Bài toán rợn người trong… sách lớp 1
Lưu hành trên thị trường 10 năm, tập sách Phép cộng trừ phạm vi 100 vừa được giới phụ huynh phát hiện có một ví dụ ở trang 11 gây rợn người: “Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi hai ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay”.
“ Bài toán rợn người” in tại trang 11 của sách. (Ảnh: L.Điền)
Bài toán còn có phần hướng dẫn giải tóm tắt và hình vẽ minh họa với hai bàn tay và hai ngón trỏ, giữa của bàn tay phải bị cắt rời bỏ sang một bên.
Nhiều phụ huynh cho rằng ví dụ trên đây rất phản cảm và phản giáo dục. Ðối với một quyển được ghi chú “dùng kèm với sách giáo khoa lớp 1″ thì việc lấy ví dụ minh họa cho một phép tính trừ bằng hình ảnh “nghịch dao làm cụt hai ngón tay” là không thể chấp nhận được.
Ðiều đáng nói là sách có tên tác giả: Hoàng Long, in logo Nhà xuất bản Trẻ, khung lưu chiểu ghi thời điểm cấp phép là tháng 7-2002, nộp lưu chiểu tháng 9-2003. Nhà xuất bản Trẻ khi nhận được thông tin đã lật lại hồ sơ giấy phép lưu trữ và phát hiện mã số giấy phép xuất bản ghi trên tập sách Phép cộng trừ phạm vi 100 thật ra là được cấp cho một bộ sách có tên khác:Học nhanh toán, gồm năm tập, thời điểm cấp cũng là tháng 7-2002. Giấy phép này thuộc loại kế hoạch B – tức được cấp cho đối tác liên kết thực hiện sách. Trong giấy phép từ mười năm trước còn ghi rõ tên đối tác liên kết là Hoàng Long – tác giả quyển sách nói trên.
Video đang HOT
Tại cuộc gặp mặt giữa NXB Trẻ và đại diện nhà sách Nguyễn Văn Cừ (thuộc Công ty Thành Nghĩa) vào sáng 8-6, thông tin về ai là người chịu trách nhiệm in ấn, lưu hành quyển sách này cũng chưa được làm rõ.
Ðặc biệt, NXB Trẻ vừa phát hiện cũng tập sách Phép cộng trừ phạm vi 100 này, đến năm 2011 đã được in với giấy phép của NXB Thanh Niên và có ghi tên công ty liên kết là Thành Nghĩa. Tuy nhiên, thông tin từ Công ty Thành Nghĩa vào chiều 8-6 là công ty này có mua bản quyền một số sách của ông Hoàng Long, riêng quyển Phép cộng trừ phạm vi 100 sẽ kiểm tra lại để xem có phải do Thành Nghĩa sản xuất hay không.
Mặc dù bìa 1 sách in rõ tên NXB Trẻ, nhưng sách này đã sử dụng giấy phép của một quyển khác. (Ảnh: L.Điền)
Ông Nguyễn Trường – đại diện chi nhánh NXB Thanh Niên tại TP.HCM – cho biết giấy phép của quyểnPhép cộng trừ phạm vi 100 thuộc danh sách do NXB Thanh Niên (ở Hà Nội) cấp. Tuy nhiên, ông Trường nêu khả năng trường hợp này có thể là sách in lậu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Nhựt – giám đốc NXB Trẻ – cho rằng còn một đầu mối cần phải làm rõ là bản sách năm 2002 có ghi in tại Xí nghiệp in Bến Thành. “Chúng tôi sẽ tìm hiểu cụ thể Xí nghiệp in Bến Thành đã in quyển sách này theo giấy phép nào và thông tin tiếp tục cho dư luận”. Ông Nhựt cho biết việc NXB Trẻ không cấp phép cho một quyển sách có nội dung phản giáo dục, nhưng sách này khi ấn hành đã in tên, logo NXB Trẻ lên bìa sách và mạo ghi giấy phép của NXB Trẻ vào khung lưu chiểu là xâm phạm uy tín của NXB. “Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ kêu gọi các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra để làm rõ” – ông Nhựt khẳng định.
Tác giả không nhớ sách… của mình Chiều 8/6, tác giả Hoàng Long có thư trả lời NXB Trẻ cho biết năm 2002 ông có “liên kết với NXB Trẻ in bộ sách toán dùng cho lớp 1… Vì lâu quá rồi tôi không còn nhớ bộ sách đó mấy cuốn và tên mỗi cuốn đó là gì… Vì tuổi tác cao không còn minh mẫn nữa”. Và trong thư ông Long có đoạn: “Ðến năm 2003-2004 gì đó tôi cũng không nhớ rõ, theo nhu cầu nhà sách Thành Nghĩa có mua lại toàn bộ bản quyền số sách mà tôi đã viết gồm có: số sách đã in và chưa in, tác giả do tôi đứng tên. Trong đó có bộ sách toán dùng cho lớp 1, do NXB Trẻ cấp giấy phép… Coi như bộ sách toán dùng cho lớp 1 này tôi không còn giữ bản quyền và cũng không còn trách nhiệm nữa”. Như vậy, “bộ sách toán dùng cho lớp 1″ mà ông Hoàng Long nhắc đến trên đây rất có thể là bộ Học nhanh toán gồm năm tập mà NXB Trẻ đã cấp phép hợp pháp. Còn quyển Phép cộng trừ phạm vi 100 này có phải do chính ông soạn ra hay không thì vẫn chưa xác định được.
Theo Lam Điền
Tuổi Trẻ
Thần đồng 16 tuổi giải "bài toán 350 năm" của Newton
Cậu học trò 16 tuổi Shouryya Ray đã làm cả thế giới sửng sốt khi công bố tìm ra lời giải cho bài toán "huyền thoại" của Issac Newton từng khiến các nhà khoa học bó tay suốt 350 năm qua.
Sau khi công bố đáp án, Ray đã được báo chí tung hô và ca ngợi là một &'thiên tài'. Cậu học sinh đến từ Dresden, nước Đức, đã giải quyết 2 lý thuyết cơ bản về động lực học phân tử mà các nhà vật lý và toán học trước đây chỉ có thể tính toán bằng việc sử dụng máy tính hiện đại.
Lời giải được đưa ra bởi Ray đồng nghĩa với việc giờ đây các nhà khoa học có thể tính được đường bay của một quả bóng ném và dự đoán việc nó sẽ đập vào tường và bật trở lại theo cách như thế nào.
Cậu học trò 16 tuổi Shouryya Ray đã được tung hô là &'thiên tài' sau khi giải quyết lý thuyết được đưa ra bởi Issac Newton
Shouryya Ray lao vào giải toán sau chuyến đi tới trường Đại học Dresden, nơi các giáo sư quả quyết rằng những lý thuyết trên không thể được giải quyết.
Ray giải thích: &'Tôi chỉ tự hỏi bản thân mình: Tại sao lại không thể làm điều đó. Tôi nghĩ rằng đó không phải là một vấn đề quá khó khăn và không tin rằng không có lời giải thích đáng'.
Bài toán mà Newton đưa ra đã gây tranh cãi trong giới khoa học hơn 350 năm
Ray bắt đầu giải các phương trình phức tạp ngay từ khi mới lên 6, nhưng không hề thừa nhận mình là &'thần đồng'. Lý do mà cậu đưa ra là: &'Tôi cũng có nhiều điểm yếu. Có nhiều thứ khác ở trường mà tôi ước mình có thể làm tốt, chẳng hạn như bóng đá'.
Trong suốt nhiều năm, Ray miệt mài và đam mê tìm tòi cái mà cậu gọi là &'vẻ đẹp nội tại' của toán học.
Khi còn nhỏ, bố của cậu, một kỹ sư, đã bắt đầu kiểm tra trí não của Roy bằng việc đặt ra cho cậu những vấn đề số học.
Sau khi chuyển đến từ Calcutta, Ấn Độ 4 năm trước khi không biết chút gì về tiếng Đức, giờ đây Ray đã có thể sử dụng trôi chảy ngôn ngữ này.
Trí thông minh của cậu học trò đã nhanh chóng được ghi nhận tại lớp học và cậu được đặc cách &'nhảy cóc' 2 năm. Ray sắp sửa trải qua kỳ thi tốt nghiệp trung học dù mới chỉ 16 tuổi.
Theo Thúy Hạnh
VTC
GS Châu và "bài toán" vực dậy nền Toán Sáng 17/1, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ra mắt quốc tế Viện nghiên cứu cao cấp về Toán. GS Ngô Bảo Châu cho rằng: "Ngày hôm nay có thể được ghi lại là cột mốc quan trọng trong lịch sử còn non trẻ của Toán học Việt Nam....". Phát biểu tại lễ ra mắt Viện nghiên cứu cao cấp về Toán,...