Cô gái Sóc Trăng ‘Bắc tiến’, tốt nghiệp thủ khoa HV Ngoại giao
Bùi Trần Anh Vy (21 tuổi) sinh ra và lớn lên tại một vùng quê ở tỉnh Sóc Trăng. Năm 2018, Anh Vy ‘Bắc tiến’ ra Hà Nội để theo đuổi hành trình học tập tại Học viện Ngoại giao với chuyên ngành Quan hệ Quốc tế.
Sau 4 năm theo học tại đây, Bùi Trần Anh Vy đã kết thúc quãng thời gian sinh viên của mình với kết quả đáng tự hào: là Thủ khoa toàn khóa của Học viện Ngoại giao năm 2022 với GPA 3.88/4.0 và đạt học bổng 7/8 kỳ.
Bùi Trần Anh Vy là Thủ khoa toàn khóa của Học viện Ngoại giao năm 2022. Ảnh: NVCC
Anh Vy chia sẻ ngay khi bắt đầu vào năm thứ nhất, so với các bạn cùng lớp và cùng khóa, cô biết mình cần phải cải thiện và học hỏi mọi người ở nhiều mặt.
“Ngay từ khi còn nhỏ, em đã luôn thấm thía lời dạy của mẹ, lấy “cần cù bù thông minh” trong mọi việc, bao gồm cả việc học”.
Do đó, trước các buổi học, Anh Vy luôn dành thời gian chuẩn bị và tìm hiểu kiến thức trước. Điều này sẽ giúp cô dễ dàng tiếp thu bài mới hơn. Trong giờ học, Vy thường ghi chép lời thầy cô, bởi theo Vy đây là một cách để chủ động tương tác với kiến thức và không bị xao nhãng.
Ở hai năm học đầu tiên tại Học viện Ngoại giao, Anh Vy là thành viên Ban Đối ngoại của Đoàn thanh niên và có làm thêm trong suốt bốn năm học. Tuy nhiên, Vy cho biết cô đã không dành quá nhiều thời gian cho các hoạt động này mà đầu tư nhiều hơn cho việc học hỏi kiến thức.
“Em thấy rằng để cân bằng và làm tốt cả việc học và tham gia các câu lạc bộ là một điều khó. Có những người có thể làm tốt cả hai việc nhưng lại rơi vào trạng thái quá bận rộn, đôi khi là “kiệt sức” mà không tự nhận thức được. Do vậy, em chọn tập trung vào điều mà mình cảm thấy quan trọng nhất tại thời điểm đó là việc học”.
Vy chia sẻ cô chọn tập trung vào điều mà mình cảm thấy quan trọng nhất trong thời gian đại học, và đó chính là việc học. Ảnh: NVCC
Vy cho biết “đặc sản” của Học viện Ngoại giao là làm việc nhóm ở hầu hết các môn học, vì vậy, yếu tố “teamwork” vô cùng quan trọng.
“Em rất may mắn vì có một nhóm bạn cùng tiến và năng suất tuyệt vời. Các thành viên luôn trách nhiệm, nhiệt tình khi chuẩn bị cũng như thuyết trình trước lớp. Vì vậy, chỉ có chuyện nhóm dí deadline chứ không để deadline dí nhóm chúng em” – nữ thủ khoa dí dỏm nói.
Bên cạnh đó, với Vy, những điều cô đã nhận được ở đây là khối lượng kiến thức lớn cả lý luận và thực tiễn, đồng thời được khơi dậy sự tò mò và truyền cảm hứng từ các thầy, cô để tìm hiểu sâu thêm về vấn đề sau buổi học. Việc sinh viên Ngoại giao phải chuẩn bị bài và thuyết trình trước lớp mỗi ngày đã rèn giũa sự tự tin và khả năng nói trước đám đông của Vy.
“Đó còn là các trải nghiệm. Trường cho Vy vô số cơ hội để được tiếp xúc với thế hệ đi trước, với các cán bộ Bộ Ngoại giao để lắng nghe những chia sẻ và học hỏi nhiều kinh nghiệm quý báu. Sinh viên Ngoại giao còn có cơ hội tham quan các Đại sứ quán, đón Đại sứ các nước đến thăm trường, hỗ trợ cho các chương trình lớn nhỏ khác nhau của các Bộ, Ban ngành TW.
Video đang HOT
Sinh viên Ngoại giao “mỗi người mỗi vẻ” với những nét phong thái năng động, sáng tạo, tích cực, chủ động riêng. Đây vừa là áp lực vừa là động lực để em phấn đấu trở thành phiên bản tốt hơn của mình” – Vy chia sẻ.
Anh Vy tại Lễ tốt nghiệp. Ảnh: NVCC
Hiện tại, Anh Vy đang là thực tập sinh cho dự án “Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh 2022″ tại Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam. Trong tương lai, Vy mong muốn sẽ tiếp tục trải nghiệm nhiều và sâu hơn tại các tổ chức phi chính phủ có tính chất quốc tế để học hỏi và rèn giũa kiến thức và kỹ năng bản thân.
Nhìn lại quãng thời gian trên giảng đường, Anh Vy đúc kết rằng khi bước vào ngưỡng cửa đại học, đang trên hành trình tập lớn thì các bạn tân sinh viên sẽ có nhiều thú vui khác nhau. Tuy vậy, theo cô gái này, dù bận việc gì thì vẫn phải ưu tiên dành phần lớn thời gian trong ngày cho việc học vì có đầu tư đủ công sức thì mình mới có thể và xứng đáng được hưởng trái ngọt.
“Con đường phía trước sẽ đầy rẫy những điều chưa biết, có thể các bạn sẽ hoang mang vì môi trường nay đã khác, không còn là môi trường mà bạn đã quen thuộc trong 18 năm qua. Nhưng các bạn không cô đơn đâu, bản thân mình ngày xưa cũng rất bỡ ngỡ và rất rất nhiều người khác cũng trải qua những cảm xúc tương tự.
Tuy nhiên, thời gian sẽ trôi qua rất nhanh, chợt ngoái đầu lại đã thấy 4 năm trôi đi mất rồi, nên các bạn hãy sớm xác định mục tiêu và phấn đấu hết mình vì mục tiêu đó để khi nhìn lại sẽ không có nuối tiếc nào. Và đừng quên tận hưởng quãng thời gian còn được “khá” thoái mái vô lo vô nghĩ này nhé!” – đây là lời nhắn nhủ tâm huyết của Thủ khoa Học viện Ngoại giao 2022 tới các tân sinh viên năm nay.
Ngành giảm mạnh điểm chuẩn, ngành 9,9 điểm/môn vẫn trượt
Điểm chuẩn đại học 2022 biến động mạnh, bên cạnh ngành điểm gần tuyệt đối thì cũng nhiều ngành điểm giảm mạnh bởi nhiều lý do.
Tính đến 17h ngày 17/9, các trường đại học trên cả nước hoàn thành công bố điểm chuẩn trúng tuyển. Nhìn chung, điểm chuẩn các ngành năm nay biến động khá lớn. Khối trường Y Dược và Kinh tế giảm từ 1-6 điểm. Trong khi đó, điểm chuẩn các trường khối xã hội nhảy vọt, ở ngưỡng rất cao, thậm chí gần tuyệt đối 30/30.
9.9 điểm/môn vẫn trượt
Năm nay, ngành Báo chí (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) khối C00 lấy 29,9 điểm. Đông phương học, Hàn Quốc học, Quan hệ công chúng của trường cũng lấy đến 29,95 điểm, gần mức tuyệt đối 30/30. Đây cũng là ba ngành học điểm chuẩn cao nhất cả nước năm nay.
Tại Học viện Ngoại giao, ngành Hàn Quốc học lấy 29 điểm, ngành Trung Quốc học lấy 29,25 điểm.
PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, năm nay cả nước có hơn 300.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học, giảm mạnh so với những năm trước. Bên cạnh đó, số thí sinh mức điểm cao đăng ký vào trường cũng đông hơn, điều này khiến điểm chuẩn tiếp tục có xu hướng tăng cao đến ngưỡng gần 30 điểm.
"Ngoài những ngành học vốn hot như Hàn Quốc học, Đông phương học... thì năm nay, một số ngành kén thí sinh đăng ký lại nhận nhiều hồ sơ. Điều này thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá về ngành nghề của thí sinh và xã hội có nhiều thay đổi", PGS.TS Phạm Thị Thu Hương nói.
Điểm chuẩn ngành Báo chí tại ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội là 29,9 điểm, tức thí sinh phải đạt gần 10 điểm/môn mới có cơ hội trúng tuyển. Ảnh: VTC News.
Cô Lương Thu Nga, giáo viên trường THPT Chân Mộng (Đoan Hùng, Phú Thọ) "sốc" khi biết điểm chuẩn các ngành, trường khối C00. "Học trò của tôi đạt 29 điểm khối C00 (trung bình 9,7 điểm/môn) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, đứng thứ 2 toàn tỉnh Phú Thọ nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1 ngành Báo chí học - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, dù đã được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Quả thực là điều rất đáng tiếc", cô Nga chia sẻ.
Giả sử thủ khoa khối C năm nay đăng ký xét tuyển những ngành học này nếu không được cộng điểm cũng sẽ trượt. Thủ khoa khối C toàn quốc là thí sinh ở thành phố Bắc Ninh với 29,75 điểm.
Nữ giáo viên cho rằng, điểm chuẩn cao chưa chắc đánh giá đúng chất lượng thí sinh. Đây có thể coi là "lạm phát' điểm chuẩn. Một học sinh học lực xuất sắc có tới hai bài thi điểm 10 và một bài thi điểm 9 mà vẫn trượt đại học là bất thường trong giáo dục.
Lý giải về việc điểm chuẩn gần đạt ngưỡng 30 điểm, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, theo đề án tuyển sinh, trường dự kiến tuyển 55 chỉ tiêu ngành Báo chí học hệ đại trà bằng 5 phương thức tuyển sinh, trong đó dành 25/55 chỉ tiêu cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT - cao nhất so với các chỉ tiêu còn lại.
Ngành học này tuyển sinh bằng 6 tổ hợp (A01, C00, D01, D04, D78, D83). Tính trung bình mỗi một tổ hợp chưa tới 5 chỉ tiêu trúng tuyển. Trong khi đó, trường nhận được tổng cộng 2.544 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành Báo chí học, Như vậy, có thể thấy tỷ lệ chọi vào ngành Báo chí học năm nay rất cao, đặc biệt khối C00 - khoảng 1 chọi hơn 500 thí sinh.
Mặt khác, điểm thi tốt nghiệp THPT tổ hợp C00 năm nay cũng được đánh giá có phần cao hơn các năm trước, đặc biệt ở môn Lịch sử. Số lượng thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên nhiều hơn năm 2021. "Đó là những lý do khiến điểm chuẩn ngành Báo chí học tăng cao, tiệm cận ngưỡng điểm tuyệt đối", Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói.
Điểm chuẩn Sư phạm Sử tăng vọt
Những năm trước, điểm chuẩn ngành Sư phạm Sử thường ở mức thấp trong nhóm ngành đào tạo giáo viên. Còn năm nay, tất cả các trường đào tạo ngành này chứng kiến cuộc "đại nhảy vọt" của điểm chuẩn.
Đại học Quy Nhơn đưa ra mức điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử 28,5 (tăng 9,5 điểm so với 2021). Đại học An Giang cũng tăng hơn 6,5 điểm so với năm trước, với mức 26,5. Tương tự điểm chuẩn ngành này tại Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) là 39,92 - tính trung bình thí sinh phải được 9,98 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.
Theo ông Lê Xuân Vinh, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Quy Nhơn, khi công bố điểm sàn, trường xác định luôn ở mức 28,5 điểm với 6 ngành sư phạm, trong đó có Sư phạm Lịch sử. Lý do là chỉ tiêu tuyển sinh của những ngành này rất ít, chỉ 8-18 chỉ tiêu. Trong khi đó, ngoài phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường còn xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT.
Một nguyên nhân nữa là điểm thi năm nay của thí sinh cao, số lượng nguyện vọng đăng ký nhiều, các trường xét tuyển nhiều phương thức nên chỉ còn phần nhỏ nhất định cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt là điểm thi của tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) cao nên không chỉ ngành Sư phạm Lịch sử mà nhiều ngành khối Xã hội Nhân văn khác cũng có điểm chuẩn tăng.
Ông Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Hồng Đức thông tin, các ngành đào tạo chất lượng cao năm nay tính theo thang điểm 40, trong đó điểm môn chủ chốt của ngành đó nhân đôi. Hai ngành sư phạm Ngữ văn và Lịch sử chất lượng cao đều được nhân đôi môn chính.
Điểm cao là do số lượng chỉ tiêu trường dành cho các ngành này ít, trong khi hồ sơ đăng ký lớn. "Theo danh sách điểm trúng tuyển của nhà trường chưa có thí sinh nào đạt 3 điểm 10, hầu hết là thí sinh được cộng điểm ưu tiên nên có điểm 39,92", ông Dũng chia sẻ.
Điểm chuẩn ngành Sư phạm Sử thường ở mức thấp trong nhóm ngành đào tạo giáo viên nhưng năm nay tăng vọt. Ảnh: VTC News.
Khối Kinh tế, Kỹ thuật, Y dược hạ nhiệt
Dù vẫn thuộc nhóm điểm chuẩn cao nhưng điểm trúng tuyển vào khối Y Dược giảm so với năm ngoái. Tại Đại học Y Hà Nội, năm ngoái điểm trúng tuyển 23,2-28,85 thì năm nay là 19-28,15. Ngành Điều dưỡng Phân hiệu Thanh Hóa giảm 4,2 điểm khiến trường có ngành lấy dưới 20. Ba năm qua, trường không ghi nhận mức điểm thấp đến vậy.
Tại Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, điểm chuẩn năm ngoái dao động 21,35-27,35, năm nay còn 18,1-26,65. Ngành Dinh dưỡng và Điều dưỡng giảm mạnh nhất, từ 4,25 đến 5,7 tùy ngành và nhóm thí sinh.
Ông Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cho biết, điểm chuẩn vào các ngành của trường năm nay giảm từ 0,5 đến 0,8 điểm. Ngành cao điểm nhất là Y đa khoa và không có ngành nào tăng điểm so với năm ngoái.
Nguyên nhân theo ông là do phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 ở khối B thấp hơn năm ngoái. Số bài điểm 10 môn này giảm tới trên 98%, số thí sinh đạt từ 27,5 trở lên tổ hợp B00 là 465, giảm gần hai lần so với năm ngoái. Do đó, việc điểm trúng tuyển vào trường năm nay giảm so với năm ngoái là không bất thường.
Chưa kể, lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng cũng giảm. Ví dụ như Đại học Y Dược Hải Phòng, ngành Điều dưỡng dù lấy điểm chuẩn sát điểm sàn (19,05) nhưng mới tuyển được 140/200 chỉ tiêu.
Còn với các trường Kinh tế và Kỹ thuật, năm ngoái, các ngành nhóm này gần như đạt đỉnh khi hàng loạt trường lấy điểm chuẩn 27 - 28, năm nay hầu hết giảm 0,5-1 điểm.
So sánh ngưỡng điểm chuẩn cao nhất của năm 2021 và 2022, Đại học Ngoại thương và Thương mại giảm 0,15 - 0,75; Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) giảm 0,9 điểm.
Số ít trường có biến động điểm chuẩn mạnh là trường Đại học Kinh tế TP HCM. Hai ngành Kinh doanh nông nghiệp, Kế toán (chương trình tài năng) tại trụ sở chính cùng lấy điểm chuẩn 22 (giảm 5,5 điểm so với năm ngoái).
Điểm ngành Công an không chạm trần
Bên cạnh một số ngành học điểm chuẩn vẫn ở mức cao, bức tranh tuyển sinh chung của các trường đại học năm nay có thể thấy "cơn sốt" điểm chuẩn phần nào giảm nhiệt so với năm 2021. Tính đến hôm qua, cả nước chưa có ngành học nào điểm chuẩn tuyệt đối. Các trường khối ngành Công an không còn điểm quá cao.
Ngành Xây dựng lực lượng Công an nhân dân của Học viện Chính trị Công an Nhân dân năm ngoái lấy 30,34 điểm với nữ (khu vực phía Bắc) năm nay giảm 4,08 điểm. Điều này xuất phát từ nguyên nhân Bộ Công an có chính sách điều chỉnh phương án tuyển sinh.
Theo đó, năm nay, lần đầu tiên, Bộ tổ chức bài thi đánh giá để lấy kết quả xét tuyển kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT. Theo đánh giá của Bộ Công an, do bài thi đánh giá có độ phân hóa cao nên điểm thi và điểm trúng tuyển có sự thay đổi, không còn tình trạng "lạm phát" điểm chuẩn như những năm trước.
Điểm chuẩn áp dụng với nhóm thí sinh nam thì phổ biến mức dưới 20. Trong đó, ngành Y khoa của Học viện An ninh nhân dân, áp dụng với thí sinh nam miền Nam là 15,1 điểm theo tổ hợp B00 (Toán - Hóa - Sinh), miền Bắc 15,64. Năm ngoái, không ngành và trường nào lấy điểm chuẩn dưới 20 với thí sinh nam.
Làm đẹp thêm truyền thống vùng đất học Hà Tĩnh Giành thành tích ấn tượng trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, các thủ khoa ở Hà Tĩnh tự tin, sẵn sàng tâm thế, chuẩn bị hành trang bước vào hành trình mới. Giảng đường đại học đang rộng mở để các em tiếp tục nỗ lực phấn đấu viết tiếp những ước mơ, góp phần làm đẹp thêm truyền thống vùng đất...