Công cụ để các trường tự “soi mình”
Nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội do Hiệu trưởng, PGS.TS Hoàng Minh Sơn chủ trì đã phân tích nhu cầu và đề xuất bộ tiêu chí, chỉ số phân loại các trường ĐH Việt Nam.
Bộ chỉ số này được thiết kế nhằm phân loại các trường ĐH dựa trên các chức năng đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng; có tham khảo các bảng xếp hạng thế giới nhằm định hướng trường ĐH Việt Nam theo hướng hội nhập quốc tế.
Tăng cường sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường ĐH bằng cách minh bạch hóa thông tin đào tạo. Ảnh: INT
Quy định về xếp hạng, phân loại, phân chuẩn còn chưa phù hợp
Nghị định số 73/2015/NĐ-CP của Chính phủ có quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học(GDĐH). Nghị định này đồng thời quy định kết quả kiểm định chất lượng GD được coi là một trong các điều kiện để thực hiện phân tầng, xếp hạng cơ sở GDĐH. Các trường ĐH muốn được xếp hạng phải được kiểm định; kiểm định để xem trường đó có đáp ứng chuẩn chất lượng tối thiểu hay không.
“Với thực trạng của hệ thống GDĐH Việt Nam và thực tế tồn tại những quy định về xếp hạng, phân loại, phân chuẩn còn chưa phù hợp với thực tế, cần phải sắp xếp lại hệ thống các trường ĐH. Đồng thời, việc có một bộ chỉ số có tính phân loại cao là cần thiết nhằm khuyến khích văn hóa chất lượng, thúc đẩy công khai, minh bạch hóa thông tin để xã hội tham gia giám sát chất lượng; tăng cường sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường ĐH. Phân loại các trường ĐH một cách chi tiết để giúp các cơ quan quản lý Nhà nước có cơ sở sắp xếp hệ thống, định hướng đầu tư cho đúng trọng tâm, phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia.”
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng ban hành Thông tư số 24/2015/TT-BGDĐT quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở GDĐH; trong đó sử dụng 8 tiêu chí để xác định cơ sở GDĐH có đạt chuẩn quốc gia hay không. Trong 8 tiêu chí được đưa ra, tiêu chí 6 yêu cầu cơ sở GDĐH phải được kiểm định chất lượng GD trường ĐH theo quy định của Bộ GD&ĐT và giấy chứng nhận đạt chất lượng còn thời hạn tính đến thời điểm xét công nhận cơ sở GDĐH đạt chuẩn quốc gia.
Ngoài ra, để đạt chuẩn quốc gia, cơ sở cần có ít nhất 30% tổng số các chương trình đào tạo được kiểm định bởi một tổ chức kiểm định của Việt Nam hoặc một tổ chức kiểm định quốc tế được Bộ GD&ĐT công nhận. Tiêu chí 7 yêu cầu về điều kiện xếp hạng. Bộ chỉ số đưa ra chỉ có mức đạt và không đạt, do đó không tạo động lực để các trường phấn đấu liên tục để đạt chuẩn cao hơn, chỉ cần đạt ngưỡng.
Vậy là, từ hai công cụ quản lý chất lượng GDĐH khác nhau, Việt Nam lại sử dụng kết quả kiểm định để làm một căn cứ để xếp hạng (Nghị định 73) và kết quả kiểm định, xếp hạng làm căn cứ phân mức đạt chuẩn hoặc chưa đạt chuẩn quốc gia (Thông tư 24).
Phân loại ĐH là cơ sở để các trường khẳng định thương hiệu và các nhóm nghiên cứu mạnh phát triển. Ảnh: INT
Đề xuất 5 tiêu chí, 14 chỉ số phân loại các trường ĐH Việt Nam
Video đang HOT
Sau khi tham khảo chỉ số phân loại của châu Âu (U-MAP), QS và dựa trên phân loại cơ sở GDĐH theo mô hình tổ chức là ĐH và trường ĐH theo quy định của Luật GDĐH và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đề xuất bộ tiêu chí phân loại các trường ĐH Việt Nam bao gồm 5 tiêu chí và 14 chỉ số.
Cụ thể, tiêu chí “điều kiện đảm bảo chất lượng” gồm 3 chỉ số: Cơ sở vật chất, giảng viên, tài chính. Tiêu chí “đào tạo” gồm 3 chỉ số: Khả năng việc làm của sinh viên tốt nghiệp; đánh giá của người học về chất lượng, hiệu quả đào tạo; kiểm định chương trình đào tạo. Tiêu chí “nghiên cứu khoa học” gồm 3 chỉ số: Năng suất nghiên cứu, mức độ ảnh hưởng nghiên cứu, kinh phí nghiên cứu.
Tiêu chí “hợp tác quốc tế và kết nối cộng đồng” gồm 3 chỉ số: Tổng thu từ dịch vụ khoa học và công nghệ, cán bộ khoa học nước ngoài, người học là người nước ngoài. Tiêu chí “quản trị ĐH” gồm 2 chỉ số: Mô hình quản trị và hiệu quả hoạt động, năng lực ứng dụng CNTT trong quản trị cơ sở.
Theo PGS Hoàng Minh Sơn, nguyên tắc xây dựng bộ tiêu chí, chỉ số phân loại sâu là đảm bảo các yếu tố về kiểm định chất lượng và xếp hạng, coi trọng cả các chỉ số quy mô nhằm phân loại được tất cả hệ thống, phản ánh được sức ảnh hưởng của nhà trường đến xã hội và cả chỉ số năng suất để có thể đánh giá được chất lượng của nghiên cứu khoa học, hiệu quả của công tác giảng dạy…
Bộ tiêu chí, chỉ số cùng các chỉ số sử dụng cho đánh giá, phân loại, phân mức chất lượng các cơ sở GDĐH, qua đó đánh giá được bức tranh tổng thể hệ thống GDĐH Việt Nam. Thông qua việc áp dụng chuẩn tối thiểu của một cơ sở GDĐH để tiến hành chuẩn hóa và phân hạng các cơ sở GDĐH.
Bộ chỉ số không khô cứng mà linh hoạt bao gồm các chỉ số bắt buộc và tự chọn, áp dụng khác nhau đối với các cơ sở GDĐH theo định hướng nghiên cứu và cơ sở GDĐH theo định hướng ứng dụng. Các chỉ số bắt buộc bao gồm các chỉ số cốt lõi liên quan đến điều kiện đảm bảo chất lượng (3 chỉ số liên quan đến đầu vào, quá trình nội bộ là cơ sở vật chất, giảng viên, tài chính) và 1 chỉ số đầu ra phụ thuộc vào định hướng phát triển của cơ sở GDĐH.
Theo đó, định hướng nghiên cứu lấy năng suất nghiên cứu, định hướng ứng dụng lấy kết quả đầu ra về đào tạo là khả năng việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Phần các chỉ số tự chọn chỉ cần đạt các chỉ số tối thiểu và các cơ sở GDĐH có thể linh hoạt chọn đánh giá tùy theo thế mạnh của trường, phù hợp với mục tiêu, sứ mạng của nhà trường và tạo động lực phấn đấu cho các trường. Các chỉ số đều định lượng được.
Các nhà quản lý có thể cân nhắc sử dụng bộ tiêu chí trong công tác phân loại, phân hạng, quy hoạch hệ thống GDĐH Việt Nam, cũng như có cơ sở trong việc định hướng đầu tư. Đối với các trường ĐH, bộ tiêu chí, chỉ số này có thể được sử dụng để tự “soi mình”, xem nhà trường mạnh điểm nào để phát huy và yếu điểm nào để khắc phục và có định hướng phát triển. Ngoài ra, bộ tiêu chí còn có thể dùng làm khung cho các trường đối sánh với nhau.
“Bộ tiêu chí, chỉ số phân loại các cơ sở GDĐH phải dựa trên những dữ liệu trung thực và định kỳ hằng năm. Vì vậy, yêu cầu công khai, minh bạch hóa các trường ĐH cần phải được thực hiện triệt để với các quy định cụ thể, nhất quán và nghiêm túc về việc lấy dữ liệu ở cấp cơ sở” – PGS Hoàng Minh Sơn lưu ý.
Hiếu Nguyễn
Theo GDTĐ
Kỷ niệm 40 năm thành lập Trường THPT Kim Liên (1979 - 2019): Ươm mầm tri thức trên quê hương Bác
Với truyền thống 40 năm xây dựng và phát triển, Trường THPT Kim Liên (Nam Đàn) khẳng định vị thế của ngôi trường đạt chuẩn Quốc gia trên quê hương Bác Hồ kính yêu; trở thành điểm sáng của ngành Giáo dục. Từ mái trường này, nhiều tài năng đã được phát hiện, vun trồng và thành đạt trên nhiều lĩnh vực.
Trưởng thành từ gian khó
Trong ký ức của những giáo viên và học sinh từng công tác, học tập tại mái trường cấp 3 (THPT) Kim Liên ngày ấy, hẳn sẽ không thể nào quên những năm tháng gian khó buổi đầu trường "khai sơn phá thạch".
Mùa hè năm 1977, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại cho các em học sinh có nhu cầu học lên cấp 3 thuộc 7 xã phía Đông huyện Nam Đàn, 18 lớp học với gần 900 học sinh, đội ngũ giáo viên gồm 40 người được tách ra từ Trường THPT Nam Đàn 1 về thành lập một phân hiệu, đóng tại khu đất nguyên là cơ sở của Trường cấp 2 xã Kim Liên. Khi đó, để có nơi học tập, thầy và trò tự nguyện dành cả kỳ nghỉ hè năm ấy để đi chặt cây bạch đàn tại Rú Dồi, xã Hùng Tiến về làm cột, dùng tranh lá mía để lợp mái, rơm rạ trộn với bùn để làm phên... Chẳng mấy chốc, hàng chục phòng học được dựng lên.
Từ những dãy nhà tranh, vách đất đơn sơ ấy, hàng ngày ấm áp tiếng giảng bài của các thầy, cô và chất chứa nhiều ước mơ cháy bỏng của học trò.
Học sinh Trường THPT Kim Liên trước ngày Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập trường. Ảnh: Minh Tuấn
Bước ngoặt ghi dấu sự ra đời của trường, tháng 2/1979, theo quyết định của Bộ GD&ĐT, Trường cấp 3 Kim Liên chính thức được thành lập tại xóm Ngọc Đình, ngay dưới chân núi Chung, thuộc địa phận xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Buổi đầu mới thành lập, năm học 1979 - 1980, trường có 21 lớp (gồm lớp 8, lớp 9 và lớp 10 tương đương lớp 10, 11, 12 hiện nay) với hơn 1.000 học sinh, cùng 60 thầy, cô giáo. Dù phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách, năm học đầu tiên ấy đã kết thúc tốt đẹp với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp lớp 10 trên 80%, trong đó có nhiều em đậu vào đại học, cao đẳng.
Đầu năm 1981, từ nguồn kinh phí đóng góp của đồng bào Việt kiều ở Thái Lan, ngôi trường mới với dãy nhà 4 tầng bắt đầu được thi công, 3 năm sau công trình được hoàn thành. Có được nơi dạy, học khang trang, thầy và trò phấn khởi, quyết tâm ra sức thi đua dạy tốt, học tốt. Chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà của nhà trường không ngừng được nâng lên.
Thời kỳ này, trường có nhiều học sinh đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, quốc gia. Tiêu biểu là học sinh Bùi Thị Xuân, dưới sự dìu dắt, bồi dưỡng của thầy giáo Nguyễn Trọng Duân, cô học trò trường làng đã lập kỳ tích khi trở thành học sinh giỏi Quốc gia môn tiếng Nga đầu tiên của huyện Nam Đàn, được tuyển thẳng vào đại học.
Tập thể Hội đồng Sư phạm nhà trường năm học 2019 - 2020. Ảnh: Minh Tuấn
Chắp cánh cho những ước mơ bay cao
Tiếp nối truyền thống dạy tốt, học tốt, bước vào thời kỳ đổi mới, chất lượng giáo dục của Trường THPT Kim Liên ngày càng khởi sắc. Từ năm 2010 tới nay, chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà của nhà trường không ngừng tăng lên. Hàng năm có từ 17 - 22 lượt học sinh đạt học sinh giỏi tỉnh; 5 - 9 % học sinh được xếp học lực giỏi; 40 - 60 % học sinh xếp học lực khá; tỷ lệ học sinh yếu kém dưới 1%; tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT đạt từ 97 - 99%, nhiều em trúng tuyển vào các trường đại học tốp đầu của cả nước với điểm thi từ 24 điểm trở lên.
Học sinh Trường THPT Kim Liên tham gia kỳ khảo sát, đánh giá năng lực học sinh theo chuẩn quốc tế (PISA) năm 2012. Ảnh: Minh Tuấn
Để có được những thành tích đáng khích lệ đó, chất lượng đội ngũ giáo viên đóng vai trò quan trọng. Nhà trường đã tập hợp được một đội ngũ nhà giáo nhiệt huyết, yêu nghề, có năng lực chuyên môn vững vàng, thường xuyên trau dồi, cập nhật, bổ sung kiến thức mới. Đến thời điểm hiện tại, đội ngũ cán bộ, giáo viên của nhà trường gồm 77 người, 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Trong đó, có 20 giáo viên có trình độ thạc sỹ, 30 giáo viên được công nhận danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 19 giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm cấp sở, cấp tỉnh.
Cùng với những khởi sắc rõ nét trong chất lượng dạy và học, những năm gần đây, vị thế của nhà trường ngày càng được khẳng định. Sau thời gian dài nỗ lực phấn đấu bền bỉ, năm 2017, trường được UBND tỉnh công nhận danh hiệu Trường đạt chuẩn Quốc gia. Trong nhiều năm qua, tập thể nhà trường được Sở GD&ĐT công nhận là trường tiên tiến và tiên tiến xuất sắc. Dịp này, nhà trường vinh dự được đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ GD&ĐT về những thành tích xuất sắc trong hoạt động giáo dục.
Song hành cùng dấu ấn 40 năm qua là hàng nghìn học sinh của nhà trường đã tốt nghiệp ra trường, tung cánh khắp mọi miền Tổ quốc, cống hiến sức lực, trí tuệ, góp phần dựng xây đất nước, quê hương. Trong đó, nhiều cựu học sinh giữ các chức vụ quan trọng tại các cơ quan, đơn vị ở trong và ngoài tỉnh.
Đại diện Ban Giám hiệu nhà trường chúc mừng em Nguyễn Thị Hà Giang tại buổi lễ tuyên dương học sinh đạt thành tích cao năm học 2018 - 2019 do UBND tỉnh tổ chức. Ảnh: Minh Tuấn
Phát huy truyền thống xây dựng và phát triển trong 4 thập kỷ qua, mục tiêu cơ bản của nhà trường trong thời gian tới là tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi các cấp, giữ vững tỷ lệ học sinh vào đại học; quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Cùng với đó, tiếp tục nâng cao chất lượng và trình độ đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; huy động mọi nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất và cảnh quan trường học, xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện; xứng đáng là địa chỉ ươm mầm tri thức của các thế hệ học trò trên quê hương Bác Hồ kính yêu.
Thành tích nổi bật năm học 2018 - 2019 của Trường THPT Kim Liên:
- Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
- Trường được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
- Tập thể nhà trường nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh.
- Sở GD&ĐT công nhận trường đạt danh hiệu Lao động tiên tiến xuất sắc.
- 6 giáo viên được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen.
- 8 giáo viên được UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng kkhen.
- 3 giáo viên được Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng Bằng khen.
Năm học vừa qua, em Nguyễn Thị Kim Thoa, học sinh lớp 11C1, giành giải Nhất môn Giáo dục công dân cấp tỉnh; Em Nguyễn Thị Hà Giang, học sinh lớp 12C1, đạt Thủ khoa khối A của tỉnh Nghệ An, xếp thứ 9 cả nước trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019.
Minh Tuấn
Theo baonghean
Trường An Hưng, nơi ươm mầm tài năng trẻ 60 năm qua, Trường Trung học cơ sở An Hưng (Hải Phòng) đã đào tạo được nhiều thế hệ học sinh có đạo đức, tri thức tốt, trở thành người có ích cho xã hội. Hòa trong không khí cả nước chào mừng 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), những ngày này, Trường Trung học cơ sở An Hưng (huyện An...