Cô giáo bảo xé vở
Con bé con học tiểu học phụng phịu kể với mẹ: Mẹ ơi, hôm qua bố mắng oan con. Mẹ nó hỏi chuyện, hóa ra đầu đuôi như sau: Bố phát hiện có quyển vở bị xé một trang. Bố liền điên lên.
Con bé sợ quá thưa rằng, cô giáo thấy con viết nhầm, dập xóa lung tung, cô bảo xé tờ đó đi viết lại. Bố không tin, càng bực…
Mẹ con bé, chính là cô bạn tôi, buồn bã nói với tôi: Anh ạ, hồi chúng em đi học, tối kị là việc xé vở. Nếu có viết sai hoặc dập xóa, thì chỉ được gạch đi, viết xuống dưới. Xé vở là một hành vi phản giáo dục. Một là, nó làm cho quyển vở bị xộc xệch, xé tờ này thì tờ khác liền với nó qua gáy sẽ bị nong ra. Hai là, xé vở chứng tỏ không tôn trọng chính quyển vở của mình. Phụ huynh phát hiện con xé vở thì thế nào cũng nghĩ con mình bị điểm kém mà xé vở. Bây giờ hóa ra cô giáo lại bảo nó xé vở, thế có chết không?
Tôi cũng giật mình. Quả thật nếu có một cô giáo như vậy, thì phải thấy đó là thảm họa của ngành giáo dục. Cô giáo, nhất là cô giáo tiểu học, là hình ảnh tiêu biểu của thế giới mà con trẻ đang hướng đến. Một hành vi xé vở, tự nó cũng là một hành vi phi giáo dục. Thế nhưng cô giáo lại vô tư mà dạy bảo nó, thật là tai họa vô cùng.
Video đang HOT
Tôi và cô bạn tôi phân tích thử, xem vì sao cô giáo lại bảo học trò xé vở. Có lẽ nguyên nhân dễ chấp nhận nhất là, để cho quyển vở của học trò phải “sạch, đẹp”. Hình như nhà trường có chỉ tiêu “vở sạch chữ đẹp” của học trò. Vậy thì, để được cái chỉ tiêu đó, cô giáo đã dạy học trò một biện pháp giả dối. Để được chỉ tiêu hình thức, cô giáo đã hy sinh thực chất của việc dạy làm người.
Từ việc cỏn con đó, nhìn ra khắp các hiện tượng xã hội, mới thấy giật mình kinh hãi. Hàng ngày chúng ta đi trên những con đường, mà cái nắp cống rất nham nhở. Làm đường, thì phải làm cái mặt đường tử tế, nhưng người ta lấy thành tích nghiệm thu đúng tiến độ mà quên một chỗ bé 1 mét vuông không cần làm tử tế. Hoặc công an có thể giật tung quang gánh một bà già bằng tuổi mẹ mình, chỉ để giải tỏa hè đường và cấm hàng rong. Hy sinh mục tiêu nhân bản, thực chất, chỉ vì một chỉ tiêu hình thức nào đó… Đó là hậu quả của câu chuyện phi sư phạm như là chuyện dạy học trò xé vở.
Ôi, không cái gì dạy học trò mà không có hậu quả, như là vun trồng một cái cây. Trồng kiểu gì, ra cây nấy.
Theo Hải Quan Online
Cần lắm tư vấn học đường !
"Đang giữa giờ học, một học sinh (HS) nữ khật khưỡng giữa sân trường với chai rượu trên tay. Tôi hỏi đi hỏi lại đến 6 lần, em vẫn không nói. Mãi sau đó, em mới òa khóc nức nở, cho biết em vừa chứng kiến phiên tòa xử ly hôn giữa ba mẹ em nhưng cuối cùng không ai chịu nuôi em cả... Em nói xong, cô và trò cùng ôm nhau khóc...".
Câu chuyện của bà giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận 12 - TPHCMkể trong hội thảo về tư vấn trường học mới đây khiến nhiều người có mặt tại hội trường hôm đó lặng đi vì xúc động. Nhiều băn khoăn, bất cập về công tác tư vấn trong trường học được đưa ra phân tích nhưng ai cũng thống nhất rằng muốn tư vấn cho HS trước hết hãy là những người bạn của các em với tấm lòng chân thành.
Sự việc một em HS lớp 2 ở Trường Tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi - TPHCM) bị giáo viên nghi lấy trộm tiền, rồi bị đưa đến công an xã giải quyết... gây sốc dư luận.
Điều đáng nói là theo giải thích của bà hiệu trưởng, chính giáo viên (GV) làm công tác tư vấn học đường của trường này đã "tham mưu" cho bà hành xử như vậy! Đó là cách tư vấn phản giáo dục và nguy hiểm hơn, nó gây sốc tâm lý thực sự với một em mới học lớp 2. Đáng buồn hơn là cách hành xử phản sư phạm ấy lại là của một GV tư vấn!
Cú sốc xảy ra ở Trường Tiểu học Trung Lập Thượng là lời cảnh báo về đội ngũ GV tư vấn trường học hiện nay đang thiếu cả tâm lẫn tầm.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, toàn TP hiện có hơn 5.000 trường tiểu học và THCS nhưng chỉ có 51 GV tư vấn chuyên trách, 157 GV kiêm nhiệm. Khối các trường THPT có 105 trường cũng chỉ có 53 GV chuyên trách tư vấn, 141 GV kiêm nhiệm.
Cá biệt, như ông Hồ Tấn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận 8, cho biết ông vừa phụ trách theo dõi nền nếp, kỷ luật HS vừa kiêm thêm nhiệm vụ của một GVtư vấn. "Chẳng HS nào dám tìm đến người phụ trách kỷ luật của trường để nhờ... tư vấn tâm lý cả nên phòng tư vấn của tôi vắng như chùa bà đanh!" - ông Hóa phát biểu.
Thực trạng ấy cho thấy công tác tư vấn trong trường học hiện nay đa phần chỉ là hình thức để đối phó và không thiết thực.
TS Đinh Phương Duy, Hiệu phó Trường Cán bộ TPHCM, nhìn nhận: Các vấn đề tâm lý của HS ngày càng phức tạp, đòi hỏi phải có người tư vấn chuyên nghiệp mới giúp đỡ các em hiệu quả.
Muốn vậy, không còn cách nào khác là phải chuẩn hóa đội ngũ GV tư vấn học đường. Nếu không, những chuyện đau lòng như ở Trường Tiểu học Trung Lập Thượng sẽ còn tiếp tục xảy ra.
Theo người lao động
Khi thầy hành xử phản cảm Hình ảnh người thầy đứng trên bục giảng luôn có tác động tích cực đến học sinh, truyền cảm hứng đam mê học tập cho người học. Ngược lại hình ảnh, tác phong thiếu chuẩn của người thầy cũng tác động xấu, khiến học sinh bức xúc. Chị P.C. có con đang học lớp 5 tại quận Tân Bình, TPHCM phản ánh: "Thầy...