Cứ phải học đi, học lại những kiến thức đã cũ thầy cô nào không mệt mỏi?
Nhiều khi bước vào học tập, bồi dưỡng thì giáo viên cảm thấy mất đi sự hứng thú vì phải “nghe hoài, đọc mãi” những điều mà mình đã biết, đã làm hàng ngày ở lớp…
Khi học xong chương trình đào tạo cao đẳng hoặc đại học sư phạm thì sinh viên đã được trang bị những kiến thức cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp để đảm nhận việc đứng lớp.
Khi được tuyển dụng và trở thành viên chức của ngành giáo dục thì việc bồi dưỡng, tập huấn hàng năm là chuyện đương nhiên, không có gì phải bàn cãi bởi nếu không học tập thêm cũng đồng nghĩa những thầy cô giáo sẽ bị chững lại về kiến thức, phương pháp…
Song, nhìn từ chương trình đào tạo các chứng chỉ, nhìn từ các đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp sư phạm thì mọi người thấy rằng có rất nhiều kiến thức trùng lặp, chồng chéo nhau. Chính vì thế nên nhiều khi gây ra sự lãng phí về thời gian, tiền bạc cho đội ngũ nhà giáo và ngân sách nhà nước.
Có nhiều chuyên đề bồi dưỡng chương trình mới trùng lặp, chồng chéo (Ảnh chụp từ màn hình)
Một số chuyên đề bồi dưỡng cho giáo viên cứ lặp đi, lặp lại
Bản thân người viết bài này đã từng tham gia một số lớp bồi dưỡng trong những năm qua, cùng với việc tập huấn hàng năm ở nhà trường thì chúng tôi nhận thấy có quá nhiều kiến thức cứ phải học đi, học lại nhiều lần một cách nhàm chán.
Chẳng hạn như các chuyền đề: Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực; Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh;
Tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học; Xây dựng văn hóa nhà trường; Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh…
Những chuyên đề này thì bản thân người viết bài này đã học ở các lớp: Bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông; lớp Bồi dưỡng tổ trưởng chuyên môn; lớp Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II.
Trong các nội dung bồi dưỡng đại trà đang triển khai cho giáo viên về chương trình giáo dục phổ thông 2018; chương trình bồi dưỡng thường xuyên mà Bộ thực hiện trong mấy năm nay thì các chuyên đề này cũng thấy xuất hiện.
Video đang HOT
Ngoài ra, việc bồi dưỡng về chuyên môn cũng được các Sở, Phòng Giáo dục, nhà trường cũng thường xuyên bồi dưỡng các chuyên đề này.
Ví dụ như chuyên đề: “Dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh” thì giáo viên phổ thông được tập huấn từ nhiều năm qua và năm nào các hội đồng bộ môn, nhà trường, tổ chuyên môn cũng xây dựng chuyên đề này để tổ chức thao giảng.
Chính vì thế, khi giáo viên được triệu tập đi học các lớp như: Bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông; lớp Bồi dưỡng tổ trưởng chuyên môn; tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán; Bồi dưỡng đại trà chương trình giáo dục phổ thông 2018, hoặc giáo viên đăng ký học lớp Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thấy như có vẻ quan trọng lắm nhưng khi học tập thì có quá nhiều nội dung cũ kỹ, chồng chéo với nhau.
Thậm chí, nhiều chuyên đề đã có trong Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT Quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên và được các nhà trường đánh giá, xếp loại giáo viên từ năm học 2018-2019.
Thành ra, nhiều khi bước vào học tập, bồi dưỡng thì giáo viên cảm thấy mất đi sự hứng thú vì cứ phải “nghe hoài, đọc mãi” những điều mà mình đã biết, đã làm hàng ngày ở lớp, ở trường…
Lãng phí về thời gian, tiền bạc của giáo viên và ngân sách nhà nước
Thực ra, cái gì hay, mới thì giáo viên luôn hứng thú để học tập, trau dồi cho mình nhưng nếu cứ học đi, học lại nhiều lần những kiến thức cũ sẽ dẫn đến nhàm chán, mệt mỏi cho người học.
Chẳng hạn như việc Bộ vừa ban hành các Thông Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường từ mầm non đến trung học phổ thông công lập vừa qua thì chúng ta vẫn thấy yêu cầu các hạng giáo viên vẫn phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Nhưng, nội dung 10 chuyên đề mà các trường đại học sư phạm đang giảng dạy thì gần hết đã tập huấn cho giáo viên hoặc có trong nội dung bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà Bộ đã và đang triển khai đại trà cho giáo viên.
Điều này cho thấy để có những chứng chỉ này thì mỗi giáo viên đương nhiên phải mất mấy triệu đồng nhưng học lại những kiến thức cũ từ khi còn là sinh viên và nội dung tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn hàng năm.
Trong khi đó, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới thì ngân sách nhà nước và các địa phương lại cũng phải trả tiền cho các trường sư phạm biên soạn nội dung tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên thêm một lần nữa. Rõ ràng, đây là sự lãng phí không đáng có.
Đất nước còn nghèo, đời sống của đa phần giáo viên còn nhiều khó khăn thì cớ gì cứ phải tổ chức bồi dưỡng, yêu cầu những “giấy phép con” mà nội dung kiến thức bồi dưỡng cho giáo viên lại lặp lại?
Vì thế, giáo viên chúng tôi hy vọng lãnh đạo Bộ Giáo dục cần có những chỉ đạo để các trường Sư phạm; trường Cán bộ quản lý giáo dục, các Sở, Phòng Giáo dục rà soát, bỏ đi những nội dung chồng chéo nhằm hướng tới bồi dưỡng cho giáo viên hiệu quả hơn.
Đừng bắt giáo viên cứ phải học đi, học lại những kiến thức cũ kỹ, không cần thiết bởi nó lãng phí thời gian và tiền bạc nhiều lắm!.
Tuyển giáo viên theo Luật mới, hàng ngàn sinh viên Cao đẳng sư phạm về đâu? (2)
Hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp từ các trường Cao đẳng sư phạm sẽ không được tham gia xét tuyển giáo viên tiểu học vì quy định mới.
Không chỉ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi mà hàng sinh viên, giáo viên đã tốt nghiệp hệ Cao đẳng sư phạm ở Gia Lai cũng sẽ không biết đi đâu, về đâu khi kế hoạch tuyển dụng viên chức giáo viên năm 2020 được thực hiện theo quy định của Luật giáo dục 2019.
Sinh viên Cao đẳng sư phạm sẽ về đâu?
Theo quy định trong kế hoạch tuyển dụng viên chức giáo viên năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, trình độ chuyên môn của vị trí giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non trở lên; Vị trí giáo viên tiểu học và trung học cơ sở phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm tiểu học trở lên..
Hàng ngàn sinh viên đang theo học tại các Trường Cao đẳng sư phạm sẽ không đủ điều kiện dự tuyển giáo viên nếu không học nâng chuẩn. (Trong ảnh: Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai). Ảnh: MT
Lý giải về việc đưa ra quy định nói trên, Sở Nội vụ Gia Lai cho rằng, Luật Giáo dục 2019 đã yêu cầu đối với giáo viên mầm non thì phải có bằng cao đẳng, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở phải có bằng đại học.
Việc áp dụng quy định này trong xét tuyển giáo viên đã khiến hàng trăm sinh viên vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai cũng như một số sinh viên đang theo học tại đây lo lắng sẽ không biết đi đâu, về đâu.
Chị NTL. (vừa tốt nghiệp ngành giáo dục Tiểu học Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai), hiện đang dạy hợp đồng tại một trường tiểu học ở huyện Chư Prông chia sẻ:
"Thời điểm chọn thi vào trường sư phạm, tôi cũng đã rất băn khoăn vì cơ hội nghề nghiệp. Nhưng cứ nghĩ trường chỉ tuyển sinh trong tỉnh và đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực cho địa phương thì mình sẽ có nhiều cơ hội.
Nhưng giờ học xong, đã nhận bằng tốt nghiệp mà lại không được ứng tuyển vào vị trí giáo viên thì rất thiệt thòi. Gần một năm qua, do mong muốn được đứng trên bục giảng nên tôi cũng không kịp học để nâng cao bằng cấp của mình.
Nhiều giáo viên trong trường đã đứng lớp 10-12 năm nhưng cũng chỉ có bằng Cao đẳng sư phạm", chị L. buồn bã nói.
Bộ vẫn yêu cầu áp dụng Luật Giáo dục 2019
Theo Sở Nội vụ Gia Lai, do Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo quy định của Luật Giáo dục 2019 nên đơn vị này đã gửi văn bản ra Bộ "đề nghị hướng dẫn việc tuyển dụng".
Trong công văn của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục có nêu tiêu chuẩn về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thực hiện theo quy định tại điểm a, b, khoản 1, điều 72, Luật Giáo dục 2019.
Tức là phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai cho biết, quy định về xét tuyển giáo viên theo Luật giáo dục 2019 khiến cho các em sinh viên theo học cao đẳng sư phạm rất thiệt thòi.
"Những sinh viên này vốn được đào tạo bằng nguồn ngân sách của tỉnh với mục tiêu ban đầu là tạo nguồn nhân lực giáo viên cho địa phương. Bây giờ lại không tuyển dụng đối với những sinh viên này thì là một sự lãng phí vô cùng lớn.
Từ nhiều tháng nay, chúng tôi cùng với Sở Nội vụ đã có nhiều văn bản, kiến nghị để hỗ trợ cho các em.
Ví dụ như tạo cơ hội cho sinh viên, giáo viên hệ cao đẳng sư phạm thi tuyển nhưng yêu cầu cam kết đến thời gian nhất định phải đạt chuẩn trình độ theo quy định. Nhưng cuối cùng Bộ cũng đã có văn bản trả lời chính thức như trên nên không thể thay đổi được gì", bà Hà trăn trở.
Tiến sĩ Hà kiến nghị cơ quan chức năng thực hiện chính sách tuyển dụng sao cho đảm bảo ngân sách nhà nước không bị lãng phí, đồng thời đảm bảo được quyền lợi người học.
"Hiện nhà trường còn đào tạo hai khóa cao đẳng sư phạm nhưng trước thực tế Luật Giáo dục quy định như vậy thì nhà trường đã kết hợp với các trường đại học sư phạm để cho các em học liên thông.
Khi ra trường, với bằng đại học thì các em sẽ đáp ứng điều kiện thi tuyển", bà Hà nói.
Hơn 300 nghìn giáo viên phổ thông được tập huấn về chương trình mới Theo Bộ GD&ĐT, việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên là khâu quan trọng trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo báo cáo tiến độ bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (GV/CBQLGD) để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT) của Ban quản lý Chương trình...