Con đường bún mắm
Không biết có phải vì người bán và người ăn, đa số là người gốc miền Tây nên bún mắm trở thành món “đinh” ở con đường Nguyễn Nhữ Lãm, phường Phú Thọ Hoà, quận Tân Phú (TP HCM).
Đường chỉ dài khoảng 200 m mà có gần hai mươi quán bún mắm. Có lẽ vì cạnh tranh hay muốn giới thiệu đặc sản quê nhà mà bảng hiệu của mỗi quán đều có cả tên địa phương như bún mắm Bạc Liêu, bún mắm Sóc Trăng, bún mắm Cần Thơ…
Điều đặc biệt của những quán bún mắm ở đây là giữ được hương vị đậm đà và tô bún luôn có đủ các loại rau miệt đồng với bắp chuối, rau đắng, kèo nèo, bông súng… Giá bình dân, nhưng tô bún mắm ở đây có vẻ phong phú hơn nhiều nơi khác qua những con tôm, miếng mực, chả cá, miếng thịt heo quay…
Ở phố bún mắm này không chỉ có bún mắm. Không một mặt bằng nào bỏ trống là nhận xét đầu tiên của khách khi bước chân qua con đường này. Ngoài cái tên con đường bún mắm, những người quen đến ăn ở đây còn gọi nơi đây là phố ẩm thực hợp tác.
Gọi là phố ẩm thực hợp tác bởi những hàng quán buôn bán ở đây từ đầu đến cuối đường đều biết nhau. Gần như có một quy luật bất thành văn là mọi người cùng hợp tác trong việc buôn bán. Khách ngồi ở một quán nhưng có thể gọi món ăn các hàng khác một cách thoải mái không phân biệt khoảng cách. Khi có ùn tắc ở đâu thì nhóm hàng quán ở đoạn đó phải tự sắp xếp giải toả nhanh, luôn giữ cho con đường đi lại dễ dàng. Vệ sinh môi trường cũng là một trong những điều kiện bắt buộc các cửa hàng cùng nhau gìn giữ…
Nhưng quan trọng hàng đầu chính là sự hoà đồng tương trợ nhau mang tính cách chòm xóm láng giềng trong sinh hoạt của người Nam bộ được thể hiện khá rõ nét trong cung cách làm ăn ở phố. Chi, người miền Tây thuê nhà mở quán bán bún mắm cho biết lúc vừa đến còn lạ chỗ lúng túng, bà con chung quanh thấy quán của chị thiếu đủ thứ, áp nhau phụ giúp từ công đến của, vậy mà thấm thoát đã gần mười năm.
Phố hợp tác ẩm thực Nguyễn Nhữ Lãm hình thành khá sớm từ năm 2000. Theo Thông, chủ quán bún, bánh canh Thuý Vy là cư ngụ tại đây từ lâu. Ban đầu chỉ có vài hàng ăn mở cửa bán từ đầu đường Nguyễn Nhữ Lãm phía đường Nguyễn Sơn. Nhờ ở cạnh chợ phường Phú Thọ Hoà nên khách đi chợ tiện ghé ăn hoặc chờ người nhà vào chợ. Từ từ thấy bán được bà con bắt đầu mở quán bán tiếp và chỉ trong vòng hai năm hàng quán đã ken kín con đường.
Video đang HOT
Khách hàng của phố ẩm thực ngoài công nhân viên chức, cư dân quanh vùng thì người từ Bình Chánh, quận 12, Lái Thiêu… dịp hội hè đến công viên Đầm Sen thế nào cũng có nhiều người ghé qua phố ẩm thực để thưởng thức những món ăn khoái khẩu. Món ăn thức uống ở phố ẩm thực không thiếu thứ gì từ món chay, mặn đến ăn chơi, ăn no, chè cháo, tráng miệng, giải khát… Ngoài bún mắm, ở đây còn có đủ món ăn Âu, Hoa, Ấn, Việt như hủ tiếu, mì Tàu, mì Quảng, mì Ý, bò bíttết, phở, bánh cuốn, cơm tấm, cơm gà, cháo gà, cháo vịt, càri dê, càri gà… Đa số những món ăn buổi tối có giá trung bình từ 15.000-17.000 đồng mỗi suất, buổi sáng có giá 12.000-15.000 đồng.
Theo: Sài Gòn Tiếp Thị
Nhớ hương vị mắm quê nhà
Với mùi vị nồng nồng đặc trưng, mắm đã trở thành một thứ đặc sản rất đỗi quen thuộc của người dân xứ Việt.
Vào những ngày này, nếu ai đang ở quê nhà thưởng thức món mắm sẽ cảm thấy thật "sảng khoái" với cái hương vị đậm đà mà rất đỗi quen thuộc này.
Mắm tôm Kinh Bắc
Về miền Kinh Bắc, cùng nhau lai rau món đậu phụ trong những ngày mưa phùn gió bấc thì thật tuyệt.
Món bún đậu mắm tôm dân dã mà dư vị khó quên xiết bao. Miếng đậu phụ rán, giòn tan lớp vỏ bên ngoài, dậy lên mùi thơm thơm, quệt vào chút mắm tôm rồi ăn cùng với bún. Vị nồng đượm của món bún mắm tôm Kinh Bắc này khi nhấm nháp với rau mùi, húng lủi và dưa chuột thì như một sự kết hợp hài hòa khó gì bì kịp.
Từng miếng đậu phụ khi rán xong, lớp vỏ ngoài vàng ươm, giòn tan. Cùng nhau ăn món này, trong vị thanh thanh của rau mùi, cái cay nồng của mắm tôm vắt chanh đánh cho sủi bọt, nhâm nhi cùng mấy lát dưa chuột thái mỏng, sẽ thấy cảm giác ấm nóng lan tỏa. Những ai đi xa, mỗi khi nhớ về quê hương Bắc Hà, nhớ về những ngày cùng bạn bè ngồi ở một quán nhỏ nơi chợ quê nào đó và ăn món bún này, hẳn lòng sẽ thấy rưng rưng đến lạ.
Mắm tôm với người dân Bắc bộ như nước mắm với người miệt vườn trong Nam. Loại mắm có mùi nồng nồng mà không hắc, vị mặn mặn thanh thanh, thường ăn kèm với các món lạt trở thành món khoái khẩu của lắm người sành ăn. Thế nhưng, nếu thiếu đi chất sệt sệt vừa có vị chua của chanh, ngòn ngọt dịu nhẹ của đường và mùi nồng nồng rất riêng của mắm ấy thì không ra được phong vị ẩm thực của người miền Bắc. Giống như khi ta ăn món giả cầy mà không có mắm hay ăn chả cá Lã Vọng với thìa là mà thiếu mắm tôm ớt chanh thì cũng nhạt nhẽo, vô vị.
Về Thanh Hóa, tìm mua những con tôm to, còn tươi để làm mắm, bạn sẽ cảm nhận được mắm ngon hơn, ngọt hơn nhiều. Bạn giã giập con tôm trong cối, rồi làm mắm, để trong loại vại sành với nước men nâu đen, mới cho ra được loại mắm ngon. Sau đó, bạn dùng vải thưa bịt kín xung quanh rồi đem phơi ngoài nắng ráo.
Để có màu mắm tươi, đỏ ửng, giai đoạn sau khi phơi nắng là quan trọng nhất. Phải canh tôm đến thời kỳ ngấu, đem ra giã kỹ một lần nữa, sau đó mới chắt cốt mắm cho vào chai đậy kỹ.
Mắm tôm càng lâu càng ngon. Mắm ngon thì phải đỏ tươi màu tôm, không đen sì, nhấm thấy mặn thanh nơi cuống họng và tuyệt đối không có sạn.
Tuy nhiên, không ohải người nào cũng có thể ăn mắm tôm. Ban đầu, mùi rất riêng không lẫn vào đâu của loại nước chấm này thường khiến nhiều người không quen, thậm chí khó chịu. Thế nhưng, khi ăn vào rồi, họ sẽ bị ghiền, bị mê hoặc bởi món ăn dân dã mà cực kỳ Việt Nam này.
Mắm ruốc miền Trung
Nhiều người khi rời Huế vào Sài Gòn, đôi lần nghĩ lại vẫn tha thiết một nỗi nhớ về con ruốc quê nhà. Suốt bao nhiêu năm là học trò, ai mà quên được vị ớt cay với mắm ruốc thơm nồng kèm miếng xoài tượng chua đến mím môi, nhắm mắt.
Mắm với người dân xứ Huế là một phần không thể thiếu trong bữa cơm gia đình. Chẳng vì thế mà ngay tại khu chợ sầm uất Đông Ba đã hình thành nên cả một khu phố mắm tấp nập người bán kẻ buôn.
Tầm khoảng tháng Giêng đến tháng Tư Âm lịch, khi mùa ruốc về, người ta lại làm mắm ruốc. Phải chọn con ruốc tươi, tuyệt đối không dùng nước lã để rửa vì ruốc sẽ bị thối rữa. Ruốc sau khi rửa phải được xốc đều trên chảo với muối hạt. Mắm ngon không những phải có mùi thơm nhẹ, vị vừa phải, không quá mặn, mà còn phải có màu đỏ hồng.
Làm mắm ruốc thì khó nhưng thưởng thức món mắm cầu kỳ này lại đơn giản vô cùng. Mắm có thể dùng như một loại nước chấm tuyệt vời cho món thịt luộc. Có hàng trăm món ngon chế biến mà thiếu mắm ruốc sẽ trở nên vô nghĩa, nhạt nhẽo.
Không chỉ có mắm ruốc, tại dải đất miền trung, còn có nhiều món mắm thơm ngon khác. Nếm thử một miếng mắm cá thu với vị ngọt tự nhiên của thịt cá lên men, hẳn du khách sẽ tấm tắc khen ngon. Hay như món mắm tôm chua được ăn kèm với cơm trắng nóng thì quả không gì bằng.
Bún mắm miệt vườn
Phương Nam là mảnh đất với địa thế sông ngòi chằng chịt, sản vật thiên nhiên phong phú, tôm cá ngút ngàn của đồng bằng Nam bộ, trong đó, mắm vẫn là món xếp loại... nhất.
Bún mắm được xem là món ăn chứa đựng đầy đủ tinh hoa của mắm. Tiền thân của nó vốn là mắm kho ăn với rau đồng. Dần dần món ăn này được "nâng cấp" lên với nhiều nguyên liệu phong phú nhưng vẫn giữ cái nền mắm thơm điếc mũi. Gừng, sả làm dịu mùi nồng của mắm, có nước dừa tươi làm nước lèo thêm béo, ngọt, kèm thêm các món cá, thịt quay, mực, tôm, nghêu, sò, ốc từ khắp mọi miền hội tụ trong nồi mắm. Với món bún mắm này, mỗi địa phương sẽ có những khẩu vị, dư vị khác nhau. Món ăn trở nên thịnh soạn hơn.
Tô bún mắm hấp dẫn những người sành ăn bởi cái gión của thịt heo mỡ quay, cái ngọt lừ của tôm mực tươi, nước lèo béo thơm nấu từ xương quện với mùi nồng của mắm cá sặc. Cái ngon của bún mắm là sự kết hợp tinh tế của từng ấy thứ đi kèm với rau ghém. Nhưng nếu nước lèo không được làm cho đúng cách thì sẽ không ra được cái vị độc đáo của món ăn bình dị xứ miệt vườn này.
Nước lèo không nên nêm bột ngọt và đường, chỉ lấy chất ngọt từ con cá lóc, xương heo cùng vị tinh túy của mắm sặc đồng, miệt Cà Mau, thường là loại mắm trở có mùi nặng đặc biệt. Nấu sôi cho cá rã ra, lọc mắm qua rây lấy nước, bỏ xương. Cá lóc làm sạch, cắt ra nhiều khúc, cùng xương heo thả trong nước lèo. Khi cá chín, vớt ra, xắt thành từng miếng nhỏ, dài. Còn đầu cá no tròn, đùm ruột gan mỡ béo ngậy được sắp chồng lên trong đĩa bàn lớn.
Những cặp trứng cá vàng rượm bỏ trở lại nồi, dùng "dá" khỏa đều cho trứng nổi lên trên mặt, cùng sả băm nhuyễn, nấm rơm búp, tép mỡ óng ánh lềnh bềnh càng tăng thêm chất lượng nồi nước lèo. Ăn bún mắm và nước lèo thiếu mất vị mắm cá sặc thì khó mà ngon.
Theo Tạp Chí Ẩm Thực
Lẩu Mắm U Minh Người dân Nam bộ nói chung và U Minh nói riêng, ăn cơm có nghĩa là ăn một bữa ăn chính, đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, mà từ cơm còn bao hàm nhiều món ăn đi kèm, trong đó món lẩu mắm (mắm kho cho vào lẩu) là một trong những món ăn dân dã không thể thiếu của người Nam...