Cô giáo xuất hiện trong “bức ảnh đẹp nhất mùa khai giảng 2019″: Lần đầu thấy trường đã bật khóc
Giới trẻ thường nói, họ dành cả thanh xuân để yêu một người, để đi du lịch, còn cô giáo 9X xứ Quảng tên Thu lại dành trọn thanh xuân ở nơi khá đặc biệt.
Những tiếng đọc “ê, a” của học sinh vùng cao đã níu chân cô giáo trẻ
Hình ảnh 2 cô giáo trẻ mặc áo dài nắm tay học trò tung tăng trên ngọn đồi cỏ mây trong buổi sáng khai giảng năm học 2019-2020 tạo nên “cơn sốt” trên mạng xã hội.
Thời điểm đó, bức ảnh và câu chuyện xúc động phía sau về cô giáo ở điểm trường Tắk Pổ vỏn vẹn 34 học trò của mình đã làm lay động bao nhiêu trái tim trên khắp mọi miền đất nước.
Tắk Pổ là một trong nhiều điểm trường của trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Điểm trường ở độ cao hơn 2000m so với mực nước biển, quanh năm là mây mù. Tắk Pổ cách trung tâm huyện Nam Trà My khoảng 10km nhưng giao thông cực kỳ khó khăn, không có đường cho xe máy đi lên.
Các học sinh ở đây là con em của đồng bào Ca Dong, sống bên hông các khối núi Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Những hình ảnh trong buổi khai giảng đầu năm học 2019-2020 khiến nhiều người xúc động.
Là một trong 2 cô giáo trong câu chuyện trên, cô Trà Thị Thu (sinh năm 1994, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã có 5 năm gắn bó với lũ trẻ nghèo ở nhiều điểm trường khác nhau của xã Trà Tập. Năm nay là lần thứ 2 cô nhận nhiệm vụ dạy học tại Tắk Pổ.
Cô kể, mình không có ý định xin việc dưới xuôi ở gần nhà tại huyện Thăng Bình. Cô đã cầm bộ hồ sơ vượt hơn 120 km lên thẳng huyện miền núi Nam Trà My này.
Nhớ lại kỉ niệm vào nghề 5 năm trước, Thu bồi hồi: “ Điểm trường đầu tiên đón mình sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiểu học, Đại học Quảng Nam cũng là Tắk Pổ. Đó là những ngày đầu tháng 11, trời lạnh như cắt, mưa dầm dề triền miên ngày này qua ngày khác.
Video đang HOT
Sau khi cõng đồ vịn lưng thầy giáo phụ trách Tắk Pổ thì sau gần 3 tiếng đồng hồ cũng là sát trưa mình mới đến được điểm trường. Đúng là giữa tưởng tượng và đời thực khác nhau “một trời một vực”.
Trường lớp thì không có tôn, lợp lá tạm bợ, thưng bằng tre, nền đất và nơi đây không có điện. Khó khăn càng thêm khó khăn vì các em học sinh ở đây vốn tiếng Việt ít ỏi. Cô nói phần cô, học trò nói phần học trò”.
“Khi ấy mình cố gắng can đảm tự nhắc mình không được khóc, như lời đã hứa với chị gái… Nhưng rồi mình vẫn khóc thật”, Thu kể.
Và dù ở Tắk Pổ hay điểm trường ở những nóc khác ở Trà Tập mà Thu từng công tác thì quãng đường cuốc bộ của cô từ trung tâm xã vào các nóc đều không dưới 1 tiếng đồng hồ.
Năm đầu xa nhà lên Trà Tập, nhiều đêm cô ôm gối khóc. “Tối đến những giọt nước mắt đã rơi vì nỗi sợ, nỗi cô đơn, nỗi nhớ nhà khôn nguôi. Dạy học ở một nơi khó khăn ngoài sự tưởng tượng của bản thân, lúc ấy cứ tưởng rằng không thể vượt qua và đã có lần muốn bỏ việc dạy học mà bản thân đã yêu thích từ thở bé”, cô giáo trẻ nhớ lại.
Nhưng điều giữ chân và khơi dậy niềm đam mê dạy học của cô giáo mới vào nghề tuổi 21 khi ấy tại nơi đầy gian khó này chính là tiếng “ê a” đọc bài của những em nhỏ vùng cao rất ngoan hiền, hồn nhiên.
Thế rồi cả chuyện gia đình phản đối, bao nhiêu cái khó trước mặt cũng không khiến cô quay đầu.
Cô tâm sự về động lực lớn nhất giữ chân cô ở điểm trường nơi chơi vơi đỉnh núi này: “Thật ra ban đầu mình chỉ nghĩ đến việc được đi dạy, sau khi lên đó thì sự khó khăn, nghèo khổ của bà con, những thiếu thốn của các em nhỏ đã níu chân mình ở lại”.
“Em là đóa hoa tươi thắm trên cùng cao”
Thu kể năm thứ ba, thứ tư gắn bó với Trà Tập đó là năm học 2017 – 2018; 2018 – 2019 với thật nhiều kỉ niệm. Tại điểm trường thôn cô và đồng nghiệp dạy học, bản thân cô và một giáo viên mẫu giáo đã tạo mọi điều kiện để nuôi 10 em nhỏ từ 3 tuổi đến 7 tuổi ở cách xa trường đi bộ 2 giờ đồng hồ ở lại học cả tuần.
Thu nhớ lại: “ Hàng ngày, chăm sóc các em từng giấc ngủ đến việc học đôi khi mình cứ nghĩ bản thân là một người mẹ của các em dù chưa lập gia đình. Có những lúc vào ban đêm các em khóc vì nhớ ba mẹ, mình và đồng nghiệp phải ân cần, ôm ấp vào lòng để các em dễ ngủ.
Cứ nghĩ là không thể vượt qua, vì chăm 10 đứa trẻ cả một năm học, giống như những đứa em, đứa con thật sự rất khó đối với một giáo viên trẻ như chúng mình; nhưng rồi chúng mình đã làm tốt điều đó“.
Những năm tháng gắn bó với học sinh đã để lại cho cô giáo trẻ nhiều kỷ niệm.
Mới đây, dưới nhật ký 5 năm cô giáo Thu bước vào nghề và gắn bó với các điểm trường ở xã Trà Tập là rất nhiều bình luận ngưỡng mộ, đồng cảm và động viên của mọi người. Trong số đó, có một chia sẻ rằng: “Em là đóa hoa tươi thắm trên cùng cao”. Rất trân trọng cô giáo bởi “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”.
Đúng vậy, ở độ tuổi đẹp nhất của đời người, tuổi đôi mươi, cô gái 9x chọn cho mình điểm dừng chân cùng 5 năm gắn bó là nơi cái đói, cái nghèo, cái thiếu học còn quá ư dày đặc. Chúng dày đặc như chính đám mây mù ở đỉnh núi này vậy. Còn Thu xứng đáng là “đóa hoa tươi thắm” tô điểm giữa lưng chừng núi đồi.
Cuối dòng nhật ký, Thu viết: “Và chắc chắn mọi thứ không chỉ dừng lại tại 5 năm đó; sau một mốc thời gian cho bản thân, tôi cảm thấy vui, hạnh phúc trọn vẹn vì những gì tôi chọn và làm”.
Theo Trí Thức Trẻ
Ngộ nhận về điểm số và sự bừng tỉnh của cô giáo trẻ
"Đã là trường học hạnh phúc (THHP) thì cô trò phải gần gũi, mọi giao tiếp giữa GV và HS không có khoảng cách xa xôi. Càng gần gũi trong hoạt động dạy và học càng giúp GV và HS cảm thấy hạnh phúc", cô Phạm Thị Bích Ngọc (Khối trưởng khối 1, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) chia sẻ một góc nhìn về THHP.
Học sinh cởi mở khi được giáo viên gần gũi, yêu thương. Ảnh: An Nhiên
Điểm số không phải lúc nào cũng mang lại hạnh phúc
Lớp học 1A1 đầu giờ nhao nhao lên; góc này hai bé giằng sách của nhau, đằng kia một trẻ chạy sang dãy bàn bên cạnh trêu bạn... Cô Bích Ngọc bước vào lớp gây sự chú ý của bọn trẻ bằng mấy câu chào, rồi cô đứng về phía bảng, ở góc bảng vẽ sẵn một dãy các ký hiệu bằng phấn nhiều màu sắc.
Cô gọi bọn trẻ theo tổ, theo tên, rồi chỉ vào các ký hiệu để bọn trẻ biết rằng chúng phải trật tự hay cần phải ngoan hơn để bài học có thể bắt đầu. Lạ là chỉ nhìn vào các ký hiệu (đã được cô giáo cho làm quen từ đầu năm học) cả lớp im phăng phắc, cùng mở sách ra tìm bài học cô nhắc, gương mặt bọn trẻ vẫn vui vẻ, chứ không khó chịu khi phải làm theo yêu cầu của cô giáo.
Cô Bích Ngọc chia sẻ: "Dạy lớp 1 năm học nào tôi cũng xác định phải "làm lại từ đầu". Mỗi trẻ một cá tính, hàng ngày tôi phải đối mặt với 30 cá tính khác nhau. Dường như ngày nào tôi cũng bị xoay như chong chóng. Trẻ con lớp 1 quá bé bỏng, ngoài việc tập đọc, tập viết... trong giờ học các con thường hay thưa thốt, "kiện cáo" với cô giáo từ việc nhỏ nhất. Lúc thì: "Bạn này lấy bút của con"; khi lại: "Cô ơi con muốn đi vệ sinh"; "Cô ơi bạn đánh con"... Nói nhiều với bọn trẻ chưa chắc là giải pháp tốt nhất".
Thời gian đầu mới đứng lớp, cô giáo trẻ Bích Ngọc tâm sự: "Chỉ ngủ trọn vẹn được 2 đêm là thứ 7 và Chủ nhật. Còn những đêm khác tôi phải thức để soạn bài, rồi chấm bài cho HS và rất nhiều công việc không tên khác của GV chủ nhiệm. Mới chỉ một tháng nhận lớp mà trông tôi bơ phờ, mệt mỏi. Đã vậy, còn tác động từ phía cha mẹ HS. Phụ huynh dường như không có sự tin tưởng cô giáo trẻ. Họ ngầm nói với tôi: "Cô trẻ thế mà đã được đứng lớp à?"; "Cô có phải con cháu của hiệu trưởng không?"... Việc đó đã thành một áp lực vô hình".
Phải chinh phục được phụ huynh - suy nghĩ đó khiến cô Bích Ngọc đặt mục tiêu phải làm cho các HS trong lớp trở thành trò ngoan, trò giỏi, có kết quả cao trong học tập. Cô đã nghiêm khắc khi HS chưa làm được những điều cô mong muốn. Kết quả HS tiến bộ về điểm số theo từng tuần, từng tháng... "Lúc đó tôi nghĩ cách GD của mình là đúng đắn. Tôi không hề biết, có một cơn bão đang ở đằng sau điều tôi tưởng đã thành công đó.
Phụ huynh lớp tôi không hề hài lòng như tôi tưởng. Điểm 9, 10 con họ mang về nhà nhiều lên lại tỉ lệ thuận với sự căng thẳng"- cô Bích Ngọc nhớ lại - "Tôi quên mất một điều quan trọng: Trẻ con cần được vui khi đến trường. Phụ huynh âm thầm bức xúc. Cũng bắt đầu có những ý kiến lên tiếng. Đỉnh điểm nhất là khi cả nhà của một HS gồm cả ông bà, bố mẹ kéo đến thẳng phòng người lãnh đạo cao nhất của trường để bày tỏ sự bất bình, họ thực sự không mong muốn tôi làm việc với con cháu họ, với tất cả lớp theo cách như vậy".
Một chuỗi căng thẳng đã kết thúc bằng việc cô Bích Ngọc nhận được quyết định tạm dừng công tác chủ nhiệm lớp. "Tôi suy sụp, vô cùng hờn tủi khi phải dừng nhiệm vụ giữa chừng. Tôi vẫn không tìm được lý do tôi sai ở đâu. Tôi thấy mình rơi vào hố đen của sự thất bại. Tôi đã mất công việc, mất hy vọng và hơn hết là mất niềm tin vào chính mình", cô Bích Ngọc kể.
Cô Phạm Thị Bích Ngọc say sưa với học trò. Ảnh: An Nhiên
Hạnh phúc đến từ yêu thương, cảm thông...
"Nhưng chính cuộc nói chuyện của thầy Nguyễn Văn Hòa (Chủ tịch HĐQT trường) đã giúp tôi tỉnh ngộ. Thầy nói: "Đừng bận tâm người khác nghĩ về con ra sao, mà hãy dành thời gian để suy nghĩ những điều con đã làm và tại sao con làm sai". Câu nói ấy trước tiên giúp tôi bình tĩnh hơn trong việc chấp nhận có một quãng dừng, để rồi cũng từ quãng dừng đó tôi đã nhận ra và lại nhen nhóm lên hy vọng sẽ làm việc tốt hơn, bằng khả năng thật sự của bản thân".
Quãng thời gian phải tạm ngừng dạy học cũng cùng lúc cô Bích Ngọc mang bầu, sinh con. Sau đó cô được nhà trường cho quay trở lại với công việc với lời nhắn nhủ động viên "cố gắng" từ thầy Nguyễn Văn Hòa.
Sau 1 năm được phân công chủ nhiệm lớp 2, cô Bích Ngọc lại được tin tưởng giao dạy lớp 1. "Lại được gắn bó với các HS bé bỏng lớp đầu cấp. Lúc này, ngoài ở vị trí GV, tôi còn là người mẹ. Ở nhà tôi là mẹ của một cô con gái, còn khi lên lớp, tôi là mẹ của 30 con HS. Khi tận tay chăm sóc và dạy dỗ con mình đẻ ra, lớn lên từng ngày, tôi thấu hiểu hơn những lo lắng, sự vất vả và trăn trở của phụ huynh trong quá trình nuôi dạy con. Tôi cũng bừng tỉnh về phương pháp dạy dỗ bọn trẻ" - cô Bích Ngọc tâm sự.
Tự mình thay đổi, mỗi ngày tới lớp cô Bích Ngọc quan sát nhiều hơn đến gương mặt, nụ cười, niềm vui, nỗi buồn của HS. Cô đã nhận ra những điều chưa đúng về phương pháp GD trước đây: "Tôi đã từng vô tâm với thế giới tâm hồn trong trẻo, thơ ngây của HS. Tôi đặt chúng vào một gánh nặng áp lực học tập một cách vô lý và không cần thiết.
Tôi đã thay đổi, kiên nhẫn, lắng nghe chia sẻ, cảm xúc của các con, dễ dàng bỏ qua các lỗi sai và dịu dàng hơn khi uốn nắn. Tôi nhìn vào mắt các con nhiều hơn, mỉm cười nhiều hơn, tôi dành nhiều cử chỉ âu yếm cho tất cả bọn trẻ. Tôi bình tĩnh chờ đợi trẻ thay đổi từng ngày, chứ không đặt ra các dấu mốc cứng nhắc theo tuần, theo tháng như trước nữa".
"Nếu như chú đại bàng phải chờ đến 40 tuổi mới có thể thay đổi, thì có lẽ với tôi khoảng thời gian để mình suy ngẫm lại và đưa ra quyết định thay đổi lớn lao. Tôi không đợi đến 40 tuổi rồi mới thay đổi như chú đại bàng kia. Tôi nhận ra là GV phải thay đổi khi thấy cần thiết, thay đổi để phù hợp với sự phát triển chung, để HS của mình được hạnh phúc hơn" - cô Bích Ngọc rút ra điều đơn giản mà lớn lao với chính mình.
An Nhiên
Theo GDTĐ
Lương của sinh viên Trường Đại học Việt Đức cao gấp gần 2 lần mặt bằng chung Sáng ngày 15-11, tại Trung tâm hội nghị triển lãm tỉnh Bình Dương, Trường Đại học Việt Đức (VGU) đã tổ chức lễ tốt nghiệp và khai giảng năm học 2019. Lãnh đạo VGU trao bằng tốt nghiệp cho các tân cử nhân và thạc sĩ Tham dự có ngài Boris, Chủ tịch Quốc hội bang Hessen (Đức); ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ...