“Cuộc chiến” Mỹ – Nga Ở Syria
Theo nhật báo Mỹ The Atlantic, số người phải chết vì loạn lạc ở Syria trong 15 tháng qua có thể từ 10.000-14.000 người. Trên tổng dân số khoảng 22 triệu người sống trên diện tích 100.000km2, số người chết oan này không phải là ít.
Họ phải chết vì điều gì?
Bạo lực leo thang tại Syria buộc các quan sát viên Liên Hiệp Quốc hoãn mọi hoạt động vào ngày 16-6. Trong ảnh: chiến sự tại Homs ngày 13-6 – Ảnh: Reuters
Tuần trước, kênh CNN đã phát đi một bài mang tựa đề “Có phải Syria đang ở trong một cuộc nội chiến?”. Đáng nói là CNN đã trích phát biểu của giáo sư Anuradha Chakravarty thuộc Đại học South Carolina (Mỹ) về nguồn gốc của diễn biến này: “Syria đã không khởi sự như là một trường hợp nội chiến do lẽ phe đối lập với chính quyền đã chủ yếu nổi lên như một vụ nổi dậy quần chúng vào tháng 3-2011. Thế nhưng, sau đó vào cuối năm, Quân đội Syria tự do đã biến thành một cuộc nổi loạn vũ trang chống chính phủ, một cuộc nội chiến” (1).
Khí CNN giải thích nội chiến Syria
Video đang HOT
Thế nhưng, nội chiến là gì? Sợ rằng người Mỹ chính cống hiểu lầm, CNN trích giải thích của Stephen Biddle, một chuyên viên cao cấp của Hội đồng đối ngoại Mỹ: “Đó là một cuộc xung đột giữa ít nhất một bên không phải là nhà nước, với ít nhất 1.000 trường hợp chết do chiến trận và mỗi bên thiệt mạng tối thiểu cả trăm người. Dân (Mỹ) thường khi nói đến nội chiến dễ liên tưởng đến những hình ảnh (đẹp đẽ) của cuộc nội chiến Mỹ và từ đó có một cái nhìn mơ hồ về cuộc xung đột cực kỳ tồi tệ ở Syria. Định nghĩa khoa học về nội chiến khớp hoàn toàn với cuộc nội chiến Syria, như đã từng khớp với Iraq trong thập niên trước” (2).
“Khi bầu cử tổng thống Mỹ đã gần kề, bất cứ một cuộc phiêu lưu quân sự nào trực tiếp hay gián tiếp cũng phải tránh né, nhất là khi bài học can thiệp Afghanistan (năm 2001), rồi Iraq (năm 2003) của ông Bush đã là quá thê thảm: 4.807 quân nhân Mỹ chết, 1.343 tỉ USD chiến phí”
Tại sao CNN lại phải cất công giải thích nội chiến Syria là gì, đồng thời lại nhắc đến cuộc nội chiến tồi tệ Iraq trong giải thích đó? Chẳng qua để định hướng dư luận tránh xa một giải pháp can thiệp chính thức của Mỹ bằng quân sự. Đúng như phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trước tiểu ban quân vụ Hạ viện Mỹ trước đó hai tháng, vào hạ tuần tháng 4: “Cách tiếp cận của chúng ta là đặt mọi khả năng chọn lựa lên bàn, song phải thừa nhận những hạn chế của (việc sử dụng) sức mạnh quân sự”.
Nói cách khác, “chường mặt ra” như ở Libya thì không được vì những lý do sau, cũng theo Bộ trưởng Panetta: “Ở Libya đã có một sự hậu thuẫn rộng rãi quốc tế, trong thế giới Ả Rập và các nơi khác cùng một sự cho phép rõ rệt của Hội đồng Bảo an. Đối với Syria đã không có một sự đồng thuận như thế. (Mặt khác) phe đối lập vẫn chưa được tổ chức tốt và chưa kiểm soát được lãnh thổ”.
Song, không “chường mặt ra” cũng không đơn giản, Bộ trưởng Panetta cân nhắc thiệt hơn với Hạ viện Mỹ: “Chúng ta cần cảnh giác, như Ngoại trưởng Clinton đã lưu ý, rằng khả năng can thiệp quân sự từ bên ngoài sẽ khiến cho tình hình vốn đang nghiêng ngửa trở nên tồi tệ hơn, khiến nhiều dân thường gặp bất trắc hơn nữa” (3).
Tại sao ông Panetta lại thận trọng tột độ? Khi nói rằng “phe đối lập ở Syria không được tổ chức tốt”, ông Panetta muốn nói đến việc Tổ chức Al-Qaeda mà nước Mỹ chinh chiến suốt từ mười năm qua bỗng dưng lại có mặt trong thành phần Quân đội Syria tự do!
Trong một điều trần tại hạ viện hồi tháng 2, giám đốc tình báo quốc gia James Clapper phải than: “Các vụ đánh bom ở thủ đô Damascus và Aleppo đều mang dấu ấn của Al-Qaeda, buộc phải tin rằng phe này đã xâm nhập được vào trong nội bộ phe chống đối ở Syria, rằng phe nổi loạn ở Iraq cũng đã với tới tận Syria, và rằng một khi Chính phủ Syria sụp đổ sẽ dẫn đến sự trống vắng quyền lực khiến cho phe cực đoan trám vào, tạo thành một diễn biến gây rối rắm” (4)…
Trên một bình diện khác, khi bầu cử tổng thống Mỹ đã gần kề, bất cứ một cuộc phiêu lưu quân sự nào trực tiếp hay gián tiếp cũng phải tránh né, nhất là khi bài học can thiệp Afghanistan (năm 2001), rồi Iraq (năm 2003) của ông Bush đã là quá thê thảm: 4.807 quân nhân Mỹ chết, 1.343 tỉ USD chiến phí (theo costofwar.com) còn lớn hơn nhiều so với tổng số nợ đủ loại mà Trung Quốc đang nắm giữ của Mỹ vốn mới chỉ 1.200 tỉ USD!
Căn cứ duy nhất của hải quân Nga ở hải ngoại
“Nắm tẩy” Mỹ như thế, đối thủ truyền kiếp của Mỹ ở khu vực Trung Đông là Nga bèn thọc sâu vào địa bàn đã và đang là “sân trước” của mình. Nếu đếm lại tất cả các cuộc chiến tranh Trung Đông từ khi Israel lập quốc tới giờ sẽ thấy hai bên luôn chia phe hà hơi tiếp sức: một bên ôm chặt lấy Israel, một bên ôm cứng lấy các đối thủ Ả Rập của Israel.
Kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, Mỹ bị hất văng khỏi tiền đồn Iran ngay trước mũi Liên Xô từ thời quốc vương Pahlavi, đối thủ Liên Xô, rồi thì Nga trám vào chỗ trống, thậm chí đổ quân ngay tháng 12 năm đó vào Afghanistan để kéo thành một vòng cung phòng thủ che chắn toàn bộ biên giới phía tây nam đồng thời trổ ra vịnh Ba Tư. Phải mất mười năm để Liên Xô nhận ra rằng Afghanistan là một bãi lầy buộc lòng phải rút ra.
Thành ra, không lấy làm lạ Iran trở thành đồng minh sinh tử của Liên Xô rồi Nga trong vùng Vịnh, và nay Syria cũng thế trên Địa Trung Hải khi nước Nga ngày nay đã có thể vươn vai trở lại, sau gần hơn chục năm chịu đựng vô vàn đắng cay dưới trào tổng thống Boris Yeltsin.
Chủ nhật vừa qua có tin tàu đổ bộ Nikolay Filchenkov chở theo vũ khí và lính biệt kích Nga đang được điều động đến cảng Tartus (5). Không phải nay tàu chiến Nga mới trực chỉ Syria, mà thậm chí từ tháng 1 rồi tháng 2, hai tàu hải quân Nga cùng một đơn vị lính thủy đánh bộ chống khủng bố đã đến đóng căn cứ tại cảng Tartus của Syria, biến cảng này thành căn cứ duy nhất của hải quân Nga ở hải ngoại. Một trong hai tàu đó là một tàu vận tải đã chở theo vũ khí tiếp tế cho Tổng thống Bashar al-Assad.
Lần đó, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov tuyên bố: “Việc Nga cung cấp vũ khí cho Syria phù hợp với luật pháp quốc tế, hợp tác quân sự Nga – Syria hoàn toàn chính đáng”.
Trả lời câu hỏi về sự hiện diện của quân nhân Nga được alarabiya.net trích đăng, ông Antonov phát biểu: “Khi cung cấp vũ khí, chúng tôi còn cung cấp tập huấn. Đó là một phần của nghĩa vụ hợp đồng”. Tháng 4 năm nay, một khu trục hạm mang tên lửa khác cập bến thế chỗ. Tin tức mới nhất cho biết Nga đang chở tên lửa phòng không và phòng duyên cho Syria.
Tổng giám đốc Anatoly Isaykin của Công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport răn đe: “Các tên lửa này có thể bắn hạ bất cứ máy bay, tàu chiến nào của Mỹ hay phương Tây muốn can thiệp vào Syria” (6). Tin này được đưa ra ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tố cáo Nga cung cấp trực thăng vũ trang cực mạnh cho Syria.
Ngược lại, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cũng tố cáo Mỹ cung cấp vũ khí cho phe nổi loạn. Trong bối cảnh đó, việc Quân đội Syria tự do tuần trước gặp đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford và chuyên viên đặc trách Syria của Bộ Ngoại giao Mỹ Fred Hof để yêu cầu “bật đèn xanh” tấn công cũng như câu trả lời “đừng hỏi liệu sẽ cho phép hay không mà là khi nào!” (7) là một đòn gió thêm nữa của hai phe trước thềm cuộc gặp Obama – Putin tại thượng đỉnh G-20 Mexico đầu tuần này.
Theo Tuổi Trẻ