Có hay không bộ SGK tiếng Anh của Bộ GD&ĐT?
Bộ GD&ĐT thông báo có 6 cuốn SGK tiếng Anh đã qua 2 vòng thẩm định nhưng Bộ chưa công bố đạt. Trong số SGK tiếng Anh này có hay không sách của Đề án ngoại ngữ quốc gia biên soạn (dùng ngân sách)? Và nếu là sách của Đề án thì tại sao Bộ GD&ĐT lại khẳng định xã hội hóa SGK?
Đề án ngoại ngữ khẳng định chỉ biên soạn SGK từ lớp 3 đến lớp 12 ảnh: Nghiêm Huê
Tại hội thảo về SGK lớp 1 mới do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, ông Hoàng Văn Vân, chủ biên của một bộ SGK tiếng Anh cho biết: Trong các cuốn sách mới thì tiếng Anh là môn duy nhất có 1 bộ SGK của Bộ GD&ĐT vì Bộ giao cho Đề án Ngoại ngữ quốc gia, NXB Giáo dục Việt Nam và đội ngũ tác giả 3 cấp học phổ thông thiết kế và biên soạn dưới sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT thông qua các vụ chức năng.
Ông Vân cho rằng vì là SGK làm theo đề án của Chính phủ nên phải trải qua nhiều cuộc “phẫu thuật”. Trước khi gửi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, SGK tiếng Anh tiểu học đã qua ít nhất 2 lần “phẫu thuật” bởi hội đồng thẩm định do Bộ trưởng GD&ĐT thành lập, nhận được rất nhiều ý kiến góp ý và tiến hành dạy thí điểm. Ông Vân khẳng định, bộ sách mà ông làm chủ biên là SGK duy nhất của Bộ GD&ĐT.
ề án chỉ biên soạn SGK từ lớp 3 đến lớp 12
Khẳng định này của ông Vân hoàn toàn có cơ sở, trước hết ở việc sử dụng kinh phí để biên soạn bộ SGK tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 12 theo chương trình ngoại ngữ 10 năm. Thông tư hướng dẫn, quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 – 2025, do Bộ Tài chính ban hành ngày 23/5/2018 cho thấy toàn bộ kinh phí chi xây dựng chương trình, SGK, sách bài tập, sách giáo viên, tài liệu, học liệu, tài liệu hướng dẫn dạy và học ngoại ngữ đều là ngân sách nhà nước chi trả với hướng dẫn chi tiết. Ngoài ra, ngân sách nhà nước cũng chi cho việc tổ chức thẩm định, in ấn toàn bộ SGK và các tài liệu kể trên; thù lao cho giáo viên dạy thí điểm, dạy thực nghiệm tiếng Anh và các ngoại ngữ khác…
Tuy nhiên lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định không biên soạn hay chủ trì bất cứ bộ/cuốn SGK nào mà thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 88 của Quốc hội về xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong việc biên soạn SGK nên toàn bộ kinh phí xuất bản SGK mới sẽ hoàn toàn không dùng ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, với những SGK tiếng Anh được biên soạn, thẩm định, thí điểm, tập huấn hoàn toàn bằng tiền của ngân sách nhà nước thông qua Đề án Ngoại ngữ quốc gia trong hệ thống giáo dục quốc dân như kể trên nên hiểu như thế nào?
Video đang HOT
Ngày 16/12, trao đổi với PV Tiền Phong, một đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết thực hiện theo quy định, Đề án đã tổ chức biên soạn một bộ SGK tiếng Anh để thí điểm. Bộ SGK này được biên soạn từ lớp 3 đến lớp 12.
Chương trình thí điểm đã kết thúc vào năm 2016 và đang được triển khai mở rộng tùy điều kiện từng địa phương. Chương trình và sách tiếng Anh này được biên soạn tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Lúc đầu, để thực hiện theo yêu cầu của Quốc hội là Bộ GD&ĐT biên soạn 1 bộ SGK gồm tất cả các môn học, Đề án ngoại ngữ quốc gia cũng dự định biên soạn SGK tiếng Anh lớp 1, lớp 2. Đề án đã làm việc với các chuyên gia về vấn đề này. Tuy nhiên, sau đó, kế hoạch biên soạn 1 bộ SGK của Bộ GD&ĐT không thực hiện được nên Đề án cũng không biên soạn SGK tiếng Anh lớp 1, lớp 2.
Trao đổi thêm vấn đề này, ông Vũ Bá Khánh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Giáo dục Hà Nội, công ty con của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết: Bộ giao cho Đề án và NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn một bộ SGK tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 12.
Đề án chi tiền trong giai đoạn thí điểm và thẩm định. Sau khi thí điểm một năm thì nhân rộng. Kết thúc một năm thí điểm, NXB Giáo dục Việt Nam tự bỏ kinh phí để in phục vụ mục đích kinh doanh giống như tất cả các SGK môn học khác hiện hành. Còn sách tiếng Anh lớp 1 chương trình mới của NXB Giáo dục Việt Nam vừa được thẩm định không liên quan đến đề án. Khi nào triển khai đến lớp 3 thì lúc đó NXB sẽ xem chỉ đạo của Bộ GD&ĐT thế nào.
“Với bộ SGK tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 12 mà Đề án đã biên soạn và đưa vào giảng dạy, dự kiến triển khai đại trà từ năm 2021, 2022. Khi đó, nếu có đơn vị nào (NXB) trả kinh phí (dự kiến bằng hình thức đấu thầu) mà Bộ đã bỏ ra biên soạn bộ SGK này thì Bộ sẽ bàn giao, còn không, đây là bộ SGK của Bộ và dự kiến sẽ được đưa lên mạng cho người học dùng miễn phí”. Đại diện Bộ GD&ĐT cho hay.
Theo Tiền phong
Bộ GD&ĐT chậm công bố sách giáo khoa tiếng Anh: Do vướng thủ tục pháp lý?
"Sau 20/12, sẽ hoàn tất công tác thủ tục, giấy tờ, hồ sơ liên quan của nhóm tác giả người nước ngoài, sau đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ chính thức công bố sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh", đây là khẳng định của lãnh đạo Bộ GD&ĐT sáng 9/12 khi trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị.
"Cẩn trọng trong chọn sách tiếng Anh là cần thiết"
Những ngày qua, dư luận dấy lên làn sóng thắc mắc, thậm chí có phần lo ngại khi Bộ GD&ĐT công bố 32 cuốn SGK cho 8 môn học và hoạt động trải nghiệm nhưng vắng bóng SGK môn tiếng Anh. Nhiều người đặt nghi vấn, việc SGK tiếng Anh bị "ách" là do thiếu chủ biên người Việt Nam.
Bằng chứng cho thấy, dù cả 6/6 bản thảo môn tiếng Anh được hội đồng thẩm định thông qua đánh giá "Đạt" nhưng trong đợt công bố danh mục bản thảo hồi cuối tháng 11, cả 6 bản thảo đều "vắng mặt". Theo chia sẻ của một số nguồn tin, phần lớn bản thảo này đều do người nước ngoài biên soạn, do đó cần bổ sung chủ biên là người Việt Nam.
Học sinh tại TP Hồ Chí Minh học tập với sách giáo khoa tiếng Anh "Family and Friends".
Luận bàn về câu chuyện này, ông Nguyễn Quốc Hùng - nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội cho rằng, việc Bộ GD&ĐT cẩn trọng trong xét duyệt SGK môn tiếng Anh là cần thiết, đặc biệt có yếu tố nước ngoài. "Sẽ là rất tốt nếu biết kết hợp các kiến thức tiên tiến của thế giới vào Việt Nam.
Khi đó, chúng ta sẽ được học hỏi sự tiến bộ, văn minh từ các quốc gia. Tuy vậy, chúng ta phải trả lời được câu hỏi, việc áp dụng như thế đã hợp lý hay chưa? Các kiến thức hay phương pháp truyền đạt, giảng dạy đã phù hợp với mặt bằng chung của Việt Nam hay chưa?" - ông Hùng phân tích.
Ngoài ra, theo nhận định của nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, việc thận trọng lựa chọn SGK môn tiếng Anh là cần thiết khi có sự khác nhau giữa các nền văn hoá, thậm chí là phong tục, tập quán hay thể chế.
"Chẳng hạn, chỉ một tấm hình minh họa trong sách thôi, ở nước bạn coi đó là một tấm hình hết sức bình thường. Nhưng, nếu quy chiếu ở Việt Nam, nó có thể là một tấm hình nhạy cảm, thậm chí là các yếu tố chính trị. Do đó, tôi ủng hộ phương án cân nhắc kỹ lưỡng từ phía cơ quan có thẩm quyền trước khi công bố rộng rãi".
Chốt công bố trong tháng 12
Sáng 9/12, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT khẳng định, sẽ công bố SGK tiếng Anh trong tháng 12 này. Ông Tài cung cấp thêm, thực chất, việc công bố chậm từ phía Bộ GD&ĐT ở môn tiếng Anh chỉ vướng chút về thủ tục.
Cụ thể, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã làm việc với các tác giả (người nước ngoài) môn tiếng Anh và đi đến thống nhất, sau ngày 20/12, các tác giả sẽ phải hoàn thiện toàn bộ phần thủ tục pháp lý liên quan như các giấy tờ lý lịch tư pháp, giấy tờ chứng minh quyền nhân thân, quyền sở hữu của các tác giả với nhà xuất bản... "Sau khi hoàn thiện xong hồ sơ từ nhóm tác giả này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ chính thức công bố SGK môn tiếng Anh" - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học khẳng định.
Liên quan đến nội dung "yếu tố nước ngoài" trong lựa chọn SGK môn tiếng Anh cũng như có được đảm nhiệm vị trí chủ biên hay không, trong phần trả lời báo chí, ông Thái Văn Tài cho rằng, các bản thảo SGK tiếng Anh chỉ tham vấn các chuyên gia nước ngoài, còn chủ biên, tác giả phải là người Việt Nam. Đây là nội dung còn gây tranh cãi, được quy định trong Thông tư 33/2017 của Bộ GD&ĐT khi ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định SGK.
Cụ thể, tại Điều 11 của Thông tư này quy định "Tiêu chuẩn cá nhân biên soạn SGK", trong đó nêu rõ: Người biên soạn SGK phải có trình độ được đào tạo từ đại học trở lên, am hiểu về khoa học, giáo dục, có chuyên môn phù hợp với SGK được biên soạn; có đầy đủ quyền công dân, phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt".
Bàn riêng về tiêu chí "có đầy đủ quyền công dân" mới được biên soạn SGK, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi về "đầy đủ quyền công dân" sẽ áp dụng như nào, được hiểu như nào trong tình huống các tác giả là người nước ngoài đối với Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, song chưa có câu trả lời đầy đủ.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về sự "thong thả" công bố SGK tiếng Anh, bà Phạm Thị Hồng Nhung - Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn tiếng Anh tiểu học (lớp 1) cho hay, Hội đồng thẩm định chỉ chịu trách nhiệm về chuyên môn SGK do đơn vị có thẩm quyền từ Bộ GD&ĐT chuyển đến. Những vấn đề khác, trong đó có thắc mắc việc chậm công bố không thuộc thẩm quyền của Hội đồng thẩm định.
"Việc công bố SGK hay các tài liệu liên quan đến công tác giảng dạy cần làm đồng bộ, đồng loạt, đầy đủ, giúp học sinh, nhà trường, giáo viên kịp thời nắm bắt, chuẩn bị. Việc chậm công bố sách cũng đồng nghĩa hàng loạt khâu liên quan bị chậm theo như việc in ấn, phát hành hay tập huấn, làm quen và trải nghiệm giáo dục đối với các giáo trình, SGK mới. Chúng ta không làm bài bản, khoa học, chỉn chu thì người thiệt thòi nhất vẫn là học sinh." - Ông Nguyễn Phương Sửu - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phương pháp và đánh giá chất lượng (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội)
Theo daidoanket
Sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1: Vẫn còn nhiều băn khoăn Theo tìm hiểu của phóng viên báo Đại Đoàn Kết, một số sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được Hội đồng Thẩm định quốc gia Việt Nam phê duyệt đã được giảng dạy rộng rãi ở Việt Nam từ nhiều năm nay. Sự phù hợp với yêu cầu của Chương trình mới...