Cô giáo vượt hàng nghìn cây số từ Tây Nguyên ra Thủ đô học mô hình mới
(GDVN) Câu chuyện của cô giáo Lê Thị Thanh Hà là trường hợp hiếm có trong nền giáo dục Việt Nam bởi tính cách dám nghĩ, dám thay đổi chính mình vì học trò.
Cô giáo Lê Thị Thanh Hà, nguyên là giáo viên Vật lý, Trường THPT Kon Tum (một ngôi trường chất lượng cao của tỉnh Kon Tum) tâm đắc với mô hình đào tạo học sinh cá biệt tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) từ khi đọc được bài viết trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đã lặn lội vượt hàng nghìn km để được tận mắt tai nghe chuyện dạy trò ở ngôi trường giữa Thủ đô.
Chiều ngày 20/1/2016, TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, ông và các thầy cô giáo, học sinh nhà trường đang ngỡ ngàng trước việc một giáo viên cách xa hàng nghìn cây số đã lặn lội về trường để học hỏi mô hình dạy học sinh cá biệt.
Gặp người giáo viên lặn lội hàng nghìn km về Hà Nội, chúng tôi cũng giật mình không hiểu động lực nào thôi thúc cô Lê Thị Thanh Hà đến vậy.
Theo như chia sẻ của cô giáo Lê Thị Thanh Hà thì trong quá trình đi tìm sự đổi mới cho giáo dục, có tìm được mô hình của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng và rất tâm đắc với mô hình này.
Buổi chiều gặp mặt xúc động giữa cô giáo phương xa Lê Thị Thanh Hà và nhà giáo, TS. Nguyễn Tùng Lâm – người khởi xướng mô hình dạy học sinh cá biệt tại trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Ảnh Xuân Trung
Chia sẻ thêm, cô Lê Thị Thanh Hà nói rằng, sau khi trao đổi, chia sẻ và nghiên cứu về mô hình của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng với TS. Tùng Lâm thì có thực hiện thí điểm tại một số lớp mà mình dạy tại Trường THPT Kon Tum, lúc đầu chỉ nghĩ là làm thế nào để thay đổi trước mắt là bản thân mình, sau đó mới là giáo viên nhà trường.
Video đang HOT
Mang ý tưởng và mô hình mới của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng áp dụng vào Trường THPT Kon Tum, tuy nhiên lãnh đạo nhà trường quan ngại vì mô hình của một trường lạ, xa xôi chưa có thử nghiệm thực tế tại địa phương nên e rằng tính khả thi không cao, cuối cùng mô hình cũng dang dở.
Với suy nghĩ phải tự thay đổi bản thân, để rồi thuyết phục từng giáo viên, từng học sinh tự thay đổi để đổi mới trong cách dạy và các học cũng giống như mô hình mà Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đang áp dụng, cô giáo Hà quyết định “nói chuyện” với một hiệu trưởng của trường THPT Trần Quốc Tuấn (cách trường cũ hơn 20km).
Sau phần giới thiệu về mô hình dạy học sinh mới, lãnh đạo trường THPT Trần Quốc Tuấn đã hoàn toàn bị thuyết phục sau 5 phút.
Lần đầu tiên đề xuất với hiệu trưởng Phan Đức, cô Lê Thị Thanh Hà không quên được giây phút đó, và không hiểu vì đâu lại bạo dạn đề xuất như vậy.
Qua cuộc nói chuyện đầu tiên của cô Hà với giáo viên Trường THPT Trần Quốc Tuấn, giáo viên rất cảm động và cả nhà trường cảm ơn vì cô Hà đã mang tới một làn gió mới trong dạy và học tại trường.
“Quan trọng nhất là lãnh đạo trường phải tự thay đổi để rồi hướng giáo viên cũng tự thay đổi, nhưng điều này rất khó. Tôi thấy giáo dục chúng ta ngại thay đổi quá” cô Hà cho biết.
Việc nghiên cứu mô hình đào tạo học sinh của trường THPT Đinh Tiên Hoàng khiến cô Lê Thị Thanh Hà tốn rất nhiều công sức, tự bỏ tiền túi, tự bỏ tiền thuê xe ôm đi lại hàng ngày để nghiên cứu áp dụng ở ngôi trường khiến cô nhiều khi cũng nản lòng, nhưng mỗi lần như thế nghĩ về học trò thì ý chí cô lại quyết tâm.
Vậy, mô hình dạy học sinh ở Trường THTP Đinh Tiên Hoàng có gì đặc biệt khiến một nhà giáo bỏ tất cả để lặn lội nghìn trùng ra Hà Nội học tập?
Theo như chia sẻ của cô Lê Thị Thanh Hà, ấn tượng nhất trong mô hình của TS. Nguyễn Tùng Lâm là lấy giáo viên đào tạo lại chính giáo viên.
Muốn đào tạo được giáo viên thì người đó phải có nguồn cảm hứng, giải quyết được vấn đề, thay vì lâu nay chúng ta đào tạo theo cách “cán bộ cốt cán đưa đi tập huấn…”. Việc này tuy cần, nhưng chỉ ở mức độ nhất định.
Cô Lê Thị Thanh Hà nói chuyện, chia sẻ với các giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Ảnh Xuân Trung
“Không biết khả năng mình tới đâu nhưng mong muốn được thay đổi, cũng giống như nấc thang đầu tiên và giống như người nông dân khi mà có nhu cầu gì thì tự tìm đến.
Nhu cầu lớn nhất là nhu cầu của học sinh, các em khát khao muốn đổi mới, mong các thầy cô dạy cho mình kỹ năng sống. Vì thực tế học sinh vào đời thiếu kỹ năng, phụ huynh không dạy, nhà trường không dạy, học thì giỏi nhưng không biết vì sao mình thất bại” cô Hà cho biết.
Đánh giá về việc làm của cô Lê Thị Thanh Hà, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, cô Hà là người rất tự tin, muốn thể hiện bằng hành động thật, ra Hà Nội để không chỉ nghe mà chủ yếu nhìn mô hình của nhà trường và thực tế cô Lê Thị Thanh Hà đã được trải nghiệm trên lớp của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng.
Khi thử nghiệm trên các lớp tại Trường THPT KonTum nhận thấy học sinh rất tự tin, bạo dạn hơn rất nhiều, các em muốn được thay đổi ngay.
Qua câu chuyện này, TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ, giáo dục phải thay đổi từ hai phía, phía trên xuống, đó là nghiên cứu ra đường lối, điều kiện thay đổi.
Người ta nghĩ rằng phải đi tìm được điểm đúng của lãnh đạo thì giáo viên mới thay đổi, điều này là không đúng, mà tự giáo viên phải nhận thức được để tự thay đổi.
Chúng ta phải nhìn vào vấn đề rằng, mỗi cơ sở, mỗi thầy cô giáo phải tự thay đổi thì mới thành công.
Trao đổi thêm, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, nếu một giáo viên nhận thức được vấn đề trong điều kiện rất khó khăn, nhưng vẫn có thể làm được. Mô hình của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng sẽ làm thay đổi phương pháp giảng dạy của giáo viên.
“Có thể đường lối làm thay đổi dần dần giáo dục, nhưng người quyết định là ở các trường, người làm ra chất lượng là ở các thầy cô giáo chứ không phải ở ông Bộ trưởng. Bồi dưỡng giáo viên trước kia chủ yếu là mời giáo sư thuyết giảng, nhưng không bằng thực tế là có giáo viên giỏi để được trải nghiệm.
Cô Lê Thị Thanh Hà nắm được tinh thần này và cô muốn thử nghiệm và đã thuyết phục được giáo viên. Nếu không có những thói quen tốt con người không đi xa được, từ nề nếp sẽ thành thói quen” TS. Nguyễn Tùng Lâm khẳng định.
Theo GDVN