” Pennsylvania từ xanh sang đỏ, bởi Biden đang dẫn trước hơn 50.000 phiếu tại bang này.
Ngoài các đơn kiện, Trump và đồng minh còn thúc đẩy nhiều cáo buộc khác, nhưng dường như không đủ tin cậy . Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham và Bộ trưởng Tư pháp William Barr dẫn lời một nhân viên bưu điện liên bang tuyên bố rằng các giám sát viên đã giả mạo phiếu bầu. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Washington Post, nhân viên này sau đó thừa nhận với các điều tra viên rằng đã bịa đặt câu chuyện.
Trong nửa thế kỷ qua, chỉ có ba lần kết quả bầu cử trên phạm vi toàn bang thay đổi sau khi kiểm phiếu lại, bao gồm cuộc chạy đua vào thượng viện ở New Hampshire năm 1974, bầu cử thống đốc ở bang Washington năm 2004 và tranh cử vào thượng viện ở Minnesota năm 2008. Các ứng viên trong những cuộc đối đầu này có cách biệt lần lượt 355, 261 và 215 phiếu sau ngày bầu cử.
Trong khi đó, tại các bang mà Trump thách thức pháp lý, số phiếu cách biệt giữa ông và Biden quá lớn . Tính đến ngày 11/11, Biden dẫn trước Trump 20.540 phiếu ở Wisconsin, 49.064 phiếu ở Pennsylvania, 146.123 phiếu ở Michigan, 12.614 phiếu ở Arizona, 36.870 phiếu ở Nevada và 14.108 phiếu ở Georgia.
Để giành chiến thắng, Trump phải chứng minh có sự gian lận mang tính hệ thống, với số phiếu bất hợp pháp lên tới hàng chục nghìn. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có bằng chứng xác đáng cho các cáo buộc như vậy.
Cơ hội lật ngược thế cờ của Trump sẽ bị thu hẹp nhanh chóng khi các bang bắt đầu xác nhận kết quả bầu cử theo thời hạn quy định, tại Georgia là ngày 20/11, sau đó là Pennsylvania và Michigan vào ngày 23/11, Arizona ngày 30/11, Wisconsin và Nevada ngày 1/12.
Vào thời hạn này, nghị viện và thống đốc các bang sẽ phải chứng nhận kết quả bầu cử, lập danh sách đại cử tri để gửi tới Thượng viện xác nhận. Một khi danh sách đại cử tri được lập, con đường kiện tụng của Trump sẽ càng khó khăn gấp bội. Cơ hội lật ngược tình thế sẽ khép lại khi đại cử tri đoàn họp vào ngày 14/12 để bỏ phiếu bầu tổng thống.
Những cuộc bầu cử gây tranh cãi trong lịch sử Mỹ. Video: Washington Post.
Đội ngũ pháp lý của Trump được cho là đã thảo luận về phương án đệ đơn kiện nhằm ngăn hoặc trì hoãn việc xác nhận kết quả bầu cử ở các bang, động thái cần tới những bằng chứng rất thuyết phục mà các luật sư trong chiến dịch của Trump chưa thể đưa ra.
Một số người còn nêu giả thuyết rằng Trump sẽ thuyết phục những nghị viện bang do phe Cộng hòa kiểm soát, bao gồm Arizona, Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, phớt lờ kết quả bầu cử phổ thông của bang và chỉ định các đại cử tri trung thành với Tổng thống.
Theo quy định, nghị viện bang là nơi lập danh sách đại cử tri đã được ứng viên thắng cử đưa ra từ trước. Danh sách này sẽ được thống đốc bang ký tên, đóng dấu để gửi lên Thượng viện Mỹ chứng nhận. Trên lý thuyết, Trump có thể dựa vào nghị viện và thống đốc ủng hộ ông để lập một danh sách đại cử tri hoàn toàn khác.
Tại những bang đảng Cộng hòa kiểm soát nghị viện, còn thống đốc thuộc phe Dân chủ, bao gồm Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, họ có thể nộp hai danh sách đại cử tri song song lên Thượng viện.
Nếu Trump và các đồng minh chọn phương án này, hỗn loạn có nguy cơ xảy ra, dẫn đến thế bế tắc tại quốc hội, buộc Tòa án Tối cao Mỹ phải đứng ra giải quyết. Tuy nhiên, viễn cảnh đó được đánh giá rất xa vời.
Theo Karl Rove, một chiến lược gia của đảng Cộng hòa, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đã đúng khi nói rằng Trump “100% có quyền” đưa các cáo buộc gian lận ra tòa. Tuy nhiên, nỗ lực của Tổng thống không có khả năng xoay chuyển chiến thắng của Biden ở bất cứ bang nào, và chắc chắn không đủ để thay đổi kết quả chung cuộc, Rove nhận định.
Hàng ngũ ủng hộ Trump trong đảng Cộng hòa dường như đã có dấu hiệu tìm cách hạ nhiệt căng thẳng và tránh một cuộc khủng hoảng hiến pháp có thể xảy ra. Thượng nghị sĩ Marco Rubio của Florida và James Lankford của Oklahoma tuần này cho biết họ ủng hộ khởi động quá trình chuyển giao quyền lực cho Biden cùng đội ngũ của ông, bao gồm chia sẻ những báo cáo mật mà chính quyền Trump vẫn chưa đồng ý cung cấp cho Tổng thống đắc cử.
Rove cho rằng việc chấm dứt những nỗ lực kiện tụng vô ích và khép lại cuộc bầu cử năm nay là một bước đi khó khăn nhưng cần thiết, để tiến tới khôi phục đoàn kết và cân bằng chính trị của nước Mỹ. “Khi những vụ kiện tụng chấm dứt, Tổng thống Trump nên làm phần việc cần làm để đoàn kết đất nước, bằng cách chấp nhận một quá trình chuyển giao hòa bình và để những bất đồng trôi vào dĩ vãng”, Rove nêu ý kiến.
Trump: 'Thắng thì dễ, thua không bao giờ dễ'
Trump ca ngợi chiến dịch tranh cử của mình đã làm tốt ở những các bang chiến trường và nói rằng chiến thắng là điều dễ dàng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm trụ sở chiến dịch tranh cử quốc gia của ông ở Arlington, bang Virginia, vào 13h chiều 3/11. Đây là điểm dừng chân cuối cùng của Trump trong ngày bầu cử và nằm cách Nhà Trắng không xa.
Đến muộn một tiếng so với dự kiến, ông được hàng chục người ủng hộ chờ sẵn ở đây vẫy chào bằng cờ và các biểu ngữ.
"Tôi nghĩ chúng ta sẽ có một đêm tuyệt vời và 4 năm tuyệt vời", ông nói. "Tôi nghĩ các bạn sẽ chứng kiến một vài kết quả to lớn".
Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm trụ sở chiến dịch tranh cử quốc gia của ông ở Arlington, bang Virginia, vào chiều 3/11. Ảnh: AFP.
Tổng thống Mỹ đã trò chuyện khoảng 13 phút với hầu hết các nhân viên và tình nguyện viên trẻ tuổi. Gần như tất cả đều đeo khẩu trang, dù Trump không đeo. Ông khen ngợi nhóm chiến dịch tranh cử đã làm rất tốt về việc thu hút cử tri ở các bang chiến trường phía nam, bao gồm Florida, Texas và Arizona.
Khi được phóng viên hỏi liệu có đang chuẩn bị một bài phát biểu chiến thắng hay nhượng bộ nếu thất bại, Trump đáp rằng không.
"Tôi chưa nghĩ về phát biểu nhượng bộ hay chấp nhận chiến thắng", ông nói. "Thắng thì dễ. Thua không bao giờ dễ dàng, đối với tôi thì không".
Vào 18h30, Tổng thống Trump đã gọi đến các show trò chuyện qua radio ở hai bang chiến trường Pennsylvania và Wisconsin, chỉ vài tiếng trước khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa. Ông tiếp tục bày tỏ tự tin rằng sẽ chiến thắng ở những bang quan trọng như Bắc Carolina và Flordia và mong chờ một đêm "tuyệt vời".
Ông đã dự kiến gọi đến show của người dẫn chương trình bảo thủ Mark Levin sau hai cuộc phỏng vấn trên nhưng sau đó hủy kế hoạch.
Giám đốc Truyền thông Nhà Trắng Alyssa Farah cho biết tối 3/11, Tổng thống Mỹ theo dõi kết quả bầu cử với các cố vấn cấp cao và thành viên gia đình từ Cánh Đông. Những người cùng theo dõi bầu cử với Tổng thống Trump sẽ được kiểm tra y tế và nhiệt độ.
Bà tthêm rằng Trump đang "có tâm trạng tuyệt vời" và "rất háo hức" với kết quả bầu cử. Theo lời Farah, Tổng thống Trump dường như dự định xuất hiện công khai từ Nhà Trắng vào tối 3/11 song không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào. Bà tái khẳng định Tổng thống sẽ không tuyên bố chiến thắng trước khi cuộc đua kết thúc.
Bà Melania khoác tay người hộ tống phía sau ông Trump, dư luận xôn xao Hôm 11/11, ông Trump lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng kể từ khi ông Biden được truyền thông "xướng tên" là người chiến thắng bầu cử Mỹ 2020. Nhưng nhiều sự chú ý lại đổ dồn vào hành động sau lưng ông Trump của Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania. Bà Melania đi phía sau ông Trump khi cả 2 tham...