Cô hiệu trưởng đưa môn Nấu ăn, Yoga vào chương trình học
Hai năm nay, học sinh lớp 12, Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM học môn Nấu ăn và Yoga trong thời khóa biểu chính khóa. Đây là quyết định táo bạo của cô hiệu trưởng Vũ Thị Ngọc Dung.
Thời khóa biểu… lạ
Học sinh khối 12, Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM đã quen với hai môn học lạ vốn không có trong chương trình chính khóa: môn Nấu ăn và môn Yoga. Thế nhưng đây là môn học trong thời khóa biểu chính thức của trường.
Học sinh lớp 12, Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM học môn Nấu ăn.
Trong học kỳ 1, các em học 2 tiết/tuần môn nấu ăn. Sang học kỳ 2, tùy lựa chọn của học sinh, các em có thể nấu ăn hoặc yoga, hoặc học cả hai nếu yêu thích.
Đó là ý tưởng và “nghĩ là làm” cô hiệu trưởng Vũ Thị Ngọc Dung. Cô kể, nhiều lần vô tình tiếp xúc với con cháu, với học trò cô không khỏi bất ngỡ lẫn lo lắng khi nhiều em không hề biết chút gì về việc nấu ăn, bếp núc từ những thứ cơ bản nhất như luộc trứng, rửa bát, cắm cơm.
Đi ngoại khóa, có em đứng rửa một cái bát cả chục phút đồng hồ, em nói Con không biết như thế nào là xong, là sạch.
Cô Dung lo lắng học trò không biết chăm sóc bản thân, thờ ơ với đời sống diễn ra ngay bên cạnh mình thì có học giỏi, có thành tích mấy đi nữa cũng không thể hạnh phúc.
Cô hiệu trưởng quyết định đưa môn Nấu ăn vào thời khóa biểu chính thức. Và học sinh rất hào hứng và đến nay, đây trở thành môn học học sinh hứng thú và chờ đợi nhất. Các em biết nâng niu những điều trong cuộc sống của mình hơn, biết nấu ăn và đặc biệt giúp các em giảm stress, căng thẳng rất nhiều.
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân trong tiết học Yoga – môn học trong thời khóa biểu chính thức.
Sau khi đưa Nấu ăn vào thời khóa biểu, học kỳ 2 năm học 2018 – 2019, cô Dung làm nhiều người… hoảng khi tiến thêm một bước, đưa Yoga vào cho học sinh lớp 12, tuần 2 tiết. Trường kết nối với Trung tâm Thể dục Thể thao quận 1 để mời huấn luyện viên đến giảng dạy, hướng dẫn học sinh.
Hầu hết mọi người nghĩ, lớp 12 chỉ còn thời gian để học thì ngược lại, cô Dung quan điểm, chính vì áp lực này nên các em càng cần được giải tỏa sự căng thẳng với nhiều hoạt động.
Các em chỉ có thể học một cách vui vẻ, nỗ lực từ bên trong chính mình chứ không phải bằng áp lực, gò ép. Với cách thức này, nhiều năm qua, Trường THPT Bùi Thị Xuân vẫn nằm trong top những trường có tỷ lệ đỗ ĐH cao của cả nước.
Không lo điểm số, thương học sinh “bị úm”
Không phải điểm số, không phải đầu vào trường mình như thế nào, bao nhiêu học sinh đạt học sinh giỏi, đỗ trường nọ trường kia… Điều cô Vũ Thị Ngọc Dung quan tâm trong giáo dục là sự trưởng thành, niềm tin vào bản thân, vào cuộc đời của các em.
Cô Vũ Thị Ngọc Dung – Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM là một trong những hiệu trưởng tại TPHCM nhận giải thưởng Võ Trường Toản 2019.
Cô Dung nhìn rõ, có lỗ hổng rất lớn trong sự phát triển của học trò ngày nay. Các em hoang mang, khủng hoảng, chới với giữa các giá trị sống bị đảo lộn. Bố mẹ gây áp lực một cách khủng khiếp, luôn đòi hỏi con phải thế này, thế kia.
Cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng lên con nhưng nghịch lý ở chỗ là cha mẹ lại “úm” hoàn toàn mọi việc. Nhiều em ngủ dậy không biết xếp chăn, xếp gối, không biết chăm sóc bản thân trong những việc cơ bản nhất… nhưng lại gánh trên vai rất nhiều mong muốn, dự định, khát vọng của gia đình.
Cô lại đưa chương trình học kỳ quân đội vào, do điều kiện nên chỉ thực hiện được với nam sinh. Tham gia khóa học, các em có những ngày đi trải nghiệm, học sống tự lập.
Đó nỗ lực trong khả năng của nhà trường, còn việc dạy con trẻ, cô hiểu phải là một hành trình dài hơi và quan trọng nhất là yếu tố gia đình. Mà việc “kéo” bố mẹ vào cùng giáo dục là việc không hề dễ dàng.
Không phạt học trò
Quan điểm giáo dục của cô Dung là không phạt học trò. Với cô, nội quy, quy định đặt ra là để mọi người thực hiện và để giám sát. Và quá trình này cần có sự theo sát, phát hiện, chỉ dẫn, hỗ trợ và cả khắc phục.
Lứa tuổi học trò nhiều thay đổi về tâm sinh lý, các em luôn cần cơ hội sửa sai để trưởng thành. Chưa kể, nhiều hoàn cảnh, đi sâu tìm hiểu, thấy các em rất đáng thương, rất cần được sự hỗ trợ. Nếu thầy cô, nhà trường cứ máy móc xử phạt, vô tình có thể đẩy các em xa hơn.
Cô hiệu trưởng với quan điểm giáo dục không phạt học trò
Gần chục năm nay, tại trường THPT Bùi Thị Xuân chưa một có trường hợp học sinh nào phải ra hội đồng kỷ luật.
Mong muốn lớn của cô Dung là giảm áp lực chương trình, giảm áp lực thi cử… Cô hiệu trưởng nói về khát vọng của mình: “Khi đó, tôi sẽ thỏa sức vùng vẫy, đưa nhiều thứ vào thời khóa biểu hơn nữa”.
Hoài Nam
Theo dantri
Phần 2: Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2019: Những anh hùng thầm lặng
Qua 22 năm tổ chức giải thưởng Võ Trường Toản, mới chỉ có 676 nhà giáo trong tổng số hơn 70 ngàn thầy cô giáo toàn thành phố được tôn vinh. Đây là con số rất khiêm tốn, chiếm một tỉ lệ nhỏ so với rất nhiều thầy cô giáo xứng đáng.
Ảnh minh họa
Lễ trao Giải thưởng Võ Trường Toản hàng năm thật sự trở thành ngày hội lớn của ngành giáo dục - đào tạo thành phố; và cũng là dịp để những người làm báo Sài Gòn Giải Phóng bắc cầu nối tri ân của bạn đọc, xã hội đến "Những anh hùng thầm lặng"!
KIỀU PHAN - QUANG KHOA - THU HƯƠNG
Theo SGGP
Ba kỹ năng cần học trước khi vào đại học GS Margaret Dwyer, trường Kỹ thuật Milwaukee (bang Wisconsin, Mỹ) nhận thấy hầu hết sinh viên thiếu ba kỹ năng cần thiết trong học tập và công việc. Tôi nhận thấy trong những năm trung học của con, hầu hết phụ huynh tập trung vào kết quả học tập, hoạt động ngoại khóa, những điều giúp học sinh có hồ sơ đẹp để...