Cứ 5 người trên thế giới lại có 1 người mất ngủ vì Covid-19: Đây là những việc cần làm nếu muốn yên giấc buổi đêm
Dịch Covid-19 không chỉ làm gián đoạn cuộc sống khi chúng ta đang thức, mà nó còn quấy rầy giấc ngủ hàng đêm của chúng ta.
Theo cuộc khảo sát gồm 1.000 người trên trang SleepHelp.org, cứ 5 người lại có 1 người bị giảm chất lượng giấc ngủ kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Chưa kể, Google cũng cho biết, tần suất tìm kiếm từ khóa “mất ngủ” đã đạt mức tăng kỷ lục vào tuần trước.
Trước khi đại dịch diễn ra, rất nhiều đã không ngủ đủ 7-9 tiếng/ngày. “Giờ đây, với tình trạng làm việc tại nhà, trẻ em không tới trường và mức độ stress gia tăng, việc đi ngủ của chúng ta đã bị đảo lộn hoàn toàn”, Bill Fish – một huấn luyện viên có chứng chỉ về khoa học giấc ngủ tại SleepFoundation.org – cho biết.
Từ lâu, thiếu ngủ đã được chứng minh là có liên quan tới việc gia tăng stress, gây suy yếu hệ miễn dịch, cũng như khiến cho con người dễ ốm hơn – điều mà chúng ta phải tuyệt đối tránh lúc này.
Tuy nhiên, theo khảo sát trên SleepHelp.org, 14% số người tham gia cho biết nỗi sợ bị nhiễm Covid-19 khiến họ thao thức mỗi đêm. Có tới 1/3 tin rằng những tin tức hàng ngày về bệnh tật và khủng hoảng kinh tế khiến họ không thể yên giấc.
Giấc ngủ không phải là thứ duy nhất bị ảnh hưởng. Cứ 10 người lại có 1 người tham gia khảo sát nói rằng họ ít gần gũi với bạn đời dạo gần đây. 5% đã bắt đầu ngủ riêng và 2% không cho con cái ngủ cùng mình nữa.
“Đại dịch Covid-19 đã gây ra rất nhiều vấn đề liên quan tới rối loạn lo âu, trong đó có cả mất ngủ”, Logan Foley – biên tập viên quản lý trang SleepHelp.org – nói. “Đây có thể là hậu quả từ các hành vi như làm việc trên giường, bị kẹt trong nhà với vợ/chồng mình quá lâu, không thức dậy đều đặn cùng một giờ.”
Hơn thế nữa, việc phải ở nhà quá lâu có khiến cho con người sinh ra những giấc mơ căng thẳng hoặc quái dị. “Cuộc sống của rất nhiều người đã bị đảo lộn bởi Covid-19 và bất kỳ loại stress nào cũng sẽ khiến họ nằm mơ”, Mark Blagrove – chuyên gia hàng đầu về giấc ngủ và giấc mơ tại ĐH Swansea (Anh) nói với hãng AP.
Theo ông, những người không hay nằm mơ nay lại thấy mình mơ nhiều hơn. Đó là bởi vì “trong cuộc sống càng có nhiều biến động thì con người càng mơ nhiều hơn”.
“Sẽ có rất nhiều người có những giấc mơ đầy cảm xúc”, ông bổ sung.
Bác sĩ Sanam Hafeez – nhà tâm lý học thần kinh tại New York – cũng đồng tình với ý kiến này. “Sự thật là mỗi ngày chúng ta đang sống chẳng khác nào một bộ phim khoa học viễn tưởng”, bà nói. Bác sĩ Hafeez cảnh báo, những cơ chế đối phó như uống rượu, thay đổi lịch ngủ, uống thuốc ngừa rối loạn lo âu hay bất cứ loại thuốc ngủ nào cũng có thể khiến bạn có những giấc mơ kỳ lạ.
“Thông thường, bộ não khi tỉnh táo sẽ không cho phép chúng ta ‘tới’ những nơi khó chịu, ngoài sức chịu đựng của cảm xúc”, bà bổ sung. “Khi nằm mơ, tiềm thức của chúng ta mở ra và cho phép não bộ được phép ‘tiếp cận’ thoải mái những khu vực đó. Giấc mơ ‘lạ’ chính là kết quả tượng trưng cho những gì mà chúng ta đã nghĩ trong đầu.”
Nếu bạn cảm thấy mình không thể ngủ yên giấc gần đây, Quỹ Giấc ngủ Quốc gia Mỹ có liệt kê một số mẹo để cải thiện tình trạng này.
Đi ngủ và thức giấc vào những giờ cố định
Video đang HOT
Kể cả khi bạn không phải đến cơ quan, hãy đặt báo thức và dậy vào một giờ nhất định. Thói quen này sẽ giúp bạn điều tiết đồng hồ sinh học trong cơ thể, nhờ vậy bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ vào một giờ cố định.
“Trong tình cảnh mọi công việc đều phải dừng lại vì Covid-19, thói quen này sẽ giúp bạn duy trì giờ giấc và sự tỉnh táo trong thời điểm khó khăn này”, Foley cho biết.
Thực hiện một thói quen thư giãn trước giờ đi ngủ
Muốn đưa cơ thể vào giấc ngủ, bạn phải tập cho nó quen với những tín hiệu cho biết giờ ngủ đã đến. Bạn có thể giảm mức sáng của đèn, bật nhạc thư giãn, đọc sách hoặc viết nhật ký. Tuyệt đối không nên xem phim, lướt mạng xã hội hay kiểm tra email. Theo Foley, tắm nước ấm trước khi đi ngủ cũng rất hiệu quả.
Không nhìn vào màn hình 1 tiếng trước khi đi ngủ
Ánh sáng xanh phát ra từ điện thoại, máy tính bảng, laptop và TV có thể làm đảo lộn nhịp học trong cơ thể, khiến bạn càng khó ngủ hơn. Những nội dung mà bạn xem trước khi đi ngủ có thể khiến bạn trở nên tỉnh táo hơn, thay vì chìm vào giấc ngủ.
Không chợp mắt, đặc biệt là vào buổi chiều
Chợp mắt có thể giúp bạn tỉnh táo vào ban ngày, nhưng nếu bạn thường xuyên cảm thấy khó ngủ vào buổi tối, hãy từ bỏ thói quen này. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy mệt mỏi hơn, dễ chìm vào giấc ngủ khi tới giờ.
Tập thể dục mỗi ngày
Bạn nên vận động một chút vào ban ngày để vừa giúp máu lưu thông, vừa hỗ trợ cải thiện chất lượng giấc ngủ vào ban đêm.
Khiến phòng ngủ trở nên ấm áp
Để dễ ngủ hơn, bạn nên đảm bảo phòng ngủ tối, yên tĩnh và mát mẻ. Nhiệt độ lý tưởng trong phòng ngủ nên ở khoảng 16-20 độ C. Hãy xem xét về việc mua rèm tối màu về treo để ngăn ánh sáng đèn đường lọt vào, đeo mặt nạ bịt mắt hoặc cắm tai nghe để ngăn âm thanh và ánh sáng quấy rầy bạn. Bạn cũng có thể dùng các ứng dụng tạo âm thanh trắng trên điện thoại để đưa cơ thể nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ.
Tránh uống cà phê, rượu bia, thuốc lá và ăn nhiều vào bữa tối
Nicotine có trong thuốc lá và caffeine có trong cà phê có thể cản trở giấc ngủ của bạn. Việc ăn quá nhiều hoặc ăn cay cũng có thể buộc hệ tiêu hóa phải làm việc hết công suất, khiến cho bạn rơi vào tình trạng mất ngủ.
Nếu không thể ngủ, hãy sang một phòng khác và làm gì đó cho tới khi cơ thể mệt mỏi
Nằm trằn trọc cả tối vì chuyện không ngủ được sẽ càng khiến cho bạn tỉnh táo thêm. Khi đã cố gắng mà không thể ngủ, hãy thử sang một phòng khác ngồi đọc sách hoặc uống trà hoa cúc nóng. Lúc này, bạn tuyệt đối không nên bật TV hay cầm điện thoại.
Ngọc Hà
8 giải pháp cải thiện hiệu quả chứng mất ngủ
Nếu bạn đang trong tình trạng mất ngủ, khó ngủ, chất lượng giấc ngủ kém; hãy thử thực hiện theo các gợi ý sau trước khi can thiệp bằng thuốc.
Uống trà hoa cúc có thể giúp dễ ngủ hơn
1. Uống sữa ấm và mật ong
Thay vì làm một ly bia để dễ ngủ như thói quen của nhiều người, bạn hãy thử kết hợp sữa ấm và mật ong - đây được xem là một trong những giải pháp tự nhiên và hiệu quả cho chứng mất ngủ.
Tác dụng này đến từ sự kết hợp của tryptophan (một loại amino acid giúp dễ ngủ) và carbohydrate (carb), theo Tổ chức Nghiên cứu Giấc ngủ Hoa Kỳ (NSF).
Theo đó, trytophan làm tăng lượng serotonin, nội tiết tố có tác dụng như thuốc an thần tự nhiên trong não bộ chúng ta. Carb như mật ong giúp vận chuyển hormone này đến não nhanh hơn.
Nếu bạn muốn ăn vặt gì đó trước khi đi ngủ, hãy ăn một quả chuối để bổ sung vitamin B6 cho cơ thể, giúp chuyển hóa trytophan thành serotonin.
2. Thực hành liệu pháp hành vi
Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) giúp khám phá và làm thay đổi những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực gây ra stress và trầm cảm cũng có tác dụng trong điều trị chứng mất ngủ - được gọi là CBT-I, liệu pháp hành vi dành cho người mất ngủ.
Liệu pháp này tái rèn luyện thân tâm, giúp chúng ta đi vào giấc ngủ nhanh hơn, có giấc ngủ sâu hơn - theo tạp chí Giấc ngủ. Ngoài ra, CBT-i cũng được chứng minh hiệu quả ở người trưởng thành bị chứng mất ngủ kinh niên. Bạn có thể thực hành liệu pháp này tại nhà.
3. Tắt các thiết bị điện tử trước khi ngủ
Đối với chứng mất ngủ, môi trường ngủ thư giãn, lắng dịu là điều quan trọng. Cách tốt nhất để cải thiện chứng mất ngủ là tắt hết các thiết bị điện tử có màn hình sáng như điện thoại, máy tính bảng, laptop - lời khuyên từ một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Thị lực Phân tử.
Ánh sáng xanh từ màn hình các thiết bị nói trên làm gián đoạn nhịp sinh học ngày và đêm của cơ thể, khiến chúng ta khó đi vào giấc ngủ hơn.
Thậm chí khi đã ngủ, báo hiệu của tin nhắn hay thư điện tử mới từ thiết bị cũng làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ. Ngoài ra, với người mất ngủ, NSF gợi ý nên giữ nhiệt độ phòng ở mức 16-21 độ C để có giấc ngủ ngon.
4. Quản lý stress bằng thể dục, vận động
Nếu lo lắng khiến bạn mất ngủ vào ban đêm, hãy thử các hình thức luyện tập như: yoga, thiền tập, viết nhật ký ngắn trước khi đi ngủ.
Bên cạnh đó, thái cực quyền cũng được xem là môn tập giúp dễ ngũ và ngủ ngon. Tập thái cực quyền giúp đi vào giấc ngủ nhanh hơn 18 phút và ngủ lâu hơn 48 phút mỗi đêm, theo nghiên cứu.
5. Thiết lập giờ giấc ngủ nghỉ ổn định
Nếu thường xuyên cảm thấy giấc ngủ buổi tối không chất lượng, bạn hãy xem lại nguyên nhân có phải do thời gian ngủ nghỉ của bản thân có sự thất thường hay không.
Một nghiên cứu của Anh cho thấy, trẻ ngủ ngon hơn khi có giờ đi ngủ cố định. Và điều này cũng đúng với người trưởng thành, Tổ chức Nghiên cứu Giấc ngủ Hoa Kỳ khẳng định.
Do vậy, điều bạn cần làm ngay bây giờ là tập thói quen đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm cố định mỗi ngày. Bạn có thể đọc sách yêu thích trên giường, nghe nhạc nhẹ để não nghỉ ngơi, chuẩn bị cho giấc ngủ.
6. Tắm nước nóng
Tắm nước nóng giúp đi vào giấc ngủ nhanh hơn và ngủ ngon hơn, theo nghiên cứu. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải ngâm mình trong bồn tắm hay xối nước từ đầu đến chân; xối nước ấm lên chân cũng giúp dễ ngủ và ngủ ngon.
7. Uống trà thảo dược
Theo một số nghiên cứu, trà hoa chanh dây có công dụng cải thiện chất lượng giấc ngủ một cách hiệu quả, theo nghiên cứu của Đại học Monash (Úc).
Ngoài ra, bạn có thể uống trà hoa cúc. Trà hoa cúc chứa apigenin, có tác dụng an thần.
8. Kiểm tra lại việc dùng thuốc
Nhiều loại thuốc ảnh hưởng đến giấc ngủ như thuốc beta-blocker trong điều trị các bất ổn tim mạch, thuốc tuyến giáp, các thuốc thông mũi (trị nghẹt mũi) và các thuốc có chứa cffeine, thuốc trị trầm cảm - theo NSF.
Nếu bạn gặp vấn đề về giấc ngủ, hãy trò chuyện với bác sĩ để điều chỉnh liều hay sử dụng thuốc thay thế khác.
Trần Trọng Hiếu
Theo Reader's Digest/Báo Giác Ngộ
Bác sĩ ơi: Làm thế nào để tránh mất ngủ? Gần đây tôi thường mất ngủ, có lúc nằm trằn trọc trên giường 2 tiếng vẫn không ngủ được và ngủ không sâu, thường thức giấc nửa đêm. Mong bác sĩ tư vấn giúp làm thế nào để cải thiện giấc ngủ? (Trần Anh H., 42 tuổi, ngụ Hà Nội) Không nên sử dụng điện thoại di động quá nhiều trước khi ngủ...