Cô giáo và cuộc hành trình mang trường học hạnh phúc đến với học trò
“Người giáo viên hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới”. Đó là điều mà cô Trần Thị Thanh Hương (SN 1980) – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên (Long Biên, Hà Nội) luôn tâm đắc trong cuộc hành trình gần 20 năm “ trồng người”.
Cô Trần Thị Thanh Hương luôn tận tụy với nghề
Vượt khó để thành công
Sinh ra và lớn lên tại Giang Biên (Long Biên, Hà Nội), cô Trần Thị Thanh Hương luôn mang trong mình ước mơ trở thành một cô giáo, được đứng trên bục giảng, trao truyền những kiến thức cho những học trò thân yêu. Ước mơ ấy được ấp ủ từ thủa nhỏ, bởi chính những người thầy đã dìu dắt cô bằng sự yêu thương, quan tâm vô bờ bến.
Sau khi tốt nghiệp THPT, dù đỗ 2 trường Đại học nhưng cô Hương vẫn lựa chọn học trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Năm 2002, cô trở về quê hương dạy học trong chính ngôi trường đã vun đắp ước mơ cho mình. Trường Tiểu học Giang Biên cũng chính là ngôi nhà thứ hai gắn bó với cô trong suốt gần 20 năm qua.
“Hình ảnh thân thương của những người thầy dạy mình năm xưa là những ký ức đẹp đẽ trong cuộc đời tôi. Khi đứng trên bục giảng, những kỷ niệm đáng nhớ ấy lại ùa về. Để rồi tại chính ngôi trường mà tôi đã lớn lên, tôi lại truyền đạt kiến thức cho học trò của mình. Những gương mặt say sưa, háo hức tìm tòi những điều mới lạ của các em học sinh chính là động lực để tôi vững tin vào sự lựa chọn của mình”, cô Hương chia sẻ.
Cô Hương luôn hướng đến mỗi tiết học đều là niềm vui của các em học sinh
Với chuyên môn tốt và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, chỉ sau 2 năm về trường công tác, cô Hương đã được tín nhiệm, giao trọng trách khối trưởng. Nhiều năm liền, cô được bầu làm Chủ tịch Công đoàn trường. Dù ở vị trí nào, cô Hương cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được đồng nghiệp tin yêu, học trò quý trọng.
Khó khăn ập đến với gia đình cô Hương khi cách đây 8 năm, chồng cô qua đời vì tai nạn. Giấu những ngọt nước mắt vào trong, cô mạnh mẽ bước tiếp, một mình nuôi 2 con ăn học. Con trai lớn của cô vừa vào đại học, còn một bé gái đang học lớp 6. Suốt những năm tháng qua, cô Hương lấy sự trưởng thành của các con và những ngày được lên lớp cùng học trò làm niềm hạnh phúc của mình.
Luôn giữ ngọn lửa đam mê với nghề cùng tinh thần vươn lên trong cuộc sống và công việc, nhiều năm học, cô Hương được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp quận. Cô có 5 sáng kiến kinh nghiệm đạt giải Ba cấp thành phố; bồi dưỡng học sinh đạt giải tại cuộc thi viết chữ đẹp cấp thành phố.
Nhiều năm liền, cô được Chủ tịch UBND quận Long Biên tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, được Liên đoàn Lao động quận Long Biên tặng giấy khen Chủ tịch Công đoàn giỏi. Cô cũng được Quận đoàn Long Biên tặng thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi,…
Cô Hương trong ngày được bổ nhiệm chức vụ Hiệu phó Trường Tiểu học Giang Biên
Trong quá trình công tác, dù là cương vị giáo viên hay quản lý, cô Hương luôn đề cao tinh thần đoàn kết, chăm chỉ, ham học hỏi. Cô luôn động viên, sẻ chia với đồng nghiệp để tạo sự kết nối giữa các giáo viên trong trường. Điều đó đã góp phần xây dựng nhà trường thành một tập thể đoàn kết, vững mạnh.
Video đang HOT
Gần 20 năm miệt mài gắn bó với hành trình “trồng người”, cô Hương luôn tìm tòi, nghiên cứu để cho xây dựng những sáng kiến kinh nghiệm mang lại hiệu quả cao cho công tác giảng dạy cũng như quá trình học tập của học sinh.
5 sáng kiến kinh nghiệm từng đạt giải cấp thành phố của cô gồm: Giúp học sinh lớp 5 khắc sâu kiến thức khi học môn Lịch sử; Một số kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm; Thiết kế và sử dụng đồ dùng tự làm để dạy chương trình phép nhân, phép chia môn Toán; Một số biện pháp rèn kỹ năng viết đúng dấu câu Tiếng Việt cho học sinh lớp 5; Một số biện pháp xây dựng trường học hạnh phúc tại Trường Tiểu học Giang Biên.
Người giáo viên hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới
Với cô Hương, nghề giáo tuy vất vả nhưng cũng đầy vinh quang. Sự vinh quang ấy không phải là những giải thưởng, danh hiệu mà là ở chính những nụ cười của học trò mỗi khi đến trường, là sự trưởng thành từng ngày của các con.
Về sáng kiến “Một số biện pháp xây dựng trường học hạnh phúc tại Trường Tiểu học Giang Biên”, cô Hương nhấn mạnh trường học hạnh phúc không đặt ở những gì cao siêu mà hướng đến những điều nhỏ nhất, đặc biệt là tôn trọng cảm xúc, mong muốn của học sinh.
“Lớp học hạnh phúc là nơi mà học sinh được yêu thương, an toàn và tôn trọng. Lớp học hạnh phúc phải là điểm đến thân thiện và vui thích của trẻ, là môi trường giáo dục hoàn hảo tạo được cho trẻ tâm lí thoải mái khi trẻ đến trường, là nơi khiến cả cô và trò đều có cảm giác muốn đến. “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, khi đến sẽ có hứng thú, niềm vui, sự mong chờ và những rung động. Lớp học hạnh phúc không áp đặt học sinh phát triển theo khuôn mẫu mà đóng vai trò định hướng để trẻ được làm những gì mình yêu thích và say mê. Ở đó, các em được học những gì có ý nghĩa với mình, được khơi gợi niềm yêu thích, các bài học được thông qua các trò chơi và những trải nghiệm”, cô Hương cho biết.
Cô Hương (ngoài cùng bên phải) trong buổi trao đổi chuyên đề về trường học hạnh phúc
Cô Hương luôn tâm niệm “người giáo viên hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới”, bởi các thầy cô hạnh phúc, vui vẻ sẽ lan tỏa những điều hạnh phúc, niềm vui đến với học trò, giúp các em cảm nhận được tình yêu thương, nở những nụ cười trên môi khi đến trường. Và từ đó, các em sẽ học tập tốt hơn.
“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” cũng là đích đến của Trường Tiểu học Giang Biên trong suốt những năm học qua. Và trong hành trình trở thành một trường học hạnh phúc, điều đó càng được chú trọng, phát triển. Dù là học trực tiếp hay trực tuyến thì các em học sinh của trường luôn háo hức, vui vẻ mỗi ngày đến trường.
Bởi thế, khi nghe các phụ huynh của trường chia sẻ các con về nhà khoe: “Mẹ ơi, hôm nay cả lớp con thấy vui vì cô giáo vui”. Hay “Con thích nhìn thấy cô cười mỗi khi đến lớp”; “Hôm nay con vui vì được cô khen học tốt”; “Hôm nay cô bảo con ăn nhiều vào để còn học tốt”; Cô khen con vì biết giúp đỡ bạn”,… tôi tin các em, phụ huynh và các cô đều cảm thấy hạnh phúc.
Tôi rất ấn tượng với câu nói “Nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn”. Câu chuyện về tình thầy trò của cô Hương với học trò cũ chính là câu chuyện về sự khơi dậy tâm hồn như thế.
Cô nhớ lại năm xưa, cậu học trò của mình sống khép kín, thường tự ti, e dè trước mọi người. Kết quả học tập vì thế rất thấp. Để cậu bé tự tin, cởi mở hơn, cô luôn cổ vũ, động viên em: “Tự tin lên con, cô tin con làm được”. Cuối cùng, sự chân thành, tận tụy cùng niềm tin trao gửi của cô Hương đã “đánh thức” tâm hồn cậu bé, giúp em thay đổi, trở thành một học sinh hoạt bát, dám thể hiện mình và chia sẻ với mọi người xung quanh.
“Tôi nghĩ, khi giáo viên trao gửi niềm tin và cổ vũ học trò hằng ngày thì các em sẽ tự tin thể hiện mình”, cô Hương chia sẻ.
Không chỉ khơi dậy ngọn lửa tự tin, tinh thần học tập cho các em, Trường Tiểu học Giang Biên còn lan tỏa tinh thần sẻ chia đến đông đảo học sinh. Những chương trình thiện nguyện như ủng hộ trẻ em vùng cao, quyên góp quần áo, đêm hội trăng rằm ở Trung tâm Hy Vọng, chương trình “Sóng và máy tính cho em”,…đã giúp các em biết san sẻ yêu thương đến mọi người xung quanh, đặc biệt là những hoàn cảnh khó khăn.
Thầy cô không chỉ gieo trồng kiến thức mà còn gieo mầm, nuôi dưỡng tâm hồn trong trẻo của những học trò. Tình yêu xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim. Tôi tin, những đứa trẻ hạnh phúc được lớn lên bằng tình yêu thương, quan tâm của cô Hương cũng như các thầy, cô trường Tiểu học Giang Biên sẽ luôn có một trái tim nhân hậu, biết lan tỏa niềm vui, sự nhân ái đến mọi người. Và sẽ có thêm thật nhiều em cũng thắp lên ước mơ được trở thành thầy, cô giáo, tiếp nối những “chuyến đò” chở tri thức và tình yêu đến những thế hệ tương lai.
Ngược ngàn không mong "xuống núi"
Ngược ngàn, lên các bản vùng cao công tác, gần như ai cũng nuôi hy vọng có một ngày được "xuống núi".
Mặc dù là Phó Hiệu trưởng, song cô giáo Giàng Thị Vang luôn gần gũi, thân thiết với những học trò nhỏ của mình.
Song với cô Giàng Thị Vang, gần 30 năm "lái đò", giờ đến tuổi sắp được nghỉ ngơi nhưng vẫn nung nấu ý tưởng mở 1 lớp học cho riêng mình trên đỉnh mây mù...
Cãi chồng chỉ vì... giấc mơ
Sinh ra, lớn lên ở thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên (trước là thị xã Lai Châu), cô giáo Giàng Thị Vang lại theo chồng về sinh sống ở bản Hua Sa B, xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên).
Năm 1989, khi vừa tròn 21 tuổi, đứa con đầu lòng còn chưa đầy 3 tháng tuổi, cô Vang thuyết phục chồng để bế con về Mường Lay học lớp sơ cấp mầm non. Cô làm vậy bởi ngay từ nhỏ đã thầm nuôi khát vọng làm cô giáo. Hồi ấy, khi học xong, nhưng vì chưa có trường, lớp nên phải chờ mãi đến năm 1994 cô Vang mới thực hiện được ước mơ của mình. Khi đó, cô bước vào nghề dạy chữ ở quê hương anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính (xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo) trong điều kiện vô cùng khó khăn, trắc trở.
"Khi đó Pú Nhung là xã vùng cao đầu tiên của huyện được mở lớp mẫu giáo. Nhận thông báo của xã về việc lên làm hồ sơ, tôi mừng, còn chồng tôi thì nhất nhất phản đối. Nguyên nhân nhiều lắm, nhưng chủ yếu là lo tôi khổ" - cô Vang mở đầu câu chuyện với chúng tôi về những ngày đầu xây dựng ước mơ như thế.
Cô Vang bảo, cái lo của chồng thì cô hiểu. Bởi từ đỉnh đèo Pha Đin (nhà ở) đến xã Pú Nhung gần 25km, đường rừng núi hiểm trở khó đi. Trong khi 2 đứa con còn nhỏ, xe không có, làm sao đến trường dạy học?! ắn đo nhiều, lo cho gia đình, xót con nhỏ... nhưng rồi suy nghĩ, "nếu cứ chờ gần nhà mới đi làm thì biết đến bao giờ?!". Giấc mơ thôi thúc cô quyết tâm "cãi chồng", khăn gói lên đường...
Tỏa Tình nằm trên đỉnh núi quanh năm mây mù bao phủ.
Ba mẹ con tay xách nách mang, bồng bế nhau "cuốc bộ" đến trường. Khó khăn vất vả không gì kể hết, nhưng quyết tâm đã biến con đường 25km ấy thành vô nghĩa.
Những ngày đầu, cô một mình với gần 40 học sinh từ 3 - 5 tuổi. Lớp học thì tạm bợ mưa dột, gió lùa. Vì chỉ có 1 lớp, mọi việc cô Vang đều phải tự lo, dạy ra sao, dạy từ đâu, bằng cách nào? Thậm chí, cô Vang kiêm luôn cả y tá, cấp dưỡng, làm mẹ của những đứa trẻ vùng cao.
"Nhiều hôm gần trưa thấy học sinh của mình lả đi tôi hoảng quá. Hỏi ra mới biết, đêm trước bố mẹ chúng đi nương về muộn không kịp cho ăn, sáng sớm lại vội, nên để con bỏ bữa. Nghĩ thương lũ trẻ, nên tôi lại càng thấy mình cần phải cố gắng" - cô Vang tâm sự.
Thời gian đầu, mỗi tuần một lần, ba mẹ con (đứa nhỏ trên lưng, đứa lớn dắt tay) đi bộ về nhà vào chiều thứ 7. Chiều Chủ nhật lại khăn gói đến trường. Thương vợ, vụ đỗ tương năm ấy chồng cô bán hết, thu được 700.000 đồng mang tất cả đi mua chiếc xe đạp cho vợ đi. Anh mong muốn con đường đến trường của vợ sẽ ngắn lại. Nhưng nắng ráo thì đỡ, hễ mưa xuống chiếc xe lại nặng gánh hơn.
Nhớ lại những lần như thế, trên người ướt đã đành, dưới chân bùn nhão nhoét, đi không được về cũng chẳng xong, cô lại khóc. Có lần 2 mẹ con cùng ngã. May mắn đứa bé trên lưng không sao, nhưng đầu gối cô rách toạc, máu chảy xuống đỏ cả bàn chân.
"Lần đấy tôi phải nghỉ hơn một tuần mới có thể trở lại trường. Rồi từ đó, cứ mỗi lần mình đau, con ốm... gia đình lại khuyên về làm nương cho đỡ khổ, nhưng tôi không chịu. Tôi không sợ khổ, chỉ sợ không có học sinh!" - cô Vang quả quyết.
Giờ đây, phụ huynh đồng bào dân tộc thiểu số ở Tỏa Tình đã quan tâm hơn đến việc học của con em mình.
Cả đời là... "người đầu tiên"
Những năm tháng sống với ước mơ trôi qua như thế, song cô Vang bảo: "Cho đến giờ tôi vẫn chưa có giây phút nào nghĩ mình phải hối hận. Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề giáo". Đến nay cô giáo Giàng Thị Vang đã có gần 30 năm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, với cái duyên là "người đầu tiên".
Cô Vang là giáo viên mầm non vùng cao đầu tiên ở huyện Tuần Giáo. Người ta mới bảo cô là người đầu tiên đón bọn trẻ đến lớp, người cô đầu tiên đồng hành cùng chúng trên con đường chinh phục cái chữ.
Vì là người đầu tiên, nên cô Vang phải gây dựng từ con số 0 (không đất, không lớp học, không bàn ghế và không có cả học sinh). Bắt đầu từ việc gặp chính quyền xã, bản để xin đất dựng trường, vận động nhân dân hỗ trợ tre, nứa, lá làm lớp tạm.
Thế nhưng, việc khó nhất với cô ngày ấy là làm sao để có học sinh. Bởi ai cũng nói "chúng còn nhỏ thế, biết gì mà học". Cô Vang lại không nghĩ thế. Cô cứ kiên trì, bền bỉ "năm lần, bảy lượt" đi lại để tuyên truyền, thuyết phục. Có lúc cô phải lên nương làm cùng, sống cùng cuộc sống với bà con... Và thế là những gia đình đầu tiên đã đồng ý cho cô đón con họ đến lớp.
Ban đầu, cô cố gắng sưu tầm, học hỏi, tự làm đồ dùng dạy học... để thu hút và tạo hứng thú cho bọn trẻ đến lớp. Dần rồi lớp học ngày một nhộn nhịp hơn, có thời điểm lên đến hơn 40 học sinh.
Lớp đông, bàn ghế không đủ, cô Vang động viên phụ huynh tự làm ghế nhỏ cho con từ những mảnh gỗ thừa trong nhà. Cứ như thế, cô đã đặt nền móng cho ngôi trường Mầm non Pú Nhung sau này, ngày một khang trang, sạch đẹp...
Năm 2008, Trường Mầm non Pú Nhung chính thức được thành lập trên cơ sở tách ra từ Trường Tiểu học Pú Nhung. ó cũng là năm cô giáo Giàng Thị Vang, chuyển về công tác gần nhà (xã Tỏa Tình). Thời điểm đó, Trường Mẫu giáo Tỏa Tình (nay là Trường Mầm non Tỏa Tình) vừa được tách ra từ Trường THCS Tỏa Tình.
Với vai trò là Phó Hiệu trưởng nhà trường, cô Vang một lần nữa dốc sức tuyên truyền, vận động người dân hiến đất xây trường. Cô kêu gọi phụ huynh góp công, vật liệu để làm lớp học. Rồi cô lại tuyên truyền vận động để trẻ đúng độ tuổi đến trường nhiều hơn, chuyên cần hơn...
Lúc đầu chỉ là 1 gian nhà tranh, sau tăng dần lên 2, 3 rồi 4 phòng học tạm. ến năm 2015, trên nền đất ấy, Trường Mầm non Tỏa Tình đã được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp theo tiêu chuẩn trường chuẩn. Cả trường có 8 phòng học, 1 phòng âm nhạc, 1 phòng máy tính và 5 gian nhà hiệu bộ được trang bị đầy đủ đồ dùng đáp ứng nhu cầu. Cô giáo Giàng Thị Vang cũng gắn bó với vùng cao Tỏa Tình từ đó.
Hôm nay, không ít những đứa trẻ ngày nào được cô Vang dẫn dắt đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Họ đã được như cô mong muốn ngày nào. Không ít người đã học cao, biết rộng và thoát ly khỏi cuộc sống nông thôn. Học trò "tung cánh" khắp nơi, còn cô Vang thì vẫn ở đó, chân chất, mộc mạc như cây thông kiên cường trong gió bão, khắc nghiệt trên những đỉnh mây mù. Cô vẫn không ngừng nuôi ý tưởng đến sau năm 2023 (nghỉ hưu) sẽ xây dựng 1 lớp học miên phí cho trò nghèo của riêng mình...
Bà Nguyễn Hương Diễm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo: "Cô Giàng Thị Vang là thế hệ giáo viên đầu tiên của trường. Cô là người luôn tận tình, tâm huyết với nghề, có nhiều năm kinh nghiệm, lại là người địa phương. Chúng tôi luôn coi cô như một tấm gương sáng để học tập và noi theo".
Nhà khoa học số 1 Việt Nam: Người thầy phải có tâm và có tầm Trong gần 40 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo sư Nguyễn Đình Đức đã công bố tới hơn 300 bài báo khoa học, đào tạo nhiều học trò xuất sắc. Giáo sư Nguyễn Đình Đức. (Ảnh: vnu.edu.vn) Liên tiếp trong ba năm, từ 2019 đến 2021, giáo sư Nguyễn Đình Đức, Đại học...