Cô giáo trẻ tiêu biểu toàn quốc chia sẻ cách “truyền lửa” yêu nghề cho SV
“Từ những chuyến đi, những trải nghiệm thực tế, cảm nhận được hạnh phúc trong công việc của mình sau này, tôi tin các em sinh viên sẽ yêu nghề”
Cô Nguyễn Thị Tuyết – giáo viên Trường CĐ Kinh tế – Kế hoạch Đà Nẵng, giáo viên trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2020
Cô Nguyễn Thị Tuyết – Phó Bí thư Đoàn trường CĐ Kinh tế – Kế hoạch Đà Nẵng, giáo viên trẻ tiêu biểu toàn quốc 2020 – chia sẻ về cách “truyền lửa” yêu nghề cho sinh viên các lớp nghiệp vụ mà cô giảng dạy.
Cô Nguyễn Thị Tuyết hướng dẫn sinh viên thực hành nghiệp vụ khách sạn
Cảm nhận hạnh phúc trong từng việc nhỏ để thắp “lửa” yêu nghề
Bên trong trường CĐ Kinh tế – Kế hoạch Đà Nẵng, lớp học chuyên ngành quản trị khách sạn được trang bị đầy đủ các trang thiết bị thực hành nghiệp vụ. Hướng dẫn sinh viên gấp khăn tạo hình cặp đôi thiên nga chào đón khách đến tận hưởng tuần trăng mật, cô Tuyết lưu ý học trò chỉnh chu từng nếp gấp, cách rải hoa trang trí vừa tự nhiên vừa tinh tế.
Cô Tuyết hướng dẫn sinh viên thực hành nghiệp vụ khách sạn
“Hãy làm với tất cả niềm hạnh phúc, như mình đang chuẩn bị cho người thân của mình. Cùng với kỹ năng nghề nghiệp, đây chính điều làm nên sự tận tâm để thành công trong công việc, từ những việc nhỏ, chi tiết nhất” – cô Tuyết thường xuyên chia sẻ đến học trò như thế.
Nữ giáo viên trẻ truyền lửa yêu nghề đến sinh viên từ những niềm vui nhỏ để cảm thấy hạnh phúc trong công việc
Khi hướng dẫn đoàn sinh viên đi kiến tập, thực tập, cô Tuyết luôn tạo điều kiện cho sinh viên sắm nhiều vai. Phải đặt mình vào vai một du khách đang trong kỳ nghỉ ở khách sạn, để hiểu nhu cầu, mong muốn của khách, để cung cấp dịch vụ chuyện nghiệp và tận tâm. Và tất yếu, phải quan sát những nhân viên ở tất cả các bộ phận trong khách sạn làm việc như thế nào, thử trải nghiệm thực hành nghiệp vụ trong môi trường thực tế.
Và thử tìm niềm vui từ những điều nhỏ nhất trong công việc. Theo cô Tuyết, không chỉ là người làm nghề khách sạn, mà bất cứ nghề nào cũng vậy. Phải trải nghiệm hạnh phúc, thực sự cảm thấy hạnh phúc mới có “lửa” yêu nghề.
Hoạt động cộng đồng “bồi bổ dinh dưỡng” cho công việc
Ở vai trò Phó Bí thư Đoàn trường CĐ Kinh tế – Kế hoạch Đà Nẵng, cô Tuyết là một trong những thủ lĩnh của tất cả các hoạt động cộng đồng trong trường, như chuẩn bị cho các ngày lễ kỷ niệm 20/11, 8/3…, các hoạt động vì cộng đồng ý nghĩa như chương trình “Phiên chợ 0 đồng” hỗ trợ bà con ở khu vực xung quanh trường gặp khó khăn do Covid-19.
Những hoạt động phong trào, vì cộng đồng tưởng chừng như không liên quan gì đến nghề nghiệp mà các sinh viên đang theo học. Thế nhưng lại bồi bổ dinh dưỡng cho công việc.
Cô Tuyết chia sẻ: “Giảng viên, sinh viên trong trường giao lưu, hiểu về nhau trong một hoạt động tập thể. Từ đó, việc dạy học có tương tác tích cực, thân thiện hơn. Qua các hoạt động vì cộng đồng, sinh viên cảm thấy ý nghĩa cuộc sống từ những việc làm nhỏ, quan tâm đến mọi người xung quanh.
Đây chính là “chất xúc tác” để “bồi bổ dinh dưỡng” tinh thần tận tâm trong công việc. Đồng thời, sinh viên có thêm trải nghiệm để tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng sống thông qua làm việc nhóm trong các hoạt động phong trào, vì cộng đồng”.
Cô Nguyễn Thị Tuyết nhận Giải thưởng giáo viên trẻ tiêu biểu toàn quốc tại Hà Nội
Năm 2020, cô Nguyễn Thị Tuyết vinh dự nhận Giải thưởng giáo viên trẻ tiêu biểu toàn quốc của Trung ương Đoàn. Giải thưởng vinh danh 99 giáo viên, giảng viên trẻ ở các bậc đào tạo từ mầm non, phổ thông đến cao đẳng, đại học đạt nhiều thành tích cao trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, dấn thân cống hiến cho xã hội, sống gương mẫu và là tấm gương sáng cho học sinh, sinh viên.
Thạc sỹ giáo dục chỉ ra: Cha mẹ toàn lo chuyện chọn trường mà bỏ qua 4 yếu tố quan trọng tạo nên một đứa trẻ thành công và hiểu chuyện
Hướng dẫn con nhìn ra các bài học vô giá từ cuộc sống, đó mới là chương trình học hoàn hảo nhất, tốt nhất hơn mọi chương trình quốc tế nào.
Chị Nguyễn Thị Hồng Liên là thạc sỹ quản lý giáo dục, hiện đang công tác tại trường Tiểu học và THCS Xanh Tuệ Đức (Hà Nội). Với kinh nghiệm 15 năm nuôi con và 15 năm "giáo dục tại gia" bán thời gian cho hai con (một bé lớp 8, một bé lớp 5), chị Liên cho rằng, chương trình học chỉ chiếm một phần nhỏ vào sự thành công trong giáo dục con trẻ. Có những yếu tố quan trọng khác để nuôi dạy một đứa trẻ lớn lên hiểu chuyện, yêu lao động và biết nghĩ đến người khác.
Theo chị Hồng Liên, nhiều phụ huynh thường có tâm lý thấy con mình thiệt thòi, nhìn các học sinh học chương trình quốc tế, có nhiều hoạt động kỹ năng, và có rất nhiều thầy cô giỏi, trong khi con mình không được tiếp cận những nguồn như thế...
Chị Nguyễn Thị Hồng Liên là một thạc sỹ quản lý giáo dục.
" Tuy nhiên, quan điểm của mình hơi khác biệt một chút, thực tế học chương trình nào không quan trọng lắm đâu. Nhiều bạn nhỏ vừa học vừa phụ bố mẹ làm việc, rồi cũng chỉ có học ở trường bình thường thôi mà sau này vẫn có cơ hội đi du học, cuộc sống cũng thành công không kém gì các bạn có điều kiện học trường quốc tế ", chị Liên chia sẻ.
Bà mẹ thạc sĩ cho rằng, chương trình học chỉ chiếm một phần nhỏ vào sự thành công trong giáo dục con trẻ. Thay vào đó, có 4 yếu tố quan trọng để nuôi dạy một đứa trẻ lớn lên hiểu chuyện, yêu lao động và biết nghĩ đến người khác. Đó là:
1. Trẻ cần phải sống với những người cha mẹ yêu lao động, biết nghĩ đến cái chung, đến xã hội
Nhiều bạn nhỏ sinh ra tại những gia đình không có điều kiện dư dả nhưng bố mẹ các bạn ấy là những người chăm chỉ lao động, yêu thương các con và cũng là những người biết sống yêu thương với hàng xóm láng giềng. Thông thường, những đứa trẻ sinh trưởng trong gia đình này sẽ có ý thức lao động để phụ giúp gia đình từ sớm, cũng sống rất chan hòa, hiểu chuyện và được lòng người khác.
Nhờ có lao động các con có sức khỏe, nền tảng của việc học suốt đời, nhờ lao động nên các con phát triển năng lực giải quyết vấn đề và trở nên sáng tạo.
Chị Liên và con trai tại đại học Harvard, Mỹ.
Vì học được điều này nên nhà mình từ nhỏ đã cho hai bạn lao động cật lực, học ra học và vẫn phải làm việc nhà, và phải chơi thể thao nhiều để có sức khỏe. Những năm tiểu học các con học tập cũng tàng tàng. Trong khi bàn dân thiên hạ người người được 9-10 điểm thì con nhà mình Toán Văn Anh đì đẹt 7-8 điểm, thậm chí có bài 4-5 điểm.
Mình vẫn bình tâm với thành tích của con, không nao núng cho con đi học thêm để chiếm mất thời gian lao động, hoạt động thể chất hay cùng bố mẹ giúp đỡ những người khác. Bởi mình đây cũng là nền tảng của học tập.
2. Phải hiểu cuộc sống này chính là một trường học lớn
Đây là trường học miễn phí nhưng lại mang lại nhiều giá trị cho con cái chúng ta. Vì vậy đừng bao giờ tách con ra khỏi xã hội thực, ngược lại hãy dùng chính cuộc sống đó, bối cảnh sống đó để dạy cho con.
Nhiều người đưa con vào các môi trường quốc tế, học nhiều thứ rất cao siêu, rất Tây nhưng đến khi quay trở lại đời sống thực lại cảm thấy khó hiểu, không chấp nhận được sự khác biệt văn hóa giữa Tây và Ta, kém thấu hiểu. Thậm chí trẻ sang đến Tây cũng khó hòa nhập, vì học trường quốc tế tại Việt Nam cũng là một mô hình mô phỏng cuộc sống mà thôi. Cuối cùng, những trường hợp đi rồi phải về, về rồi lại thấy mình không thể chấp nhận được xã hội Việt Nam, loay hoay không biết mình thuộc về nơi nào cũng nhiều lắm mà ít ai chia sẻ tâm tư thực đó.
Nếu con bạn ở tỉnh, những ngày đi lao động trồng cây, làm nông, đi bán đồ ở chợ tỉnh cho bố mẹ cũng là học, những bài học quý giá mà các bạn trường phố phải trả tiền chỉ để đi trải nghiệm 1-2 lần 1 năm. Trong khi con mình thì ngày ngày được tiếp xúc.
Mấy cái học trên trường đa phần là kiến thức, các kỹ năng muốn có phải thực hành nhiều mới hình thành, mà đi làm cần đạo đức và kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc khác chứ không chỉ cần mớ kiến thức đó. Việc học ở trường rất hiếm khi giúp hình thành kỹ năng cho đời sống thực cho chúng ta. Vì vậy đừng nghe mấy cái chương trình học vài tháng hay 1 năm mà nghĩ con ta ra đời sẽ có kỹ năng làm việc hay kỹ năng xử lý vấn đề trong đời sống thực.
"Việc học ở trường rất hiếm khi giúp hình thành kỹ năng cho đời sống thực cho chúng ta. Vì vậy đừng nghe mấy cái chương trình học vài tháng hay 1 năm mà nghĩ con ta ra đời sẽ có kỹ năng làm việc hay kỹ năng xử lý vấn đề trong đời sống thực".
Con phải học cả đời người thông qua sự dẫn dắt của người lớn mà đặc biệt là cha mẹ để mà hình thành kỹ năng này.
Do đó, nhà mình luôn nói mọi việc ở cơ quan với con, chia sẻ từng tình hình, từng nỗi lo của bố mẹ với cuộc sống, với công việc, với vấn đề gia đình rồi cả niềm vui nỗi buồn với con để con ngấm từng ngày và thực hành từng ngày các kỹ năng đó.
Đến lớp đánh nhau, đến lớp bị cô không yêu, cô mắng, đến lớp bị sao đỏ bắt nạt, đến trường bị mời mua hàng rong ngoài đường, rồi bị dụ bỏ học chơi điện tử, rồi bạn vay tiền khi bạn túng.... Tất cả đều là đời sống, là thứ con cần học để vượt qua.
Nếu tinh ý bạn sẽ thấy mọi sự việc xảy ra trong cuộc sống đều là các bài học lớn cho chính chúng ta và với con. Bố mẹ hãy tập nhìn ra các giá trị trong cuộc sống của mình và từ đó hướng dẫn con nhận thấy các giá trị tương tự, xem các khó khăn con phải đối mặt là cơ hội để học cách giải quyết vấn đề. Đó mới là chương trình học hoàn hảo nhất, tốt nhất hơn mọi chương trình quốc tế nào.
3. Hệ giá trị gia đình
Đây là yếu tố vô cùng quan trọng khi giáo dục một đứa trẻ. Khi mình cho con tham gia hội hướng đạo sinh của Mỹ, bản thân chương trình này đòi hỏi người tham gia phải tuân thủ các lời tuyên thệ, các điều lệ của hội, phải nuôi dưỡng các phẩm chất cho con theo tinh thần của hội. Ngoài việc các con được hướng dẫn trực tiếp dưới các leader là các bác sống và yêu thích các hệ giá trị đó, mình được các phụ huynh Mỹ trong nhóm hướng dẫn gia đình cần có các hoạt động chung với nhau và bố mẹ cần theo đuổi một hệ giá trị nào đó.
Con trai lớn của chị Hồng Liên đang thuyết trình tại lớp học tại trường nội trú CAT, Boston, Mỹ.
Như nhà mình thì mình lựa chọn hệ giá trị là: Sống tử tế với mọi người và mọi vật xung quanh, cố gắng không gây hại cho ai, giúp mọi người nhiều nhất có thể, đồng thời hướng tới nhận diện quy luật vận hành của tâm lý bản thân và biết cách điều chỉnh nội tâm.
Hệ giá trị này sẽ làm thay đổi cách mình tổ chức sinh hoạt gia đình, cách mình tổ chức các chuyến vui chơi. Gia đình mình cũng luôn có những hoạt động chung như: Ngày nào cũng ăn sáng và xem thời sự cùng nhau, nói chuyện rôm rả trước khi cả nhà đi làm, đi học. Cuối tuần luôn dành thời gian cho nhau và cùng nhau đi chơi, đi ăn, đi làm thiện nguyện. Bên cạnh đó, luôn dành thời gian riêng tư để mọi người đọc sách hay suy ngẫm và tự hướng về nội tâm của chính mình.
4. T rải nghiệm thực tế
Ngoài việc đưa con đi các nơi và trải nghiệm các hoạt động trong nước như là picnic hay du lịch đến các vùng miền 1 năm 1 lần thì mình cũng có tự tổ chức cho các con đi phượt nước ngoài. Các con tham gia đủ các chương trình giao lưu học sinh tại Úc, đi phượt tại Nhật, đi trại Hè Mỹ, thi liên hoan âm nhạc Khu vực châu Á Thái Bình Dương; rồi thi tranh biện World scholar cup; đi làm thiện nguyện như dạy trẻ em mồ côi trong chùa tiếng Anh, đến viện thăm các em nhỏ.... Mỗi năm đi 1-4 lần tùy điều kiện.
Tất cả mình đều tự mày mò, tự tìm đường 15 năm nay. Mình đã lục tung tất cả các diễn đàn, các hội nhóm dạy con để đồng hành với con, mình đọc rất nhiều, áp dụng có sai, có đúng rồi lại điều chỉnh.
Nhưng cuối cùng mình rút ra là điều kiện khó khăn thế nào rồi cũng sẽ có cách khắc phục, trong hoàn cảnh dù không thuận lợi đến đâu cũng tiềm tàng sẵn các bài học vô giá và có cơ hội trong đó. Chuyển từ nghịch cảnh sang cơ hội là một bài học lớn mà chính cha mẹ có thể dạy cho con thông qua những khó khăn của mình.
"Chọn trường cấp 1 chỉ cần gần nhà, không áp lực cho các con và phụ huynh, nhiều hoạt động thể thao thì càng tốt, có phát triển kỹ năng và đạo đức thì càng tuyệt. Và quan trọng nhất là hợp túi tiền, đừng vì lo học phí mà quần quật kiếm tiền áp lực rồi lại không có thời gian bên con. Trường tư cũng tốt và công cũng không tệ. Cấp hai chọn trường chú trọng nề nếp, kỷ luật, học hành nghiêm túc, cấp 3 hướng nghiệp ngoài chương trình học mới là quan trọng.
Cuối cùng nếu khó khăn khi tìm kiếm kiến thức cho con, các phụ huynh có thể tìm đến các chương trình online, giờ các thầy cô Việt Nam cũng dạy online, các thầy cô nước ngoài cũng dạy online. Ngoài việc học online với giáo viên thì bố mẹ có thể cho con học các chương trình học online với các bài giảng đã ghi hình từ trước. Điều này không chỉ nhìn nhận vào xã hội con đang sống mà còn có cơ hội được học tập những kiến thức của một quốc gia khác.
Hãy bắt tay vào hành động ngay lúc này và cơ hội cho con bạn sẽ mở ra ngay khi bạn bắt tay vào hành động, áp dụng lại những gì đã được người đi trước chia sẻ, khó đến đâu hỏi mọi người đến đó sẽ ra con đường cho bản thân và cho con", chị Liên chia sẻ.
Vấn đề nhiều cha mẹ gặp phải: Cho con học Tiếng Anh, thấy con chơi vui thì quên bẵng mục đích thực sự "Học vui" cũng cần, nhưng chỉ là yếu tố phụ. Mục tiêu chính vẫn là chất lượng của việc dạy học sao cho bé tiến bộ và có kết quả. Mà kết quả phải được định lượng rõ rệt, theo từng mốc thời gian: tháng/ quý/ năm. Chị Phạm Hương (TP.HCM) có bằng Thạc sĩ ngành Marketing Quốc tế của trường EU-Thụy Sĩ....