Cô giáo vùng cù lao và tình yêu thương con trẻ
Với cô Phạm Minh Thùy, Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, điều cốt lõi nhất để giáo viên dạy thật tốt là xuất phát từ tình yêu thương các em.
Hơn 10 năm công tác giảng dạy, với sự cố gắng và nỗ lực của bản thân, cô Phạm Minh Thùy, Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng đạt được nhiều thành tích tiêu biểu xuất sắc và giành được nhiều giải thưởng cao quý trong phong trào giáo dục tại địa phương. Cô cũng là Thạc sĩ ngành Giáo dục Tiểu học đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng.
Nơi cô Phạm Minh Thùy công tác là một ngôi trường thuộc vùng cù lao sông nước có điều kiện khó khăn của tỉnh Sóc Trăng, đó là trường tiểu học thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung. Tại đây, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, trong khi năng lực học sinh cũng không đồng đều. Tuy vậy, nhờ sự ý thức, cùng nỗ lực vượt qua những khó khăn, không riêng việc dạy chữ, cô Phạm Minh Thùy còn luôn quan tâm giáo dục ý thức, đạo đức của các em học sinh.
Cô Phạm Minh Thùy hết mình vì sự nghiệp trồng người.
Chia sẻ về những ngày đầu nhận nhiệm vụ giảng dạy, cô Phạm Minh Thùy cho biết, cô được phân công phụ trách lớp phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Vì vậy, trong lớp, các em có nhiều độ tuổi, khả năng học tập khác nhau, cơ sở vật chất trường lớp khi ấy cũng rất hạn chế nên việc giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn.
Để dạy tốt học tốt, cô đã nỗ lực xây dựng chương trình dạy học phù hợp từng độ tuổi và năng lực của các em. Đồng thời tranh thủ những buổi không lên lớp để đến tận nhà vận động học sinh điều kiện đi lại khó khăn đi học, tranh thủ phòng trọ của mình để phụ đạo các em học yếu kém cho đến mượn phòng của một ngôi chùa để dạy kèm thêm cho các em. Sự nỗ lực ấy đã mang lại quả ngọt khi kết quả cuối năm, các em đều đủ điều kiện lên lớp, tỷ lệ học sinh đạt thành tích tốt trong học tập và rèn luyện rất cao, sĩ số được duy trì.
“Phương pháp và cách giảng dạy đa dạng. Học sinh tiểu học thì ngây thơ và năng động, mình phải nắm bắt tâm lý. Tuy nhiên mình nghĩ cốt lõi nhất để giáo viên dạy thật tốt là xuất phát từ tình yêu thương các em. Và khi yêu thương các em, mình chủ động được nhiều thứ. Mình sẽ chọn phương pháp, chọn nội dung phù hợp với từng lứa tuổi, từng nội dung. Mình đặt sự yêu thương của mình vào hoạt động giảng dạy thì sẽ kích thích được sự hứng thú của các em khi mà các em cảm nhận được tình yêu thương của mình thì các em sẽ cố gắng học rất là tốt”- cô Phạm Minh Thùy cho biết.
Video đang HOT
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, cô Thùy đã ước mơ trở thành giáo viên phục vụ sự nghiệp trồng người từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vì vậy, cô rất tâm huyết với nghề giáo và luôn tìm tòi những cái hay, cái mới, để vận dụng vào trong việc giảng dạy nhằm giúp các em học sinh dễ hiểu.
Cô Phạm Minh Thùy bộc bạch, kiến thức là vô tận, học bao nhiêu cũng không đủ nên để việc giảng dạy được tốt hơn từng ngày, cô vừa giảng dạy vừa tìm tòi nghiên cứu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp và không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Đặc biệt, vừa dạy, cô Thùy còn làm thêm việc giữ trẻ, bán rau để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống và học lên thạc sĩ Giáo dục Tiểu học. Sau thời gian phải di chuyển hơn 280km trong ngày cuối tuần trong khoảng gần 2 năm rưỡi để theo học lớp cao học tại Đồng Tháp, kết quả, cô Thùy bảo vệ luận văn xếp loại xuất sắc và là Thạc sĩ ngành Giáo dục Tiểu học đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng.
Cô Phạm Minh Thùy cùng các em học sinh tại trường Tiểu học thị trấn Cù Lao Dung.
“Mình đã cố gắng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm của những người đi trước, tiếp tục cập nhật thông tin từ các phương tiện truyền thông. Luôn luôn đặt sự cố gắng tâm huyết trong nghề, yêu thương trẻ để làm tốt. Mình phải không ngừng cố gắng và trong tư thế luôn sẵn sàng, để dù khó khăn hay thuận lợi thì mình đón nhận nó một cách tự nhiên nhất để chủ động vượt qua”- cô Phạm Minh Thùy chia sẻ.
Hơn 10 năm công tác giảng dạy, với sự cố gắng và nỗ lực, cô Phạm Minh Thùy đạt được nhiều giải thưởng tại các Hội thi như: giải nhất giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh, giải nhất thực hành tiết dạy an toàn giao thông cấp tỉnh, giải khuyến khích về kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong công đoàn viên chức lao động tỉnh, cùng nhiều giấy khen, bằng khen của địa phương về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong sự nghiệp trồng người. Đặc biệt là bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước ngành giáo dục, giai đoạn 2016-2020.
“Cô Phạm Minh Thùy có tính cần cù trong học tập, khi ra trường cô chỉ tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm. Trong quá trình phấn đấu, giảng dạy cô có tâm huyết vượt qua khó khăn. Trong quá trình giảng dạy cô luôn luôn là giáo viên gương mẫu, đi đầu trong công tác. Trong giảng dạy cô luôn cập nhật phương pháp đổi mới theo chương trình của Bộ Giáo dục đề ra”- Thầy Trần Cẩm Mẫn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung cho biết.
Thầy Trần Cẩm Mẫn cho biết thêm, với thành tích đạt được, cô Phạm Minh Thùy đang được làm thủ tục tặng thưởng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, cô là một trong các đại biểu của tỉnh Sóc Trăng được vinh dự chọn dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020.
Cô Thùy chia sẻ thêm, cô chưa bao giờ cảm thấy mình biết được bao nhiêu là đủ, vì vậy mà cô không ngừng rèn luyện đạo đức và cập nhật thêm kiến thức để phục vụ vào cuộc sống và công tác giảng dạy. Cô không cho phép mình dừng lại trong bất kỳ hoàn cảnh nào để tiếp tục nghiên cứu học tập và cố gắng truyền đạt cho học sinh những kiến thức mình đã có./.
Ước mơ nghề giáo của cậu sinh viên dân tộc Tày
Ngày La Chiến Thắng nhận được tin trúng tuyển và là thủ khoa đầu vào ngành Giáo dục Tiểu học, khoa Sư phạm, trường ĐH Tây Nguyên cũng là lúc xã nghèo vùng cao nơi Thắng ở lại xôn xao câu chuyện về cậu học trò học giỏi, vươn lên trong nghịch cảnh.
La Chiến Thắng (dân tộc Tày) sinh ra và lớn lên tại xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk (một trong số những huyện khó khăn nhất cả nước). Thắng là con út trong gia đình và trên cậu là ba người chị gái. Cũng bởi hủ tục "trọng nam khi nữ" và không coi trọng sự học nên phần lớn những đứa trẻ nơi Thắng ở theo học không học đến nơi đến chốn, thay vào đó ở nhà phụ giúp gia đình, đi làm ăn xa hoặc phải kết hôn sớm... Để có tiền lo cho các con ăn học và chạy tiền thuốc men cho Thắng, bố mẹ Thắng đã phải bươn chải bằng nhiều công việc khác nhau.
La Chiến Thắng (sinh năm 2002).
Từ nhỏ, bị suy dinh dưỡng cấp độ hai, Thắng không chỉ gặp nhiều khó khăn trong việc học mà còn là gánh nặng viện phí, thuốc men đối với bố mẹ. Thắng cho biết, hồi nhỏ Thắng rất áp lực mỗi khi nghĩ đến sức khỏe bản thân và cả định kiến "học hành chi cho nhiều" của người dân xung quanh.
Thấy bố mẹ lam lũ mưu sinh, ngay từ khi bắt đầu cắp sách đến trường, Thắng đã nỗ lực không ngừng để học tập và luôn là học sinh khá, giỏi trong lớp. Đặc biệt, dù phải phụ giúp ba mẹ làm nông để trang trải cuộc sống nhưng những năm học THPT, Thắng vẫn đạt Học sinh Giỏi ba năm liên tiếp.
Cậu học trò vùng cao La Chiến Thắng tâm sự: "Tuy lúc đến lớp cố tỏ ra là một cậu bé đầy nỗ lực nhưng bên trong mình lại thấy tự ti về bản thân vì không được khoẻ mạnh như bạn bè. Cho nên mình không tham gia được nhiều hoạt động của lớp và nhiều khi cảm thấy khó hoà đồng với các bạn. Đến khi bước vào THPT mình mới bắt đầu lấy lại sự tự tin và từ đó việc học cũng khởi sắc lên hẳn".
Lên môi trường đại học ,Thắng đã làm quen cách học và tích cực tham gia các hoạt động của Hội Sinh viên trường ngay từ khi bước chân vào giảng đường.
Với quyết tâm báo đáp tình yêu thương, sự chăm lo tận tình của bố mẹ và các chị, Chiến Thắng càng nỗ lực để đạt được thành tích cao trong kỳ thi Tốt nghiệp phổ thông quốc gia. Thắng đã đậu vào ngành Giáo dục Tiểu học, khoa Sư phạm, trường ĐH Tây Nguyên với thành tích thủ khoa đầu vào.
Điều ý nghĩa hơn, cậu cũng đồng thời là học sinh có điểm thi cao nhất ở trường THPT nơi mình từng theo học. "Chọn học sư phạm phần vì mình muốn nối nghiệp gia đình, đồng thời trở thành người truyền đạt những kiến thức bổ ích để giúp các em học sinh có được một nền tảng kiến thức vững chắc", Thắng bộc bạch.
Thắng là một trong 85 sinh viên nhận học bổng "Nâng bước thủ khoa 2020". "Học bổng là nguồn động lực to lớn giúp mình vững tin vào con đường phía trước. Mình sẽ nỗ lực hơn nữa để giữ vững được thành tích trong học tập", Thắng chia sẻ.
Chia sẻ về chặng đường tiếp theo với những khó khăn trước mắt, Thắng cho biết đã đặt mục tiêu trong những năm tới sẽ tập trung hết mình vào việc học nhằm giành các suất học bổng mỗi kỳ để có thêm chi phí trang trải cuộc sống và việc học. "Sang năm thứ hai đại học, mình sẽ đi dạy ở các trung tâm gia sư để có thêm kinh nghiệm dạy học cũng như có thể phụ giúp thêm cho gia đình. Ước mong của mình khi ra trường là muốn trở về quê hương làm nghề giáo để góp một phần nhỏ bé vào công việc trồng người", Thắng tự tin nói.
"Khó khăn nhất là năm mình học lớp 12 cũng là thời điểm bùng phát dịch COVID-19. Mọi người đều phải học online mà mình lại không có điện thoại hay máy tính để học. Tích góp, tằn tiện mãi bố mẹ mua cho mình một cái điện thoại. Xem đó như một phần thưởng sớm của bố mẹ nên mình quyết tâm hết sức để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT với điểm số cao nhất có thể", Thắng chia sẻ.
Cô giáo giúp "tránh thất học" xứ cù lao 13 năm theo nghề, cô Phạm Minh Thùy, GV Trường Tiểu học thị trấn Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đã giúp không biết bao nhiêu em nhỏ tránh "thất học". Để làm được vậy, cô cho rằng phải không ngừng yêu thương học sinh. Cô Thùy đang hướng dẫn học sinh làm bài. Muốn có học sinh phải vận động trẻ đến trường...