Con công nhân phải được đến trường!
Chủ trương của TP HCM là 100% học sinh trong độ tuổi đi học được đến trường, không phân biệt có hộ khẩu hay không, con công nhân hay người TP
Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch CĐ các KCX-KCN TP HCM, cho biết qua khảo sát nhu cầu gửi trẻ của công nhân (CN) hiện nay tại KCX-KCN của TP là khoảng 50.000 bé.
Hỗ trợ chi phí gửi trẻ cho công nhân
Thế nhưng theo ông Tuấn, nếu CN gửi con vào các trường đủ chuẩn thì tiền lương không kham nổi, còn gửi con bên ngoài, nhiều bà mẹ không yên tâm làm việc (Báo Người Lao Động phản ánh ngày 22-8). “Muốn xây nhà trẻ dành cho con CN cần phải có sự giúp sức từ nhà nước và xã hội. Đầu tư quy mô càng lớn, giữ được nhiều cháu thì giá thành càng hạ, bớt gánh nặng cho CN. Để giải quyết bài toán nhà trẻ cho con CN, các công ty hạ tầng cần phải dành ra quỹ đất xây dựng trường lớp” – ông Tuấn bày tỏ.
Tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM mới đây, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP, cho biết TP hiện có 17 KCX-KCN. Tính đến tháng 12-2017, 16 trường và cơ sở mầm non đã đi vào hoạt động tại 12/17 KCN, đáp ứng nhu cầu gửi hơn 5.800 trẻ.
Con công nhân học tại Trường Mầm non Mặt Trời Nhỏ do Công ty TNHH Pou Yuen (quận Bình Tân, TP HCM) xây dựng Ảnh: HỒNG ĐÀO
Trong năm học 2018-2019, sở sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch “Hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ cho con CN tại KCX, KCN trên địa bàn TP từ năm 2016 đến 2020″ năm thứ hai, triển khai tiếp ở quận 7 và huyện Củ Chi (năm đầu là 2 quận Bình Tân và Thủ Đức).
Cũng theo Sở GD-ĐT TP HCM, năm học 2018-2019, toàn TP tăng 67.234 học sinh (HS). Cụ thể: mầm non tăng 20.225 HS, tiểu học tăng 26.812 HS, THCS tăng 10.406 HS, THPT tăng 9.791 HS. Nhìn chung, số HS tăng nhiều ở cấp mầm non và tiểu học, tập trung tại các quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi – những địa phương đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, có nhiều KCX-KCN.
Năm học 2017-2018, số HS không có hộ khẩu tại TP HCM là 294.239, bình quân mỗi năm tăng khoảng 15.000 em không có hộ khẩu tại TP. Tuy vậy, chủ trương của TP là 100% HS trong độ tuổi đi học được đến trường, không phân biệt có hộ khẩu hay không, con của CN hay người TP. Cụ thể, Sở GD-ĐT đã cùng 24 quận – huyện rà soát kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 với 722 dự án, quy mô 12.785 phòng học, tổng kinh phí 55.461.627 triệu đồng. Dự kiến số phòng học mới đưa vào sử dụng vào ngày 5-9 sắp tới là 882, trong đó số phòng học tăng thêm là 641, xây thay thế là 241.
Khó tuyển giáo viên
Theo Sở GD-ĐT TP, có một thực tế khó khăn hiện nay là tại các trường mầm non cho con CN rất khó tuyển nhân sự, nhất là giáo viên, gây khó khăn cho việc nhận và chăm sóc trẻ.
Video đang HOT
Điều này xuất phát từ việc nghị quyết vênh thông tư, dù TP đã đề xuất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có cách tháo gỡ. Cụ thể, Nghị quyết 01/2014 của HĐND TP HCM về hỗ trợ giáo dục mầm non đã quy định bổ sung biên chế cho chức danh nhân viên nuôi dưỡng (bảo mẫu) trong khi Thông tư liên tịch 06 của Bộ GD-ĐT – Bộ Nội vụ lại không có định biên chức danh này.
Không chỉ bảo mẫu, quy định yêu cầu các trường mầm non chỉ được tuyển 2 nhân viên làm 4 chức danh kế toán, thủ quỹ, y tế, văn thư hiện nay cũng vô cùng bất cập. Tại quận Bình Tân, khi đưa vào hoạt động 2 trường mầm non cho con em CN cần tới 111 nhân sự. Trường Mầm non KCX Tân Thuận cần 55 nhân sự.
Theo lãnh đạo nhiều phòng GD-ĐT, Thông tư liên tịch số 06 quy định trường mầm non chỉ được biên chế 2 người để làm 4 vị trí là kế toán, thủ quỹ, y tế, văn thư – nghĩa là mỗi người phải kiêm nhiệm thêm một việc khác.
Tuyển 2 người để làm cùng lúc 4 công việc nên rất khó khăn trong quá trình tuyển mới hoặc luân chuyển giữa các trường trong giai đoạn đầu.
Chi tiền tỉ giữ con cho công nhân
Trái với lo lắng của nhiều đồng nghiệp ở các doanh nghiệp (DN), chị Nguyễn Thị Linh, CN Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP HCM), khá yên tâm khi gửi con tại nhà trẻ công ty. Không chỉ thuận tiện trong việc đưa đón con, chị Linh còn tiết kiệm được 50% chi phí nếu gửi con ở nhóm trẻ.
Công ty TNHH Việt Nam Samho là một trong những DN tại TP HCM tiên phong xây dựng nhà giữ trẻ cho con CN. Năm 2010, công ty đã chi gần nửa tỉ đồng cải tạo 1.000 m2 khu làm việc của khối văn phòng để làm nhà trẻ cho con CN.
Nhà trẻ có thể nuôi giữ được 300 cháu với nhiều trang thiết bị phục vụ việc dạy học và được UBND xã Trung An cấp phép nhóm lớp mầm non. Theo quy định, nhóm lớp mầm non chỉ được phép giữ khoảng 60 cháu nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu gửi con của CN. Bắt đầu từ tháng 3-2018, công ty đã hợp tác với một cá nhân bên ngoài để nâng quy mô từ nhóm lớp lên Trường Mầm non tư thục Ánh Dương Samho. Hiện trường đang nuôi dạy gần 300 cháu, trong đó chủ yếu là con CN của công ty. Ông Nguyễn Thanh An, chủ tịch Công đoàn (CĐ) công ty, cho biết khi học tại trường, con CN của công ty được hỗ trợ tiền ăn, tiền cơ sở vật chất, cấp phát đồng phục miễn phí. Học phí của các cháu chỉ khoảng 700.000 đồng/tháng. Hơn nữa, trường có tổ chức giữ trẻ ngoài giờ nên rất thuận tiện cho CN nếu phải tăng ca. “Trường vẫn chưa phát huy hết công suất vì có thể nhận thêm học sinh. Khó khăn khác hiện nay là trường mang danh tư thục nên khó tuyển giáo viên” – ông An cho hay.
Tương tự, tại Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) hiện có khoảng 70.000 CN làm việc nên nhu cầu gửi con là rất lớn, trong khi trường lớp trên địa bàn chưa thể đáp ứng nổi. Nhằm giải quyết một phần khó khăn cho CN trong việc tìm chỗ gửi con, công ty đã đầu tư hơn 2,5 triệu USD xây dựng Trường Mầm non Mặt Trời Nhỏ. Trường được xây dựng trên diện tích 5.000 m2, gồm 1 trệt, 2 lầu; có 20 phòng học và 8 phòng chức năng để dành học các lớp nhạc, họa, múa… và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6-2013. Hiện trường đang chăm sóc 700 bé là con CN từ 2 đến 5 tuổi. Do được ban giám đốc hỗ trợ kinh phí hoạt động nên mỗi tháng, phụ huynh chỉ đóng học phí 800.000 đồng/cháu. Theo ông Củ Phát Nghiệp, chủ tịch CĐ công ty, nhu cầu gửi con của CN còn rất lớn, song vì kinh phí và quỹ đất không còn nên công ty không thể mở rộng thêm. Vì vậy, để giải quyết bài toán chỗ gửi con cho CN chỉ còn biết trông chờ sự đầu tư của nhà nước.
Khó đủ thứ
Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Tân, cho hay theo quy định, nhân viên kế toán không được giữ tiền, nghĩa là không thể kiêm thủ quỹ, kế toán cũng không được giữ dấu mộc, nghĩa là không thể kiêm văn thư. Như vậy, kế toán chỉ có thể làm thêm công tác y tế trường học, điều này hết sức bất cập. Mỗi trường có 500-600 trẻ trở lên, đặc thù của trường mầm non càng phải đòi hỏi chăm sóc y tế hết sức cẩn thận, có chuyên môn và chuyên trách, một người làm còn không xuể, chưa nói đến kiêm nhiệm. Vậy trường tuyển nhân sự thì nên ưu tiên chuyên môn nào, y tế hay kế toán vì 2 lĩnh vực đều cần chuyên môn thật sự.
Nhóm Phóng Viên
Theo nld.com.vn
Áp lực sĩ số tại Hà Nội: "Đau đầu" tìm phương án giải quyết
"Vấn đề áp lực sĩ số ở Hà Nội không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai. Đấy là câu chuyện dài về đầu tư, về quỹ đất và cả về giáo viên nữa", trên đây là nhận định của một số thầy cô giáo trước tình trạng nhiều lớp học có sĩ số trên 60 học sinh do quá tải.
Thêm lớp, học luân phiên vì thiếu quỹ đất
Chia sẻ với PV Dân trí về tình trạng áp lực sĩ số của Hà Nội hiện nay, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cho biết, giải quyết áp lực sĩ số và vấn đề học sinh (HS) đông vẫn là câu chuyện dài dài, không thể xử lý trong ngày một ngày hai.
Năm nay, Trường tiểu học Chu Văn An của quận Tây Hồ đã nhận 520 HS theo đúng chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, vẫn còn 100 HS có nhu cầu vào trường nhưng chưa có chỗ học.
Để giảm tải cho Trường Tiểu học Chu Văn An, theo ông Vũ, quận này phải tăng thêm 2 lớp để 100 HS nộp hồ này sang hai trường tiểu học bên cạnh là Tiểu học Xuân La và Tiểu học Đông Thái nhằm giảm tải cho Trường tiểu học Chu Văn An, nếu không sức ép sẽ rất kinh khủng.
Tại Phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, hiện tại toàn phường có 78 chung cư, trong đó có những tòa lên tới gần 1.000 hộ dân sinh sống. Số lượng trẻ em đến độ tuổi đi học có thể sẽ tiếp tục tăng lên khi một số chung cư sắp hoàn thiện và đi vào sử dụng.
Trong khi đó, cả phường chỉ có 2 trường là trường Tiểu học Hoàng Liệt và trường Tiểu học Chu Văn An. Để giải quyết bài toán trên, trường phải cho HS nghỉ học luân phiên do nhà trường không đủ phòng học. Quận này đang có kế hoạch giai đoạn 2018- 2020 sẽ xây dựng thêm hàng chục trường học ở các cấp và tăng chỉ tiêu trên cơ sở vẫn đảm bảo số mét vuông trên mỗi cháu.
Nhiều trường học quá tải sĩ số do áp lực di dân và đô thị hóa (Ảnh minh họa: Mỹ Hà).
Còn tại quận Hà Đông, trao đổi với PV Dân trí, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT quận cho hay, số lượng HS năm nay của quận cũng tăng cao. Tuy nhiên, năm nay quận Hà Đông thành lập 7 trường mới, cấp THCS đáp ứng tốt cho 3 năm nữa để đảm bảo nhu cầu học tập của con em trên địa bàn quận.
Mặc dù vậy, trên địa bàn vẫn còn Trường tiểu học Nguyễn Du có áp lực nhất định vì số dân cư và HS quá cao.
"Hiện nay, chúng tôi rất muốn xây thêm trường mới để giảm tải cho trường này nhưng khu vực Văn Quán của quận Hà Đông không còn quỹ đất. Ngoài Trường tiểu học Nguyễn Du, chỉ còn 2 trường tư thục để giảm tải gồm Hệ thống Trường Victory và Ban Mai nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện học tư thục. Do vậy, chúng tôi đang lấy ý kiến của phụ huynh để trường học luân phiên", bà Hằng cho hay.
Có thể biên chế thêm giáo viên?
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 cấp tiểu học thành phố Hà Nội vừa qua, bà Hoàng Thị Minh Hương, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Nội) cũng thừa nhận, một trong những vấn đề còn tồn tại của năm học 2017-2018 ở nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố là quy mô trường, lớp quá đông.
Toàn thành phố có gần 680.000 HS, theo học tại 745 trường tiểu học, tăng khoảng 38.000 HS so với năm học 2016-2017. Tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày đạt 96,3%. Sĩ số trung bình một lớp ở các nhà trường đạt 40 HS, tuy nhiên một số trường có sĩ số lên đến 60 HS/lớp.
Để giải quyết tình trạng quá tải và chuẩn bị tốt cho việc triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, năm học 2018-2019, Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã tập trung tham mưu chính quyền địa phương có kế hoạch đầu tư mở rộng mạng lưới trường, lớp học và tăng cường mua sắm trang thiết bị dạy học.
Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các địa phương tăng cường quỹ đất, đầu tư xây dựng thêm phòng học để giảm sĩ số. (Ảnh minh họa: Mỹ Hà).
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các địa phương, nhất là với các quận, khu đô thị và các khu chung cư trong việc tăng cường quỹ đất, đầu tư xây dựng thêm phòng học để giảm sĩ số HS mỗi lớp, bảo đảm không quá 45 HS một lớp.
Góp ý với PV Dân trí về việc trước mắt làm sao đối phó với tình trạng áp lực sĩ số ở Hà Nội hiện nay, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ phân tích: "Hà Nội vừa rồi bỏ ra 1.900 tỉ, xây dựng được khoảng 2. 200 phòng học, đáp ứng nhu cầu của 11.000 HS, tức chỉ đáp ứng được nhu cầu của 1/3 số HS vào năm nay. Với số dân đô thị hóa như hiện tại, quỹ đất nhiều khu vực thiếu thốn, sẽ không bao giờ đáp ứng được hết".
Do đó theo ý kiến riêng của ông Vũ, cấp tiểu học rất áp lực, vậy tại sao không bỏ chi phí để biên chế thêm một giáo viên/lớp? Như vậy, mỗi lớp sẽ có một giáo viên trợ giảng, một giáo viên chính.
"Điều này vừa giải quyết công ăn việc làm cho giáo viên, một cô giảng chính còn một cô trợ giảng sẽ làm việc với các nhóm HS nhỏ, rất tiện lợi cho việc dạy/học", ông Vũ đề xuất.
Tuy nhiên, theo ông Vũ, điều khó khăn mà các trường sẽ không thực hiện cách thức này đó là sẽ động chạm đến quyền lợi chính đáng của từng giáo viên: "Chẳng hạn một HS học 2 buổi/ngày, đóng 100.000 đồng/buổi. Nếu lớp có 70 HS sẽ được 7 triệu đồng nhưng nếu chia đôi giáo viên sẽ chỉ được 3.500.000 đồng/cô. Đấy là quyền lợi kinh tế nhưng tôi nghĩ các trường nên đặt quyền lợi của HS làm quan trọng nhất".
Mỹ Hà
Theo Dân trí
TPHCM xin thi tốt nghiệp trung học phổ thông riêng, chuyên gia nói gì? TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nên cân nhắc cho phép TPHCM tự tổ chức thi tốt nghiệp riêng. Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại TPHCM. Ảnh: KIM ĐỒNG Tại hội nghị tổng kết năm...