Cú hích quan hệ Nga Ai Cập
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 9/2 tới thủ đô Cairo bắt đầu chuyến thăm Ai Cập 2 ngày nhằm gia tăng ảnh hưởng.
Chuyến đi được dư luận đặc biệt quan tâm khi diễn ra trong bối cảnh các mối quan hệ quốc tế đang chứng kiến nhiều thay đổi sau một loạt sự kiện xảy ra tại Trung Đông hay cuộc khủng hoảng tại Ukraine hiện nay.
Ai Cập chào đón Tổng thống Nga Putin
Đặt chân tới thủ đô Cairo tối qua, Tổng thống Nga Putin đã cho thấy quyết tâm tăng cường quan hệ với Ai Cập, một quốc gia có ảnh hưởng tại Trung Đông và hơn hết là đang trong thời kỳ căng thẳng với Mỹ. Các chuyên gia cho rằng, quốc gia đông dân nhất thế giới Arab và là một đồng minh truyền thống của Mỹ này nằm trong số những nước mà Nga đang nỗ lực tạo dấu ấn trên cả mặt trận ngoại giao và kinh tế, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay đang đẩy Nga và phương Tây vào một cuộc đối đầu chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Trong một thông cáo, phủ Tổng thống Ai Cập cho biết, hợp tác là trọng tâm các cuộc thảo kéo dài gần 30 phút diễn ra tối qua giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ song phương, cũng như các hồ sơ quốc tế và khu vực nóng hiện nay như cuộc khủng hoảng Syria, Libya và triển vọng tái khởi động tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine.
Bên cạnh đó là hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư. Sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã tới nhà hát ở thủ đô Cairo để xem một buổi biểu diễn về lịch sử quan hệ giữa Ai Cập và Nga trước khi có buổi ăn tối chung.
Video đang HOT
Theo các nhà phân tích, chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Ai Cập của Tổng thống Putin sau gần một thế kỷ cho thấy, Ai Cập sẽ là một trọng tâm chiến lược ngoại giao của Nga trong thời gian tới. Ai Cập sẽ là cánh cửa giúp Nga khôi phục vị thế và ảnh hưởng tại thế giới Arab, trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây đang lơ là khu vực này, cũng như giữa lúc kinh tế Nga đang lâm vào khó khăn do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Song theo các nhà phân tích, đây không phải là kế hoạch một sớm một chiều của Nga mà đã được nước này chuẩn bị từ lâu. Còn nhớ, hồi năm ngoái, trong khi Mỹ và phương Tây không ngừng chỉ trích chính quyền mới tại Ai Cập, thì Nga lại là quốc gia đầu tiên ngoài khối Arab ủng hộ chính quyền mới của ông al-Sissi.
Về phần mình, ông al-Sissi hồi đầu ngoái khi còn là Tổng tư lệnh quân đội Ai Cập cũng đã tới Nga trong chuyến công du nước ngoài hết sức hiếm hoi và cũng chính ông này đã chọn Nga cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 8/2014. Chính vì thế có thể nói, chính quyền Ai Cập đặc biệt đánh giá cao sự ủng hộ mạnh mẽ của Nga đối với tiến trình chuyển tiếp chính trị cũng như cuộc chiến chống khủng bố hiện nay tại quốc gia Bắc Phi này.
Sự xích lại gần nhau giữa Nga và Ai Cập không chỉ xuất phát từ lợi ích kinh tế, quân sự thiết thực của hai nước mà còn chuyển tải rất nhiều thông điệp tới phương Tây. Nỗ lực khôi phục quan hệ hợp tác truyền thống với Nga phản ánh chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế mà Tổng thống al-Sissi theo đuổi.
Trong khi đó chuyến thăm của ông Putin sẽ khiến Mỹ và phương Tây “giật mình” và sẽ phải xem xét lại các chiến lược của mình nếu không muốn mất đi ảnh hưởng tại Trung Đông và Bắc Phi. Bởi, Nga và Ai Cập có nhiều điểm tương đồng về lập trường trong nhiều vấn đề khu vực, mà cụ thể là cuộc khủng hoảng Syria hay Libya. Ông Sherif Gad, người đứng đầu Trung tâm Văn hóa và chính trị Nga nói: “Cả hai nước đều có lập trường tương đồng trong cuộc khủng hoảng tại Syria khi lên án mạnh mẽ các vụ bạo lực tại quốc gia Trung Đông này. Cả Nga và Ai Cập cũng đều công nhận nhà nước Palestine độc lập trong hồ sơ Israel – Palestine. Hơn nữa, sự xích lại gần nhau giữa Nga và Ai Cập cũng có thể góp phần cho hòa bình và ổn định quốc tế”.
Còn đối với người dân Ai Cập, dấu ấn Nga vẫn hiện diện tại quốc gia Bắc Phi này qua những công trình biểu tượng như đập thủy điện Aswan, các nhà máy dệt, nhà máy luyện kim và nhiều cơ sở công nghiệp nặng khác. Vì thế, thiện cảm mà người dân Ai Cập dành cho vị lãnh đạo nước Nga là điều dễ nhận thấy: “Ông Pu-tin là một chính trị gia mẫu mực, luôn sát cánh bên nhân dân Ai Cập trong những giai đoạn khó khăn và hỗ trợ những gì mà chúng tôi cần.”
Tháng 9/2014, truyền thông Nga khẳng định, Nga và Ai Cập đã đạt được nhất trí về một hợp đồng mua bán vũ khí trị giá 3,5 tỷ USD, theo đó Nga sẽ cung cấp cho Ai Cập các hệ thống phòng không, trực thăng và máy bay chiến đấu. Nếu so với khoản viện trợ quân sự hàng năm lên đến 1,3 triệu USD mà Mỹ đã đều đặn cam kết cho Ai Cập trong hàng thập kỷ, thì thỏa thuận 3,5 tỷ USD là không thấm vào đâu.
Tuy nhiên, hợp tác quốc phòng quy mô lớn đầu tiên giữa Nga và Ai Cập sau khoảng 30 năm gián đoạn có ý nghĩa quan trọng hơn những con số tài chính được công bố. Vì thế, giới quan sát đều chờ đợi lãnh đạo hai nước sẽ lần đầu tiên công bố về thỏa thuận này. Nếu được xác nhận thì điều này cũng có thể xem là sự mở đầu cho một liên minh mới, cũng như sự mở đầu cho quá trình định hình lại các mối quan hệ quốc tế hiện nay./.
Theo Thu Hoài/VOV- Trung tâm Tin
NATO bị nghi tài trợ vũ khí cho các nhóm thánh chiến ở Libya
Một tờ báo Mỹ ngày 2/2 đã công bố các báo cáo tình báo thu thập được từ năm 2011. Tài liệu này cho thấy giới chức Libya từng quan ngại về số vũ khí mà NATO hỗ trợ các nhóm thánh chiến đối lập tại nước này.
Các nhóm đối lập tại Libya (Ảnh: ThePhoenix)
Tờ Washington Times ngày 2/2 dẫn các báo cáo tình báo từ năm 2011 cho biết giới chức Libya từng lo ngại về "số vũ khí mà phương Tây trang bị cho các lực lượng đối lập chống lại nhà lãnh đạo Mummar Gaddafi".
Khi đó, tình báo Libya đã liệt kê danh sách dài 16 trang, gồm các loại vũ khí mà NATO cung cấp cho các nhóm Thánh chiến, trong đó có những nhóm có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda.
Tờ Washington Times không đề cập tới chi tiết nguồn gốc của những tài liệu tình báo nêu trên song cho biết nó đã được chuẩn bị bằng tiếng Anh để được chuyển tới giới chức Mỹ.
Nhà báo Jeffrey Scott Shapiro của tờ Washington Times trích dẫn thông tin từ các tài liệu trên cho biết: "NATO đã cho phép máy bay vận tải thả một lượng lớn các loại vũ khí xuống sân bay Benghazi và các sân bay ở Tunisia".
Số tài liệu tình báo cùng các đoạn hội thoại mà báo trên có được chỉ ra rằng "giới chức Libya lo ngại số vũ khí và các lớp huấn luyện cho các nhóm đối lập nêu trên có thể được phát triển trong khu vực, từ đó giúp thành phố Benghazi trở thành một nơi trú ẩn trong tương lai của các nhóm khủng bố".
Tại thành phố Benghazi, trước đây từng xảy ra vụ tấn công của các nhóm đối lập Libya nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ tại đây, làm 4 người thiệt mạng, gồm cả Đại sứ Mỹ Chris Stevens.
Giới quan sát cho rằng những thông tin nêu trên một lần nữa đặt ra những câu hỏi về "tiêu chuẩn kép" mà phương Tây áp dụng với các nhóm Thánh chiến cực đoan tại Trung Đông và Bắc Phi.
Ngọc Anh
Tổng hợp
Theo Dantri
Biểu tình lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak: Giấc mơ dang dở Bầu không khí căng thẳng và bất ổn an ninh bao trùm Ai Cập vào đúng dịp 4 năm bùng phát làn sóng biểu tình lật đổ chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarak. Khói bốc lên sau một vụ tấn công ở Sinai (ảnh minh họa) Bốn năm đã trôi qua, song những mục tiêu mà cuộc biểu tình đặt ra vẫn...