Công ước Luật biển 1982 thay đổi tư duy biển Việt Nam
Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực đưa ra Tuyên bố Chính phủ (12/5/1977) về các vùng biển và thềm lục địa VN phù hợp với nội dung thảo luận của hội nghị lần thứ ba của LHQ về Luật biển (1973-1982).
Song con đường pháp điển hóa luật Biển của đất nước và thông qua một chiến lược biển hiệu quả vẫn còn lắm thác ghềnh.
30 năm sau, ngày 9/2/2007, hội nghị lần thứ tư BCH TƯ Đảng khoá X mới ban hành nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển VN đến năm 2020. Nghị quyết đã nêu rõ mục tiêu tổng quát, đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cho đất nước giàu, mạnh.
Mục tiêu cụ thể là: “Xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học – công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, làm cho đất nước giàu mạnh từ biển, bảo vệ môi trường biển. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp 53-55% GDP của cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người cao gấp 2 lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước.
Xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh. Phát triển mạnh cả khai thác, chế biến sản phẩm từ biển và phát triển các ngành dịch vụ biển. Xây dựng một số khu kinh tế mạnh ven biển; xây dựng cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp thống nhất về biển có hiệu lực, hiệu quả; mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực về biển.
Điện phong trên đảo An Bang, quần đảo Trường Sa. Ảnh: Kiên Trung
Video đang HOT
Chiến lược biển của VN phù hợp với xu thế “tiến ra biển” của thế giới mà Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 đã đặt nền móng. Luật các vùng biển VN được Quốc hội khóa XIII thông qua tháng 6/2012 đã cụ thể hóa những mục tiêu của chiến lược biển VN trong tình hình mới, đưa ra những quy định cụ thể nhằm bảo vệ và quản lý các vùng biển VN phù hợp với Công ước.
VN nằm trong tốp những nước cuối của khu vực có chiến lược biển và luật Biển riêng của mình. Lợi thế so sánh mà những bước đi ban đầu trong những năm 1970 mang lại đã phần nào bị hạn chế nhưng vẫn còn đó những cơ hội để đất nước có những bước đi tiến ra biển vững chắc.
1/4 thế kỷ không tiếng súng
Công ước Luật biển 1982 được triển khai trong giai đoạn VN thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Là quốc gia yêu chuộng hoà bình, VN chủ trương giải quyết mọi tranh chấp quốc tế một cách hoà bình, bằng các biện pháp hoà bình, trong đó có việc giải quyết các tranh chấp trên biển, giải quyết vấn đề hoạch định ranh giới biển liên quan với các nước láng giềng.
Tuyên bố ngày 12/5/1977 của Chính phủ về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của VN, khoản 6 đã chính thức và công khai nêu rõ quan điểm giải quyết các tranh chấp trên biển của VN là “… cùng các nước liên quan, thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, giải quyết các vấn đề về các vùng biển và thềm lục địa của mỗi bên”.
Nghị quyết ngày 23/6/1994 của Quốc hội phê chuẩn Công ước 1982, khẳng định rõ lập trường của VN: “… giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hoà bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa…”.
Điều 4 khoản 3 của luật biển VN 2012 quy định: “Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế”. Quan điểm này của VN hoàn toàn phù hợp với điều 33 Hiến chương LHQ, các điều 15, 74, 83, 279, 280 của Công ước 1982, xu thế chung của các nước trong khu vực, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.
VN là một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình của Công ước Luật biển 1982. VN đã giải quyết dứt điểm phân định biển với Thái Lan năm 1997, với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ năm 2000, ký Thỏa thuận phân định thềm lục địa với Indonesia năm 2003, cùng Malaysia nộp hồ sơ chung về ranh giới ngoài thềm lục địa trong phần phía Nam của Biển Đông lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của LHQ năm 2009.
VN cũng có hai thỏa thuận khai thác biển chung với Campuchia tại vùng nước lịch sử chung năm 1982, với Malaysia tại thềm lục địa chồng lấn trong Vịnh Thái Lan năm 1992 và vùng đánh cá chung với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ năm 2004.
Hà Nội đã cùng Manila là tác giả dự thảo Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông từ phía ASEAN, là nhân tố tích cực đạt được Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông 2002 (DOC) và đang phấn đấu cùng các nước liên quan sớm đạt được Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Các kết quả này đã tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển trong thế kỷ đất nước không biết đến tiếng súng (1988-2014). Đây là đóng góp to lớn, đi cùng với nhịp bước thời đại của chính sách đối ngoại của VN, làm bạn với tất cả các nước.
Theo Vietnamnet
Hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 là trái Luật pháp quốc tế
Trung Quốc đang vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông.
Sáng 20/5, Đại học Luật Hà Nội tổ chức tọa đàm "Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam dưới góc độ luật pháp quốc tế".
Buổi tọa đàm có sự tham gia của Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ; Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải quốc tế (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội); Tiến sĩ Lê Quý Quỳnh, chuyên viên cao cấp nghiên cứu về luật biển.
Tại buổi tọa đàm, các học giả, chuyên gia nghiên cứu khoa học về biển và hải đảo khẳng định, việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 là vi phạm nghiêm trọng đối với quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC).
Tiến sĩ Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải quốc tế (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định: "Hầu hết 7 nguyên tắc lớn được Liên Hợp Quốc thông qua năm 1970 - Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của Luật pháp quốc tế. Chiếu theo những nguyên tắc này, Trung Quốc đang vi phạm đặc biệt Luật Biển năm 1982. Với tư cách là thành viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, quốc gia tham gia công ước này thì Trung Quốc phải chấp hành. Tuy nhiên, Trung Quốc ngày càng vi phạm và vi phạm ngày càng nghiêm trọng".
Nhiều đại biểu đồng tình với đường lối giải quyết bằng con đường hòa bình, hữu nghị của Chính phủ Việt Nam thời gian qua. Việt Nam luôn chủ động, mềm dẻo với con đường ngoại giao. Tuy nhiên mới đây, trước đề nghị của Trung Quốc yêu cầu Việt Nam phải rút tàu mới đàm phán, Tiến sĩ Lê Quý Quỳnh, chuyên viên cao cấp nghiên cứu về Luật Biển cho rằng: "Trong buổi họp báo, Bộ Ngoại giao của Trung Quốc đưa ra đề nghị, yêu cầu Việt Nam đưa hết tàu ra khỏi khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép thì mới ngồi vào bàn đàm phán. Điều này là hết sức phi lý. Trung Quốc đang vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế"./.
Theo VOV
Tranh chấp trên biển, áp dụng UNCLOS 1982 như thế nào? "Công ước Luật Biển năm 1982 không phải là cơ sở pháp lý duy nhất để xử lý, giải quyết tất cả mọi tranh chấp"- Ts Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ. TS Trần Công Trục trả lời: Những tranh chấp xảy ra trên biển gồm có nhiều loại khác nhau. Công ước Luật Biển năm 1982 không phải...