Công bố ‘Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học’
Sáng 14/12, buổi họp báo công bố “ Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học” diễn ra tại TP.HCM với 691 đầu sách đến từ hơn 30 nhà xuất bản.
“Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học” do Hội Xuất bản Việt Nam – Văn phòng đại diện phía Nam, Công ty Đường sách TP.HCM cùng các nhà xuất bản, công ty sách thực hiện với sự hỗ trợ từ 50 giáo viên của các trường tiểu học trên địa bàn thành phố.
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, chia sẻ danh mục sách nhằm giúp học sinh thu thập và xử lý thông tin thông qua đọc sách phù hợp, phát triển năng lực tự học. Sách trong danh mục sát với nội dung bài học và chương trình giáo dục năm 2018 nên phù hợp nhu cầu của học sinh, giáo viên.
Các đại biểu tham dự họp báo công bố “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học” sáng 14/12. Ảnh: T.V.
Danh mục sách bám sát chương trình giáo dục hiện hành
Với mục đích giới thiệu các đầu sách phù hợp học sinh, Hội Xuất bản Việt Nam – Văn phòng đại diện phía Nam đã tổng hợp danh mục các chủ đề môn học theo từng cấp lớp; tổ chức họp lấy ý kiến nhà xuất bản, công ty sách, chuyên gia giáo dục, thầy cô giáo để xây dựng kế hoạch và tiến hành triển khai thực hiện.
Từ hơn 4.000 tựa sách được các nhà xuất bản tuyển chọn gửi về, hơn 50 thầy cô dạy tiểu học trên địa bàn thành phố đã đọc, thẩm định để cho ra danh mục sách gần 700 đầu sách.
“Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học” hoàn thành và chính thức được Hội Xuất bản Việt Nam công bố gồm 691 quyển, trải đều ở các phân môn: Đạo đức, Khoa học/Tự nhiên Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, Đọc mở rộng môn Toán, Đọc mở rộng môn Tiếng Việt, Tìm hiểu lịch sử địa phương (TP.HCM)…
Video đang HOT
Tại buổi họp báo, ông Lê Hoàng cho biết việc hình thành danh mục sách xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm tư liệu phục vụ công tác dạy và học của giáo viên, học sinh. Từ việc hình thành thói quen tìm đọc sách tư liệu cho bài học, các em sẽ phát triển được năng lực tự đọc, tìm kiếm thông tin chuẩn bị cho bài học nhanh hơn.
“Đây giống như một thực đơn không chỉ dành cho giáo viên, học sinh mà còn giúp phụ huynh tìm kiếm tựa sách phù hợp bổ sung cho tủ sách gia đình. Cha mẹ có thể cùng con đọc sách, giải đáp cho trẻ thắc mắc, rắc rối trong quá trình học tập”, ông Lê Hoàng nói thêm.
Các tựa sách được phân loại theo phân môn để các em học sinh dễ dàng theo dõi, tìm kiếm. Ảnh: Phương Lâm.
Đánh giá về vai trò của danh mục sách này, cô Lê Thị Kim Lan, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Chính Nghĩa (quận 5), nói: “Các đầu sách được tuyển chọn rất sát với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây sẽ là sự bổ trợ đắc lực cho các em”.
Cô Kim Lan cũng cho rằng “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học” đồng thời là nguồn tài liệu tham khảo chính thống, đã được chọn lọc kỹ lưỡng.
Phổ biến danh mục đến học sinh, giáo viên
Ông Lê Hoàng thông tin bên cạnh 691 đầu sách đã được tuyển chọn, “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học” tiếp tục được cập nhật, bổ sung và hoàn thiện.
Hội Xuất bản Việt Nam – Văn phòng đại diện phía Nam sẽ phối hợp các nhà xuất bản phát triển danh mục dành cho bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông. Việc này sẽ giúp tạo nên một tủ sách tham khảo được đầu tư, chọn lọc cho các em.
Đây giống như một thực đơn không chỉ dành cho giáo viên, học sinh mà còn giúp phụ huynh tìm kiếm các tựa sách phù hợp.
Ông Lê Hoàng
Hội Xuất bản dự kiến phối hợp sở GD&ĐT các tỉnh đưa danh mục sách đến trường học ở địa phương khác.
Đặc biệt, đầu sách tham khảo ở phân môn Lịch sử sẽ do các sở phối hợp thầy cô lựa chọn tựa sách phù hợp địa phương mình.
Là đơn vị phát hành đồng hành “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học”, Công ty Cổ phần Sbooks đã triển khai mang sách đến các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Anh Dũng, nhà sáng lập Sbooks, cho biết đơn vị này đã bước đầu làm việc với sở, ban, ngành, nhà trường, thư viện của một số tỉnh như Long An, Đắk Lắk, Tiền Giang, Đồng Nai, Bến Tre, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Cần Thơ… về việc tổ chức hội thảo, chương trình gặp gỡ để giới thiệu nội dung, mục đích của danh mục sách.
Hiện, “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học” cũng được trưng bày tại Đường sách TP.HCM nhằm thuận tiện cho bạn đọc đến tham khảo. Phiên bản trực tuyến của danh mục cũng sẽ được Hội Xuất bản Việt Nam công bố trong thời gian sớm nhất.
Đà Nẵng cho học sinh lớp 1 học trực tiếp, nhiều phụ huynh vẫn băn khoăn
Ngày 1-2, ngay sau khi Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng có văn bản chính thức về việc cho HS lớp 1 bậc tiểu học (TH) đến trường học trực tiếp vào ngày 6-12 tới cùng HS khối lớp 8, 9 THCS, nhiều phụ huynh bày tỏ quan ngại, không muốn cho con đi học vì tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp.
Trường TH Hòa Bắc (Hòa Vang) là trường TH đầu tiên trên địa bàn TP Đà Nẵng tổ chức dạy-học trực tiếp đối với lớp 1 từ tháng 10. Ảnh: P.T
Chị Hà Thị Nga có con học lớp 1 Trường TH Phù Đổng (Q.Hải Châu) trăn trở: "Học trực tuyến thì không chất lượng bằng trực tiếp, cha mẹ cực và vất vả hơn. Nhưng thú thật, trong tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, tôi không dám cho con đến trường. Nếu không bắt buộc phải đến trường, tôi sẽ cho con ở nhà để học trực tuyến, chờ ra Tết mới cho con đến trường. Trong trường hợp bắt buộc phải đến trường, tôi sẽ xin phép cho con nghỉ học tuần đầu để theo dõi tình hình rồi mới tính tiếp. Chớ cho con đi học vào thời điểm này, cha mẹ như "ngồi trên đống lửa", tâm trạng đâu mà làm việc?".
Cũng suy nghĩ này, chị Nguyệt Hà có con học cùng trường với con chị Nga chia sẻ thêm: "Tôi có hai cháu, một cháu học lớp 1, một cháu học lớp 7. Nếu lớp 7 đi học lại vào thời điểm này, tôi còn an tâm; chứ lớp 1 thì không yên tâm chút nào vì cháu còn quá nhỏ chưa ý thức bảo vệ bản thân như các anh chị cấp hai, ba được...Vì vậy, nếu nhà trường bắt buộc phải đến trường, tôi sẽ xin phép cho con nghỉ học một thời gian để theo dõi tình hình rồi mới quyết định. Theo tôi, đối với HS lớp 1 nên để qua Tết cho đi học lại sẽ...ổn hơn".
Chị Hà cho biết thêm, qua tìm hiểu tâm tư của các phụ huynh cùng lớp con trên nhóm lớp, được biết, nhiều phụ huynh khác cũng có tâm trạng không yên tâm khi cho con đến trường vào thời điểm mà theo họ là khá nhạy cảm, nhất là khi Tết Nguyên đán cũng cận kề. Thậm chí, có phụ huynh cho biết, nếu chủ trương bắt buộc phải đến trường họ sẽ cho con nghỉ học, sang năm học lại.
"Cháu mới học lớp 1 nên cũng không sao nếu phải học lại 1 năm chứ tôi không yên tâm cho con đến trường vào thời điểm này. Kể cả sau Tết, nếu tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, tôi cũng không an tâm cho con đến trường", chị Thanh Tâm có con học lớp 1 trường TH Ngô Mây (Q.Sơn Trà) bày tỏ quan điểm. Được đặt giả thiết "nếu sang năm tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát thì phụ huynh tính sao", chị Thanh Tâm cho biết: "Tôi hy vọng dịch bệnh rồi sẽ được kiểm soát, hoặc chí ít phải chờ đến khi toàn TP tiêm phủ đủ 2 mũi vaccine cho những người trong độ tuổi đủ điều kiện tiêm chủng vaccine, khả năng miễn dịch cao, nguy cơ lây nhiễm sẽ được hạn chế thì mới có thể an tâm cho con đến trường được...".
Qua trao đổi các nhà quản lý giáo dục, được biết, ngay sau khi TP có chủ trương sẽ tổ chức cho HS lớp 1 bậc TH, lớp 8, 9 bậc THCS đi học trực tiếp ngày 6-12 tới, Phòng GD-ĐT của các quận, huyện đã chủ động triệu tập Hiệu trưởng các trường TH, THCS để quán triệt một số vấn đề liên quan đến phương án, kế hoạch đón và tổ chức dạy- học cho HS. Đơn cử như ngành GD-ĐT Q.Hải Châu, song song với phương án, kế hoạch tổ chức dạy- học trực tiếp, Phòng GD-ĐT yêu cầu các trường phải có phương án dạy- học trực tuyến đối với những trường hợp HS chưa thể đến trường vì nhiều lý do: đang ở khu vực phong tỏa, cách ly y tế, đang ở tỉnh ngoài chưa thể trở về hoặc phụ huynh chưa an tâm cho con đến trường.
Cũng theo hướng dẫn của Phòng GD-ĐT Q.Hải Châu, sau khi có văn bản chính từ Sở, các trường học tiến hành cho các lớp khảo sát, nắm thông tin phụ huynh học sinh để có số lượng cụ thể về việc cho con em đến trường. Trên cơ sở đó, các trường chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch để đón HS trở lại trường học trực tiếp cũng như có phương án đối với những HS chưa thể đến trường vì nhiều lý do.
Cũng trong tư thế chủ động đó, ông Nguyễn Thanh Lịch, Phó Phòng phụ trách Phòng GD-ĐT Q.Liên Chiểu cho biết đã tổ chức họp hiệu trưởng của hai cấp bậc học (TH, THCS) để phổ biến, quán triệt một số nội dung có liên quan từ trước khi Sở GD-ĐT có văn bản chính thức. Chủ trương chung, các trường xây dựng 2 phương án dạy-học trực tiếp và trực tuyến với phương châm "không để bất kỳ HS nào ở lại phía sau". Cũng theo ông Lịch, công tác tư vấn, hướng dẫn phụ huynh đồng hành cùng nhà trường trong việc chuẩn bị cho con đến trường, chuẩn bị nước uống cá nhân, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe con trước khi đến trường... được ngành đặc biệt lưu tâm, đề nghị Hiệu trưởng các trường nhấn mạnh với các GVCN.
Học viện Báo chí tổ chức tốt nghiệp cho cử nhân quốc tế Cử nhân quốc tế Quảng cáo, PR và Thương hiệu là chương trình giáo dục được Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng Đại học Middlesex phối hợp thực hiện. Ngày 24/11, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Lễ Tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế, khóa II. Chương trình là kết quả hợp tác của Học viện...