Cửa hàng di động mở lại, khách chủ yếu mua máy giá rẻ
Tất cả các cửa hàng kinh doanh hàng công nghệ đều mở trở lại, nhóm sản phẩm tầm trung được mua nhiều hơn.
Từ 23/4, tất cả các cửa hàng điện thoại di động lớn nhỏ trên toàn quốc được mở trở lại. Đến thời điểm hiện tại, khách mua chủ yếu tập trung vào dòng sản phẩm giá thấp.
Ông Huỳnh Phú Hải, chủ chuỗi 6 cửa hàng điện thoại ở TP.HCM, cho biết đã mở cửa trở lại toàn bộ cửa hàng hôm 23/4. Trước đó, hôm 15/4 một số cửa hàng của ông vẫn phải khép tạm cửa cuốn.
“Doanh số ngày tốt nhất đã đạt được khoảng 60-70% so với ngày thường. Khách chủ yếu mua điện thoại cũ là chính”, ông Hải cho biết.
Khách tại một cửa hàng điện thoại sau giai đoạn cách ly.
Chuỗi CellPhoneS cũng mở lại tất cả cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM.
“Khách hàng ở Hà Nội tăng hơn nhiều so với TP.HCM. Một phần do suốt thời gian cách ly xã hội, toàn bộ các cửa hàng tại Hà Nội phải đóng cửa”, đại diện CellPhoneS nói.
Chuỗi này cho biết lượng khách sửa chữa, bảo hành sản phẩm cũng tăng tại các cửa hàng Điện Thoại Vui Hà Nội, do trong thời gian cách ly xã hội các cửa hàng bị đóng cửa và lượng sản phẩm bị lỗi dồn ứ lại.
Ông Hải, chủ cửa hàng sửa chữa điện thoại 14 năm tuổi đời ở TP.HCM, cho biết cửa hàng sửa chữa phục hồi tốt hơn, đạt doanh thu khoảng 80-90% so với ngày thường.
Ở các chuỗi lớn hơn, tình hình kinh doanh dần sáng sủa trở lại. FPT Shop cho hay doanh số cải thiện hơn so với trong thời gian dịch bệnh. Ba nhóm hàng được mua nhiều là: laptop, điện thoại và phụ kiện. Khách hàng chủ yếu chọn mua các sản phẩm ở phân khúc tầm trung.
Video đang HOT
CellphoneS cũng nhận định tương tự. Tại các cửa hàng chuỗi này, smartphone phân khúc giá rẻ – tầm trung bán tốt hơn, máy cao cấp bán chậm.
“Một phần do xu hướng thị trường và một phần cũng có thể phản ánh sự giảm sút trong nhu cầu và khả năng chi tiêu của người dân suốt thời gian dịch”, đại diện CellphoneS nhận xét.
Các sản phẩm thuộc ngành hàng liên quan tới làm việc – học tập, giải trí tại nhà có tăng trong thời gian tháng 3 tháng 4 gồm: laptop, phụ kiện IT, thiết bị mạng – SIM data, máy tính bảng.
Theo đại diện CellphoneS, các dịch vụ sửa chữa laptop cũng tăng do nhu cầu làm việc học tập online tại nhà. Rất nhiều khách hàng chia sẻ rằng cần có máy tính gấp để con cháu học online.
Thịt heo nhập khẩu giá rẻ bán đầy các cửa hàng ở TPHCM
Thịt heo nhập khẩu đang có giá "mềm" hơn so với thịt heo đang bán trong nước từ 30-80%. Nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn thịt heo nhập khẩu để tiết kiệm chi tiêu.
Thịt heo nhập khẩu được bán tại nhiều hệ thống cửa hàng lớn ở TPHCM.
Tại một cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm nhập khẩu trên đường Nguyễn Văn Hưởng (quận 2), thịt heo nhập khẩu được bán với nhiều chủng loại khác nhau và giá cả cũng rất phải chăng.
Cụ thể, bắp giò heo Canada giá 89.000 đồng/kg, móng giò heo Bỉ 95.000 đồng/kg, sườn heo BBQ Canada 109.000 đồng/kg, nạc đùi heo Tây Ban Nha 110.000 đồng/kg, tim heo 120.000 đồng, nạc vai heo Tây Ban Nha 131.000 đồng/kg, ba rọi heo Ba Lan 165.000 đồng/kg...
Chị Nguyễn Thị Nhung (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, chị đã mua thịt heo nhập khẩu về sử dụng vài lần và thấy chất lượng thịt không khác nhiều so với thịt heo trong nước chị thường mua.
"Thịt heo nhập khẩu thì cũng ngon như thịt heo trong nước nhưng có giá rẻ hơn. Hiện nay, thu nhập của tôi đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên tôi ưu tiên mua những sản phẩm có giá tốt hơn", chị Nhung nói.
Cũng theo chị Nhung, nếu mua thịt heo nhập khẩu, mỗi ký thịt heo chị sẽ tiết kiệm được khoảng 30.000 - 40.000 đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay.
Giò heo nhập khẩu có giá 79.000 đồng/kg.
Tại hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh, chân giò và sườn non heo nhập khẩu là những mặt hàng phổ biến nhất tại hệ thống siêu thị này. Chân giò heo nhập khẩu có giá 79.000 đồng/kg, sườn non giá 149.000 đồng/kg.
Ngoài ra, hệ thống cửa hàng này cũng bán thịt cốt lết giá 140.000 đồng/kg, thịt nạc dăm 154.000 đồng/kg, thịt ba rọi 169.000 đồng/kg.
Đại diện một cửa hàng Bách Hóa Xanh tại quận 10 chia sẻ, thịt heo đông lạnh bán tại các cửa hàng được nhập khẩu từ các nước như Nga, Mỹ, Bỉ.
"Sườn heo và chân giò nhập khẩu chúng tôi đang bán rẻ hơn 30 - 50% so với thịt nóng. Sắp tới, giá thịt ba rọi, nạc cổ, nạc vai, cốt lết cũng sẽ bán với giá rẻ hơn thịt nóng khoảng 20 - 30%", đại diện siêu thị nói.
Ông Đặng Văn Thắng, đại diện một doanh nghiệp chuyên bán thịt nhập khẩu tại quận Gò Vấp cho biết, công ty ông đang bán thịt heo nhập khẩu từ Nga, Ba Lan và Canada. Thịt heo đang được bán theo thùng, mỗi thùng nặng từ 10 - 20kg.
Cụ thể, giá chân giò chỉ từ 51.000 - 60.000 đồng/kg, nạc vai heo 77.000 đồng/kg, cốt lết 78.000 đồng/kg, nạc đùi heo 80.000 đồng/kg, sườn non 85.000 đồng/kg...
"Khoảng 2 tuần trở lại đây thì khách hàng mua thịt heo nhập khẩu tăng mạnh do người dân biết thông tin thịt nhập khẩu về nhiều. Chúng tôi bán rất nhiều thịt cho các anh chị kinh doanh online, họ mua về bán lẻ. Lượng thịt bán ra tăng gấp 2 lần so với trước", ông Thắng nói.
Sườn non heo nhập khẩu có giá 149.000 đồng/kg, trong khi giá bán của các doanh nghiệp trong nước là 280.000 đồng/kg.
Trong khi đó, thịt heo do các doanh nghiệp trong nước sản xuất vẫn có giá khá cao.
Tại các siêu thị và hệ thống cửa hàng lớn ở TPHCM, chân giò heo Vissan vẫn ở mức 128.000 đồng/kg, thịt vai 139.000 đồng/kg, thịt đùi 140.000 đồng/kg, cốt lết 138.000 đồng/kg, ba rọi 179.000 đồng/kg, ba rọi rút sườn 250.000 đồng/kg, sườn non 280.000 đồng/kg...
Như vậy, so với thịt heo nhập khẩu, thịt heo do trong nước sản xuất vẫn đắt hơn từ 30 - 80%, tùy vào sản phẩm. Đây là mức chênh lệch khá lớn. Chính vì lý do này mà nhiều người tiêu dùng đang dần thay đổi thói quen và chuyển sang dùng thịt heo nhập khẩu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến cuối tháng 3/2020, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 40.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt heo, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn thịt heo được nhập khẩu nhiều nhất là từ các nước như Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ.
Đặc biệt, trong tháng 3, Việt Nam đã mở cửa cho nhập khẩu thịt heo từ Nga với thuế suất nhập khẩu 0%. Ngay lập tức, một tập đoàn lớn của Nga đã xuất khẩu sang Việt Nam 1.500 tấn thịt heo. Dự kiến, trong tháng 4 và tháng 5/2020 sẽ có khoảng 2.000 tấn thịt heo từ Nga tiếp tục nhập khẩu vào Việt Nam.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, việc nhập khẩu thịt heo tăng mạnh sẽ khiến giá thịt heo trong nước "giảm nhiệt" và giải được bài toán về nguồn cung cho thị trường.
Trước đó, vào giữa tháng 3, Thủ tướng cũng đã chủ trì cuộc họp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT... để bàn về vấn đề bình ổn giá thịt heo.
Tại cuộc họp này, Thủ tướng nêu rõ, giá thịt theo cơ chế thị trường và có vai trò quản lý của Nhà nước. Trong đó có chống đầu cơ, nâng giá bất hợp lý. Thủ tướng nhấn mạnh với các Bộ ngành về tinh thần kiên quyết đưa giá thịt heo giảm xuống (dưới 60.000 đồng/kg thịt heo hơi) trong thời gian tới bằng các biện pháp phù hợp.
Trường hợp doanh nghiệp cố tình đưa giá lên cao thì Thủ tướng sẽ quyết định nhập khẩu thịt heo từ các nước về Việt Nam để giảm giá, phục vụ người tiêu dùng.
Đại Việt
Xoài vào mùa, tràn xuống lề đường, giá rẻ Hiện vào mùa xoài nên nguồn cung dồi dào. Theo đó giá cả mặt hàng này cũng giảm khá mạnh. Đang vào mùa nên giá xoài bán trên thị trường vào thời điểm này khá rẻ. Tuy nhiên, một số cửa hàng lại neo giá xoài ở mức khá cao, thậm chí gấp hai, ba lần so với giá bán tại nhà vườn,...