Có hẳn nghề làm giàu từ viết tin giả
Tin tức giả, tin “chế” ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Mỹ cũng như tác động lớn đến đời sống của người dùng Internet là một nghề hẳn hoi. Và kiếm bộn tiền!
Một nhà báo bình thường viết tin tức trung thực kiếm được khoảng 46.560 USD/năm, trong khi đó, những người chuyên viết tin giả cho Facebook kiếm được 120.000 USD/năm – Ảnh: Bgr
Theo trang Marketwatch, nếu theo các phân tích của mạng cộng đồng Buzzfeed, những câu chuyện tin tức giả mạo liên quan tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua gây được ưa thích hơn hẳn so với những tin tức thật.
Động cơ phía sau chuyện này không chỉ vì chính trị. Theo Marketwatch dẫn lời một người chuyên viết tin giả, các câu chuyện không có thật đó mang lại thu nhập rất “khủng” cho những người “sáng tác” ra chúng.
“Bạn sẽ không thể biết được tôi kiếm được bao nhiêu tiền từ đó đâu. Ngay lúc này đây tôi đang kiếm được mỗi tháng 10.000 USD từ AdSense”, Paul Horner, người chuyên sống bằng nghề viết tin đồn, tin “chế” đã nói như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Washington Post.
Những người ủng hộ ông Trump đã không hề kiểm chứng lại bất cứ điều gì. Họ sẽ đưa (chia sẻ) lên mạng mọi thứ, tin vào mọi thứ.
Paul Horner.
Google Adsense là một dịch vụ quảng cáo kỹ thuật số rất phổ biến của Google cho các website tham gia mạng lưới hiển thị quảng cáo. Theo chính sách của Google Adsense, các đơn vị truyền thông báo chí có hiển thị các nội dung quảng cáo của dịch vụ Google AdSense trên trang web của họ sẽ nhận được 68% thu nhập từ quảng cáo.
Video đang HOT
Để so sánh, một tài khoản Twitter là Mike Baker cho biết, một nhà báo bình thường viết tin tức trung thực kiếm được khoảng 46.560 USD/năm, trong khi đó, những người chuyên viết tin giả cho Facebook kiếm được 120.000 USD/năm.
Horner là tác giả một loạt các loại tin đồn khác nhau, trong đó có câu chuyện giả mạo gây bão mạng về vụ kiện giữa trang web đánh giá trực tuyến Yelp và chương trình truyền hình “South Park”. Trên tài khoản Twitter, trang Yelp khẳng định thông tin này là giả mạo.
Horner cũng là người đã viết bản tin về việc những người Amish (nhóm các tín hữu Kitô giáo duy truyền thống, có liên hệ gần gũi nhưng khác biệt với các giáo hội Mennonite, mà cả hai nhóm đều chia sẻ chung nguồn gốc Anabaptist từ Thụy Sĩ) cam kết bỏ phiếu cho ông Trump.
Thông tin này đã được chính con trai ông Trump là Eric và người quản lý chiến dịch tranh cử khi đó là Corey Lewandowski đưa lại trên tài khoản Twitter của họ, mặc dù sau đó cả hai đều đã xóa đi.
Horner đã xác nhận với trang BuzzFeed câu chuyện về những cử tri người Amish đó cũng là giả. Người này nói: “Các trang của tôi luôn được những người ủng hộ ông Trump lựa chọn. Tôi nghĩ ông Trump vào được Nhà Trắng là nhờ tôi. Những người ủng hộ ông ấy đã không hề kiểm chứng lại bất cứ điều gì. Họ sẽ đưa lên mọi thứ, tin vào mọi thứ. Chiến dịch tranh cử của ông ấy đã đưa lại câu chuyện của tôi về một người biểu tình được trả thù lao 3.500 USD. Tôi đã bịa ra chuyện đó. Tôi tung một quảng cáo giả mạo lên trang Craiglist”.
Cả Facebook và Google đầu tuần này đều nói sẽ trừng phạt những trang web tin tức giả mạo bằng cách cắt bỏ nguồn thu từ quảng cáo của họ. Facebook cũng nói sẽ cấm những trang chịu trách nhiệm trong việc phát tán tin giả không được sử dụng mạng lưới quảng cáo của họ để thu về lợi nhuận.
Tuy nhiên, Horner cho biết anh ta không hề lo ngại về những chính sách đó vì sở hữu nhiều tên khác nhau và các trang web khác nhau. Do đó nếu bị chặn ở trang này, anh ta sẽ sử dụng các trang khác vì ngay lúc này anh ta đang sở hữu tới 10 trang tin tức.
(Theo Tuổi Trẻ)
Bộ Nông nghiệp đầu tiên báo cáo Thủ tướng về chất lượng nước mắm
Ngày 31/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ thông tin về chất lượng nước mắm.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 8568/VPCP-TTĐT ngày 10/10/2016 về việc kiểm tra, làm rõ nội dung báo phản ánh về "Nước hóa chất = nước mắm công nghiệp" và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 9030/VPCP-KGVX ngày 22/10/2016 giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn "chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế để có ngay thông tin chính thức tới người dân về loại và hàm lượng Arsen an toàn trong sản phẩm nước mắm cũng như các thông tin cần thiết khác liên quan, tránh gây hoang mang dư luận".
Theo đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Tổ công tác liên ngành, bao gồm đại diện của Bộ Y tế, Bộ Công Thương để rà soát, bổ sung một số thông tin có liên quan về chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nước mắm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản Báo cáo Thủ tướng Chính phủ và khẳng định kết quả kiểm tra nước mắm của đoàn kiểm tra liên ngành cho kết quả 100% các mẫu đều an toàn - ảnh nguồn Vietnamnet
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, Arsen có thể tồn tại dưới dạng vô cơ và hữu cơ; arsen hữu cơ là kết quả của quá trình trao đổi chất tự nhiên, do đó có trong thực phẩm (bao gồm cả cá). Vì vậy, sản phẩm nước mắm được lên men từ cá có tồn tại arsen hữu cơ.
Arsen hữu cơ không gây độc cho người, vì vậy không cần đánh giá mức độ nguy hại và không quy định giới hạn tối đa trong thực phẩm (đặc biệt là sản phẩm nước mắm với mức tiêu thụ hàng ngày rất thấp).
Trong khi đó, arsen vô cơ (còn gọi là thạch tín) gây độc cho con người, do vậy, có quy định giới hạn tối đa (hàm lượng an toàn) trong thực phẩm.
Như vậy, theo công bố ngày 22/10 của Bộ Y tế, 247/247 mẫu nước mắm của 210 nhãn hiệu sản phẩm nước mắm khác nhau của 82 cơ sở sản xuất (lấy ngẫu nhiên trên thị trường và một số siêu thị) được kiểm nghiệm không phát hiện asen vô cơ. Điều này cũng có nghĩa 100% mẫu nước mắm an toàn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thông tin: hiện nay, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm do Bộ Y tế ban hành, hàm lượng Arsen vô cơ tối đa trong nước chấm (bao gồm cả nước mắm) được quy định là 1 mg/kg.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng dẫn kết quả khảo sát trên tạp chí Food Chemistry (tháng 2/2008) về hàm lượng Arsen có trong nước mắm sản xuất ở Việt Nam và Thái Lan xuất sang Áo cho thấy tổng asen chỉ từ 0,69-2,75 mg/l, trong đó, chủ yếu là arsenobetaine, một dạng asen hữu cơ không độc hại, không phát hiện Arsen vô cơ.
Về quy định về phụ gia trong sản xuất nước mắm, tiêu chuẩn quốc tế về nước mắm do Việt Nam và Thái Lan đồng đề xuất Uỷ ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX) ban hành quy định 17 phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất nước mắm thuộc 6 nhóm.
Bộ Y tế cũng ban hành thông tư quy định 400 phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm, trong đó quy định 17 phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất nước mắm.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, trong sản xuất nước mắm có thể sử dụng một hoặc một số phụ gia nằm trong danh sách 17 phụ gia quy định. Bên cạnh đó, theo kết luận này, việc sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất nước mắm là được phép nếu phụ gia đó nằm trong danh mục cho phép, đảm bảo độ tinh khiết, đúng đối tượng sử dụng và không vượt ngưỡng theo quy định.
Về chất lượng nước mắm và việc ghi nhãn minh bạch, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết nước mắm là sản phẩm truyền thống, lâu đời của Việt Nam. Phương pháp sản xuất truyền thống là quá trình lên men tự nhiên hỗn hợp bao gồm cá và muối. Nước mắm có thể được làm từ nhiều loại cá như cá cơm, cá nục, cá trích, cá thu...Tuy nhiên, thực tế hiện nay, sản phẩm nước mắm đã trở nên đa dạng hơn.
"Ngoài sản phẩm được sản xuất bằng phương pháp truyền thống nêu trên còn có các sản phẩm được tạo thành thông qua việc pha chế nước mắm được sản xuất bằng phương pháp truyền thống này với việc bổ sung thêm các chất tạo màu, chất tạo ngọt, chất điều vị, chất bảo quản", Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, kết quả thanh, kiểm tra cho thấy hiện nay, một số cơ sở sản xuất chỉ thể hiện thông tin về hàm lượng đạm tổng trên nhãn, không công bố hàm lượng đạm axit amin hay đạm amoniac hoặc công bố không trung thực hàm lượng đạm trên nhãn.
Nhiều cơ sở sản xuất nước mắm sử dụng phụ gia thì việc thể hiện các thông tin về các loại phụ gia đã được sử dụng trong quá trình sản xuất nước mắm cũng chưa minh bạch như: thể hiện không đầy đủcác loại phụ gia sử dụng; chỉ thể hiện mã số ký hiệu phụ gia; thể hiện các nội dung trên nhãn không đúng kích cỡ, vị trí theo quy định nên rất khó nhận biết.
Để đảm bảo minh bạch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức rà soát Tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm (TCVN 5107:2003) để làm rõ hơn khái niệm nước mắm truyền thống; quy định cụ thể hơn về phân loại, ghi nhãn và các nội dung khác để đảm bảo phù hợp, hài hòa với Tiêu chuẩn quốc tế CODEX STAN 302-2011 "Standardforfish sauce"", Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ.
(Theo Giáo Dục)
Nước mắm an toàn, xử lý trách nhiệm của Vinastas thế nào? Qua kiểm nghiệm cho thấy, không phát hiện Asen vô cơ (thạch tín) và cũng không thấy nước mắm bị nhiễm các kim loại nặng khác như chì, cadimi, thủy ngân. Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu nước mắm lấy trên thị trường cho đánh giá 67% số mẫu nhiễm...