Cô Huyền khơi dậy niềm say mê Mỹ thuật cho nhiều học trò bằng tình yêu thương
GDVN- Cô giáo Vũ Thị Thanh Huyền đã “thổi lửa” và khơi dậy niềm đam mê môn Mỹ thuật cho các em học sinh, xóa bỏ định kiến dạy “môn phụ” thì không cần chú trọng.
“Truyền lửa” niềm say mê Mỹ thuật cho học trò
Cô giáo Vũ Thị Thanh Huyền (sinh năm 1976) sinh ra và lớn lên tại huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Năm 1998, sau khi tốt nghiệp đại học, cô Huyền được phân công công tác về dạy học tại Trường Tiểu học xã Vinh Quang (huyện Vĩnh Bảo).
Đi dạy với nhiệt huyết, đam mê và lí tưởng cống hiến của tuổi trẻ nên ngay năm đầu tiên công tác cô Huyền đã có học sinh đạt giải cấp thành phố môn Mỹ thuật.
Năm 2000, cô Huyền theo gia đình riêng về huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng sinh sống và công tác tại Trường Tiểu học Núi Đèo đến nay.
Cô giáo Huyền cùng các em học sinh trong giờ Mỹ thuật (Ảnh: NVCC)
Cô Huyền luôn tâm huyết với nghề, luôn trăn trở làm sao để học trò có niềm say mê với môn Mỹ thuật? Làm thế nào để giúp các học trò học tốt môn học này?
Cô được các đồng nghiệp đánh giá rất yêu, rất đam mê các bộ môn Nghệ thuật, hay làm thơ, yêu những vẻ đẹp thuần khiết và rất thích sáng tạo.
Vì thế đồng nghiệp, giáo viên trong trường đặt cho cô biệt hiệu vui vui là “cô Huyền mơ”. Mơ ở đây là có chút mơ mộng, có những niềm tin về một lý tưởng, một lẽ sống tích cực để giúp các em học sinh có niềm say mê trong học tập, đặc biệt là có mơ ước được giúp các trò nghèo, được bù đắp những thiệt thòi cho các em học sinh khó khăn, khuyết tật.
Cô Huyền tâm sự: “Tôi rất yêu trẻ con, những ánh mắt trong veo những câu chuyện không đầu không cuối được các trò chia sẻ đều được tôi lắng nghe.
Đó là niềm vui không thể đong đếm được. Giờ ra chơi, học trò thường chạy về phòng Mỹ thuật cùng cô trò chuyện, điều đó làm tôi vui lắm”.
Được Ban giám hiệu quan tâm, đồng nghiệp tin tưởng quý mến nên cô Huyền luôn cố gắng rèn luyện chuyên môn, cô được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp thành phố, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền.
Đặc biệt, cô Huyền đã đạt giải Nhất hội thi “Viết chữ đẹp” cấp thành phố. Được Phòng Giáo dục huyện Thủy Nguyên tin tưởng giao nhiệm vụ xây dựng khung nội dung bài giảng chuyên môn Mỹ thuật trong toàn huyện.
Video đang HOT
Cô Huyền nhiều lần tham gia làm Ban giám khảo trong các cuộc thi vẽ tranh, Ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp thành phố…
Cô Huyền vinh dự được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng tặng bằng khen giáo viên có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi; Được Liên đoàn lao động thành phố tặng chứng nhận gia đình công nhận viên chức lao động tiêu biểu cấp thành phố.
Cô Vũ Thị Phượng- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Đèo nhận xét: “Cô Huyền là một người giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề mà còn là người truyền lửa cho nhiều học sinh có niềm say mê, yêu thích môn Mỹ thuật và đạt nhiều giải thưởng trong những cuộc thi của thành phố”
Dìu dắt học sinh khuyết tật “giật” giải quốc gia
Nghiêm túc trong công việc, tâm huyết với nghề nên cô Huyền đã kèm cặp, hướng dẫn và dìu dắt học trò đạt nhiều các giải thi về môn Mỹ thuật các cấp.
Theo cô Huyền, muốn học sinh học tốt môn Mỹ thuật trước nhất thầy cô phải luôn trau dồi kiến thức, tận tâm với công việc và phát hiện những nhân tố có năng khiếu để bồi dưỡng, khuyến khích gia đình học sinh tạo mọi điều kiện thuận lợi để học sinh có cơ hội tiếp cận với hội họa.
Các em cần nghiêm túc học tập và mạnh dạn bày tỏ mong muốn cũng như thể hiện đam mê.
Do yêu thích nghệ thuật, thích vẽ tranh và muốn nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật cho các em học sinh nên cô Huyền luôn cố gắng đưa ra nhiều phương pháp, cách làm sáng tạo, đổi mới trong bài giảng của mình để thu hút và khơi gợi niềm đam mê hội họa của các em.
Các tiết dạy của cô Huyền luôn có sự sáng tạo, không khí lớp học rất nhẹ nhàng, học sinh hứng thú học. Nhiều học sinh từ chưa hiểu, chưa biết và không thích môn Mỹ thuật dần đã trở nên say mê qua những tiết giảng, những bức họa mà cô Huyền giảng dạy.
Dạy học sinh bình thường để các em có thể đam mê môn Mỹ thuật đã khó nhưng phát hiện tài năng và khơi dậy niềm đam mê môn Mỹ thuật với học sinh khuyết tật còn khó hơn rất nhiều lần. Bằng tình thương yêu, cô Huyền đã làm được điều này.
Cô giáo Huyền dìu dắt các học trò đạt nhiều giải thưởng (Ảnh: NVCC)
Cô Huyền bộc bạch: “Cũng có thể là cái duyên của cuộc đời, tôi gặp học trò Mai Ngọc Tuyền, học sinh câm điếc học hòa nhập tại Trường Tiểu học Núi Đèo.
Tuyền là cô bé khuyết tật đầy nghị lực, thông minh và đáng yêu. Em không thể nghe thấy âm thanh nhộn nhịp của cuộc sống và cũng không diễn tả những cung bậc cảm xúc bằng lời nói, tất cả chỉ có thể biểu đạt qua đôi mắt và bàn tay. Tuyền vẽ rất đẹp, chăm chỉ và đầy đam mê nên em tiến bộ từng ngày”.
Cô Huyền đã giúp em thể hiện các cung bậc cảm xúc của em thông qua hình ảnh, đường nét và màu sắc. Những ngày đầu cô trò giao tiếp với nhau bằng ánh mắt, bằng cảm xúc trên gương mặt, bằng ngôn ngữ hình thể và bằng những hình vẽ mang tính tượng hình.
Sau đó được sự quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, cô Huyền được theo học lớp ngôn ngữ kí hiệu hỗ trợ trẻ khuyết tật của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, từ đó việc giao tiếp cô trò trở nên dễ dàng hơn.
Dưới sự kèm cặp hướng dẫn tận tình của cô Huyền, em Tuyền từ chỗ mặc cảm tự ti em trở nên yêu trường, yêu lớp và bước qua những tháng ngày còn rụt rè, nhút nhát.
Em đã đạt rất nhiều giải quốc gia trong đó có cuộc thi vẽ tranh về Bác Hồ với sự hướng dẫn, kèm cặp, dìu dắt của cô Huyền.
Không chỉ quan tâm tới học sinh khuyết tật, với những học sinh có hoàn cảnh éo le cô Huyền cũng dành nhiều thời gian chia sẻ và quan tâm hơn để bù đắp phần nào các thiệt thòi cho các trò.
Học sinh Trần Linh Chi (lớp 5A1) bố mẹ ly hôn, em sống cùng ông bà nội, bằng lòng yêu thương cô Huyền đã động viên bồi dưỡng em và em đã 3 lần đạt giải thi vẽ cấp quốc gia, nhiều lần đạt giải cấp thành phố.
Hơn 20 năm cần mẫn với đam mê và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, cô giáo Huyền luôn lấy sự tử tế, yêu thương làm lẽ sống như nhà văn Mark Twain nói: “Lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy”.
“Tôi tự hào với công việc đang làm và hạnh phúc, biết ơn cuộc sống này rất nhiều. Tôi tìm thấy nhiều niềm vui tinh thần từ chính công việc của mình.
Tôi hạnh phúc trong sự trưởng thành của học trò, tôi nghĩ tất cả những chân thành, yêu thương trách nhiệm sẽ được đền đáp thành quả tốt đẹp”, cô Huyền chia sẻ.
Giúp học trò nghèo viết tiếp ước mơ
Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Quỹ Tấm lòng Việt đã trao học bổng 25 triệu đồng cho em Nguyễn Duy Phong, một học sinh nghèo vẫn vươn lên học giỏi.
Bà Đặng Hoàng Anh- Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao học bổng cho em Nguyễn Duy Phong.
Ngày 29/9, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Quỹ tấm lòng Việt Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình trao quà và học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Trường THPT Lê Quý Đôn- Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Dự chương trình có bà Đặng Hoàng Anh- Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; bà Trần Thị Thu Hà- Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội; ông Lê Hồng Vũ- Phó trưởng phòng giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội; thầy Lê Đức Đại- Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - Đống Đa; đại diện Quỹ tấm lòng Việt, đại diện nhà tài trợ- Công ty Long Hải cùng hơn 1100 học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn - Đống Đa.
Chương trình nằm trong dự án "Viết tiếp ước mơ" năm 2022, dự án hợp tác giữa Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Quỹ Tấm lòng Việt Đài Truyền hình Việt Nam, trao học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó. Dự án sẽ trao học bổng cho 1 học sinh có hoàn cảnh khó khăn và học giỏi trong thời gian học THPT, đồng thời tặng quà cho toàn bộ học sinh nhà trường.
Lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội cùng Quỹ Tấm lòng Việt trao quà cho các em học sinh.
Tại chương trình, thầy Lê Đức Đại - Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn Đống Đa chia sẻ: Trường THPT Lê Quý Đôn, một trường nằm ngay trung tâm thành phố Hà Nội nhưng vẫn còn nhiều học sinh hoàn cảnh hết sức khó khăn. Tuy vậy, các em luôn cố gắng, nỗ lực vươn lên để đạt được những thành tích đáng trân trọng.
Trong số này, có em Nguyễn Duy Phong - học sinh lớp 11A3. Hoàn cảnh gia đình Phong rất khó khăn, bố bị tai biến, mất khả năng lao động, mẹ không có công việc ổn định, thu nhập eo hẹp, gia đình hiện phải ở nhà thuê rất chật chội.
Vượt qua những khó khăn trong cuộc sống gia đình, Phong luôn nỗ lực trong học tập, là học sinh ngoan, là cán bộ lớp gương mẫu, nhiệt tình trong các hoạt động của lớp. Năm học 2021-2022, Nguyễn Duy Phong - học sinh lớp 11A3 đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện và tham dự cuộc thi chọn đội tuyển Olympic Hóa học cấp trường.
Hôm nay, Trường THPT Lê Quý Đôn Đống Đa được đón nhận hành trình mang yêu thương và món quà ý nghĩa trong chương trình "Viết tiếp ước mơ", trao quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Quỹ Tấm lòng Việt Đài truyền hình Việt Nam hợp tác cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam, cùng sự đồng hành của Công ty Long Hải. Thầy trò đều cảm động trước sự quan tâm của chương trình.
Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Đặng Hoàng Anh đến thăm gia đình em Nguyễn Duy Phong.
Chia sẻ tại buổi lễ, bà Đặng Hoàng Anh- Phó chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Thời gian qua, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã thực hiện chức năng chăm lo cho cán bộ nhà giáo, người lao động và các em học sinh, sinh viên trong ngành giáo dục, để cùng tiếp sức và thắp sáng ước mơ cho các em. Một trong những hành trình đó là dự án "Viết tiếp ước mơ" trong khuôn khổ hợp tác với Quỹ Tấm lòng Việt của Đài Truyền hình Việt Nam.
Năm 2022, dự án "Viết tiếp ước mơ" sẽ thực hiện chương trình trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và học giỏi trong cả nước. Mỗi tháng các em sẽ được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng tiền sinh hoạt phí và mua các đồ dùng học tập đến khi các em đủ 18 tuổi.
Hôm nay, tiếp tục thực hiện hành trình, dự án "Viết tiếp ước mơ" trao học bổng cho em Nguyễn Duy Phong - một học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường THPT Lê Quý Đôn- Đống Đa. Mong em Phong sẽ sử dụng đúng mục đích, ý nghĩa của học bổng, góp phần trang trải cuộc sống, mua đồ dùng học tập phục vụ cho học tập, và sớm vượt qua khó khăn, viết tiếp ước mơ của mình.
Tại chương trình, Quỹ Tấm lòng Việt, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cùng các nhà tài trợ đã trao suất học bổng trị giá 25 triệu đồng để hỗ trợ em Nguyễn Duy Phong trong quá trình học tập; đồng thời cũng trao quà cho toàn bộ học sinh của Trường THPT Lê Quý Đôn- Đống Đa.
Cũng trong ngày 29/9, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Đặng Hoàng Anh đã đến thăm gia đình em Nguyễn Duy Phong, động viên em vượt qua khó khăn để vươn lên trong học tập và trong cuộc sống.
Khắc phục khó khăn về thiếu giáo viên Tin học, Tiếng Anh Năm học 2022-2023, Tiếng Anh và Tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc, áp dụng từ lớp 3. Tuy nhiên, hiện các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang thiếu giáo viên ở hai bộ môn này. Điều này gây nhiều khó khăn trong việc tổ chức dạy và học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018....