Cục trưởng Nhà giáo càng giải thích, giáo viên như tôi càng hoang mang
Bộ Giáo dục khẳng định giáo viên được đơn vị cử đi học chứng chỉ để dạy môn tích hợp thì không phải đóng kinh phí nhưng chất lượng đào tạo thế nào thì còn bỏ ngỏ.
Xung quanh những thắc mắc của các nhà giáo về kinh phí bồi dưỡng chương trình 02 môn tích hợp bậc trung học cơ sở trong Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và 2455/QĐ-BGDĐT ngày 21/7/2021, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, “nếu giáo viên được nhà trường cử đi học tập bồi dưỡng thì kinh phí do đơn vị cử đi bồi dưỡng chi trả.
Chỉ trong trường hợp, giáo viên tự đi bồi dưỡng theo nguyện vọng cá nhân hoặc những người có bằng đại học ngành khác muốn đi học để dự tuyển làm giáo viên thì mới phải tự chi trả kinh phí”. [1]
Băn khoăn về cách giải thích của Cục trưởng Cục Nhà giáo
Ngày 12/8/2021, trả lời Báo VietNamNet về việc giáo viên xôn xao trước thông tin phải tự trả kinh phí để theo học để lấy chứng chỉ tích hợp, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục giải thích “nhiều người nhầm lẫn” bởi các lí do sau đây.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: etep.moet.gov.vn.
Thứ nhất , “đây là chương trình bồi dưỡng giáo viên hằng năm. Có thể gọi là chuẩn chung, giáo viên dạy môn nào sẽ có chuẩn bồi dưỡng của môn đó. Theo quy định của Luật Viên chức, mỗi năm, giáo viên đều có khoảng thời gian nhất định để tham gia đào tạo, bồi dưỡng.
Những mô-đun này cho những người mới bắt đầu. Sau khi học xong các mô-đun này, ở các năm tiếp theo, giáo viên sẽ chỉ phải tham gia đào tạo theo hướng cập nhật những điểm mới mà thôi”.
Cá nhân người viết cho rằng, nội dung này không liên quan đến những thắc mắc của giáo viên về việc phải đóng tiền học chứng chỉ tích hợp, chứ không phải chuyện bồi dưỡng các mô-đun. Bởi Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT hướng dẫn kinh phí bồi dưỡng giáo viên từ 3 nguồn, trong đó có nguồn do người học tự đóng góp.
Thứ hai , “riêng với lớp 6 năm nay, Bộ Giáo dục đã có khóa tập huấn riêng về việc dạy học, thay đổi sách giáo khoa mới. Sau khi sách giáo khoa được nghiệm thu, các nhà xuất bản cũng tổ chức tập huấn cho giáo viên.
Có thể các giáo viên khối lớp 6 năm nay sẽ cập nhật chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở này sau. Chứ giờ vừa ban hành làm sao đủ 3 tháng mà chuẩn bị kịp cho năm học mới. Đây chỉ là chương trình bồi dưỡng giáo viên hằng năm, không phải ngay cho số giáo viên dạy lớp 6 năm học này”.
Là một nhà giáo đang đứng lớp và tham gia các khóa tập huấn chương trình phổ thông mới, người viết thấy rằng, khóa tập huấn riêng về dạy học (tích hợp), cho đến thời điểm này giáo viên chưa được học. Còn chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học (9 mô-đun) là tập huấn đơn môn – khác với tích hợp.
Điều đáng quan tâm là, giáo viên dạy khối 6 năm nay có thể không cần phải bồi dưỡng chương trình vì thời gian không còn nữa? Vậy thì, môn ai người đó dạy, mặc dù tên gọi 2 môn học mới là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí. Còn các chủ đề tích hợp của môn Khoa học tự nhiên thì các giáo viên vẫn phải dạy chung.
Thứ ba , “mọi việc vẫn đang tiến hành theo lộ trình. Khoảng 4 năm nữa, các trường sư phạm sẽ có lứa sinh viên tốt nghiệp đầu tiên là giáo viên dạy tích hợp liên môn. Còn hiện nay, giáo viên Địa lý sẽ được bồi dưỡng kiến thức Lịch sử để có thể dạy được và ngược lại. Ở đâu, chất lượng không đáp ứng được thì buộc phải phân 2 giáo viên của 2 môn học để cùng dạy tích hợp”.
Như thế, phải mất 4 năm sau kể từ năm học 2021-2022 thì mới có giáo viên dạy tích hợp bài bản, còn bây giờ dạy học chương trình mới chỉ là “chữa cháy”. Nhà trường cứ phân công giáo viên giảng dạy sao cho phù hợp với tình hình đơn vị, nếu chất lượng dạy học không đảm bảo thì phân 2 giáo viên của 2 môn học để cùng dạy tích hợp – sao tôi nghe cứ thấy giải thích của Cục trưởng nó cứ luẩn quẩn, rối rắm thế nào ấy.
Video đang HOT
Hơn nữa, sau khi “lứa sinh viên tốt nghiệp đầu tiên là giáo viên dạy tích hợp liên môn ra trường”, thì số phận của rất nhiều giáo viên 5 môn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý) đang giảng dạy bậc trung học cơ sở sẽ đi đâu, về đâu?
Dạy học tích hợp kiểu “bắc nước đuổi gà”
Ngày 21/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý. Theo các quyết định này, thời gian bồi dưỡng là 3 tháng.
Chẳng hạn như, với chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý, việc bồi dưỡng có thể được thực hiện theo 1 trong 2 phương án: học tập trung, liên tục (có thể học vào kỳ nghỉ hè hoặc mỗi tháng một đợt từ 3 đến 4 ngày vào cuối tuần); theo hình thức tích lũy tín chỉ. Người học chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng sau khi tích lũy đủ số tín chỉ quy định.
Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT được sửa đổi bởi Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT thì thời gian nghỉ hè của giáo viên là 02 tháng. Nhưng trong 2 tháng này giáo viên cũng khó được nghỉ trọn vẹn để tham gia học chứng chỉ tích hợp. Giáo viên còn phải tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, học chính trị hè, tham gia công tác tuyển sinh 10 (coi thi, chấm thi)…
Còn phương án học mỗi tháng một đợt từ 3 đến 4 ngày vào cuối tuần cũng khó khả thi, bởi giáo viên dạy học cả tuần ít nhất 19 tiết, rất mệt mỏi, cần có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Chưa kể, việc dạy và học bồi dưỡng liên tục như thế thì giáo viên lấy đâu ra thời gian để lo cho gia đình?
Cho dù giáo viên học theo hình thức tích lũy tín chỉ cũng cần phải có thời gian học theo thời khóa biểu của cơ sở đào tạo, không phải cứ rảnh là học thì tích lũy được. Hơn nữa, học theo tín chỉ, giáo viên được phép kéo dài thời gian học (hơn 3 tháng), khó hoàn thành bồi dưỡng theo quy định.
Có thể nhận thấy, năm học 2021-2022, giáo viên không thể bồi dưỡng theo tiến độ để dạy học tích hợp, quỹ thời gian còn lại rất ít. Vậy nên, việc dạy 2 môn tích hợp khó tránh khỏi kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.
Nhìn chung, người viết nhận thấy vấn đề sau khi Bộ Giáo dục ban hành một số văn bản thì giáo viên đều dấy lên những lo ngại vì những chỉ đạo thiếu tường minh không chỉ diễn ra một lần. Ví như Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường hay việc yêu cầu giáo viên viết phiếu nhận xét trong sổ theo dõi, học bạ cho học sinh… là những minh chứng sống.
Thiết nghĩ, đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải rà soát lại đội ngũ tham mưu ở các cục, vụ cũng như các cá nhân tham mưu những văn bản này để tránh lỗi sai sót để rồi sau đó lại phải loay hoay giải thích.
Cách giải thích như của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cũng không khác cách giải thích về “thư công tác” liên quan đến mẫu giáo án theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH của Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học. Là một nhà giáo đang đứng lớp mà còn “hiểu lầm”, “hiểu chưa đúng” văn bản của Bộ như lời giải thích của Cục trưởng, càng nghe, nhà giáo như tôi càng cảm thấy hoang mang.
Tài liệu tham khảo:
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/thuc-hu-thong-tin-giao-vien-phai-dong-tien-hoc-boi-duong-day-tich-hop-758262.html
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/xin-bo-dung-de-giao-vien-bi-tan-thu-tien-hoc-chung-chi-boi-duong-mon-tich-hop-post220052.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Dạy tích hợp, ai đứng ra bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên và câu chuyện 'quả bóng' trách nhiệm
Năm học sắp đến nhưng giáo viên tích hợp vẫn chưa được bồi dưỡng chuyên sâu. Nhà trường sẽ phải bồi dưỡng kiến thức cho những giáo viên này thế nào?
Khá nhiều thầy cô giáo bậc trung học cơ sở đang rất băn khoăn, lo lắng về những môn học tích hợp. (Nguồn: Dân trí)
Năm học 2021 - 2022 chương trình mới sẽ được triển khai ở lớp 2 và lớp 6. Khá nhiều thầy cô giáo bậc trung học cơ sở đang rất băn khoăn, lo lắng về những môn học tích hợp.
Cụ thể, không còn đơn môn Lý, Hóa, Sinh, Lịch sử, Địa lý mà thay vào đó là 2 môn học tích hợp Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý lần đầu tiên được đưa vào giảng dạy trong ngành giáo dục ở nước ta.
Môn Khoa học tự nhiên, được thiết kế thành 3 mạch chủ đề Vật lý, Hóa học, Sinh học; Hai môn học độc lập Lịch sử, Địa lý trước đây sẽ được gộp thành môn Lịch sử & Địa lý. Nội dung của mỗi mạch chủ đề, phân môn, vừa có tính độc lập vừa liên kết và hỗ trợ cho nhau.
Không phải giáo viên nào cũng dạy được môn tích hợp
Vì sao một số giáo viên lại băn khoăn, lo lắng khi phải dạy môn tích hợp? Chúng tôi đã đem thắc mắc này hỏi một số đồng nghiệp của mình hiện đang giảng dạy các môn Lý, Hóa, Sinh, Lịch sử và Địa lý trong chương trình hiện hành tại bậc trung học cơ sở. Vì là người trong nghề nên cũng dễ tiếp cận, các thầy cô giáo cũng rất thẳng thắn chia sẻ, có điều đề nghị người viết bài không nêu tên và trường học nơi các bạn ấy đang công tác.
Thầy giáo S. một giáo viên cốt cán môn Lý của huyện, một tổ trưởng chuyên môn với khá nhiều thành tích giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh khẳng định chắc chắn: "Bản thân em sẽ không thể dạy được môn Hóa, môn Sinh chứ nói gì đến nhiều thầy cô giáo khác".
Nói rồi thầy S. cho biết, gần 30 năm trước trong trường sư phạm thầy cũng chỉ được đào tạo môn Lý. Gần 30 năm nay, đứng lớp cũng chỉ đầu tư giảng dạy mình môn Lý nên nay bảo dạy kiêm 2 môn Hóa và Sinh sẽ không dễ dạy chút nào".
Cô giáo H. người có bằng thạc sĩ Sinh học cũng nói thẳng với chúng tôi rằng: "Tôi là giáo viên dạy Sinh gần 20 năm, giờ phải dạy Lý, Hoá tôi cũng chẳng biết dạy làm sao".
Nói rồi cô khẳng định như đinh đóng cột: "Em không dạy được đâu, có tập huấn bao nhiêu đi nữa cũng khó mà dạy lắm".
Cô giáo H. dạy Hóa nói tập huấn chỉ học thêm về phương pháp, nhưng để dạy Lý, dạy Sinh giáo viên phải cần có kiến thức. Nhưng học sư phạm thì học đơn môn, bao năm đi dạy cũng chỉ dạy đơn môn, nay bảo dạy thêm Lý, Sinh làm sao có thể dạy được?
Cô dạy Hóa kể rằng có một vài lần mình bận việc nên nhờ giáo viên dạy môn Sinh dạy hộ sau khi đã đưa giáo án có kèm những bài giải chi tiết một số bài tập trong sách giáo khoa. Vậy mà, cô dạy Hóa liên tục nhận được điện thoại "giải cứu" của cô giáo dạy Sinh.
Hóa ra, học sinh lớp ấy không giải bài tập bằng cái cách mà cô dạy Hóa ghi trong giáo án, em học sinh có cách giải hoàn toàn khác. Cô giáo dạy Sinh chẳng biết có đúng không nên gọi cô dạy Hóa xác nhận trước khi công bố với học trò.
Cũng đã có giáo viên dạy Lý khi dạy dùm môn Hóa không đồng ý với cách giải khác của trò và tranh cãi lại nổ ra cho đến khi giáo viên dạy môn ấy "phân xử".
Thầy giáo M. giáo viên dạy Địa thì nói rằng, nếu phải dạy thêm môn Sử thì nhìn giáo án cũng dạy được, có điều để dạy sâu, dạy tốt thì không dám chắc.
Khó nằm ở kiến thức
Cái mà những giáo viên này thiếu, là yếu về kiến thức chứ không phải yếu kĩ năng. Trong giáo dục, giáo viên yếu kĩ năng sẽ được bù đắp bằng việc tập huấn, việc học hỏi đồng nghiệp, nhưng đã yếu về kiến thức "xem như bó tay".
Sẽ có nhiều bài toán, bài lý, hóa trong sách giáo khoa dạy cho học sinh nhưng có thầy cô làm còn không ra nói gì đến việc dạy tích hợp chéo môn. Thực tế chất lượng thầy cô như vậy, đào tạo lại để đáp ứng việc dạy tích hợp cũng có khả quan hơn không?
Năm học sắp đến rồi nhưng giáo viên tích hợp vẫn chưa được bồi dưỡng chuyên sâu.
Cựu Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng từng thừa nhận, tích hợp không chỉ phương pháp mà còn cần kiến thức: "Các thầy cô dạy các môn tích hợp phải được bồi dưỡng nhịp nhàng, không phải chỉ cơ học về mặt phương pháp. Bộ sẽ có hướng dẫn chi tiết".
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ Trưởng vụ giáo dục trung học cho biết, việc tập huấn trước mắt đối với các giáo viên đang thực hiện chương trình hiện hành với các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học.
"Việc tập huấn này đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Song song với đó, chương trình đào tạo trong các trường sư phạm cũng sẽ được thiết kế theo hướng xây dựng mã ngành này để bắt đầu tuyển mới, đào tạo phần kiến thức của môn Khoa học tự nhiên chứ không phải kiến thức riêng của từng môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Dần dần chúng ta sẽ có lứa sinh viên mới ra trường thực hiện giảng dạy môn Khoa học tự nhiên", ông Nguyễn Xuân Thành cho hay.
Thế nhưng, cho đến thời điểm này, giáo viên các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử và Địa vẫn chưa được tập huấn chuyên sâu về kiến thức như cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục từng nói. Ngược lại, Bộ GD&ĐT lại đá "quả bóng" trách nhiệm cho nhà trường trong việc bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên.
Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH mới đây có hướng dẫn: "Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học"...
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết: "Với đội ngũ giáo viên hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao quyền chủ động cho các nhà trường và sẽ có hướng dẫn để các trường tự tin trong việc bố trí phân phối chương trình và phân công giáo viên dạy họ"...
Nhà trường sẽ phải bồi dưỡng kiến thức cho những giáo viên này thế nào? Ai sẽ đứng ra bồi dưỡng quả là một nhiệm vụ bất khả thi.
Trong khi đó, trường sư phạm vẫn chưa đào tạo được lứa giáo sinh ngành Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, ra trường. Vậy thì, giáo viên sẽ dạy tích hợp thế nào cho những tiết dạy thật sự có chất lượng khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là năm học mới được bắt đầu?
Chương trình mới đã triển khai, sách giáo khoa tích hợp cũng đã phát hành, dù muốn hay không thì giáo viên vẫn phải dạy học tích hợp 2 môn học (Lịch sử & Địa lý; Khoa học tự nhiên).
Để dạy học đạt kết quả như mong muốn thì các trường học buộc phải đánh giá năng lực giáo viên một cách thực chất để phân công giáo viên dạy các môn học sao cho thật hợp lý. Có thế, phần thiệt thòi học sinh mới không phải gánh chịu.
*Giáo viên ở Bình Thuận. Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn.
Cục trưởng mách cách học chứng chỉ khỏi tốn tiền, thầy cô đâu hiểu nhầm văn bản Để tránh hiểu nhầm, các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chi tiết, dễ hiểu, đúng ngữ pháp, đúng chính tả, gắn với thực tế. Ngày 21/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT...