Cô giáo Vật lý và bí kíp học tốt môn học
Ngót nghét 20 năm gắn bó với nghề, cô Hoàng Thị Ngọc Thơ, giáo viên Trường THPT Bình Thủy, thành phố Cần Thơ luôn tự hào với nghề mà mình đã chọn.
Chưa bao giờ cô cảm thấy phiền lòng vì công việc hay học trò. Động lực giúp cô có thể đảm nhiệm tốt vai trò của mình là lòng tin yêu của học sinh và nhiệt huyết với công việc để truyền tình yêu môn Vật lý đến với các em.
HS Trường THPT Bình Thủy thực hành trong giờ Vật lý.
Chọn vì yêu nghề
Tốt nghiệp Khoa Sư phạm (Bộ môn Vật lý Trường Đại học Cần Thơ), cô giáo Hoàng Thị Ngọc Thơ về công tác tại Trường PTDTNT thành phố Cần Thơ. Cách nhà 14 km, liên tục trong 11 năm, ngày hai buổi đi về, gặp không ít khó khăn nhưng lúc nào cô Thơ cũng vui với nghề mà mình đã chọn.
Cô tâm sự: Gia đình có 5 chị em thì 4 người theo nghề giáo. Có lẽ tình yêu ấy được nhen nhóm từ công việc quen thuộc mà người mẹ kính yêu của cô hằng gắn bó. Hằng ngày được chứng kiến mẹ miệt mài bên trang giáo án, tận tụy với học trò, đổi lại bà luôn nhận được sự yêu quý từ các thế hệ học sinh, nên các con yêu nghề giáo lúc nào không hay.
Thực hiện được mơ ước thuở nhỏ, cô giáo Hoàng Thị Ngọc Thơ tự nhủ phải nỗ lực thật nhiều về chuyên môn cũng như vượt qua những trở ngại trong cuộc sống.
Cô trải lòng: Ở Cần Thơ mùa triều cường, nước lên xuống hay vào thời điểm sáng và chiều tối, việc phải dắt xe tới trường, hay về nhà là điều bình thường. Nhớ lúc mang bầu bé thứ nhất, trên đường từ trường về trời tối, nước ngập quá ống xả khiến xe chết máy dọc đường, vừa dắt bộ mà nước mắt lã chã rơi…, cũng may mọi người thấy vậy đã giúp đỡ nhiệt tình. Đó là những kỷ niệm khó quên trong quãng đời dạy học của tôi.
Năm 2012, được chuyển về dạy tại Trường THPT Bình Thủy, có điều kiện thuận lợi hơn nên cô càng hết lòng với công tác chuyên môn.
Cô Thơ chia sẻ: “Điều quan trọng nhất đối với giáo viên là sự kết nối với các đồng nghiệp ở khắp nơi. Tôi luôn quan niệm, cho đi sẽ được nhận lại. Bởi nhờ đó, mọi người có thể trao đổi, cùng nhau học hỏi chuyên môn. Một trong các phương pháp dạy học tích cực mà tôi đang áp dụng đó là chú trọng tới năng lực của người học. Dạy theo hướng phân hóa đối tượng HS, giáo viên tuy vất vả nhưng học sinh sẽ phát huy được tố chất của mình. Tuy nhiên, nội dung các kiến thức đều phải dựa trên chuẩn kiến thức kỹ năng để học sinh yếu cũng phải nỗ lực đạt được mặt bằng kiến thức nhất định”.
Video đang HOT
Cô giáo Hoàng Thị Ngọc Thơ. Ảnh: T.G
Truyền tình yêu môn học cho học trò
Qua khảo sát thực trạng năng lực HS, cô Hoàng Thị Ngọc Thơ nhận thấy nhiều em còn yếu ở môn Vật lý. Phần đông các em học theo thói quen, chỉ học khi có áp lực của việc kiểm tra. Thậm chí có những em lười biếng không chịu học.
Bên cạnh đó, học sinh còn hạn chế về phương pháp học tập nói chung và chưa có phương pháp học tập bộ môn này cho hiệu quả. Trong số đó, nhiều học sinh không xác định được mục tiêu học tập vì thiếu tự tin. Thái độ tiêu cực, không tin tưởng vào bản thân dẫn đến việc không chịu cố gắng nên kết quả ngày càng kém.
Theo cô Thơ, để học tốt môn Vật lý, HS phải được thường xuyên quan sát, nêu thắc mắc và tìm hiểu các hiện tượng diễn ra hàng ngày.
“Môn Vật lý có đặc thù riêng vì vậy HS cần có lòng yêu thích môn học. Từ đó mới có hứng thú trong quá trình học tập. Vì thế, giáo viên nên khuyến khích các em thường xuyên quan sát, đặt câu hỏi về các hiện tượng, sự vật xảy ra trong cuộc sống. Những câu hỏi “Tại sao? Vì sao…?” sẽ kích thích các em tìm tòi, khám phá để làm đầy thêm kiến thức của mình. Chẳng hạn như: Tại sao khi có gió lá cờ bay?; Tại sao cô nói các em nghe được?; Hai ca sĩ cùng hát một bài mà ta vẫn phân biệt được từng giọng hát?; Tại sao nghe được điện thoại di động?…
Để giải đáp những câu hỏi đó ngoài việc trao đổi với thầy cô, bạn bè, các em có thể tìm hiểu các kiến thức trên mạng Internet. Nhờ công nghệ thông tin, các em sẽ có các tư liệu và hiểu rõ hơn về các hiện tượng mà mình gặp trong cuộc sống”, cô Thơ chia sẻ.
Song song với đó, HS cần được rèn luyện tư duy, đặc biệt là trí nhớ và khả năng làm theo mẫu. Với môn Vật lý, các em cần ghi nhớ các đại lượng cùng các đơn vị, định nghĩa, định lý, định luật và công thức vật lý.
Để nhớ nhanh và nhớ lâu các kiến thức, GV cần cho HS làm các dạng bài khác nhau, từ đó các em sẽ có kinh nghiệm để giải các bài tương tự. Lúc học những công thức mới, nên lấy bài tập ra làm, trong lúc làm bài vẫn lấy công thức ra xem. Làm nhiều bài như vậy, (khoảng 5 bài) sẽ giúp các em nhớ các công thức. Khi hiểu rõ công thức, vừa biết áp dụng đúng các em sẽ nhớ lâu hơn.
“Những tiết dạy trên lớp cùng với công tác chủ nhiệm giúp tôi ngày càng gắn bó và hiểu tâm lý học sinh hơn. Thế nên, trong từng bài giảng, tôi luôn cố gắng truyền thụ kiến thức tới các em một cách đơn giản nhất. Những ánh mắt hồn nhiên của học sinh, sự thân thiện của đồng nghiệp khiến tình yêu nghề của tôi cứ thế nhân lên.”
Cô Hoàng Thị Ngọc Thơ
Minh Châu
Theo giaoducthoidai
Giáo dục kỹ năng mềm cho học sinh: Đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía
"Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình", đó là những mục đích học tập mà UNESCO đề xướng cho thấy kiến thức quan trọng nhưng biết vận dụng những gì học được vào cuộc sống quan trọng hơn gấp bội.
Vì vậy, ngoài kiến thức, trang bị những kỹ năng mềm sẽ giúp các em thích ứng tốt với cuộc sống và từng bước khẳng định mình.
Các hoạt động ngoại khóa trang bị cho HS kỹ năng mềm. Ảnh: ITN
Thừa kiến thức, thiếu kỹ năng
Cô Nguyễn Hoàng Nguyên Tú, GV môn Ngữ văn Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, thành phố Cần Thơ với hơn 15 năm gắn bó với công việc giảng dạy chia sẻ: Có nhiều học sinh giỏi, hiểu biết và năng lực môn học tốt, tư duy nhanh nhạy, sáng tạo, tuy nhiên vẫn thiếu nhiều kỹ năng mềm trong cuộc sống và học tập.
Bên cạnh đó, trong điều kiện xã hội hiện đại, phần lớn học sinh được bao bọc, chăm sóc kỹ càng nên thiếu hiểu biết cuộc sống và các mối quan hệ xã hội xung quanh mình. Nhiều em có thói quen dựa dẫm, ỷ lại, luôn chờ đợi sự sắp đặt, chăm lo của cha mẹ, thầy cô. Không ít em có thái độ sống vị kỉ, thực dụng, ít quan tâm đến những người khác... Vì vậy, giáo dục các kỹ năng và nhận thức cho học sinh rất quan trọng.
Tuy nhiên, để trang bị cho các em các kỹ năng mềm trên thực tế vẫn có những rào cản như: Thời gian để tổ chức các hoạt động tích hợp thường eo hẹp và cũng không thể thực hiện liên tục, thường xuyên. Mỗi tiết sinh hoạt của GV chủ nhiệm chỉ gói gọn trong 45 phút cho tất cả các hoạt động từ tổng kết tuần, phổ biến các kế hoạch tuần mới... Vì thế, việc tổ chức các hoạt động giáo dục tích hợp thường chỉ được thực hiện trong khoảng 10 - 15 phút, và cũng có khi buộc phải rút ngắn hoặc hủy bỏ vì không có thời gian.
Về phía giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm tổ chức các hoạt động cũng như các nội dung về giáo dục kỹ năng mềm. Bên cạnh các học sinh tích cực, hứng thú khi tham gia hoạt động này còn khá nhiều em e ngại, rụt rè nên ít hòa nhập cũng như tham gia phát biểu ý kiến. Vì vậy, tình trạng hoạt động được tổ chức nhưng chỉ tập trung vào một số học sinh nhất định, còn các HS khác tham gia với tư cách là khán giả, nên chưa phát huy được hết sở trường, năng lực của bản thân.
Sôi nổi với hoạt động ngoại khóa. Ảnh: ITN
Cung cấp kỹ năng thiết thực
Với mong muốn trang bị cho HS lớp mình chủ nhiệm các kỹ năng mềm, giúp các em chủ động hơn trong học tập và sinh hoạt, cô Nguyễn Hoàng Nguyên Tú đã tự xây dựng và tổ chức các hoạt động giáo dục tích hợp theo các chủ đề khác nhau. Thời gian tối thiểu cho các buổi sinh hoạt ngoại khóa là 15 phút và tối đa là 30 phút trong giờ Sinh hoạt lớp, tối thiểu 2 lần mỗi tháng.
Các chủ để giáo dục kỹ năng cô Tú triển khai và trang bị cho HS tập trung vào những nội dung như: Hợp tác hiệu quả, định hướng chọn nghề, hãy nghe tôi nói, đặt mục tiêu và thực hiện mục tiêu, tư duy sáng tạo và hành vi tích cực. Nhìn chung HS hào hứng với các hoạt động này.
Theo cô Nguyên Tú, mỗi một chủ đề được GV xây dựng trên cơ sở những hoạt động tập thể, tình huống hay trò chơi đơn giản. Qua đó, học sinh được thể hiện các kỹ năng hợp tác nhóm trong học tập hoặc các hoạt động tập thể. Các em biết linh hoạt, sáng tạo trong tư duy để trình bày vấn đề trước đám đông.
Đặc biệt, với nội dung sinh hoạt "Tự đánh giá bản thân và mức độ phù hợp với các ngành nghề", giáo viên đưa ra nội dung để thảo luận như: Tính cách, xu hướng của mỗi con người sẽ thích hợp với những nghề nghiệp khác nhau; Xác định được bản thân nằm ở nhóm tâm lý, tính cách nào có thể là một kênh tham khảo hữu ích cho việc chọn nghề nghiệp phù hợp. Sau đó HS thực hiện phiếu trắc nghiệm bản thân bằng việc trả lời câu hỏi: Vì sao lại có thực trạng chọn nhầm nghề? Việc chọn nhầm nghề sẽ dẫn đến những hậu quả nào?
Sau đó, cô và trò cùng thảo luận dựa trên tình huống đưa ra nhằm giúp HS chủ động hơn trong việc định hướng lựa chọn con đường tương lai của mình. Bên cạnh đó, thầy cô còn đề cập đến trách nhiệm của bản thân với tập thể, với gia đình và cộng đồng cũng sẽ giúp cho HS biết suy nghĩ cân nhắc trước mỗi hành động, công việc hàng ngày.
Nhiều em có điểm số các môn khoa học tự nhiên rất cao, nhưng với các công việc cần kỹ năng lại tỏ ra bị động. Thậm chí, các em không phân biệt được loại cây gặp thường ngày. Khi có bạn trong lớp bị thương tích nhẹ cũng không có kỹ năng sơ cứu đơn giản; Không ít em thiếu tự tin khi nói trước đám đông. Một số em không có kỹ năng làm việc nhóm nên dẫn đến mâu thuẫn, gây gổ trong tập thể... - Cô Nguyễn Hoàng Nguyên Tú
Hồng Vân
Theo Giáo dục & thời đại
Hai nữ sinh lớp 12 chế tạo máy cấy lúa không động cơ chi phí 2 triệu, đạt năng suất bằng 5 thợ cấy Máy cấy lúa không dùng động cơ của 2 em học sinh Nam Định đã được nông dân Giao Thủy tiếp nhận với lời khẳng định: máy hoạt động tốt, cây lúa thẳng hàng, khoảng cách đều nhau. Máy không cần dùng nguyên liệu nên không gây ô nhiễm môi trường. Hai nữ sinh chế tạo máy cấy lúa không động cơ này...