Có một ‘trung tâm châu Á’ ở Siberia
Thế giới luôn rộng mở với những người dám dấn thân. Đây cũng là phẩm chất quan trọng của người phóng viên muốn có những trải nghiệm thú vị. Và thực tế đã không phụ tôi khi những ngày cuối năm 2015 tôi quyết định thực hiện chuyến đi tới miền Trung Siberia, ngược lên đầu nguồn con sông Yenisei hùng vĩ, đến Cộng hòa Tuva ở cực Trung – Nam Siberia.
Với người thường, để đến thủ phủ Kyzyl của CH Tuva, bạn có lẽ phải chọn đi ô tô. Vùng lãnh thổ này có diện tích hơn 170.000 km2 này (bằng nửa diện tích Việt Nam song dân số chỉ hơn 300.000 người) và chủ yếu là đồi núi hiểm trở. Vì vậy không có xe lửa tới thủ phủ Kyzyl, còn các chuyến bay giá rất đắt đỏ. Chúng tôi khởi hành từ thành phố Krasnoyarsk tới Kyzyl trong chiều đông lạnh lẽo, trời dù mới 17 giờ đã tối mịt – đặc trưng của mùa đông ảm đạm tại những nước nằm gần cực Bắc. Suốt hơn 10 tiếng ngồi ô tô, điểm khiến tôi chú ý là người Tuva luôn nói với nhau bằng thổ ngữ, dù họ nói lưu loát tiếng Nga, cũng như tay lái của các tài xế trẻ trên cung đường mùa đông mà nhiều nơi mặt đường đã đóng băng hay ngập tuyết. Đặc biệt ấn tượng là khi chiếc xe băng qua đoạn đèo hiểm trở nằm khoảng 2.000 m so với mặt nước biển thuộc dãy núi Sayan, trở ngại lớn cuối cùng trước khi tới Kyzyl.
Một trại lính được phục dựng theo mô hình thời Thành Cát Tư Hãn.
Đón chúng tôi từ sớm, khi ngoài trời nhiệt độ dưới âm 20 độ là anh Dương Ngọc Lâm, một trong 7 gia đình người Việt đang làm ăn sinh sống ở Kyzyl. Anh cho biết khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, chênh lệch nhiệt độ giữa mùa hè và mùa đông là 90 độ (từ 45 độ dương cho tới 45 độ âm) và hiện vẫn ấm hơn nhiều giai đoạn tháng Giêng hay tháng 2.
Đến với Kyzyl bạn sẽ bất ngờ bởi nơi đây có đài kỷ niệm địa điểm được xem là Trung tâm châu Á nằm bên bờ nơi hợp lưu 2 con sông Yenisei Lớn và Nhỏ. Đài kỷ niệm này được xây dựng từ năm 1964, song năm 2014 nó được xây lại để kỷ niệm 100 năm Tuva sát nhập vào LB Nga. Đài gồm 3 chú sư tử oai phong nâng một quả địa cầu gắn với cột xoắn cao vút, trên đỉnh là chú tuần lộc – biểu tượng của khu vực. Tô điểm thêm cho đài kỷ niệm là tượng rồng và 12 con giáp mang sắc thái dân tộc Tuva. Tại quảng trường, bên cạnh đài kỷ niệm là tác phẩm điêu bằng đồng mô tả cảnh “Săn bắt hoàng gia” rất sinh động. Tuy nhiên cần lưu ý năm 1992 tại thị trấn Yungfen, cách thủ phủ Urumqi 30 km, cũng dựng lên một đài kỷ niệm được Trung Quốc xác định là trung tâm địa lý của châu Á.
Video đang HOT
Tác giả chụp tại cột mốc Trung tâm châu Á ở CH Tuva.
Người Tuva có khuôn mặt đặc trưng như người Mông Cổ. Nơi đây cũng là quê hương Bộ trưởng Quốc phòng đầy uy tín của Nga, ông Sergey Shoigu. Hai tôn giáo chính ở CH Tuva là Phật giáo Tây Tạng và Shaman giáo. Theo tục lệ, nếu như với Phật giáo Tây Tạng, bạn phải xoay bánh xe Linh luân 3 vòng để gặp may mắn thì với Shaman, các thầy mo đáng kính sẽ lên đồng, dự đoán rủi ro hay giúp bạn chữa bệnh. Chúng tôi cũng được dự khán một buổi lên đồng Shaman như vậy tại Kyzyl. Đón tôi trước một căn lều da kiểu Mông Cổ là một nữ thày mo trung niên có tên “Góc hạnh phúc”. Bà chào đón chúng tôi bằng tục lệ quàng qua cổ tôi một chiếc khăn lụa màu trắng để đem đến may mắn. Trong căn lều da sưởi bằng củi ấm áp này, chúng tôi được tận mắt chứng kiến thày mo, trong bộ trang phục đặc sắc thực hiện nghi thức lên đồng trừ tà ma và điều xấu. Chị Korosan Ocha, vợ anh Lâm, cho biết trang phục lên đồng Shaman càng hành lễ nhiều, càng cũ càng linh thiêng.
Cũng trong căn lều này chúng tôi còn biết nhiều điều về truyền thống, phong tục, hay qui định trước đây của người Tuva. Ví dụ, khi đi vào lều phụ nữ đi bên phải, còn đàn ông vào lều đi bên trái; phụ nữ phải ngồi gập đầu gối dưới sàn còn những người kính trọng nhất được ngồi lên ghế cao. Hay khi được mời món trà sữa, bạn cần uống hết để không xui xẻo. Trong lều lưu giữ rất nhiều đồ vật đặc biệt như đuôi ngựa hay bộ yên cương ngựa để chúng luôn đồng hành cùng chủ nhân. Theo giải thích của nữ thày mo, đạo Shaman còn sử dụng các cành cây có 3 màu, cành màu đỏ để trừ tà ma, màu đen để quét rác giúp người trong nhà không bị ốm, và màu vàng dùng để trị bệnh và rửa bát chén. Thày mo cũng giới thiệu với chúng tôi một túi những mẩu xương nhỏ của cừu, dê, lạc đà hay bò, bóng lộn, được dùng làm đồ chơi trước đây cho trẻ em. Bà giới thiệu có thể chơi nhiều trò với những mẩu xương này và chúng cũng có thể giúp tiên đoán nhiều điều.
Đến Kyzyl bạn cũng đừng quên địa điểm văn hóa phục dựng một trại lính khi xưa của Thành Cát Tư Hãn. Tới đây, bạn có thể ngắm những cỗ chiến xa lớn chở theo lều da của đội quân Mông Cổ, cũng như thuật dụng binh thời đó, dựa vào địa thế khu trại – thiết lập trong một thung lũng nhỏ bao quanh có núi che chắn, ở địa điểm, gần đường bộ cũng như đường sông, dễ thủ khó công, với tầm nhìn tốt từ các chòi quan sát trên cao để nhanh chóng phát hiện kẻ địch.
Trong tiết trời đông ngập tuyết trắng, quang cảnh CH Tuva vẫn rất đẹp và hùng vĩ. Tuy nhiên theo lời kể của anh Lâm, đến khu vực này vào mùa hè còn thú vị và đẹp hơn nhiều. Khi đó bạn có thể tới tham quan những khu rừng nguyên sinh tuyệt đẹp ở vùng núi Mongun – Taiga thuộc rặng Antai, cùng người dân đi săn, câu cá hay tới các hồ, cả nước mặn lẫn nước ngọt, nằm trên núi hình thành do băng hà. Có lẽ do sự hấp dẫn của cảnh đẹp thiên nhiên nơi đây mà Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev cũng tới nghỉ và câu cá tại khu vực này mùa hè năm 2013.
Duy Trinh (P/v TTXVN tại LB Nga)
Theo Báo Tin tức
Mông Cổ: Trực thăng quân sự gặp nạn, 11 người thương vong
Tân Hoa xã đưa tin, một chiếc trực thăng Mi-8 của quân đội Mông Cổ đã gặp nạn trong một buổi huấn luyện vào đêm 23/12.
Một nguồn tin quân đội cho hãng thông tấn Tân Hoa xã biết, vụ tai nạn đã khiến 1 người chết và 10 người bị thương.
Máy bay trực thăng Mi-8. (NGuồn: wallpapersis.com).
Vụ tai nạn xảy ra ở khu vực chỉ cách thủ đô Ulan Bator khoảng 50 km về phía đông.
Các phương tiện truyền thông địa phương cho biết, phi công điều khiển chiếc trực thăng xấu số kia có thể đã cố gắng hạ cánh khẩn cấp nhưng không thành.
Quân đội Mông Cổ đang tiến hành cuộc điều tra tìm hiểu nguyên nhân vụ tai nạn./.
Phương Chi Theo Tân Hoa xã
Theo_VOV
Cuộc sống của thợ huấn luyện đại bàng săn mồi ở Mông Cổ Nhiếp ảnh gia Australia Palani Mohan đã dành nhiều năm trời ròng rã ghi lại cuộc sống của bộ tộc huấn luyện đại bàng săn mồi ở miền tây Mông Cổ. Nhiếp ảnh gia Mohan đã dành nhiều năm tâm huyết để hòa nhập với cuộc sống của bộ tộc huấn luyện đại bàng săn mồi ở vùng hẻo lánh Mông Cổ. Các...