Cô giáo miền cao thương quý học trò, đồng nghiệp
Công tác ở một nơi sâu xa, cô giáo Bùi Thị Hồng Hạnh ( trường THPT Hòa Bình, Chi Lăng, Lạng Sơn) không nghĩ nhiều đến khó khăn mà chỉ càng thấy mỗi ngày lại thêm thương quý học trò, đồng nghiệp.
Cô giáo Bùi Thị Hồng Hạnh tặng quà cho học sinh
Là người con dân tộc Nùng của vùng đất Chi Lăng, được về công tác tại trường THPT Hòa Bình từ năm 2009, cô giáo Bùi Thị Hồng Hạnh hạnh phúc khi được gắn bó với quê nhà. Mặc dù phải đi làm xa nhà với khoảng cách hơn 12km, nhưng với cô Hạnh thì điều đó cũng không phải vấn đề nếu so với niềm vui được dạy học, được đồng hành với các lứa đàn em.
Thực tế, trường THPT Hòa Bình là một trong những trường THPT đặt ở địa bàn khó khăn bậc nhất của tỉnh Lạng Sơn. Cách trung tâm thị trấn huyện Chi Lăng hơn 13km, giao thông chủ yếu là đường bê tông và đường đất, thầy và trò nhà trường có một sự cách biệt nhất định, thiếu nhiều tiện ích cần thiết để tiếp cận với điều kiện dạy học hiện đại.
Theo cô Hạnh cho biết, đến hơn 98% học sinh ở đây là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều nhất là dân tộc Tày, Nùng. Do điều kiện cuộc sống còn nghèo khó, nhiều hộ gia đình chưa đủ sự quan tâm, hỗ trợ cho con em trong việc học hành. Rất nhiều em đi bộ mấy cây số đi học, về nhà là lại làm nương làm đồi hộ bố mẹ.
Như nhìn nhận của cô Hạnh, cũng vì môi trường và điều kiện miền núi, học sinh nhà trường khá yếu về hiểu biết xã hội, kĩ năng sống. Để khắc phục điều này, bản thân cô Hạnh thường phải lồng ghép các nội dung giáo dục kĩ năng vào các hoạt động như giờ sinh hoạt, giờ học môn Địa lý, các hoạt động tập thể của Chi Đoàn thanh niên, chuyên đề ngoại khóa…
Trăn trở về học trò của mình, cô Hạnh nhấn mạnh: “Điều mà bản thân tôi luôn mong muốn và quan tâm nhất là hs của chúng tôi sẽ trở thành những con người “giàu có” về ý chí và nghị lực, bởi vì khi chúng ta không chùn bước thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua, tôi mong các em sẽ luôn thành công trong cuộc sống.
Nhiều lúc nhìn các em thương lắm, chúng tôi cứ phải bảo từng li từng tí. Từ việc đi đường thế nào cho an toàn, giao tiếp trò chuyện sao cho đúng cho hay…, các cô đều phải sát sao chỉ bảo. Lo nhất là làm sao để các em có những kĩ năng cần thiết để chuẩn bị bước vào tuổi trưởng thành. Các em rất tình cảm, nghe lời thầy cô, nên chúng tôi rất vui” – cô Hạnh bày tỏ.
Video đang HOT
Cô giáo Bùi Thị Hồng Hạnh (áo trắng) và đồng nghiệp cùng trường Nguyễn Thị Lệ – nhân vật trong bài viết về tấm gương nhà giáo tâm huyết sáng tạo
Thương quý học trò bao nhiêu, cô Hạnh lại càng thấu hiểu và trân trọng sự nỗ lực của đồng nghiệp trong trường bấy nhiêu. Các thầy cô giáo ở đây cùng lúc gánh nhiều “vai”, không chỉ lo việc lên lớp giảng dạy, mà còn thường xuyên phải đến tận nhà để “kéo” các em quay trở lại trường học tập. Truyền đạt kiến thức để các em ở đây học tốt dần lên đã là một cái khó, thì việc trao đổi thuyết phục với gia đình để các em quay lại trường học còn khó hơn.
Bản thân là người dân tộc thiểu số, là người con bản địa, tự thấy mình có thể “quen” với những thiệt thòi vất vả nơi đây, cô Hạnh dành nhiều sự trân trọng, nể phục cho những đồng nghiệp của mình, nhất là những giáo viên trẻ, những giáo viên từ miền xuôi lên và gắn bó lâu dài. Chính vì vậy, những “tấm gương” trong tâm trí cô Hạnh không phải một nhà giáo ở đâu xa vời, mà chính là những đồng nghiệp cùng trường vẫn sống và làm việc ở ngay bên cạnh mình hằng ngày.
“Các đồng nghiệp của tôi cứ lặng lẽ, miệt mài, gắn bó, hỗ trợ nhau. Trân trọng lắm. Khi chia sẻ với học sinh, bao giờ tôi cùng nói về những câu chuyện của chính các thầy cô giáo hằng ngày đang dạy dỗ các em, lấy đó làm tấm gương để lan tỏa một cách vừa tự nhiên, vừa thuyết phục trong suy nghĩ của học trò. Chẳng có gì ý nghĩa bằng những việc làm, những con người tốt đẹp ngay bên cạnh mình” – cô Hạnh bày tỏ.
Cũng từ tình cảm sâu sắc ấy, trong cuộc thi viết về những tấm gương nhà giáo tâm huyết sáng tạo, cô Hạnh đã chọn nhân vật cho bài viết của mình là đồng nghiệp cùng trường – cô giáo Nguyễn Thị Lệ, một giáo viên từ miền xuôi lên và gắn bó luôn với mảnh đất miền cao này.
“Ấn tượng lớn nhất của tôi về cô Lệ – đó là một cô gái nhỏ nhắn nhưng rất mạnh mẽ và nghị lực. Cô ở miền xuôi nhưng đã nguyện cống hiến tuổi trẻ của mình cho ngành giáo dục miền núi, đặc biệt là ngôi trường còn nhiều khó khăn như trường THPT Hòa Bình mà chúng tôi đang công tác” – cô Hạnh chia sẻ về nhân vật mà mình yêu quý, ngưỡng mộ.
Dành tất cả sự trân trọng, thương quý cho đồng nghiệp, cô Hạnh luôn lấy họ làm tấm gương để bản thân tiếp tục tự trau dồi, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ vừa “dạy chữ” vừa “dạy người” của mình.
“Cô Hạnh là một giáo viên lúc nào cũng say sưa tìm tòi trong chuyên môn, lo lắng và trách nhiệm với các học trò, gắn bó và tận tình với đồng nghiệp. Việc cô Hạnh viết về tấm gương giáo viên trong chính ngôi trường mình đang công tác càng lan tỏa một cách thiết thực những câu chuyện ý nghĩa cho học trò”
Cô giáo Bế Thị Đoan Trang, Hiệu trưởng trường THPT Hòa Bình, Chi Lăng, Lạng Sơn
Cô giáo người Nùng 'gieo chữ' ở miền Đông đất đỏ
Về xã vùng xa Tân Phước của huyện Phú Riềng (Bình Phước), nhiều thế hệ học sinh từng học ở đây vẫn còn nhớ như in người "lái đò" tận tụy - cô giáo Mã Trà Quyên (42 tuổi), Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trần Phú.
Cô Mã Trà Quyên đã trở thành tấm gương sáng về hình ảnh người giáo viên yêu nghề, mến trò. Ảnh: baobinhphuoc.com.vn
Hơn 13 năm công tác ở vùng đất đỏ miền Đông, cô giáo người dân tộc Nùng đã để lại hình ảnh người giáo viên yêu nghề, mến trò trong lòng nhiều lớp học sinh cũng như người dân địa phương nơi đây.
Những ngày cuối năm này, cô Mã Trà Quyên cùng các học trò lớp 5.1 đang miệt mài "luyện chữ" để bước vào kỳ thi học kỳ. Đức tính giản dị, mộc mạc, tận tình trong giảng dạy đã tạo nên hình ảnh riêng của cô ở Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trần Phú.
Cô Mã Trà Quyên sinh ra và lớn lên tại tỉnh Cao Bằng. Hơn 10 năm là giáo viên Trường tiểu học Cải Viên (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), năm 2008, cô Quyên chuyển công tác vào Bình Phước và theo nghề "gieo chữ" cho đến nay.
Trong giờ lên lớp cũng như cuộc sống ngoài đời, cô Quyên rất giản dị, hòa đồng, nên học sinh rất quý mến. Em Lê Quốc Khang, học sinh lớp 5.1 cho biết: "Trong các buổi học ở lớp, em cũng như nhiều bạn khi chưa hiểu bài thường hỏi liền để cô giảng giải cho hiểu hơn. Cô luôn chỉ bảo rất tận tình. Em rất thích thú khi đến tiết học của cô. Ngoài giờ trên lớp, cô hiền lành và tốt với mọi người."
Hơn 13 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người của tỉnh Bình Phước, trong đó có Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trần Phú, cô Mã Trà Quyên cần mẫn truyền đạt những kinh nghiệm, kiến thức của mình cho học sinh bằng cả trái tim, cả tấm lòng, hết mực quan tâm yêu thương học trò. Cô kiên trì, nhẫn nại, nỗ lực tìm tòi phương pháp mới sinh động, có hiệu quả để vận dụng vào việc giảng dạy sao cho học sinh hiểu bài và tiếp thu bài một cách nhanh nhất.
Cô Mã Trà Quyên bộc bạch: "Bản thân tôi là người dân tộc Nùng nên tôi cũng thấu hiểu những khó khăn của các em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Nên khi đứng lớp giảng dạy, đối với lớp học có nhiều học sinh dân tộc thiểu số, tôi luôn tạo cho các em vui vẻ hứng khởi khi đến lớp, tổ chức trò chơi cho học sinh trong những giờ ra chơi...
Trong quá trình giảng dạy, tôi mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm từ các thầy, cô đi trước, tích cực tham gia các cuộc thao giảng, dự giờ đồng nghiệp để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân, từ kinh nghiệm chuyên môn tích lũy hàng năm", cô Quyên chia sẻ thêm.
Cách truyền đạt của cô Quyên đã giúp học sinh hứng thú hơn khi đến lớp đến trường, đảm bảo được sĩ số, chưa năm nào có học sinh bỏ học. Cô đã giúp các em học sinh ôn luyện qua nhiều kỳ thi, có em đã đạt giải Nhất cấp huyện, giải Nhì cấp tỉnh khi tham gia giao lưu "Tiếng Việt của chúng em". Tiết mục tập thể của điểm trường cũng đạt giải Nhất cấp huyện, giải Khuyến khích cấp tỉnh...
Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trần Phú ở địa phương có 3 điểm trường, nhiều con em là người dân tộc thiểu số theo học, trong đó học sinh dân tộc S'tiêng chiếm hơn 48%. Do trình độ dân trí của một số phụ huynh chưa cao, đường xá đi lại khó khăn, một số học sinh tiếp thu chậm, kinh tế gia đình không ổn định... dẫn đến tình trạng học sinh không muốn đến trường.
Nhưng cô Quyên luôn gần gũi, thân thiện, lắng nghe các em chia sẻ về gia đình, mong muốn của bản thân, giúp các em "giữ lửa" bám trường, bám lớp. Bên cạnh đó, cùng với sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, Ban Giám hiệu nhà trường, cô luôn duy trì được sĩ số lớp, các em hào hứng trong học tập và rèn luyện.
Hơn 23 năm miệt mài "gieo chữ", cô Mã Trà Quyên đã mang tâm huyết, kiến thức, kinh nghiệm và tình yêu thương lan tỏa đến nhiều thế hệ học sinh. Tấm lòng nhân ái, tinh thần học hỏi, sáng tạo không ngừng, cũng như sự tín nhiệm của đồng nghiệp, lòng tin yêu của phụ huynh, học sinh đã và đang giúp cô tiếp tục "ươm mầm xanh" tương lai cho đất nước.
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trần Phú Tống Văn Ngữ cho biết: "Giáo viên của nhà trường chủ yếu là giáo viên trẻ nên nhiệt tình, tâm huyết, tham gia tất cả các hoạt động giảng dạy, giúp đỡ các em học sinh, tạo hứng thú để các em thích đến trường nhiều hơn, trong đó có cô Quyên. Cô có nhiều phương pháp giảng dạy hay, sống hòa đồng, vui vẻ với đồng nghiệp. Đặc biệt, cô Quyên đã thực hiện rất tốt việc vận động học sinh không bỏ học, góp phần cho trường ngày một đi lên, các em tích cực học tập hơn".
Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, cô Quyên đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Tháng 8/2020, cô Quyên vinh dự là một trong ba đại biểu của ngành Giáo dục được tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ nhất của huyện Phú Riềng. Đặc biệt, cô vinh dự là một trong 63 giáo viên được tuyên dương tại Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 tại Thủ đô Hà Nội.
Nhiều năm gắn bó với ngôi trường ở vùng sâu, vùng xa, cô Mã Trà Quyên rất vui khi được góp một phần công sức nhỏ bé của mình chắp cánh ước mơ cho học sinh trên bước đường tương lai. Không chỉ tâm huyết trong giảng dạy, cô còn nuôi dạy con chăm ngoan, học giỏi, gia đình văn hóa, xứng đáng là hình ảnh đẹp trong lòng nhiều thế hệ học sinh và phụ huynh.
Cô giáo Thái mang chữ đến bản Mông Hơn 16 năm miệt mài bám bản, bám trường, cô giáo Cà Thị Xuấn (Hiệu trưởng Trường Mầm non Sa Dung, xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) đã có không biết bao nhiêu kỷ niệm với đám trò nghèo. "Mẹ" hiền Cà Thị Xuấn chăm sóc cho trẻ từ bữa ăn... "Hồi 2006, một lần đến điểm bản em...