Cô thay đổi – trò hạnh phúc
“Làm cho học sinh hạnh phúc khi đến trường là sứ mệnh của người làm thầy. Nếu học sinh hạnh phúc, vui vẻ thì nhân cách chắc chắn sẽ phát triển theo thiên hướng tốt. Như vậy, sứ mệnh của người thầy thật cao cả, ý nghĩa. Chúng ta hãy cùng thay đổi, cùng cố gắng để tạo ra một sản phẩm lớp học hạnh phúc”. Đó là chia sẻ về trường học hạnh phúc của cô Hoàng Thu Trang, GV Ngữ văn, Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa – Hà Nội).
Cô giáo Hoàng Thu Trang cùng HS Trường THPT Hoàng Cầu
Giữ vững kỷ luật thép – Hạnh phúc mỏng manh
Chia sẻ về công tác chủ nhiệm, cô Hoàng Thu Trang tâm sự: Sau hơn 2 năm giảng dạy và công tác Đoàn thanh niên, cô được phân công công tác chủ nhiệm. Với ít nhiều kinh nghiệm học hỏi được từ đồng nghiệp, cộng với khát khao mãnh liệt muốn khẳng định mình, cô nhanh chóng bắt nhịp và thành công trong vai trò chủ nhiệm lớp ở một mô hình trường học với đặc thù tự chủ tài chính (công tác chủ nhiệm không dễ dàng như nhiều trường học khác). Chỉ sau 2 năm chủ nhiệm, cô được tin tưởng giao chủ nhiệm 2 lớp. Thời điểm đó, cô là giáo viên trẻ nhất trong đội ngũ chủ nhiệm lớp đôi.
Để siết chặt mọi quy định, cô Trang “thiết kế” lớp học với những kỷ luật nghiêm. Với khẩu hiệu “kỷ luật là sức mạnh của tập thể lớp”, côTrang rất nghiêm túc và khách quan trong việc xử lý kỷ luật HS khi mắc lỗi.
Cô Trang luôn có ý thức xây hàng rào phân định rạch ròi để “thầy ra thầy, trò ra trò”. Cô chỉ chăm chăm chú ý vào việc học, vào điểm số của HS. Việc HS đi sớm hay muộn, đúng đồng phục hay sai, có tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ… cô cũng sát sao. Đội ngũ cán bộ lớp dưới sự đào tạo bài bản, chuyên nghiệp của cô cũng sắt đá, vững vàng như cô chủ nhiệm, thậm chí là bản sao của cô chủ nhiệm.
Kết quả cuối năm, tỷ lệ tốt nghiệp các lớp 12 đều đạt 100%, lớp nào cũng nhận giấy khen “tập thể lớp xuất sắc”.
Nhưng mặt trái của việc đó là phần lớn HS sợ cô thái quá. HS luôn nhìn cô giáo chủ nhiệm của mình với ánh mắt rất e dè. HS làm gì cũng len lén xem có cô chủ nhiệm ở đó không, làm thế này đã đúng ý cô ấy chưa?… Dường như HS cũng xây hàng rào thái độ với cô.
Trong những giờ hoạt động tập thể, HS cũng ngại cô giáo nên chưa dám thể hiện hết sự cuồng nhiệt vô tư của tuổi trẻ. Đặc biệt, các em đặt cho cô biệt danh “Trang Este”. Nhìn bên ngoài tập thể lớp vẫn yên bình, chan hòa, tiến bộ, nhưng dường như cô Trang cảm nhận rõ cả cô và trò đều thiếu cảm giác hạnh phúc thực sự, thiếu cảm giác ấm áp ngập tràn…
Thay đổi để hạnh phúc ngập tràn
Khi dần nhận ra không khí lớp do mình chủ nhiệm như vậy, đặc biệt khi có con đi học, được làm phụ huynh thì cô Trang bắt đầu thay đổi.
Video đang HOT
Cô Trang nhận ra rằng, tạo ra một lớp học hạnh phúc thì cả cô trò đều cảm thấy ấm áp yêu thương, luôn muốn gắn bó, luôn tràn ngập tiếng cười. HS trong lớp cũng gắn kết, vì nhau hơn, phấn đấu học tập hơn. Vậy thì tại sao cứ phải hà khắc, tại sao phải trách mắng đến cay nghiệt? Tại sao cứ vội vàng nổi giận đùng đùng? Cô dần biết chấp nhận những sai lầm, yếu kém của con trẻ, coi đó là đối tượng, là nhiệm vụ giáo dục của mình.
Cô giáo Hoàng Thu Trang
Nói như vậy không có nghĩa là cô thỏa hiệp, bỏ qua vi phạm của HS. Cô vẫn xử lý triệt để vi phạm của HS nhưng khác ở chỗ cô biết bao dung hơn, yêu thương hơn khi nhìn vào lỗi lầm của các em. Cô biết kiên nhẫn hơn trong việc uốn nắn HS từ sai thành đúng, từ yếu kém dần trở nên khá hơn. Cách nhìn đó đã chi phối cách ứng xử với học trò của cô để cô xử lý mềm mỏng, nhân văn và có tình hơn.
Tình yêu thương, sự bao dung, sự kiên nhẫn tỏa ra từ một cô giáo có tiếng nghiêm khắc khiến trò ngầm hiểu rằng, lần này cô đã quá ưu ái với mình thì lần sau đừng vi phạm.
Tiếng cười ấy sẽ xóa tan cái mệt mỏi, mang lại lớp học hạnh phúc
Theo cô Trang, lứa tuổi THPT là lúc HS đã hình thành ý thức về lòng tự trọng, đã bước đầu có chính kiến và muốn thể hiện mình. Đây cũng là lứa tuổi có nhiều tâm lý diễn biến phức tạp. Do đó, thay vì tuyên phạt một chiều, trách mắng xối xả như trước kia, cô đã lắng nghe học sinh trình bày sau đó chắt lọc thông tin, để hiểu HS hơn.
Cái gì không đúng, cô sẽ truy vấn lại để HS nói đúng sự thật, uốn nắn một cách dứt khoát pha lẫn hài hước để học sinh sửa đổi. Cái gì đúng cô sẽ cảm thông, thấu hiểu rồi tùy đối tượng học sinh trên cơ sở của nội quy chung để xử lý. Cách làm như vậy giúp HS cảm thấy thỏa lòng, có bị phạt vẫn vui vẻ chấp nhận. Cô cố gắng xây dựng hình ảnh một cô giáo tâm lý, một chị Thanh Tâm để HS trao gửi tâm sự cho cô trò gần gũi.
Cô chủ động, tích cực cùng HS tổ chức các hoạt động như Vui Tết Trung thu, Chào xuân mới, The Girl’s Day, The Boy Day… cùng học sinh ghi lại những khoảnh khắc vui vẻ, đáng yêu đó để chia sẻ trên nhóm riêng của lớp, gắn kết cô trò lại với nhau. Đôi khi, cô cũng không còn quá khắt khe mà hào phóng cho một vài HS được nghỉ tiết học môn phụ để tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ để HS có cảm giác thoải mái trong khuôn khổ, có cơ hội trau dồi, thể hiện tài năng của mình.
Cô quan tâm để ý học sinh từ mái tóc các em mới cắt, từ đồ ăn thức uống các em ăn trong giờ ra chơi cho đến tình trạng sức khỏe của các em… Ngày sinh nhật của HS cũng được cô nhớ và gửi lời chúc mừng khiến nhiều em bất ngờ cảm động. Sự quan tâm vừa là cách để cô kiểm tra các em việc thực hiện nề nếp nhưng quan trọng là cô tạo ra mối quan hệ ấm áp giữa cô với trò.
Nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, cô Trang hiểu rằng, biểu hiện rõ ràng nhất của niềm hạnh phúc là tiếng cười. Ý thức được điều đó, bản thân cô luôn tạo ra tiếng cười trong lớp học, trong giờ dạy bằng chính câu chuyện hài hước của mình. Chính tiếng cười ấy sẽ xóa tan cái mệt mỏi, giúp cho HS hào hứng để tiếp thu bài tốt hơn.
Lê Đăng
Theo giaoducthoidai
Lan tỏa cảm xúc tích cực
"Nếu được hỏi chỉ chọn cho con mình thành công hoặc hạnh phúc, là một người mẹ, tôi sẽ chọn cho con tôi hạnh phúc. Vì thế, tôi ủng hộ mục tiêu mang đến cho học sinh cảm giác hạnh phúc", đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa - Hà Nội).
Cô Nguyễn Thị Hiền cùng học sinh Trường THPT Hoàng Cầu. Ảnh nhân vật cung cấp
Hiểu nhau để gần nhau hơn...
Cô Hiền tâm sự: Trong bốn năm trở lại đây, cô liên tục được nhận lớp 12 để làm chủ nhiệm. Những lớp cô được nhận là lớp chọn của nhà trường, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là cô không gặp phải khó khăn...
Học sinh của lớp tự nhiên, phần lớn thông minh, nhanh nhẹn nhưng cũng không kém phần cá tính, cứng đầu. Cô cũng nhận khá nhiều lời cảnh báo của đồng nghiệp khi chuẩn bị đón lớp: "Chị ơi, năm ngoái chủ nhiệm lớp này em thấy rất căng thẳng, mệt mỏi. Năm nay, em nhẹ hẳn người vì không chủ nhiệm lớp ấy nữa", "Em ơi, lớp ấy có bạn học sinh đặc biệt đấy...".
Tiết học đầu tiên, cô Hiền không ôn tập kiến thức mà dành trọn thời gian để làm quen với các em. Cô phát cho mỗi em 1 tờ phiếu với nội dung: Con hiểu gì về bạn bên cạnh? Và con biết gì về cô? Trong đó có những thông tin gợi ý (các bạn sẽ lên bốc thăm, vào tên của bạn nào thì cung cấp thông tin về bạn đó, việc bốc thăm vào tên của bạn nào phải được bí mật)...Vậy là ngay sau tiết học đó, cô Hiền có lượng thông tin khá lớn về HS của lớp mình chủ nhiệm.
Cô đặc biệt quan tâm đến những học sinh cứng đầu, những học sinh có tính cách đặc biệt. Cô tìm hiểu về các em nhiều hơn những bạn khác, qua bạn bè cùng lớp, qua giáo viên đã dạy các em và qua chính những lần cô trò ngồi nói chuyện trực tiếp ....
Điều cô nhận ra rằng, tất cả đều có lý do, có em thì xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, từ việc thay đổi môi trường, điều kiện sống, có em xuất phát từ những mối quan hệ bạn bè... và quan trọng đằng sau sự cứng đầu khó bảo kia, đằng sau ánh mắt bất cần kia là những trái tim ấm để cảm nhận tình yêu thương từ những người xung quanh..
Giúp học trò thay đổi
Theo cô Hiền, mâu thuẫn lớn trong hành trình đi tìm "Tiết học hạnh phúc", "Lớp học hạnh phúc" có lẽ là: Nếu nhân nhượng sẽ bị lấn tới, nếu dễ dãi, học sinh vui thích và quý thầy cô đấy nhưng sẽ không "nể sợ" và buông luôn trách nhiệm học tập.
Hơn 10 năm làm giáo viên chủ nhiệm, bản thân cô không ít lần gặp những "ca" khó của học sinh. Phạt học sinh thì dễ, nhưng làm thế nào để giúp học sinh đó thay đổi mới khó.
Cô Hiền kể lại câu chuyện xảy ra cũng chưa lâu, liên quan đến học sinh N.V.L. của lớp 12A1 do cô làm chủ nhiệm. "Trong một giờ kiểm tra, do không thuộc bài, L. cầm bài kiểm tra vò lại và vứt xuống ngay trước mặt tôi và miệng lẩm bẩm gì đó. Vẻ mặt của em tỏ rõ sự tức giận, khó chịu.
Trước hành động đó, tôi rất sốc. Ánh mắt tôi dừng lại nơi em, thái độ không đồng ý. Trong lòng vô cùng tức giận nhưng tôi cố gắng kiềm chế vì lúc đó em L. cũng đang rất tức giận, thiếu sự kiềm chế bản thân. Tôi không trách mắng và tiếp tục kiểm tra đến hết tiết học".
Buổi chiều hôm đó, cô Hiền chia sẻ lên trang Facebook của lớp bài viết "Những mẩu chuyện nhỏ về sự kiềm chế khiến bạn phải giật mình". Cô yêu cầu tất cả các thành viên của lớp 12A1 nên đọc. Cả tập thể lớp 12A1 cũng như em N.V.L. đều biết vì sao. Tối hôm đó, em L. đã nhắn tin xin lỗi cô giáo... Hiện tại, N.V.L. trở thành sinh viên ưu tú của Học viện Ngân hàng, và em không ngừng khoe với cô những kết quả mà em đã đạt được.
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền
Sai sót của học trò giống như "làm bài trắc nghiệm"
Cô Hiền tâm sự: "Nếu được hỏi chỉ chọn cho con mình thành công hoặc hạnh phúc, là một người mẹ, tôi sẽ chọn cho con tôi hạnh phúc. Vì thế, tôi ủng hộ mục tiêu mang đến cho học sinh cảm giác hạnh phúc. Nhưng thực tế, đó là điều rất khó khăn nếu như bản thân mỗi thầy, cô giáo khi đến trường cũng đều mang theo bao nỗi niềm, sự mệt mỏi, lo âu chán nản...".
Theo cô Hiền, chúng ta cần có cái nhìn bao quát lớp, tìm hiểu hoàn cảnh học trò, có hành vi nhân ái, thương yêu, sẻ chia và phải cho học sinh cảm nhận được sự yêu thương của thầy cô. Với cô, sai sót của học trò giống như "làm bài trắc nghiệm", tô bằng bút chì, sai thì sửa.
"Bản thân người thầy phải tự rèn mình, rèn tâm tính mình để làm sao có thể lan tỏa đến học sinh một trạng thái bình an. Lan tỏa nụ cười, đó là điều cần thiết nhất. GV chủ nhiệm vui vẻ, hòa đồng, tạo tâm lý thoải mái, tin cậy, dân chủ; thái độ vui vẻ của GV sẽ lan tỏa đến học sinh tâm lý "lớp mình sẽ có môi trường hạnh phúc"", cô Hiền chia sẻ.
Lê Đăng
Theo GDTĐ
Tiền đề xây lớp học hạnh phúc Yếu tố cốt lõi nhất để xây dựng trường học hạnh phúc là quan hệ giữa học sinh và giáo viên phải thay đổi, phải cảm thấy hạnh phúc trong mối quan hệ này. Nhưng làm thế nào để giáo viên và học sinh cảm thấy hạnh phúc trong các giờ học? PGS.TS Trần Thành Nam - Trưởng khoa Khoa học Giáo dục...