Cô sinh viên Thủy Lợi với bộ sưu tập các giải thưởng toán học
Say mê học toán, Nguyễn Thị Thanh Loan – Lớp 59K- PT Khoa Kinh tế và Quản lý (Trường Đại học Thủy Lợi) đã có trong tay một bộ sưu tập giải thưởng suốt từ những năm học phổ thông lên đến đại học.
Thành tích của cô sinh viên khiến nhiều người choáng ngợp và nể phục. Thanh Loan vừa được nhận bằng khen sinh viên xuất sắc trong phong trào Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2020.
Thanh Loan mong muốn sẽ đem kiến thức đã học được trong trường và những trải nghiệm của bản thân để làm những công việc có ích cho xã hội
Đam mê toán học
Nguyễn Thị Thanh Loan (1998) sinh ra ở thị xã Hồng Lĩnh ( Hà Tĩnh), một vùng đất hiếu học. Ngôi trường cấp 2 và cấp 3 Loan từng theo học có rất nhiều người học giỏi, có nhiều thủ khoa các trường đại học, nhiều học sinh đoạt huy chương Olympic toán quốc tế, có nhiều tấm gương đạt giải cao trong các kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia, đặc biệt là môn toán.
Họ đều là tấm gương sáng cho cô noi theo trong suốt chặng đường học tập của mình. Bên cạnh đó, mẹ Loan là giáo viên dạy toán phổ thông và là người đã khơi nguồn niềm đam mê toán học, luôn đồng hành, hỗ trợ và dõi theo Loan.
Mẹ Loan là người đã khơi nguồn niềm đam mê toán học, luôn đồng hành, hỗ trợ cho em trong con đường học vấn của mình
Nói về việc lựa chọn thi vào trường Đại học Thủy lợi, Thanh Loan cho biết: “Gia đình em có truyền thống học ở đại học Thủy Lợi, từ lần đầu tiên ghé thăm trường vào thời phổ thông, em đã cảm thấy rất yêu ngôi trường này nên em quyết tâm thi vào trường”.
Niềm đam mê toán học của cô bắt đầu từ thời trung học, nhiều năm nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi toán. Bởi thế nên đối với Loan, cho dù không học chuyên ngành về toán nhưng niềm yêu thích toán học vẫn luôn chảy trong em. Vì vậy, sân chơi Olympic Toán là sân chơi rất bổ ích, đã giúp Loan thỏa mãn đam mê ấy.
Video đang HOT
“Mẹ là giáo viên dạy toán trung học, là người đã hun đúc niềm yêu thích toán ban đầu cho em. Sau này, ở trong trường em học có rất nhiều anh chị đạt thành tích cao trong các kì thi học sinh giỏi, em vô cùng ngưỡng mộ và mong muốn đạt được những thành tích xuất sắc như các anh, chị”, cô sinh viên chia sẻ.
Thanh Loan trong lễ tuyên dương sinh viên xuất sắc trong phong trào Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Ngay từ những năm tiểu học, Loan thường xuyên tham gia vào đội tuyển toán của trường, của tỉnh. Lớp 5, Thanh Loan đã đạt giải ba toán cấp tỉnh, tiếp sau đó, cô đạt giải ba toán cấp thị xã lớp 6 và lớp 8, giải nhất toán cấp thị xã lớp 7 và lớp 9 và giải 3 toán cấp tỉnh lớp 9, giải khuyến khích toán cấp tỉnh lớp 10. Điểm trung bình môn toán phổ thông của Thanh Loan hầu hết các kì đều cao nhất lớp.
Khi bước vào đại học, trong 4 năm học cô đều tham gia thi Olympic Toán cấp trường, đạt giải nhì năm 2017, 2019, giải nhất năm 2018, tất cả các môn toán của Loan tổng kết đều trên 9.0.
Không chỉ học “siêu” môn Toán, Thanh Loan còn học tốt cả môn ngữ văn. Khi còn học phổ thông, hầu hết các bài kiểm tra môn văn của Loan đều đạt 8,5-9 điểm và từng lọt vào đội ôn thi chọn học sinh giỏi ngữ văn lớp 9. Khi bước vào đại học, ngoài môn Toán, Thanh Loan còn yêu thích môn kinh tế lượng – là môn học kết hợp kinh tế và mô hình toán học, cô đạt điểm tổng kết tối đa là 10.
Tự hào là sinh viên xuất sắc
Được nhận Bằng khen sinh viên xuất sắc trong phong trào Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là niềm vui, miềm tự hào rất lớn đối với Thanh Loan và gia đình. Đó là một cột mốc đáng ghi nhớ trong suốt quãng đời sinh viên tươi đẹp, là minh chứng ghi nhận sự cố gắng của cô sinh viên yêu toán học.
Thanh Loan (giữa) và thầy giáo dậy Toán cùng các bạn trong tuyển thi Olympic Toán 2018 cấp Quốc gia
“Bên cạnh đó, em còn có sự giúp đỡ của các thầy cô bộ môn Kinh tế khoa Kinh tế và Quản lý, các thầy cô bồi dưỡng đội tuyển Olympic Toán trong suốt 4 năm qua đã hết lòng giúp đỡ, tạo điều kiện giúp em trong suốt quá trình học tập để em có được thành tích trên. Vinh dự là 1 trong 76 sinh viên được nhận bằng khen, được tham gia các hoạt động, giao lưu cùng các bạn khắp mọi miền đất nước là ký ức đẹp em không bao giờ quên”, Thanh Loan xúc động bày tỏ.
Dù hành trang đã khá “dày”, nhưng tương lai phía trước vẫn còn là một con đường dài để cô sinh viên tiếp tục trải nghiệm và mơ ước. Thanh Loan cho biết, cô mong muốn có thể trở thành nhà nghiên cứu chính sách kinh tế đúng với chuyên ngành đang học. Tuy nhiên, dù làm bất kì ngành nghề nào hay trên bất cứ cương vị nào, Thanh Loan đều mong muốn bản thân mình sẽ đem kiến thức đã học được trong trường và những trải nghiệm của bản thân để trở thành công dân gương mẫu, làm những công việc có ích cho xã hội.
Hiện tại, trước khi cầm tấm bằng tốt nghiệp Đại học để bước vào tương lai, cô sinh viên đầy nhiệt huyết vẫn đi làm gia sư môn toán cho các em học tiểu học và trung học cơ sở, vừa để thỏa mãn niềm yêu thích đối với toán học, vừa kiếm thêm thu nhập đỡ đần cho gia đình. Việc đi làm gia sư đối với Thanh Loan không chỉ là công việc mà còn là niềm vui, vì có thể giúp đỡ các em nhỏ những kiến thức về toán học, vững vàng hơn với môn học “khó” này trên con đường học tập còn dài phía trước.
'Người mẹ nông dân' của tiến sĩ toán học
An Kim Bằng, người giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế năm 1997, giáo sư tại khoa Toán, Đại học Bắc Kinh kể về vai trò của người mẹ trong những thành công của anh.
Đừng để từ "nghèo" trì hoãn tương lai của con
Ngày 5/9/1997, tôi rời nhà đến Bắc Kinh nhập học tại khoa Toán, Đại học Bắc Kinh. Khói bếp bốc lên trong căn nhà dột nát của tôi từ sáng sớm. Mẹ đang lăn bột làm mì cho tôi bằng số bột mà bà đổi từ 5 quả trứng cho hàng xóm. Cầm bát lên, tôi khóc. Tôi đặt đũa xuống, quỳ xuống đất, nước mắt lăn dài. Nhà tôi ở huyện Vũ Thanh, Thiên Tân, một làng quê vô cùng nghèo khó. Tôi có một người mẹ tốt nhất trên thế giới. Bà 47 tuổi, tên bà là Lý Diễm Hà.
An Kim Bằng khi mới đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế năm 1997.
Gia đình chúng tôi nghèo lắm. Khi tôi sinh ra, bà tôi bị ốm liệt giường. Năm lên bốn tuổi, ông ngoại mắc bệnh hen phế quản và liệt nửa người, gia đình nợ nần chồng chất năm này qua năm khác.
Bảy tuổi, tôi đi học. Tôi thường nhặt những mẩu bút chì bạn bè vứt đi, dùng dây buộc đầu bút lên một cái que rồi viết tiếp. Nhưng tôi phát hiện ra rằng mẹ không thích ngồi cạnh nhìn tôi học bài. Lớn khôn hơn, tôi hiểu: mẹ không muốn nhìn tôi làm bài với mẩu bút chì buộc vào que như vậy.
Mẹ rất vui khi bất kể kỳ thi lớn hay nhỏ ở trường, tôi luôn đứng trong top xuất sắc và đạt điểm cao môn Toán. Được sự động viên của mẹ, càng học tôi càng thấy hạnh phúc, thật sự không biết trên đời này còn gì hạnh phúc hơn việc học.
Tháng 6/1994, tôi trúng tuyển vào trường cấp 3 nổi tiếng ở Thiên Tân. Tôi mừng rỡ chạy về nhà khoe mẹ. Không ngờ rằng khi tôi báo tin vui cho gia đình, gương mặt họ lại đầy nỗi buồn. Đến tối, tôi nghe thấy tiếng cãi vã ngoài nhà. Thì ra mẹ tôi muốn bán con lừa ở nhà để tôi được đi học, nhưng bố kiên quyết không đồng ý. Ông tôi đang bệnh, sau khi nghe thấy trận cãi nhau đó, đã qua đời.
Sau khi chôn cất ông nội, gia đình có một khoản nợ vài nghìn tệ. Tôi không dám nhắc đến chuyện học hành nữa, chỉ gấp giấy báo nhập học nhét vào áo gối, rồi hàng ngày lao vào làm đất cho mẹ. Hai ngày sau, bố con tôi phát hiện con lừa đã biến mất. Bố quắc mắt hỏi mẹ: "Cô bán lừa rồi sao? Sắp tới đi mua bán thóc gạo, không lẽ dùng tay đẩy hay gánh trên vai? Tiền cô bán lừa có đóng được một học kỳ cho nó không?". Hôm đó, mẹ tôi đã khóc. Bà nói: "Chúng ta không thể để cái nghèo trì hoãn tương lai của con trẻ. Tôi sẽ dùng tay đẩy, vai vác, để nó đi học".
Cuối thu năm ấy, tôi về nhà lấy quần áo thì thấy bố nằm trên giường. Mặt mũi ông phờ phạc, người gầy gò. Bố bị polyp ruột, bác sĩ yêu cầu mổ càng sớm càng tốt. Mẹ tôi lại định đi vay tiền, nhưng tất cả những nơi có thể vay được, bố mẹ tôi đã vay. Để tiết kiệm tiền, mẹ không thuê người gặt lúa mà tự mình gặt. Không còn đủ sức để cắt lúa mì vào sân để đập, không có tiền thuê người dùng máy tuốt, mẹ cắt lúa từng đợt, chín đến đâu mang về đến đó. Ban đêm, mẹ trải một tấm ni lông trong sân nhà, rồi dùng sức túm từng nắm lớn đập vào tảng đá... Chân đau không đứng được, bà quỳ xuống mà đập lúa, cho đến khi đầu gối rướm máu. Nghe hàng xóm nói chuyện của mẹ, tôi chạy như bay về nhà, vừa chạy vừa khóc: "Mẹ ơi, con không đi học nữa".
Kệ tôi khóc, mẹ vẫn bắt tôi quay lại trường. Mẹ vay tiền để bố tôi được phẫu thuật. Năm đó, nhà nợ đến 25.000 tệ. Nhưng mẹ vẫn cho tôi đi học.
Để tôi khỏi đói, hàng tháng mẹ mang cho tôi 10 kg mỳ. Mỗi tháng, mẹ mang theo một túi đồ lớn, đi 10 km đến ga, rồi đi xe buýt đến Thiên Tân. Ngoài mỳ, trong túi của bà có có giấy nháp xin ở một nhà máy in, một chai sốt đậu nành, một chai mù tạt mặn bào sợi... Những năm đó, tôi là học sinh duy nhất của trường trung học cơ sở số 1 Thiên Tân không có tiền ăn trong căng tin, mà chỉ có thể mua hai cái bánh hấp cho đỡ đói. Nhưng tôi chưa bao giờ mặc cảm, tôi luôn cảm thấy mẹ là người hùng chống lại những đau khổ. Bất chấp những khốn khó, được làm con của bà là niềm vinh dự tối cao của tôi.
Khi mới vào trường cấp 3, tôi đã sốc khi bước vào lớp học tiếng Anh. Cách nói tiếng Anh trôi chảy của cô giáo và các bạn trong lớp khiến tôi cảm thấy giữa tôi và họ có khoảng cách quá lớn. Đó không phải là thứ tiếng Anh mà tôi được học ở trường cấp 2 nông thôn. Khi mẹ lên thăm, tôi đã nói với mẹ điều đó. Bà chỉ nói: "Con là đứa trẻ con khổ cực nhất, mẹ biết thế, nên mẹ không thích con kêu khó, vì chịu khổ được thì chẳng điều gì là khó nữa". Từ sự động viên của mẹ, điểm tiếng Anh của tôi cuối kỳ đã lọt vào tốp 3 của lớp.
Đầu năm 1995, tôi đăng ký vào đội tuyển vật lý và toán của trường. Một năm sau, tôi đạt giải nhất môn vật lý, giải nhì môn toán, rồi đại diện cho Thiên Tân tham gia Olympic vật lý toàn quốc tại Hàng Châu. Tôi hạ quyết tâm sẽ tặng mẹ giải nhất quốc gia, rồi đại diện Trung Quốc đi thi Olympic quốc tế. Nhưng năm đó, tôi chỉ được giải nhì toàn quốc. Dù đây là kết quả tốt nhất trong số các thành viên Thiên Tân, đối với tôi, kết quả này quá nhạt nhòa.
Tháng 1/1997, tôi đạt giải nhất Olympic Toán toàn quốc với số điểm tuyệt đối và được chọn vào đội tuyển quốc gia. Mải ôn không thể gặp mẹ, tôi gửi thư bưu điện: "Mẹ ơi, trong số 6 thành viên của đội tuyển quốc gia, chỉ có con trai mẹ là con nhà nông, là thành viên đầu tiên được chọn trong kỳ thi Olympic Toán học toàn quốc".
Khi trở về Thiên Tân để chuẩn bị cho kỳ thi Olympic quốc tế ở Argentina, tôi nhận được 200 tệ và một bức thư mẹ nhờ các bạn cùng lớp chuyển giúp. Trong thư mẹ viết: "Mẹ tự hào về con, hãy khiêm tốn và giành vinh quang cho đất nước". Cầm lá thư, tôi khóc.
Ngày 22/7, An Kim Bằng trải qua kỳ thi cam go ở thành phố biển Valderrama ở Argentina. Trải qua 5,5 tiếng làm bài thi, anh hồi hộp chờ đợi kết quả. Khi cái tên An Kim Bằng được công bố cho giải cao nhất, anh đã òa lên khóc.
Ngày 1/8, khi chúng tôi trở về, Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cùng Hội Toán học Trung Quốc đã tổ chức một buổi lễ chào đón trọng thể ngay tại sân bay. Nhưng tôi muốn về nhà, tôi muốn gặp mẹ càng sớm càng tốt, tôi muốn chính tay mình đeo chiếc huy chương vàng lên cổ mẹ. 22 giờ đêm hôm đó, tôi trở về khi ngôi nhà thân quen đã chìm trong bóng tối. Dưới bầu trời đầy sao, mẹ ôm tôi thật chặt. Khi tôi lấy tấm huy chương vàng đeo vào cổ mẹ, bà mừng rỡ khóc.
Ngày 12/8, khán phòng của trung học Thiên Tân chật kín giáo viên, học sinh. Họ đến để chúc mừng tấm huy chương vàng của tôi. Mẹ tôi, một người phụ nữ nông dân bình thường, cuối cùng đã vinh dự ngồi cùng hàng ghế với các lãnh đạo của thành phố, các giáo sư toán học nổi tiếng ở Thiên Tân.
Khi mọi người mời tôi lên phát biểu, tôi cũng không biết mình phải nói gì. Tôi nhớ khi đó, mình đã nhắc về mẹ: "Tôi muốn dùng cả cuộc đời để cảm ơn một người, đó chính là người mẹ đã nuôi dưỡng tôi. Bà chỉ là một phụ nữ nông dân bình thường, nhưng những nguyên tắc sống mà bà dạy tôi có thể truyền cảm hứng cho tôi suốt đời. Nếu nghèo là trường đại học tốt nhất, thì tôi sẽ nói, người mẹ nông dân của tôi chính là người cố vấn tốt nhất trong cuộc đời tôi".
Hậu trường thi Olympic quốc tế - Những chuyện chưa kể - Kỳ 1: 'We are from Việt Nam' Có rất nhiều câu chuyện hậu trường chưa biết về trí tuệ Việt Nam trong các cuộc thi Olympic quốc tế. TS Lê Bá Khánh Trình gặp lại người thầy đã chấm bài thi của ông 40 năm trước - Ảnh: NVCC 40 năm sau ngày nhận giải đặc biệt với số điểm tuyệt đối 40/40, TS Lê Bá Khánh Trình bất ngờ...