Có thiếu chỗ học cho trẻ mầm non?
Dịch bệnh kéo dài, nhiều trường mầm non tư thục không “chống chọi” được buộc phải đóng cửa trong khi số lượng học sinh mầm non ở TP.HCM lại không giảm.
Cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở TP.HCM giải thể vì dịch COVID-19 kéo dài nên giáo viên mầm non tư thục mất việc, thất nghiệp – Ảnh: THẢO THƯƠNG
Câu chuyện này đặt ra vấn đề là chỗ học cho trẻ mầm non có thiếu không sau đại dịch?
Phụ huynh lo lắng
TP.HCM trải qua mùa dịch thứ 4. Chị Hồ Thị Hồng (quận Tân Phú, có con học lớp lá) phải ở nhà giữ con khi cuộc sống dần trở lại. Khi nào mở cửa trường thì đăng ký cho con học ở đâu là câu chuyện chị Hồng trăn trở.
“Tôi ở nhà gần năm tháng nay. Công ty may đã hoạt động lại nhưng ông xã đi làm, còn tôi xin ở nhà vì vướng con nhỏ không có nơi gửi. Vì dân ở tỉnh nên tôi đăng ký con học trường mầm non tư và trường đã giải thể.
Giờ tôi chưa biết con mình gửi ở đâu. Tìm trường chắc không khó nhưng tìm chỗ học sao cho phù hợp với kinh tế gia đình là điều tôi lo lắng. Vừa học xa nhà, vừa vào trường có mức phí đắt đỏ, rồi phải tranh nhau chỗ học thì rất lo” – chị Hồng nói.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thi (tỉnh Quảng Ngãi) lâu nay sống ở quận Tân Bình, TP.HCM nhưng thời gian qua đưa con lớp mầm về quê tránh dịch. Chị đang tính trở lại TP.HCM để làm ăn và cho con học tập. Trường con chị học chưa thông báo ngưng hoạt động chính thức nhưng cũng không chắc sẽ hoạt động lại.
“Tôi sẽ xin cho con trường tư khác. Nhưng chỗ gửi mới khiến tôi e dè: không biết có phù hợp, cha mẹ và cô giáo tương tác có vui vẻ như trường cũ, bao nhiêu bé/lớp hay sĩ số đông…? Nói chung trường lớp quen thuộc sẽ đỡ lo hơn là bắt đầu ở trường mới mà phụ huynh chưa biết” – chị Thi nói.
151 cơ sở ngưng hoạt động
Trong báo cáo về tình hình chuẩn bị năm học mới 2021 – 2022 của Sở GD-ĐT TP.HCM, có 151 cơ sở giáo dục mầm non (124 nhóm trẻ, 27 trường) giải thể và ngưng hoạt động, dẫn đến giảm 411 phòng học.
Video đang HOT
Bà N.T.T. – chủ hệ thống gồm ba cơ sở Trường mầm non VT (quận Tân Bình, TP.HCM) – kể bà cầm cự đến “run người” để ráng giữ lại hệ thống trường lớp mà lâu nay gia đình gầy dựng. Mong muốn của bà T. cũng như bao cơ sở mầm non tư thục khác là sớm có kế hoạch mở cửa để trường lớp lên kế hoạch chuẩn bị hoạt động lại.
“TP.HCM có dự kiến tháng 1-2022 sẽ mở cửa trường nhưng không hề nhắc đến kế hoạch cho bậc mầm non. Rất nhiều trường đã phá sản, bán hết cơ sở vật chất, trả mặt bằng vì không thể cầm cự. Có trường ráng gồng để giữ lại nhưng đang đuối dần. Chẳng hạn như tôi, bán vàng và mượn sổ đỏ ở quê đi vay để giữ trường.
Giáo viên đã tiêm hai mũi nhưng thất nghiệp. Phụ huynh đã đi làm có nhu cầu gửi con nhưng trường không thể giải quyết. Tôi rất mong sớm có chính sách để giải sớm bài toán trở lại trường trong mùa dịch này cho bậc học mầm non” – bà N.T.T. tâm sự.
Tính đến nhiều giải pháp
Bà Nguyễn Thị Kim Uyên, phó Phòng GD-ĐT quận 10, TP.HCM, chia sẻ hiện ở quận chỉ có một trường mầm non ngoài công lập giải thể. “Trường ngoài công lập này có 60 em. Nếu giải thể thì chúng tôi sẽ nhận hết về trường mầm non công.
May mắn trước dịch là quận đã xây hoàn thành ba trường mầm non phường 7, phường 6 và phường 10. Các trường này tăng 16 phòng học cho năm học 2021 – 2022. Nên câu chuyện giải thể có đảm bảo chỗ học trên địa bàn quận, không có gì nan giải” – bà Uyên thông tin.
Trong khi đó, bà Kiều Mỹ Chi – phó Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức (TP.HCM) – xác nhận mùa dịch này có thêm sáu đơn vị (4 trường, 2 nhóm trẻ) ở khu vực 1 (quận 2 cũ) ngưng hoạt động.
“TP Thủ Đức đảm bảo chỗ học cho học sinh ở trường giải thể. Tổng sáu đơn vị này có khoảng 300 – 400 học sinh vì trường, nhóm lớp ở đây quy mô nhỏ. Hơn nữa, năm học trước có hai trường: Trường mầm non An Khánh và Trường mầm non Rạch Chiếc (quận Thủ Đức cũ) được xây mới xong, nâng tổng số phòng học lên thêm 30 phòng.
Vì thế, toàn TP Thủ Đức có 50.000 học sinh mầm non năm học 2021 – 2022, vẫn đảm bảo chỗ học cho các em” – bà Chi nói.
Bà Lương Thị Hồng Điệp – trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM – cho hay nhiều trường mầm non tư thục giải thể vì dịch bệnh COVID-19 là câu chuyện các quận, huyện và sở đều nắm được và cũng chia sẻ tinh thần với các trường về điều này. Bà Điệp nói: “Giải thể, đóng cửa sẽ dẫn đến giảm phòng học.
Giáo viên mầm non tư về quê rất nhiều, phụ huynh cũng đưa con nhỏ về quê không ít. Tôi đang cho các phòng GD-ĐT quận, huyện, TP Thủ Đức thống kê lại số liệu để xác định chính xác mới nhất có bao nhiêu cơ sở giải thể, giáo viên, cán bộ quản lý mất việc hay về quê. Theo thống kê mới nhất, trong số cơ sở giáo dục đã giải thể, có 594 người mất việc ở các cơ sở mầm non tư”.
Về giải pháp, bà Điệp nói thêm: “Chúng tôi chờ các quận, huyện, TP Thủ Đức báo cáo cụ thể trong tuần sau. Sau đó sẽ có đề xuất luân chuyển giáo viên từ các trường bị giải thể, giáo viên mất việc vào những trường tư khác “trụ” lại để nhận khi có nhu cầu. Hay sẽ đề xuất nhận hợp đồng lại giáo viên về hưu, phối hợp với trường sư phạm nhận giáo sinh thực tập sớm hơn…”.
Xây dựng chính sách hỗ trợ trường mầm non tư thục
Theo ông Nguyễn Bá Minh – vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT), hiện Bộ GD-ĐT đang phối hợp với các bộ và các địa phương để lấy ý kiến doanh nghiệp cơ sở mầm non tư thục, xây dựng chính sách hỗ trợ các cơ sở mầm non và giáo viên mầm non bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Ông Minh cũng cho biết không riêng Hà Nội, TP.HCM mà nhiều địa phương đều rơi vào tình trạng các cơ sở mầm non tư thục lao đao vì không còn nguồn kinh phí chi trả cho đội ngũ giáo viên, nhân viên và các chi phí khác. Điều đó đồng nghĩa với việc các cơ sở không thể giữ chân được giáo viên. Hiện có những cơ sở đã phải tính toán việc giải thể.
VĨNH HÀ
Hà Nội: Lo thiếu giáo viên mầm non sau đại dịch
Học sinh mầm non ở Hà Nội đến trường trước đợt dịch thứ tư – Ảnh: H.V.
Làm nhân viên bán bảo hiểm, bán hàng online, bán rau, thịt ngoài chợ, giúp việc gia đình, trông trẻ tại nhà… là những công việc mà nhiều giáo viên mầm non ở Hà Nội đã làm để mưu sinh khi dịch COVID-19 khiến các trường mầm non phải đóng cửa liên tục hơn sáu tháng qua và có thể còn kéo dài.
Bà Liên Hương, một chủ cơ sở mầm non tư thục ở khu vực Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết ba tháng đầu khi đóng cửa vẫn cố duy trì một mức tiền hỗ trợ giáo viên để giữ chân các cô giáo.
Nhưng trường đóng cửa hơn nửa năm, trong khi tiền mặt bằng, bảo vệ và nhiều chi phí khác vẫn phải có thì đành cắt hoàn toàn việc chi lương cho giáo viên. Hiện đã có 1/3 số giáo viên xin nghỉ việc hẳn. Một số đã đi kiếm việc làm khác, tuy chưa dứt khoát nhưng nhiều khả năng cũng nghỉ.
“Bây giờ thành phố có quyết định cho học sinh trở lại trường, có thể chúng tôi cũng phải cần thời gian mới có thể đón được trẻ vì quan trọng nhất vẫn là giáo viên. Nếu giáo viên cũ có công việc ổn định và bớt rủi ro hơn, họ sẽ không trở lại nghề này. Còn tuyển mới thì chỉ có thể trông đợi giáo viên mới ra trường, giáo viên ở tỉnh khác về. Mọi thứ có thể phải làm lại từ đầu”.
Ngọc Thúy, một giáo viên mầm non đang ở trọ tại làng Triều Khúc (Hà Nội), cho biết trong mấy tháng qua cô đã phải làm cả chục công việc khác nhau, từ rửa chai cho một cơ sở nước đóng chai đến đi ship hàng, trông trẻ thuê.
Bà Hà Thị Nhàn – chủ một cơ sở mầm non ở Đông Anh (Hà Nội) – cũng chia sẻ sợ nhất bây giờ là nghe giáo viên nói “muốn xin nghỉ việc”. Vì trong tình huống hiện tại cũng không thể hứa hẹn, bảo đảm gì để giữ chân họ khi trường cũng có nguy cơ phải đóng cửa luôn do không có kinh phí duy trì.
Theo khảo sát của một số trường mầm non ở Hà Nội, nhu cầu gửi con của phụ huynh rất lớn. Mặc dù lo lắng về dịch nhưng nhiều phụ huynh vẫn muốn tìm những cơ sở an toàn để gửi con.
“Con học trường mầm non công lập nhưng có thể khi các cơ sở mầm non được mở lại, tôi lại muốn gửi con vào trường tư. Vì trường tư sĩ số trẻ/lớp ít, việc đảm bảo giãn cách, phòng dịch có thể yên tâm hơn” – một phụ huynh ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết.
VĨNH HÀ
Hà Tĩnh chính thức chốt ngày học sinh mầm non đến trường
Hà Tĩnh vừa có văn bản hướng dẫn về việc tổ chức dạy học trong tình hình mới đối với cấp học mầm non.
Học sinh bậc học mầm non sẽ trở lại trường từ 27/9.
Theo hướng dẫn của văn bản, các trường sẽ tổ chức dạy 2 buổi/ngày và thực hiện công tác bán trú. Đối với các trường Mầm non công lập sẽ tổ chức dạy học từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, trường mầm non ngoài công lập sẽ học từ thứ 2 đến thứ 7.
Công tác tổ chức bán trú phải lấy ý kiến từ phụ huynh. Quá trình tổ chức bán trú cần đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh và đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, đầy đủ dinh dưỡng.
Giáo viên và học sinh khi đến trường phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và đo thân nhiệt. Nhà trường phải xây dựng phương án đón, trả trẻ đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, phân luồng học sinh đảm bảo khoảng cách và bố trí lệch giờ khi ra về.
Về phương án dạy học, các cơ sở giáo dục điều chỉnh kế hoạch năm học và tổ chức thực hiện chương trình phù hợp. Đặc biệt, các nhà trường cần ưu tiên tổ chức các hoạt động giáo dục, chuẩn bị tâm thế cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng bước vào lớp 1; tạm thời chưa tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ bên ngoài lớp học.
Ngoài ra, khi tổ chức dạy học, các trường thực hiện nghiêm túc quy định 5K. Hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi vào lớp, trước và sau khi ăn; thường xuyên khử khuẩn môi trường lớp học, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ...
Khi trẻ bắt nạt nhau ở 'lớp mầm' Sau vụ việc trẻ 22 tháng tuổi bị bạn cùng lớp "bắt nạt" tại một cơ sở mầm non tư thục ở Bắc Giang, nhiều chuyên gia trẻ em đã có lời khuyên cho phụ huynh học sinh khi gặp trường hợp trẻ dùng bạo lực với nhau. Các chuyên gia lưu ý các bậc phụ huynh lựa chọn cơ sở giáo dục...