Cô giáo Nghệ An đề xuất giải pháp chấm dứt dạy, học theo văn mẫu, bài mẫu
Đổi mới từ cách dạy, cách học, cách ra đề thi mới nhịp nhàng. Nếu chỉ kêu gọi cơ sở đổi mới nhưng cách ra đề của Bộ vẫn như cũ thì rất khó làm thay đổi thực trạng
Tại tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã lưu ý ngành giáo dục: Riêng với môn Ngữ văn, cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu, giáo viên Trường Trung học phổ thông Quỳnh Lưu 2, tỉnh Nghệ An (Ảnh N.V)
Có thể nói, chuyện giáo viên dạy theo văn mẫu, học sinh học thuộc văn mẫu đã trở thành căn bệnh thâm căn cố đế của ngành giáo dục chúng ta hiện nay. Vì thế, để xóa bỏ thói quen học và dạy văn thế này, chắc chắn không phải là điều đơn giản và rất khó thực hiện nếu không có cuộc đổi mới đồng bộ từ trung ương đến địa phương
Vì sao giáo viên và học sinh phải dạy và học theo văn mẫu, bài mẫu
Người viết bài đã có cuộc trò chuyện với cô giáo Nguyễn Thị Thu, giáo viên Trường Trung học phổ thông Quỳnh Lưu 2, tỉnh Nghệ An về vấn đề này.
Trước khi đưa ra những giải pháp, cô giáo Nguyễn Thị Thu đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy và học theo văn mẫu, bài mẫu trong các trường học hiện nay xuất phát cả 2 yếu tố: giáo viên và học sinh.
a/ về phía giáo viên
Trong thực tế, vẫn còn một số giáo viên ít chịu khó học hỏi để thay đổi, vẫn luôn ỉ lại khuôn mẫu. Dạy những cái có sẵn bao giờ cũng dễ dàng hơn dạy những điều mới. Một số khác (đặc biệt là giáo viên trẻ) chưa được trải nghiệm, cọ sát thực tế như đi chấm thi học sinh giỏi văn, chấm giáo viên dạy giỏi nên chưa mạnh dạn thay đổi để tiếp cận cái mới.
Tuy thế, giáo viên không chịu đổi mới phần nhiều là do học sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Thu lấy ví dụ: Ví như dạy lớp chọn, mình chuẩn bị cả tuần chỉ dạy 1 buổi thì hết kiến thức nên bắt buộc thầy cô phải chuẩn bị bài giảng kĩ, phải đọc nhiều, tìm hiểu nhiều. Dạy học sinh giỏi mà giáo viên không học thêm, không đầu tư có khi còn thua cả học trò.
Nhưng với học sinh không chịu học, không cần học thường giáo viên cũng chẳng cần chuẩn bị kiến thức, chỉ tìm cách để các em nghe, hiểu và nắm cách làm để không bị điểm thấp là đủ rồi.
Học sinh không đam mê, không thích học nên mình nói nhều cũng không lọt vào tai lại phí công chuẩn bị. Giáo viên lên lớp không cần soạn bài, không cần đọc thêm vì những học sinh này có chịu học đâu mà cần phải mới? Có em không đầu tư môn nào cũng không muốn học.
b/ về phía học sinh
Có những học sinh không biết gì, không ham học, không đam mê học và cả không thèm học. Gặp những học sinh thế này, buộc giáo viên phải dạy theo khuôn mẫu. Thường thì thầy cô phải cho những em này học thuộc lòng để chép vào bài cho có điểm.
Đó có thể là, một nguyên mẫu mở và kết bài về thơ, văn, để khi gặp đề bài nào cũng có thể chép vào được. Học thuộc để chép chứ không hề có cảm xúc vì căn bản các em không đam mê, không cần học.
Học sinh không chịu học được phân thành 2 nhóm. Những học sinh không thích môn học này vì chính các em đang dồn sức cho những môn học sẽ thi đại học.
Nhóm 2 là những em thật sự không biết gì, đến gần ngày thi vì sợ điểm thấp mới quay cuồng tìm cách học đối phó. Đã có lần, gần đến ngày thi có em đến nhờ cô dạy cho ít buổi.
Em nói mình không biết gì. Để giúp học sinh trong tình thế cấp bách thế, cô giáo đã phải ngồi ôn lại những kiến thức trọng tâm, phải lựa chọn đề để đối thoại và bày cho em cách làm bài tránh bị điểm liệt.
Cô giáo nói buộc phải hướng dẫn cái gì dễ hiểu nhất như việc cho khuôn mẫu để làm văn như cách làm mở bài, kết bài, còn thân bài vào đó thì tùy cơ mà ứng biến. Nhiều giáo viên đã không chịu tìm tòi, học hỏi cũng bởi thường xuyên dạy những đối tượng này. Vì có học hỏi, có đầu tư, có cháy hết mình trong bài giảng nhiều em cũng không nghe nên chán.
Những giải pháp chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò
Thứ nhất , giáo viên phải có tâm với nghề, biết đối tượng học sinh để khai thác độ đam mê về văn, phải biết khơi gợi cho các em yêu môn học chứ không nên chê bai để làm mất nguồn cảm hứng của các em, phải thực sự thu hút, thuyết phục học trò bằng những bài giảng hay.
Thứ hai , Ban chuyên môn nhà trường phải nắm được nguyện vọng của từng học sinh. Như ước muốn học khối nào? Có thế mạnh môn học gì? (dù điều này rất khó, như xem học bạ cấp 2, xem điểm thi vào 10, xem đơn nêu nguyện vọng của từng em).
Tránh xảy ra tình trạng xếp không đúng lớp, đúng ban để có em học gần hết lớp 12 mới xin chuyển ban, chuyển khối.
Video đang HOT
Nắm bắt đúng tâm tư nguyện vọng của học sinh để xếp cho các em học đúng lớp là cách không ép học trò và không ép mỗi giáo viên. Nếu một lớp, học sinh có lực học đều thì cả thầy và trò đều cảm thấy thoải mái.
Thứ ba , phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh học sinh, điều này là cần thiết và vô cùng quan trọng. Ví như bố mẹ thích cho con học lớp này, khối này mà con lại không thích và ngược lại.
Giáo viên phải là người nói chuyện trực tiếp với phụ huynh để thấu hiểu và cùng phối hợp cho con ngồi đúng lớp, đúng năng lực của các em, nhằm phát huy sự đam mê học tập.
Thứ tư , Bộ giáo dục cần đổi mới cách ra đề theo đúng hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học phát huy tính sáng tạo của học sinh.
Đổi mới phải từ cách dạy, cách học, cách ra đề thi thì mới nhịp nhàng. Nếu chỉ kêu gọi mình cơ sở đổi mới nhưng cách ra đề, cách chấm văn của Bộ vẫn như cũ hoặc không có sự đổi mới nhiều thì rất khó làm thay đổi thực trạng. Hành trình đổi mới phải từ trung ương rồi đến địa phương mới thật sự hiệu quả.
Tôi và những nhà giáo yêu nghề hoàn toàn đồng tình với Bộ trưởng
Loại bỏ văn mẫu lúc này quả là việc khó nhưng không phải không làm được.
LTS: Quý bạn đọc và các thầy cô đang theo dõi một bài viết của thầy giáo Nguyễn Văn Lự, đến từ Vĩnh Phúc.
Ở bài này, thầy Lự với tư cách là giáo viên dạy văn đã bày tỏ quan điểm đồng tình với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về loại bỏ bài văn mẫu trong dậy ngữ văn bậc phổ thông.
Để làm được, cần thay đổi từ thầy cô, học trò cho đến khảo thí.
Thầy Lự cho rằng, dù khó, nhưng nhất định làm được.
Bộ Trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu vấn đề cần sớm loại bỏ văn mẫu trong Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai năm học mới 2021-2022 là một tín hiệu đáng mừng cho dân trí nước ta.
Quy trình đề Ngữ văn mẫu, dạy theo văn mẫu, chấm bài theo văn mẫu, đánh giá theo điểm thi là mảnh đất phì nhiêu cho văn mẫu sinh sôi và kéo nhiều thứ ăn theo phát triển.
Là người gắn bó gần 4 chục năm dạy Ngữ văn Tung học phổ thông, tôi và một số người yêu nghề hoàn toàn đồng tình với Bộ trưởng nhưng loại bỏ văn mẫu lúc này quả là việc khó nhưng không phải không làm được.
Đề thi mẫu, bài văn mẫu
Thi thế nào học thế ấy, học để thi và nếu thay đổi về thi thì toàn hệ thống dạy và học buộc phải thay đổi.
Thi tuyển sinh vào 10 mỗi tỉnh một phương thức, một kiểu đề Ngữ văn và thầy trò buộc phải đổi theo là một ví dụ.
Một thời hoàng kim cứ ôn là trúng của Bộ đề thi Đại học, cao đẳng theo khối luyện thi cấp tốc, rồi đổi thi cụm, thi 1 vòng rồi 2 vòng, thi chung, thi đại học riêng và thi "2 trong 1" với nhiều thay đổi về xét tuyển sinh như bây giờ.
Hình thức thi tự luận Ngữ văn không thay đổi, nhưng nội dung đề và cách hỏi thay đổi theo thời gian làm bài từ 180, 150 và 120 phút và đề thi theo đối tượng học sinh học chương trình phân ban, bổ túc -giáo dục thường xuyên hay phổ thông.
Công bằng mà nói, đề Ngữ văn cũng đổi mới theo sự thay đổi về thi chủ yếu thay đổi cấu trúc đề.
Do một mục tiêu tốt nghiệp trung học phổ thông hay mục tiêu kép tốt nghiệp và tuyển sinh đại học; do áp lực chỉ tiêu tốt nghiệp và theo đối tượng học sinh, cho nên đề Ngữ văn tự do và sáng tạo chỉ dành cho thi học sinh giỏi.
Mặt khác, đội ngũ giám khảo Ngữ văn cũng còn nhiều bất cập chưa thể đáp ứng yêu cầu chấm theo đề tự do và sáng tạo.
Câu nghị luận văn học 5 điểm không thể thay đổi hàng chục năm là vì thế.
Người viết đã cộng tác làm đề Ngữ văn cho Sở rất thấm thía chân lý: đề an toàn, chuẩn đúng nội dung kiến thức, kỹ năng và phải theo cấu trúc truyền thống.
Thực tế, đề thi cấp quốc gia thế nào thì đề thi cấp tỉnh và cấp trường cứ dựa theo đó mà làm, theo đó dạy và học, mục đích là điểm càng cao càng tốt! Ngân hàng đề Ngữ văn luôn sẵn và phục vụ thượng đế thầy và trò 24/24, theo hình thức cho không hoặc trả phí, hoặc chia sẻ bạn bè hay nhóm...
Đề Ngữ văn mẫu kèm theo dàn bài và bài viết đủ loại, đủ phong cách thượng vàng hạ cám, tràn ngập từ thư viện trường đến giá sách cá nhân của thầy và trò như tác giả Thanh An viết trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. [1]
Thầy cô và văn mẫu
Học Ngữ văn bây giờ để thi, để lên lớp từ cấp Tiểu học đến sau đại học chứ đâu phải học văn là học cách đọc hiểu, cách tư duy, nói và viết để làm Người.
Hệ quả của phân ban, học lệch từ sau 1995 đã làm cho nhiều thế hệ học sinh thờ ơ hoặc bỏ qua tiếp nhận tri thức tiếng Việt và đọc văn, gọi chung là môn Ngữ văn.
Những hạn chế của kiểm tra đánh giá, gian lận thi, phao thi và khâu chấm thi Ngữ văn, cứng nhắc và nhẹ nhàng, đã làm cho văn mẫu đắt hàng và phát triển.
Đội ngũ nhà giáo quan trọng nhất ở Tiểu học lại là sản phẩm của học lệch.
Không ít thầy cô không biết viết văn, chỉ học Tự nhiên là thầy cô dạy cả Toán và Tiếng Việt.
Học sinh học thuộc 10 bài mẫu để thi hết lớp 5 và thầy cô chấm theo văn mẫu, em nào theo đúng văn mẫu điểm cao và ngược là điều không ai còn nghi ngờ nữa.
Nhiều người học khá giỏi hoặc toàn diện chê ngành Sư phạm.
Bài toán năng lực và trình độ, kỹ năng sư phạm Ngữ văn nói riêng của đội ngũ nhà giáo vẫn rất nan giải.
Số liệu hùng hậu nhà giáo đạt chuẩn và trên chuẩn chỉ là những con số hoàn hảo.
Những chuyện bi hài về đạo văn, thảo văn bản pháp quy nhiều lỗi vẫn sẽ chưa biết chấm hết khi nào.
Những thầy cô Ngữ văn nỗ lực làm đề mới, dù theo cấu trúc truyền thống, vẫn rất hiếm.
Rất nhiều lý do, thầy cô vẫn dùng đề mẫu có sẵn để dạy và đánh giá học sinh.
Không cần chỉnh sửa một từ, dù cũ hay mới, dạy và bắt học trò học thuộc với lý do "em không biết viết văn thì chỉ còn một cách là học thuộc!".
Nhưng sao thầy cô lại không dạy các trò cách đọc hiểu, và viết văn, có phụ huynh nêu vấn đề như vậy. Câu trả lời khá ổn: "các em mất gốc rồi, chúng tôi không thể dạy lại từ đầu".
Cũng nhiều thầy cô dạy học trò học hiểu, tự làm bài thi và không chấm bài theo văn mẫu.
Rốt cuộc, chẳng may thi thật điểm thấp, nhẹ thì được nhắc nhở và năm sau dạy đối tượng khác.
Quy trình đề Ngữ văn mẫu, dạy theo văn mẫu, chấm theo văn mẫu, đánh giá theo điểm thi là mảnh đất phì nhiêu cho văn mẫu sinh sôi và kéo nhiều thứ ăn theo phát triển.
Đành rằng, đề mẫu, văn mẫu dùng để thầy và trò tham khảo, theo tôi là cần thiết. Nhưng dùng đề mẫu, dạy học sinh học thuộc và làm/viết bài đúng đề mẫu mới đạt điểm khá tốt là điều tồi tệ nhất.
Học trò và văn mẫu
Những em yêu thích và học tốt Ngữ văn cũng đều dựa theo văn mẫu và tài liệu để học và làm bài.
Đọc nhiều, nhớ nhiều cũng là cơ hội để đạt điểm cao Ngữ văn.
Khuôn thước của đề và cách chấm bài Ngữ văn theo văn mẫu đã hạn chế rất nhiều khả năng sáng tạo, đổi mới của học sinh.
Học sinh dù thích học hay không cũng không thể thoát ly văn mẫu.
Thí sinh chuẩn bị làm bài thi. Ảnh: Văn Lự
Chưa có nhiều học sinh dám mạo hiểm đổi mới và sáng tạo với cách hiểu và viết khác lạ đôi khi trái với Hướng dẫn chấm chính thức. Các em chỉ được chấp nhận khi gặp được thầy cô giỏi và tâm huyết với bộ môn.
Không ít học sinh các cấp nếu không dựa văn mẫu không biết viết gì vào bài. Từ lớp 1, các trò đã biết dùng văn mẫu, nhất là từ khi có internet hỗ trợ.
Hàng chục thế hệ học sinh làm theo văn mẫu đang làm việc trong xã hội, rất lúng túng khi viết bài luận, khi trao đổi và trình bày.
Hàng chục thế hệ học sinh đang làm thầy cô giáo tự nhận không biết viết văn, không thích đọc văn, không biết viết đơn hay văn bản nào đó nếu không có mẫu hoặc người hướng dẫn.
Đó là kết quả của lối học vẹt, học thuộc lòng, viết theo văn mẫu, điểm cao mà thiếu hiểu tiếng mẹ đẻ và văn chương của nước ta.
Đề thi thay đổi, văn mẫu sẽ về đâu
Chúng ta đã làm phao thi biến mất bằng hình thức thi trắc nghiệm.
Môn Ngữ văn, phần Đọc hiểu và viết đoạn nghị luận xã hội cũng loại bỏ được phao thi. Chỉ còn câu nghị luận văn học 5 điểm vẫn còn cơ hội cho phao thi.
Hơn chục tác phẩm văn xuôi và thơ đào xới mấy chục năm, bố mẹ thi rồi đến con thi.
Dù có hỏi cách mới thì cũng vẫn áp văn mẫu vào được, chỉ cần viết không sai tên tác giả và tác phẩm, có nhiều chữ là ổn.
Việc chấm thi, làm đẹp điểm và xem nhẹ yêu cầu hành văn, chính tả, dùng từ, và ngữ pháp của thầy cô lâu nay cũng cần được đánh giá và chấn chỉnh.
Trong năm mới này 2021-2022, theo đề xuất của Bộ Trưởng Nguyễn Kim Sơn, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục nên sớm công bố cấu trúc đề Ngữ văn tốt nghiệp, phần nghị luận theo hướng tự do và sáng tạo đã nêu rõ trong Chương trình Ngữ văn 2006 và thực hiện thống nhất ở các cấp học trong toàn quốc.
Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục nên cơ cấu lại điểm bài thi tốt nghiệp, hoặc cấu trúc phần II tự luận theo hướng hai đề chọn 1, nghị luận văn học và nghị luận xã hội với tỉ lệ điểm hợp lý để khuyến khích sự sáng tạo của thí sinh.
Tôi rất đồng tình với cấu trúc đề Ngữ văn vào lớp 10 của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh gần đây.
Đề thi Ngữ văn của Hà Nội năm 2021. Nguồn: laodong.net
Trong 4 năm quá độ sang Chương trình mới 2018, để môn ngữ văn có thể xóa tác hại của văn mẫu là việc lâu dài và khó khăn nhưng không phải không làm được.
Thay đổi đề thi là cách hiệu quả nhất để thay đổi lối tư duy, giảng dạy và học tập, lối viết và nói theo văn mẫu, tài liệu mẫu hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thua-bo-truong-xoa-bo-van-mau-phai-bat-dau-tu-khao-thi-post220217.gd
Từ yêu cầu mới nhất của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cần thẳng tay dẹp bỏ nạn văn mẫu ! "Văn mẫu" là một trong những thứ có sức tàn phá dữ dội nhất đối với chất lượng môn văn trong nhà trường phổ thông của Việt Nam nhiều thập kỷ qua. Việc "chấm dứt" nó là một yêu cầu đúng đắn và cấp thiết. Ngay sau Hội nghị trực tuyến về Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm...