Công ty Mỹ bỏ thử nghiệm vaccine nCoV trên động vật
Với việc thử nghiệm lâm sàng ở người ngay sau khi sản xuất vaccine nCoV, công ty Moderna đã phá vỡ quy tắc thông thường trong phát triển dược phẩm.
Moderna bỏ qua bước thử nghiệm vaccine trên mô hình động vật. Ảnh: Live Science.
Thử nghiệm lâm sàng cho vaccine ngừa nCoV của công ty Moderna đã bắt đầu tuyển tình nguyện viên khỏe mạnh ở Seattle, bang Washington, từ đầu tháng 3, nhưng các nhà nghiên cứu không chứng minh vaccine này kích hoạt phản ứng miễn dịch ở động như yêu cầu thông thường. “Tôi cho rằng chứng minh điều đó ở mô hình động vật không phải con đường chủ chốt để tiến tới thử nghiệm lâm sàng”, Tal Zaks, giám đốc y khoa của Moderna, chia sẻ.
Đó không phải là cách thử nghiệm vaccine thông thường. Nhà chức trách yêu cầu công ty sản xuất phải chứng minh sản phẩm an toàn trước khi thử nghiệm trên người. Vì vậy, giới nghiên cứu gần như luôn kiểm tra một loại thuốc mới có hiệu quả với động vật trong phòng thí nghiệm hay không trước khi thử trên tình nguyện viên với nguy cơ tiềm ẩn.
Quá trình phát triển vaccine thường kéo dài khoảng 15 – 20 năm từ khi bắt đầu tới lúc hoàn thiện, theo Mark Feinberg, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tổ chức International AIDS Vaccine Initiative. Chỉ sau khi vượt qua những thử nghiệm lặp lại ở mô hình động vật và điều chỉnh dần, công ty sản xuất mới có thể thử nghiệm lâm sàng trên người. “Khi bạn nghe dự đoán vaccine sẽ sẵn sàng trong thời gian lâu nhất là 1 – 1,5 năm, không có cách nào để theo sát khung thời gian đó trừ khi chúng ta có hướng tiếp cận mới”, Feinberg nói.
Trong bối cảnh này, hướng tiếp cận mới bao gồm bỏ qua bước thử nghiệm trên động vật, dù các nhà vi trùng học ở Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) thử vaccine trên chuột thí nghiệm cùng ngày thử nghiệm ở người bắt đầu tuyển tình nguyện viên. Những con chuột này có phản ứng miễn dịch tương tự chuột tiêm vaccine ngừa MERS-CoV, họ hàng của nCoV, theo Barney Graham, giám đốc trung tâm nghiên cứu của NIAID.
Video đang HOT
Tuy nhiên, chuột thí nghiệm không thể nhiễm nCoV như người và nỗ lực nhân giống chuột dễ nhiễm virus chưa hoàn tất. Graham cho biết loại chuột này sẽ có sẵn trong vòng vài tuần tới, nhưng từ giờ đến lúc đó, các nhà nghiên cứu chỉ có thể tiến hành thử nghiệm độ an toàn trên chuột bình thường. Ngay khi thử nghiệm sơ bộ trên động vật gây hại hoặc không thể ngừa lây nhiễm, người thực hiện thử nghiệm lâm sàng cần chuẩn bị để ngừng thử vaccine trên người, theo Karen Maschke, học giả chuyên ngành đạo đức sinh học ở Trung tâm Hastings kiêm biên tập viên tạp chí Ethics & Human Research.
Vaccine mới do công ty Moderna Therapeutics phát triển không chứa nCoV như vaccine thông thường. Thay vào đó, nhóm nghiên cứu của Moderna sử dụng kỹ thuật mới để tạo ra ARN thông tin (mARN) giống mARN ở nCoV. Theo lý thuyết, mARN nhân tạo sẽ đóng vai trò như chỉ dẫn thúc đẩy tế bào người sản sinh protein tìm thấy trên bề mặt virus, qua đó kích thích phản ứng miễn dịch bảo vệ cơ thể. Vaccine thông thường cũng có cơ chế hoạt động tương tự nhưng sử dụng virus đã chết hoặc suy yếu như thành phần cơ bản.
Thiết kế vaccine hoạt động theo cách này cho phép Moderna tăng tốc quá trình phát triển do công ty không phải cô lập và chỉnh sửa mẫu vật sống của nCoV. Nhưng Moderna chưa từng thử nghiệm công nghệ này trước đây và chưa đưa vaccine nào như vậy ra thị trường. “Chúng tôi chưa bao giờ thử khả năng phản ứng nhanh của mình và có thể không kịp sản xuất vaccine ngừa thành công virus”, Moderna cho biết.
Việc đi đường tắt có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển vaccine, nhưng không thể biết chắc điều đó sẽ giúp tiết kiệm bao nhiêu thời gian, Holly Fernandez Lynch, trợ lý giáo sư ngành đạo đức y khoa ở Đại học Pennsylvania, nhấn mạnh. “Chúng ta không nên tự suy diễn bỏ qua các bước có thể giúp cho ra đời vaccine vào tuần tới hoặc tháng tới”, Lynch nói.
An Khang (Theo Stat/Live Science)
Theo vnexpress.net
Các nhà khoa học lo tác dụng ngược khi tạo gấp vắcxin corona
Giới khoa học lo lắng áp lực tạo ra vắcxin chống virus corona càng sớm càng tốt có thể để lại những hệ quả.
Nhiều nước đang chạy đua để tìm ra vắcxin chống SARS-CoV-2 sớm nhất - Ảnh: GETTY IMAGES
Reuters ghi nhận nhiều nghiên cứu chỉ ra một số loại vắcxin luôn ẩn chứa tác dụng ngược bởi không hoàn toàn tương thích với cơ thể của tất cả mọi người. Khi đó thay vì giúp hạn chế mắc bệnh, vắcxin lại tạo điều kiện cho cơ thể dễ nhiễm bệnh ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Cơ chế đảo ngược này hiện vẫn chưa được hiểu biết cặn kẽ. Nếu tỉ lệ phản tác dụng trong cộng đồng đáng kể, vắcxin vô tình mang theo hiểm họa.
Theo các nhà khoa học, cách tốt nhất hạn chế rủi ro hiện tại là thử nghiệm ở nhiều quy mô để biết nhược điểm của vắcxin, qua đó có thể điều chỉnh hợp lý. Chẳng hạn, khi chế tạo vắcxin, một nhóm nghiên cứu phải mất vài tháng để quan sát hiện tượng đảo ngược ở động vật rồi mới thử nghiệm ở người.
Tuy nhiên vì tính cấp bách, nhiều công ty y khoa sẽ thử nghiệm trực tiếp trên nhóm người quy mô nhỏ mà không chờ kết quả từ thử nghiệm trên động vật.
Chẳng hạn, công ty công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) hợp tác với Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ cho ra lò lô vắcxin đầu tiên cuối tháng 2 vừa qua. Hiện, công ty đang chuẩn kế hoạch thử nghiệm trên người vào tháng 4 tới, song song với việc khảo sát mức độ phản tác dụng trên động vật.
Theo TS Emily Erbelding, trưởng Bộ phận Vi trùng học và Bệnh truyền nhiễm, thuộc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) khẳng định, quy trình này phù hợp với tiêu chuẩn của WHO và Cục Quản lý và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA). Thử nghiệm sẽ kéo dài trong 14 tháng.
TS Peter Hotez (trái) đặt ra quan ngại khi phát triển vắcxin quá nhanh - Ảnh: GETTY IMAGES
Từng có kinh nghiệm tham gia chế tạo vắcxin phòng SARS năm 2003, TS Peter Hotez - hiệu trưởng Trường Y khoa Nhiệt đới Quốc gia thuộc Đại học Y khoa Baylor (Mỹ) - nhấn mạnh hoàn toàn có những động vật thí nghiệm mắc bệnh nặng hơn vì vắcxin.
Ở người cũng có những ví dụ. Đợt thử nghiệm vắcxin phòng virus hợp bào hô hấp ở trẻ được Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) chế tạo gây ra nhiều ca bệnh nặng hơn, trong đó có 2 ca tử vong, vào những năm 1960.
Gần đây hơn, Philippines sau khi triển khai tiêm phòng sốt xuất huyết Dengvaxia cho hơn 800.000 trẻ em (2017) cũng ghi nhận 14 trường hợp tử vong. Theo đó, loại vắcxin này có tác dụng phòng bệnh hiệu quả đối với những người từng nhiễm virus nhưng nhiều trường hợp chưa nhiễm, vắcxin lại khiến bệnh diễn biến xấu.
"Tôi hiểu tầm quan trọng của việc tăng tốc tìm ra vắcxin, tuy nhiên xét nhiều mặt tôi không nghĩ có loại vắc-xin theo quy trình như vậy", TS Peter Hotez nói.
Theo thống kê, hiện có khoảng 20 loại vắcxin phòng SARS-Cov-2 đang được nghiên cứu và thử nghiệm bởi các hãng uy tín trên toàn cầu. Chính phủ Mỹ cũng đã dành hẳn 3 tỉ USD hỗ trợ tìm vắcxin và phương pháp chữa trị Covid-19.
Theo Tuổi trẻ
Facebook cấm các quảng cáo chữa được Covid-19 Facebook đã thực hiện một chính sách cấm quảng cáo nói về virus corona, và bài đăng gây cảm giác hoảng sợ về một tình hình khẩn cấp. Nhiều năm qua Facebook liên tục đối mặt với vấn đề tin giả tràn lan xuất trên trang mạng xã hội này, thậm chí cả những tin đã ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng...