Có lo lắng khi chọn học khối ngành xã hội nhân văn ?
Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng khi con chọn các ngành khối xã hội nhân văn hay sư phạm để xét tuyển vào các trường đại học.
Các chuyên gia tham dự chương trình tối 18.3 cho rằng vẫn có nhiều cơ hội việc làm cho người học khối ngành khoa học xã hội nhân văn, sư phạm – ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong buổi tư vấn Chọn ngành học tương lai vào tối 18.3, học sinh không nên có những lo lắng vì cơ hội việc làm vẫn cao và những giá trị khối ngành này mang lại cho người học.
Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, facebook.com/thanhnien, YouTube, TikTok Báo Thanh Niên .
Tuyển sinh 2021: Nên chọn ngành, nghề như thế nào?
Công nghệ phải đi liền với xã hội nhân văn
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho rằng nếu hiện nay chúng ta làm cuộc phỏng vấn nhỏ với học sinh thì có lẽ hơn 50% sẽ muốn học lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, công nghệ để dễ kiếm việc làm và có thu nhập cao.
Trong khi đó, ở khối ngành xã hội nhân văn, những năm gần đây có 2 xu hướng: Tỷ lệ chọi cao rơi vào các ngành luật, du lịch nhưng lại ít thí sinh tham gia xét tuyển vào các nhóm nghiên cứu chuyên sâu như văn hóa, lịch sử, địa lý, Việt Nam học…
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Trường ĐH Duy Tân:
Để hiểu về một con người thì cần nhiều thời gian hơn nên khối ngành khoa học xã hội nhân văn vô cùng quan trọng.Theo tiến sĩ Hải, sự lựa chọn này của học sinh sẽ dẫn đến một thực tế trong tương lai là nhân lực ở một số ngành xã hội nhân văn sẽ bị khan hiếm. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng công nghệ phải gắn với xã hội nhân văn thì mới phục vụ được một xã hội phát triển toàn diện và bền vững.
“Công nghệ không phân biệt được quốc gia này với quốc gia khác nhưng văn hóa sẽ phân biệt được vùng này với vùng khác, dân tộc này với dân tộc khác. Yếu tố nhân văn vẫn là nền tảng. Học kỹ thuật chỉ cần học 3 – 6 tháng là vận hành được máy móc nhưng để hiểu về một con người thì cần nhiều thời gian hơn. Vì thế khối ngành khoa học xã hội nhân văn vô cùng quan trọng”, tiến sĩ Hải chia sẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân, Trường ĐH Hoa Sen:
Nhóm ngành này còn mang lại cho các em cơ hội hiểu chính bản thân, hiểu các vấn đề xã hội, học được cách quan tâm, kỹ năng xã hội cần thiết.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tư vấn truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho biết hiện nay thông tin về cách mạng công nghiệp 4.0 tràn lan nên nhiều học sinh trăn trở chọn lựa về khối ngành khoa học xã hội nhân văn, sư phạm. Những người rất tinh tế và sâu sắc mới chọn học khối này và đây là điều rất cần thiết trong xã hội hiện nay. Điểm chuẩn các năm ở khối ngành này khá cao. Nhiều ngành như báo chí truyền thông chưa bao giờ lấy dưới 25 điểm.
Nhưng trong thời đại công nghệ phát triển rất nhanh này, con người có bị thay thế hay không? Theo tiến sĩ Ngô Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định, trong 10 năm nữa, trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế cho cuộc sống con người rất nhiều. Trên YouTube bây giờ cũng có thể thấy rõ điều này. Nhưng công nghệ không bao giờ thay thế hoàn toàn được con người. Công nghệ phát triển đến đâu thì cũng cần người giỏi. Mà người học các khối ngành xã hội nhân văn là những người máy móc không bao giờ thay thế được.
Học không chỉ vì mục tiêu việc làm
Theo thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân, quyền Trưởng bộ môn tâm lý học – Khoa Khoa học xã hội và ngôn ngữ, Trường ĐH Hoa Sen, đối với nhóm ngành khoa học xã hội, sinh viên học không chỉ vì mục tiêu việc làm. Nhóm ngành này còn mang lại cho các em cơ hội hiểu chính bản thân, tiềm năng của bản thân, hiểu các vấn đề xã hội, học được cách quan tâm, kỹ năng xã hội cần thiết. Thị trường lao động hiện nay luôn cần kỹ năng linh hoạt, thích ứng thời đại mới… như vậy.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM:
Sinh viên khối ngành này cần thêm kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, nắm bắt tâm lý, thích ứng nhanh… thì sẽ thành công.
Vậy học khối ngành này nên chuẩn bị gì để khi ra trường có được công việc tốt nhất? Tiến sĩ Ngô Minh Hải cho biết theo một thống kê tại Mỹ, sinh viên ngành xã hội nhân văn thì 15% làm quản lý, 14% văn phòng hành chính, 13% kinh doanh, 12% giáo dục, 10% làm kinh doanh – tài chính. Trong đó, có những ngành nghề rất “hot” như trợ lý kinh doanh, thư ký giám đốc, quảng cáo, quan hệ công chúng… Gần như những gì chúng ta học khi mới ra trường chỉ là bước đầu tiên của sự nghiệp.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, cho rằng thời này học một ngành có thể làm nhiều vị trí khác nhau. Trong đó, học khối ngành xã hội nhân văn thì càng dễ có cơ hội việc làm. Sinh viên cần thêm kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, nắm bắt tâm lý, thích ứng nhanh… thì sẽ thành công.
Thạc sĩ Trần Thị Thanh Trà, Trường ĐH Mở TP.HCM:
Cơ hội việc làm ngành này khá nhiều và rộng, không chỉ trong cơ quan nhà nước mà còn là các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, giảng dạy…
Chẳng hạn với ngành công tác xã hội, thạc sĩ Trần Thị Thanh Trà, giảng viên Khoa Xã hội học – Công tác xã hội – Đông Nam Á, Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng cơ hội việc làm ngành này khá nhiều và rộng, không chỉ trong cơ quan nhà nước mà còn là các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, giảng dạy…
Tương tự, thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng khoa Du lịch và Việt Nam học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, lấy ví dụ du lịch đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng chúng ta học xong để 4, 5 năm nữa đi làm, các em đừng quá lo lắng. Ngoài kiến thức chuyên môn, các em hãy rèn luyện thái độ tốt, kỹ năng tốt, đó chính là cái doanh nghiệp cần.
Thạc sĩ Nguyễn A Say, Phó trưởng khoa Xã hội và Truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, khuyên sinh viên khối ngành khoa học xã hội cũng đừng lo lắng việc làm trong tương lai vì quan trọng là thái độ học tập và kỹ năng tích lũy được có đáp ứng với yêu cầu của xã hội hay không.
Nhu cầu nhân lực khối ngành xã hội nhân văn và sư phạm ra sao?
Vào 17 giờ 30 hôm nay (18.3), Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến Chọn ngành học cho tương lai với khối ngành xã hội nhân văn và sư phạm.
Chương trình đồng thời sẽ trực tuyến ở các kênh thanhnien.vn , Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên .
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu nhân lực qua đào tạo khối ngành khoa học xã hội và nhân văn đến năm 2025 cần 16.200 người/năm. Trong khi đó, nhiều thay đổi trong chính sách đào tạo giáo viên thời gian tới cũng tác động không nhỏ đến việc đào tạo khối ngành sư phạm.
Bên cạnh các thông tin tuyển sinh mới nhất, chương trình tư vấn còn giải đáp những băn khoăn về lựa chọn ngành nghề trong các lĩnh vực này.
Chương trình chia thành 2 phần, với 2 khung giờ trực tuyến.
Phần 1 (17 giờ 30 - 18 giờ 30) gồm: Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân; thạc sĩ Trần Thị Thanh Trà, giảng viên Khoa Xã hội học - Công tác xã hội - Đông Nam Á Trường ĐH Mở TP.HCM; thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM; thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân - quyền trưởng Bộ môn Tâm Lý học - Khoa Khoa học Xã hội và Ngôn ngữ, Trường ĐH Hoa Sen.
Phần 2 (18 giờ 40 - 19 giờ 40) gồm: Tiến sĩ Ngô Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định; thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tư vấn truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM; thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng khoa Du lịch và Việt Nam học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; thạc sĩ Nguyễn A Say, Phó trưởng khoa Xã hội và Truyền thông Trường ĐH Văn Hiến.
17:32
Chào mừng các bạn đến với chương trình tư vấn trực tuyến CHỌN NGÀNH HỌC CHO TƯƠNG LAI với khối ngành KHOA HỌC XÃ HỘI - NHÂN VĂN - SƯ PHẠM
Mở đầu chương trình, nhà báo Thùy Ngân thông tin: Thiếu giáo viên là một vấn đề rất thời sự của ngành giáo dục hiện nay. Tình trạng này càng căng thẳng hơn khi các trường học thực hiện theo lộ trình Chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong khi đó chỉ riêng theo thông tin từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu nhân lực qua đào tạo khối ngành KHXH-NV đến năm 2025 cần 16.200 người/năm. Đây là một trong những ngành học mà khi ra trường sinh viên có việc làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau
Buổi tư vấn hôm nay với chủ đề khối ngành KHOA HỌC XÃ HỘI - NHÂN VĂN - SƯ PHẠM sẽ giúp các thí sinh thêm những thông tin, hiểu biết về ngành nghề, nhu cầu tuyển dụng, công tác xét tuyển của các trường.
Chương trình đang được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, Fanpage facebook, kênh YouTube, Tik Tok Báo Thanh Niên . Trong khi chương trình diễn ra, bạn đọc ngay có thể đặt câu hỏi qua các địa chỉ trên.
Xin giới thiệu khách mời tham gia chương trình:
- Tiến sĩ Võ Thanh Hải - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân
- Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch - Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM
- Thạc sĩ Trần Thị Thanh Trà - Giảng viên khoa Xã hội học-Công tác xã hội- Đông Nam Á, Trường ĐH Mở TP.HCM
- Thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân - quyền trưởng Bộ môn Tâm Lý học - Khoa Khoa học Xã hội và Ngôn ngữ, Trường ĐH Hoa Sen
Khách mời tham gia chương trình - ĐÀO NGỌC THẠCH
17:46
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Khi chúng ta nói về lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn thì nó rất rộng dẫn tới 2 xu hướng tuyển sinh ở khối ngành này. Tỷ lệ chọi cao rơi vào ngành luật, du lịch, còn nhóm nghiên cứu chuyên sâu như lịch sử, địa lý, Việt Nam học... ít thí sinh tham gia xét tuyển. Điều đó dẫn đến trong tương lai nhân lực ở một số ngành xã hội nhân văn sẽ bị khan hiếm.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải - ĐÀO NGỌC THẠCH
Hơn nữa, thời đại ngày nay công nghệ là cầu nối làm thay đổi các hình thức giao tiếp, khiến cho vai trò của một số ngành xã hội nhân văn bị mờ nhạt. Trong khi để tồn tại bền vững thì công nghệ phải gắn với khối ngành xã hội nhân văn.
Khối xét tuyển nhóm ngành này khá đa dạng, có cả môn khoa học tự nhiên lẫn xã hội.
Về khối ngành sư phạm, 3 năm gần đây quy mô đào tạo sư phạm đã hẹp lại, trong khi dân số có xu hướng tăng lên, lượng người đi học cũng cao hơn. Hiện nay và trong những năm sắp tới, tỷ lệ học sinh trên giảng viên ngày càng nhỏ lại, đòi hỏi số lượng giáo viên, giảng viên phải tăng.
17:50
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch: Nhóm ngành khoa học xã hội hiện được xét tuyển bằng nhiều phương thức. Năm 2021, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM xét 29 ngành nghề với 4 phương thức: xét điểm tổ hợp 3 môn lớp 12, điểm trung bình 5 học kỳ (lớp 10, lớp 11, học kỳ 1 lớp 12), kỳ thi đánh giá năng lực, thi tốt nghiệp THPT. Trường có 25 nhóm ngành nghề sử dụng tổ hợp môn khối xã hội để xét tuyển.
17:54
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân: Có nhiều lựa chọn trong khối ngành khoa học xã hội và Trường ĐH Hoa Sen có nhiều phương thức xét tuyển, truyền thống qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ hay kỳ thi năng khiếu...
Đối với nhóm ngành khoa học xã hội, các em học không chỉ vì mục tiêu việc làm, nhóm ngành này còn mang lại cho các em cơ hội hiểu chính bản thân, xã hội, và rất nhiều tiềm năng khác... mà thị trường lao động hiện đang cần.
18:01
Thạc sĩ Trần Thị Thanh Trà: Trường ĐH Mở TP.HCM năm nay tuyển sinh thêm ngành du lịch và quản trị nhân sự, ngoài ra trường có tuyển sinh các ngành công tác xã hội, xã hội học, Đông Nam Á... Năm 2021, trường có nhiều phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét học bạ; xét học sinh giỏi 3 năm liền THPT...
Thạc sĩ Trần Thị Thanh Trà - ĐÀO NGỌC THẠCH
18:09
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Nếu chúng ta làm cuộc phỏng vấn nhỏ với học sinh thì có lẽ hơn 50% sẽ muốn học về kinh tế, kỹ thuật, công nghệ để dễ kiếm việc làm và có thu nhập.
Công nghệ ngày nay phát triển rất nhanh và mạnh nhưng các sản phẩm công nghệ vẫn hướng tới mục tiêu làm cuộc sống tốt đẹp hơn. Công nghệ không phân biệt được quốc gia này với quốc gia khác nhưng văn hóa sẽ phân biệt được vùng này với vùng khác, dân tộc này với dân tộc khác, quốc gia này với quốc gia khác. Yếu tố nhân văn vẫn là nền tảng. Vì thế những kỹ năng cần thiết với nhân sự trong thế kỷ 21 là giao tiếp, tư duy phản biện, tư duy nhận thức, sáng tạo và hợp tác làm việc nhóm, trong đó quan trọng nhất vẫn là kỹ năng giao tiếp.
Kỹ thuật chỉ cần học 3-6 tháng là vận hành được máy móc nhưng để hiểu về một con người thì cần nhiều thời gian hơn. Vì thế khối ngành này vô cùng quan trọng.
Trường ĐH Duy Tân gắn đào tạo với nền tảng nhân văn. Chúng tôi luôn đưa yếu tố nhân văn vào các chương trình, ngành học. Trường có các ngành về luật, du lịch, quan hệ quốc tế, ngoại ngữ...
Điểm trúng tuyển khối ngành này tương đối nhẹ nhàng vì số lượng thí sinh đăng ký ít.
18:18
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch: Đối với nhóm ngành ngôn ngữ thì không cần phải biết ngôn ngữ đó mới học được. Vào Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, sinh viên sẽ được đào tạo từ kiến thức cơ bản nhất đến chuyên môn sâu.
Đối với nhóm ngành quan hệ quốc tế và quan hệ công chúng, tùy theo nhóm ngành nghề mà cần có tố chất phù hợp riêng. Trường tuyển theo 4 phương thức và có các chương trình học bổng phù hợp năng lực của sinh viên.
Thí sinh theo dõi thông tin tuyển sinh tại website của trường để biết thêm thông tin cụ thể.
18:20
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân: Một trong những lý do khiến học sinh quan tâm đến ngành tâm lý học vì đó là nhu cầu rất thật, đến từ cuộc sống.
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân - ĐÀO NGỌC THẠCH
Học tâm lý học rất thú vị, nó là sự kết hợp giữa khoa học tự nhiên và xã hội. Các bạn còn phải hiểu về khoa học, định lượng, định tính... Nếu có sự yêu thích, đam mê, có mong muốn hỗ trợ, mang lại điều tốt đẹp cho người khác thì các em cứ mạnh dạn đăng ký ngành tâm lý học.
Ngành tâm lý học của Trường ĐH Hoa Sen tuyển cả khối có môn xã hội và tự nhiên. Cốt lõi của ngành này là ứng dụng kiến thức vào thực tế.
18:26
Nhiều bạn đọc hỏi học ngành công tác xã hội là làm cái gì và có phải đi làm từ thiện hay không?
Thạc sĩ Trần Thị Thanh Trà: Thật ra ban đầu hơi hiếm thí sinh chọn ngành học này làm nguyện vọng 1, thường là rớt ngành tâm lý mới lựa chọn ngành công tác xã hội. Lựa chọn này không hề sai bởi hầu hết lý thuyết ngành công tác xã hội đều áp dụng về mặt tâm lý. Hướng đào tạo của Trường ĐH Mở TP.HCM tập trung vào trẻ em và người cao tuổi và áp dụng những kiến thức từ ngành tâm lý lâm sàng.
Cơ hội việc làm ngành công tác xã hội khá nhiều, không chỉ trong cơ quan nhà nước mà còn là các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, giảng dạy...
18:30
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Các em học sư phạm ra sẽ dạy các bậc học phổ thông, nhưng có những em học các ngành ngôn ngữ không thuộc ĐH sư phạm vẫn có thể dạy học nếu có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Thực tiễn cho thấy nhiều bạn học một ngành nhưng ra trường không làm trong ngành đó, điều này diễn ra nhiều ở khối ngành xã hội nhân văn.
Các em đừng lo học khoa học nhân văn sẽ không có việc làm vì khi các trường mở ngành đào tạo đều xuất phát từ nhu cầu nhân lực thực tiễn.
18:32
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân: Học ĐH chỉ là một con đường, sau khi tốt nghiệp còn rất nhiều con đường khác. Dù học cái gì, lựa chọn ngành nào, quan trọng nhất là sự cố gắng, đầu tư tâm sức vào việc học, học tập nghiêm túc thì học ngành nào cũng sẽ không lo thất nghiệp.
18:35
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch: Các bạn học 1 ngành có thể làm nhiều vị trí khác nhau. Học ngành xã hội thì dễ có cơ hội việc làm hơn ngành kỹ thuật. Chỉ cần có khả năng giao tiếp, xử lý tình huống, nắm bắt tâm lý, thích ứng nhanh thì sẽ thành công.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch - ĐÀO NGỌC THẠCH
Hãy tự tin và nhớ rằng không có ngành nghề hot mà chỉ có người tạo ra ngành nghề hot.
18:37
Thạc sĩ Trần Thị Thanh Trà: ĐH không phải là con đường duy nhất và đôi khi cũng phải cho mình sai lầm một chút, các bạn hãy giữ sức khỏe, tỉnh táo để lựa chọn thông minh.
18:38
** Thưa quý độc giả, quý phụ huynh, chúng tôi hy vọng quý vị đã có được những thông tin, hiểu biết cần thiết về khối ngành khoa học xã hội nhân văn, sư phạm. Chương trình tiếp tục trong ít phút nữa cũng tại địa chỉ này.
Vì sao công nghệ thông tin thu hút học sinh? Được xem là lĩnh vực 'xương sống' len lỏi, kết nối ở tất cả lĩnh vực trong đời sống, công nghệ thông tin được dự đoán sẽ là ngành học thu hút rất nhiều thí sinh và nhu cầu nhân lực ngành này sẽ rất lớn. Đại diện các trường đại học tham gia buổi tư vấn ngày 11.3 đều cho rằng nhu...