Còn chạy theo chỉ tiêu thành tích sẽ không có học thật, thi thật
Thực tế hiện nay có một số lãnh đạo nhà trường chạy theo thành tích, giao chỉ tiêu cho các giáo viên làm thế nào để học sinh có điểm số cao, học bạ đẹp, đỗ 100%.
“Vấn đề học thật, thi thật, chất lượng thật luôn là điều cốt lõi của bất cứ một nền giáo dục nào, đây là vấn đề sống còn của cả một hệ thống giáo dục, là thước đo của một quốc gia.
Trường Đông Đô của chúng tôi luôn quan niệm việc dạy và học phải thực chất, thứ nhất thực hiện đầy đủ chương trình đào tạo theo quy định, phải thực hiện được mục tiêu giáo dục mà Đảng đã đề ra, dạy học sinh làm người. Trong đó phải luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng kiến thức, đạo đức, lối sống, nhân cách cho các thế hệ học sinh.
Để thực hiện được những yêu cầu đó thì ban giám hiệu nhà trường chúng tôi luôn định hướng giáo viên thường xuyên cập nhật đổi mới phương pháp dạy học. Trong những năm gần đây, công nghệ thông tin đã đi sâu vào đời sống xã hội thì việc dạy học càng cần phải tiến xa hơn, tiếp cận với dạy học thông minh. Tận dụng tối đa ưu thế của công nghệ thông tin áp dụng vào việc dạy và học”, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Võ Thế Quân – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã cho biết.
Tiến sĩ Võ Thế Quân: “Vấn đề học thật, thi thật, chất lượng thật luôn là điều cốt lõi của bất cứ một nền giáo dục nào, đây là vấn đề sống còn của cả một hệ thống giáo dục, là thước đo của một quốc gia”. Ảnh: Tùng Dương.
Theo thầy Quân: “Giáo viên chủ động đổi mới phương pháp dạy, dẫn đến học sinh cũng đổi mới phương pháp học. Gần đây chúng ta thường nói phải bồi dưỡng năng lực tiếp thu cho học sinh, bởi suy cho cùng trong những năm phổ thông các em sẽ tích lũy được những phương pháp học tập khoa học thì cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho cuộc sống lập nghiệp sau này của các em.
Điều quan trọng nữa là phải bồi dưỡng phương pháp tự học cho học sinh, về điểm này tôi thấy ở nhiều nhà trường chưa quan tâm đầy đủ mà mới dừng lại ở việc truyền kiến thức, chưa khuyến khích được học sinh tư duy, sáng tạo. Thầy đọc theo sách giáo khoa, học trò chép lại nguyên văn, học như vậy theo tôi chưa phải là học thật.
Tại Trường Đông Đô có một yếu tố rất quan trọng mà chúng tôi thực hiện từ năm 2003, đó là bồi dưỡng cho học sinh thực hiện các bài tập nghiên cứu khoa học, đề tài được các giáo viên giao từ đầu năm. Thông qua các bài tập nghiên cứu như vậy giúp học sinh tập dượt, tìm hiểu về vấn đề khoa học cụ thể nào đó, tất nhiên là hợp với mức độ hiểu biết của học sinh phổ thông.
Đây cũng là bồi dưỡng năng lực tự học cho học sinh, kỹ năng tìm kiếm phân tích tập hợp, xử lý thông tin đối với những bài tập có yếu tố thực nghiệm. Như vậy có thể nói nhà trường chúng tôi đã rèn được cho học sinh không những học tập theo chương trình mà còn vươn xa hơn trong việc tự tìm kiến thức, mở rộng ra học sinh có thể xây dựng được các đề tài và thực hiện trong khoảng thời gian 1 năm học.
Tất cả các đề tài của học sinh hàng năm chúng tôi có tập hợp tổng kết đánh giá, học sinh tự trình bày bảo vệ đề tài đó để thuyết phục người nghe và những đề tài nổi bật về tính ứng dụng hiệu quả vào đời sống sẽ được trao tặng giải Búp sen xanh của nhà trường, điều đó nhằm mục đích khuyến khích học sinh phát huy hết khả năng của mình trong sáng tạo”.
Thầy Quân cho biết: “Về chất lượng đội ngũ giáo viên nhà trường luôn quan tâm đến hai việc, thứ nhất là bồi dưỡng nền tảng kiến thức sau đại học để thầy cô có trình độ cao hơn, chính vì vậy mà trường Đông Đô hiện nay có đến 90% giáo viên có trình độ Thạc sỹ trở lên.
Thứ hai, các thầy cô luôn được nhà trường quan tâm đào tạo, bồi dưỡng phương pháp dạy học mới, nhất là kỹ năng ứng dụng Công nghệ thông tin trong tổ chức dạy học. Để làm được việc này nhà trường đã xây dựng “Phòng học thông minh”, giúp thay đổi rất nhiều về cách tổ chức dạy học của đội ngũ giáo viên trong từng tiết học, học sinh cũng dễ dàng tiếp nhận kiến thức một cách hiệu quả và linh hoạt hơn cách dạy truyền thống”.
Tập thể giáo viên và các em học sinh Trường Trung học phổ thông Đông Đô (quận Tây Hồ, Hà Nội) làm lễ Báo công với Bác trong năm học 2021. Ảnh: Tùng Dương.
Hiểu thế nào là thi thật?
Video đang HOT
Thầy Quân phân tích: “Vấn đề tiếp theo là phải thi, kiểm tra nghiêm túc, khách quan để đảm bảo kết quả thi phản ánh đúng chất lượng học tập và mức độ kiến thức của học sinh, đó mới là thi thật. Đề thi phải hợp lý, học gì thi nấy chú không phải ra đề thi kiểu đánh đố, làm sao để phân loại được học sinh ở các mức độ khác nhau một cách chính xác.
Học sinh phải dựa trên nền tảng kiến thức thật của mình để thực hiện bài thi một cách nghiêm túc, kết quả thi phản ánh trình độ thật của từng em. Để đảm bảo việc thi thật có hiệu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố như người ra đề thi có nội dung phản ánh được kiến thức chuẩn đã dạy.
Khâu coi thi cũng rất quan trọng và phải thật sự nghiêm túc, khách quan, việc này không nghiêm túc sẽ dẫn tới tiêu cực trong phòng thi và sẽ cho ra kết quả không chính xác.
Một yếu tố nữa có phần quyết định là bản thân học sinh phải nỗ lực làm bài bằng chính khả năng của mình, không có những hành vi vi phạm quy chế…có như vậy mới phản ánh được kết quả của những kỳ thi thật.
Thực tế hiện nay có một số lãnh đạo nhà trường vẫn chạy theo chỉ tiêu thành tích, đề ra mục tiêu cho các giáo viên phải làm thế nào để các em học sinh có điểm số cao, học bạ đẹp và thi đỗ 100%, chính những yếu tố đó cũng đã góp phần làm sai lệch kết quả học tập, dẫn đến việc giáo viên bắt buộc phải theo chỉ đạo, “dễ tính” hơn trong việc cho điểm và đánh giá học sinh, và đã theo chỉ đạo giáo viên thì có muốn công khai đánh giá thật chất lượng từng em cũng không được. Theo quan điểm của tôi nếu còn “chạy theo” chỉ tiêu thành tích từ trên xuống dưới như vậy thì lấy đâu ra mà học thật với thi thật.
Theo tôi muốn học thật, thi thật có chất lượng thật thì trước hết phải bắt đầu từ việc các lãnh đạo nhà trường cần thay đổi cách nghĩ, phải vì một nền giáo dục sạch, chất lượng học sinh thế nào phải chấp nhận đúng như vậy, nếu thấp thì phải tìm cách đổi mới giáo dục để chất lượng đi lên chứ không thể vì “chạy theo” thành tích mà dễ dàng cho qua những sản phẩm không đạt chất lượng, điều này sẽ làm hỏng nhiều thế hệ tương lai của đất nước”.
Tiến sĩ Võ Thế Quân và các học sinh thế hệ đầu tiên của Trường Trung học phổ thông Đông Đô (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: Tùng Dương.
Phương pháp quản lý chất lượng học thật
Thầy Quân chia sẻ: “Nhà trường chúng tôi áp dụng một phương pháp khá hiệu quả trong suốt 30 năm qua từ khi thành lập cho đến nay vẫn duy trì, đó là tổ chức thi định kỳ thường xuyên.
Định kỳ 2 tháng 1 lần nhà trường tổ chức kỳ thi cho tất cả học sinh toàn trường ở tất cả các môn, gọi là thi giai đoạn và mỗi năm có 5 giai đoạn như vậy. Ban giám hiệu chỉ định từng thầy cô ra đề thi và có thay đổi liên tục với mục đích các giáo viên trong nhà trường cũng không biết được ai là người ra đề. Bộ phận in, sao đề thi cũng làm việc độc lập hoàn toàn bảo mật cho đến khi đề được mở ra tại phòng thi phát cho từng học sinh.
Giáo viên coi thi nội bộ của nhà trường cũng là một hội đồng riêng được hiệu trưởng chỉ định trực tiếp, học sinh vào phòng thi theo sơ đồ, trông thi nghiêm túc, chấm thi cũng là một bộ phận độc lập và tất cả các công đoạn của kỳ thi này đều tuân thủ theo quy chế một kỳ thi quốc gia.
Mục đích của kỳ thi này giúp cho ban giám hiệu nhà trường đánh giá được từng giai đoạn kiến thức của học sinh, từ điểm bài thi đó sẽ được đối chiếu trở lại với kết quả và cách cho điểm của giáo viên trong từng môn học, dựa vào kết quả đó xem có phản ánh đúng chất lượng dạy và học hay không? Hay điểm học trung bình rất cao là do giáo viên thả lỏng?
Bài thi của nhà trường cho ra mức điểm này, nhưng điểm số giáo viên cho trong các môn học lại khác, nếu độ chênh lệch quá nhiều thì chứng tỏ việc chấm điểm của giáo viên có vấn đề, từ đó yêu cầu giáo viên chấn chỉnh.
Nhờ mỗi năm học có 5 đợt kiểm tra như vậy nên ban giám hiệu giám sát được chất lượng đào tạo thật trong nội bộ nhà trường, phản ánh được chất lượng dạy thật, học thật của thầy và trò.
Trong nhà trường luôn song song 2 chuẩn đánh giá chất lượng dạy và học, thứ nhất là chuẩn điểm thi trung bình các môn dựa trên kết quả của 5 kỳ thi, phần này ban giám hiệu quản lý. Chuẩn thứ 2 là kết quả điểm trung bình do giáo viên bộ môn nắm và làm sao để cả 2 chuẩn này luôn tương đồng với nhau, giám sát lẫn nhau, một trong hai chuẩn này lệch quá nhiều tức là khâu dạy và học cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc”.
Thầy Quân chia sẻ thêm: “Dựa vào kết quả 5 kỳ thi đó, chúng tôi có hướng xử lý cụ thể về chất lượng giáo dục, với những em đạt điểm cao trong từng khối sẽ được chọn vào 1 lớp top đầu, mỗi lớp 30 học sinh có mức độ học tương đối đồng đều.
Với những em có kết quả thi thấp hơn một chút cũng được tập hợp lại thành lớp riêng và những em kém hơn cũng được chọn vào một lớp khác, tất cả các lớp được chia theo năng lực học để giúp cho giáo viên đưa ra giáo trình dạy cho phù hợp, đồng đều với mức độ tiếp thu kiến thức, phù hợp với năng lực học sinh
Nhưng với tất cả học sinh sau một học phần nếu không có sự tiến bộ, thụt lùi thì qua kỳ thi sau sẽ được chuyển từ lớp có điểm cao xuống học lớp có điểm thấp hơn. Ngược lại những em ở lớp điểm thấp nếu nỗ lực phấn đấu, học tập đến kỳ thi sau đạt điểm số cao hơn sẽ lại được chuyển lên học ở lớp trên, như vậy là các lớp cùng khối sẽ không có sự cố định, có thể được thay đổi liên tục, điều này cũng khuyến khích học sinh luôn tự phấn đấu bản thân để được ở những lớp top cao trong trường, tránh sự ỷ lại trong học tập.
Bản thân tự mỗi học sinh luôn ý thức tự bảo vệ danh dự của mình trong môi trường học tập, và những em có điểm số cao trong mỗi kỳ thi đều được nhà trường vinh danh trao tặng “Giải thưởng Đông Đô”, ghi nhận nhận kết quả phấn đấu trong học tập”.
Học sinh đam mê học, tự học và tìm thấy niềm vui mới gọi là giáo dục thật sự
Một khi căn bệnh ngụy thành tích vẫn còn được nuôi dưỡng ở những cá nhân, tổ chức giáo dục thì chúng ta không thể mong có học thật, thi thật, nhân tài thật.
Trong suốt hơn 1 tháng qua, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về vấn đề "học thật, thi thật, nhân tài thật" đã được đưa ra bàn luận và nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội.
Đây là điều dễ hiểu bởi giáo dục không chỉ là công việc trong phạm vi của nhà trường mà đó là lĩnh vực liên quan đến toàn dân, là mối quan tâm chung của toàn xã hội.
"Thực tế, chủ trương "dạy thật, học thật" không phải là một nội dung mới mà đã được phổ biến trong nhiều năm nay. Nhưng vấn đề ở đây chính là giữa chủ trương và việc áp dụng thực tiễn chưa có sự tương đồng", đó là trăn trở của Thầy giáo Ngô Thành Nam - cố vấn hỗ trợ học tập của Microsoft, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khai Nguyên khi chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về câu chuyện học thật, thi thật hiện nay.
Theo quan điểm của thầy giáo Ngô Thành Nam, cần phải thay đổi tư duy và tạo được sự thống nhất về tư duy giáo dục trong xã hội. (Ảnh: NVCC)
Theo quan điểm của thầy Nam, dạy thật, học thật và nhân tài thật có mối quan hệ biện chứng với nhau. Muốn học sinh học thật thì người thầy cũng phải dạy thật, từ đó mới có nhân tài thật.
Nhân tài thật không thể có được nếu dạy và học thiếu trung thực. Chúng ta không thể mong mỏi có được nền giáo dục dạy thật, học thật, nhân tài thật khi căn bệnh thành tích vẫn còn được nuôi dưỡng ở từng cá nhân, từng tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Có thể thấy, để đạt được yêu cầu của Thủ tướng thì công tác giáo dục cần làm triệt để, thực chất ở nhiều yếu tố, bộ phận, nhân sự liên quan, bởi lẽ nếu chỉ bắt đầu từ mỗi Bộ Giáo dục và Đào tạo hay các Sở Giáo dục, Nhà trường...đều không thể làm được.
Thầy Ngô Thành Nam cho rằng, muốn đưa chủ trương "dạy thật, học thật" đi vào thực tiễn, áp dụng vào môi trường giáo dục thì cần phải thực hiện triệt để, nghiêm túc 6 vấn đề sau:
Thứ nhất , cần phải thay đổi về tư duy giáo dục. Theo thầy Nam, đây là điều cần thay đổi đầu tiên nhưng cũng là điều khó thực hiện nhất. Bởi lẽ, tư duy đồng nhất giữa dạy và học gắn với văn bằng đã đi sâu vào tư tưởng của chúng ta trong một thời gian quá dài.
"Tư duy này dẫn đến hậu quả là bệnh thành tích tồn tại nhiều năm qua và dường như ngày càng trở nên trầm kha và khó chữa khỏi. Do đó tư duy cần thay đổi bắt đầu từ những người đưa ra chính sách giáo dục đến các cơ quan, cá nhân thực thi và cả người thụ hưởng chính sách ấy.
Chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến lợi ích người học, cần giúp các em hiểu rằng, việc học là để phục vụ cho công việc, cuộc sống trong tương lai chứ không phải để lấy văn bằng. Muốn vậy, khi xây dựng chính sách giáo dục, chúng ta cần xác định rõ mục tiêu, triết lý của giáo dục.
Từ đó, công tác giáo dục cần lấy những điều này làm kim chỉ nam hoạt động. Bên cạnh đó, các nhà trường cũng cần minh bạch, trung thực ngay từ khâu quản lý và xem đó như một trong những giá trị cốt lõi hướng đến. Bản thân người dạy cũng cần dạy thật để làm gương cho chính học trò, phụ huynh của mình", thầy Ngô Thành Nam khẳng định.
Thứ hai , cần phải tăng cường quyền tự chủ cho các trường học. Việc tự chủ không chỉ ở khía cạnh tài chính mà cả về chương trình giảng dạy, nhân sự,... Trao quyền tự chủ sẽ tạo điều kiện, cơ hội và cũng là yêu cầu để các trường nâng cao chất lượng, tạo điều kiện học thật cho học sinh của mình, từ đó tạo nên giá trị của thực học.
Thực hiện được yêu cầu này, sự phân biệt giữa trường công lập và tư thục sẽ giảm dần, từ đó, phụ huynh có thêm nhiều sự lựa chọn môi trường học tập. Mỗi nhà trường sẽ không ngừng cải thiện chất lượng dạy và học để góp phần vào sự phát triển chung nền giáo dục nước nhà.
Thứ ba , sự thay đổi về cơ chế quản lý cũng là một yếu tố thúc đẩy việc học và dạy đi vào thực chất.
Theo thầy giáo Ngô Thành Nam, các nhà quản lý giáo dục cần thiết lập quy trình, kế hoạch quản lý, đánh giá thực chất, toàn diện, tránh việc chỉ căn cứ vào báo cáo trên giấy tờ. Việc đánh giá cần căn cứ dựa trên tình hình thực tế để ghi nhận sự tiến bộ, không cào bằng giữa các trường.
Điều này cũng cần thực hiện tương tự với phạm vi nhỏ hơn là nhà trường. Cần tránh tạo ra áp lực thành tích khiến các lãnh đạo buộc giáo viên, học sinh tạo ra thành tích ảo.
Thứ tư , cần thực hiện nghiêm túc việc cải tiến chương trình giáo dục. Nội dung chương trình giáo dục cần hướng nhiều hơn đến việc phát triển năng lực và phẩm chất, làm sao giúp người học có thể vận dụng những gì đã học cho công việc tương lai.
Muốn vậy, thay vì dạy học sinh nội dung suy nghĩ (what to think) và nội dung học (what to learn), việc giáo dục nên hướng vào cách suy nghĩ (how to think) và cách học (how to learn).
Thứ năm , cần phải thay đổi cách thức và nội dung đánh giá. Nếu đánh giá chỉ tập trung vào các bài kiểm tra, xem điểm số như thước đo duy nhất năng lực học tập của học sinh dễ dẫn tới học vẹt, học tủ. Quá trình giáo dục là sự phát triển lâu dài, nên việc đánh giá cần thực hiện xuyên suốt để ghi nhận đầy đủ, chính xác.
Do vậy, hình thức đánh giá cũng cần được phong phú hóa hơn. Tùy theo điều kiện, nội dung giáo dục có thể lựa chọn cho mình hình thức đánh giá phù hợp, đó có thể là đánh giá bằng kết quả đầu ra, đánh giá quá trình,...
Điều này sẽ kéo theo việc thay đổi phương pháp giáo dục của nhà trường, của giáo viên làm sao để người học thật sự hứng thú với việc học, xem việc học như là nhu cầu, thay vì là nhiệm vụ.
"Tại trường Khai Nguyên của chúng tôi, với mong muốn tạo ra một môi trường học tập hạnh phúc, ý nghĩa và đặc biệt mỗi học sinh đều cảm thấy mình có giá trị, chúng tôi luôn tạo mọi cơ hội để học sinh được khơi gợi tiềm năng cũng như tạo điều kiện mỗi học sinh được học tập theo khả năng của mình.
Việc đánh giá học sinh cũng được thực hiện toàn diện xuyên suốt quá trình học tập, không chỉ căn cứ vào bài kiểm tra ở một thời điểm nhất định", Thầy Nam cho biết.
Thứ sáu là phải tạo được sự thống nhất trong tư duy giáo dục. Đây là một yêu cầu vô cùng quan trọng, mỗi cá nhân trong xã hội phải có nhận thức đúng đắn về mục tiêu học tập. "Học thật, thi thật" không phải là nhiệm vụ riêng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng không phải là yêu cầu riêng với các cơ sở giáo dục mà cần sự thay đổi đồng bộ về tư duy giáo dục trong xã hội.
Gia đình đóng vai trò không nhỏ trong cách học, kết quả học tập của học sinh. Nhà trường cần tránh ru ngủ phụ huynh bằng các điểm số. Thực tế nhiều năm nay, không ít phụ huynh vẫn còn quan niệm môn chính, môn phụ để rồi gượng ép con cái mình học tập thay cho ước mơ của chính mình. Phụ huynh cần thấu cảm với năng lực của con cái để có sự đồng hành thay vì gây áp lực học tập cho các em.
Chỉ khi học sinh học bằng đam mê, sở thích của bản thân thì các em mới tự mình học hỏi, đào sâu và hạnh phúc với con đường học tập của mình.
Nhân tố nào quyết định "học thật, thi thật, có nhân tài thật"? Từ những ngày đầu trên cương vị mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành quan tâm lớn cho giáo dục. Thông điệp "học thật, thi thật, có nhân tài thật" của ông đã tác động lớn tới suy nghĩ, hành động của các nhà giáo. Thầy và trò Trường THPT Trần Nguyên Hãn viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: NVCC)...