Croatia bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng nhằm hạn chế Covid-19
Sau thời gian mở cửa trở lại khôi phục du lịch, dịch Covid-19 đang diễn biến theo chiều hướng đáng ngại tại Croatia.
Hôm qua (11/7), nước này ghi nhận mức cao kỷ lục – 140 ca mắc mới Covid-19. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp nước này có số ca nhiễm Covid-19 trong ngày vượt ngưỡng 100.
Dịch Covid-19 diễn biến đáng ngại tại Croatia. Ảnh: Praguemorning.
Trước tình hình dịch bệnh đang tăng mạnh, nhà chức trách Croatia đã ra quy định yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang tại các không gian công cộng khép kín. Từ vài tuần trước, quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng cũng được Croatia đưa vào áp dụng.
Video đang HOT
Bắt đầu từ ngày mai 13/7, việc đeo khẩu trang cũng sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc với tất cả các nhân viên y tế, người thăm bệnh nhân tại các bệnh viện, nhân viên lẫn khách hàng tại các cửa hàng, quán ăn và những địa điểm có sự tiếp xúc ở cự ly gần với khách hàng. Bên cạnh đó, trước sự gia tăng đột biến các ca nhiễm mới trong thời gian ngắn, nhà chức trách nước này cũng công bố một số biện pháp mới để kiểm soát các hoạt động tụ tập đông người.
Với các sự kiện có hơn 100 người tham dự, đơn vị tổ chức sẽ phải thông báo cho nhà chức trách trước ít nhất 48h. Ngoài ra, đơn vị tổ chức các sự kiện này sẽ phải lưu danh sách người tham dự để trong trường hợp có người nhiễm bệnh thì công tác phòng chống dịch bệnh có thể được triển khai nhanh chóng và hiệu quả.
Croatia cũng thắt chặt việc kiểm soát biên giới với việc cấm công dân các nước thứ ba nhập cảnh trừ một số trường hợp đặc biệt như nhân viên y tế, ngoại giao, người quá cảnh … Ngoài ra, những người thuộc diện được nhập cảnh Croatia sẽ phải tự cách ly trong 14 ngày hoặc xuất trình được kết quả xét nghiệm âm tính được thực hiện không quá 48h.
Trước đó, Croatia đã rất thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 và là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên mở cửa cho du lịch. Đến đầu tháng Sáu, số ca nhiễm mới giảm xuống mức chỉ vài trường hợp mỗi ngày, có những ngày thậm chí không có ca nhiễm mới nào. Tuy nhiên, trong vài tuần trở lại đây, tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 đang liên tục gia tăng. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Croatia đã ghi nhận hơn 3.670 ca mắc Covid-19 trong đó có khoảng 120 trường hợp tử vong./.
Hàng loạt nước châu Âu mở lại biên giới nội khối, khôi phục kinh tế
Biên giới giữa hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu chính thức mở lại sau nhiều tháng đóng cửa để ngăn dịch Covid-19.
Bắt đầu từ 15/6, các nước Đức, Pháp, Bỉ và Hy Lạp mở lại toàn bộ biên giới với các nước láng giềng trong Liên minh châu Âu, chính thức khôi phục một phần không gian tự do di chuyển Schengen vốn đã bị đóng băng trong suốt gần 3 tháng qua do các lệnh phong toả tại các quốc gia. Đến đêm 15/6, đến lượt Áo mở cửa biên giới.
Biên giới giữa nhiều nước EU được mở lại từ 15/6.
Trước đó, ngay từ ngày 3/6, Italy đã mở cửa để chào đón du khách châu Âu. Croatia và Ba Lan đã mở cửa từ ngày 11/6. Đáng chú ý, không chỉ mở cửa với các nước trong EU, Hy Lạp còn cho phép nối lại chuyến bay với một số quốc gia châu Á-Thái Bình Dương như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.
Tại Tây Ban Nha, một trong những nước có thiệt hại nghiêm trọng nhất vì đại dịch Covid-19, trong chiều 14/6, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng thông báo nước này sẽ mở cửa biên giới với hầu như toàn bộ các nước EU từ ngày 21/6, trừ Bồ Đào Nha.
"Kể từ ngày 21/6, quy định cách ly bắt buộc với mọi hành khách đến Tây Ban Nha sẽ được huỷ bỏ sau nhiều cuộc tham vấn với các nước láng giềng, dựa trên tính toán về các biện pháp song phương cần thiết phải áp dụng. Chỉ riêng việc kiểm soát biên giới trên bộ với Bồ Đào Nha là kéo dài đến ngày 30/6, theo yêu cầu của Bồ Đào Nha" - Thủ tướng Tây Ban Nha cho biết.
Trước đó, theo kế hoạch được chính phủ Tây Ban Nha đưa ra, việc mở lại biên giới chỉ được thực hiện từ ngày 1/7. Tuy nhiên, diễn biến tích cực của dịch Covid-19 tại nước này trong nhiều tuần qua cho phép đẩy nhanh thời hạn mở lại biên giới vào ngày 21/6, trùng thời điểm kết thúc giai đoạn áp dụng tình trạng khẩn cấp cuối cùng tại Tây Ban Nha.
Là điểm đến du lịch lớn thứ 3 thế giới và thứ 2 tại châu Âu, Tây Ban Nha kỳ vọng việc sớm mở lại biên giới sẽ cứu vãn được một phần cho ngành du lịch, ngành kinh tế chiếm đến 12% GDP nước này.
Trong khi đó tại Anh, hàng loạt cửa hàng không thiết yếu như các trung tâm thương mại, các cửa hàng bán lẻ cũng chính thức được mở lại từ ngày 15/6. Tại Pháp, toàn bộ đất nước được chuyển thành vùng xanh, bao gồm cả khu vực thủ đô Paris, đồng nghĩa với việc mọi quán cafe, nhà hàng được phép hoạt động trở lại bình thường như trước đây.
Bulgaria cho công dân EU nhập cảnh, Croatia mở biên giới với 1 số nước Động thái của Bulgaria cho nhập cảnh và Croatia mở cửa biên giới với một số nước là nhằm khôi phục lại kinh tế hậu Covid-19. Trước tình hình dịch Covid-19 đang có dấu hiệu khả quan, các nước khu vực Đông-Nam Âu như Bulgaria và Croatia đã bắt đầu triển khai nhiều biện pháp dỡ bỏ các lệnh hạn chế, mở cửa...