‘Có chuyện giáo viên lôi kéo dạy thêm nhưng không nhiều’
Tại cuộc họp với UBND TP HCM ngày 29/8, ông Lê Hồng Sơn – giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM – lên tiếng về quy định việc cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
Ông Lê Hồng Sơn cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố về cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường, Sở GD&ĐT đã có công văn gửi các đơn vị, các cơ sở giáo dục địa bàn về việc phải chấm dứt dạy thêm, học thêm trong trường học từ năm học 2016-2017.
Theo ông Sơn, trước khi lãnh đạo thành phố cấm dạy thêm, học thêm có gửi công văn hỏi ý kiến Bộ GD&ĐT và được trả lời là tùy theo đặc thù của từng địa phương để quyết định chuyện này.
“Về vấn đề quản lý dạy thêm, học thêm, Bộ GD&ĐT có Thông tư 17, UBND thành phố trước đây có Quyết định 21 không cấm dạy thêm, học thêm.
Nhưng khi thực hiện chủ trương cấm dạy thêm học thêm, thành phố có gửi công văn hỏi ý kiến Bộ, được Bộ trả lời là vẫn thực hiện theo Thông tư 17 và không thể cấm trên phạm vi cả nước được mà tùy theo đặc thù của từng tỉnh/thành thì UBND tỉnh/thành đó quyết định chuyện này” – ông Sơn cho biết.
Ông Lê Hồng Sơn – giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM.
Tuy nhiên, giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho rằng, với thực trạng dạy học hiện nay, nếu không có dạy thêm, học thêm thì khó đáp ứng được yêu cầu kiến thức, đặc biệt là học sinh sẽ tốt nghiệp THPT để chuẩn bị vào đại học.
Ông Sơn cho biết: “Trên thực tế, việc phân bổ tiết dạy so với chương trình học không đáp ứng đủ thời gian để giải quyết các bài tập thực hành cho học sinh. Càng lên lớp cao áp lực càng nặng. Đặc biệt là cách ra đề thi đại học của Bộ có sự phân hóa cao”.
Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, ông nêu ra những điều này để thấy sự sốt ruột của phụ huynh, học sinh về việc phải tăng cường các tiết học để theo kịp chương trình.
“Tất nhiên, khi dạy thêm, học thêm trong trường, có khi học sinh phải ở lại đến 9h tối để học. Cũng có chuyện giáo viên tổ chức dạy kèm, lôi kéo học sinh nhưng không phổ biến” – ông Sơn khẳng định.
Video đang HOT
Theo ông Sơn, thực tế cho thấy tất cả việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường đều được quản lý, bởi có kết hợp dạy các môn văn hóa với tin học, ngoại ngữ… Việc này tổ chức thực hiện đã nhiều năm nên trở thành thói quen, đi vào nề nếp.
Tuy nhiên, bây giờ cấm dạy thêm học sinh trong trường, chỉ cho giáo viên dạy ở bên ngoài, thì có dư luận từ cán bộ quản lý, giáo viên. Trước sự thay đổi này, phụ huynh học sinh cũng không yên tâm khi gửi con em của mình bên ngoài nhà trường vì nhiều lý do, trong đó có chuyện chắc chắn học phí sẽ cao hơn nhiều so với học trong nhà trường, do nhà trường tổ chức.
Dù vậy lãnh đạo Sở GD&ĐT TP HCM cũng khẳng định, Sở sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Ngoài việc dạy chính khóa, phụ đạo cho học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi sẽ phải chấm dứt ngay việc dạy thêm học thêm trong trường.
Theo Lê Huyền/Vietnamnet
'Giáo viên đòi dạy thêm là đấu tranh cho thu nhập cá nhân'
Đó là quan điểm của Lê Nguyên, giáo viên tại Nam Định, sau việc một hiệu trưởng ở TP HCM bật khóc khi nói về dạy, học thêm.
Mới đây, câu chuyện thầy Nguyễn Văn Lợi - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng (TP HCM) khóc khi nói về lệnh cấm dạy, học thêm nhận được sự quan tâm của dư luận. Vì sao thầy giáo lại khóc khi nói về câu chuyện muôn thuở này?
Là giáo viên nhiều năm đứng lớp, từng tham gia các lớp dạy thêm trong trường hay ngoài trung tâm, tôi thấu hiểu tâm sự của giáo viên trước quy định cấm dạy, học thêm.
Nên tạo điều kiện để học sinh học thêm nghệ thuật, ngoại ngữ. Ảnh: Mạnh Thắng.
Thu nhập từ dạy thêm gấp nhiều lần chính khóa
Tiền học thêm bao giờ cũng lớn hơn gấp nhiều lần học phí. Ở khu vực thành phố, học sinh phải trả khoảng 50.000 đồng cho một buổi học thêm. Giáo viên thu về ít nhất 2 triệu đồng một buổi dạy diễn ra khoảng hai tiếng. Trong khi đó, giáo viên hợp đồng dạy chính khóa được trả công khoảng 50.000 đồng.
Thầy cô dạy thêm bên ngoài hoàn toàn có quyền quyết định số buổi học trong một tuần. Nếu dạy thêm 2 buổi mỗi tuần, giáo viên thu về khoảng 16 triệu đồng/tháng. Nếu có 2 lớp, thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng.
Giáo viên ở khu vực nông thôn có thể thấp hơn nhưng cũng không ai dạy thêm một lớp dưới 500.000 đồng/buổi. Chưa kể có những người dạy 3 ca mỗi ngày, thu nhập còn lớn hơn rất nhiều.
Hiệu trưởng và người đảm nhận chức vụ quản lý có thu nhập lớn nhất khoảng 30% nếu hoạt động dạy thêm được diễn ra trong trường học. Số tiền đó đủ để họ chẳng quan tâm tiền lương được trả khi đứng lớp chính khóa. Họ sẽ nhanh chóng lên tiếng phản đối quy định cấm dạy thêm.
Nhiều người nói giáo viên dạy thêm vì không thể sống bằng đồng lương là rất nực cười, vì nhiều thầy cô không hề biết đến dạy thêm là gì, họ vẫn phải sống. Rõ ràng, một bộ phận đang không đấu tranh cho thu nhập của giáo viên nói chung, mà lên tiếng cho thu nhập của mình.
Chúng ta thừa nhận có những bác sĩ mở phòng mạch tư, công nhân làm tăng ca, ca sĩ chạy sô kiếm tiền, nhưng sự việc khác nhau hoàn toàn về bản chất.
Không có bệnh nhân nào đến bệnh viện công khám, bác sĩ lại nói bệnh này nặng lắm, chữa trong viện không khỏi, hãy đến phòng khám tư của tôi để chữa. Bác sĩ có thể chữa bệnh ở hai nơi nhưng bệnh nhân không thể vừa chữa bệnh ở bệnh viện vừa chữa bệnh ở phòng khám của cùng một bác sĩ.
Tương tự, không ca sĩ nào hát lại bài hai lần trên cùng một sân khấu, dù bài thứ hai được remix. Về nguyên tắc, phụ huynh học sinh đã nộp tiền học phí, học sinh được quyền học hết bài trên lớp mà không phải trả thêm để học ở bất kỳ đâu nữa.
Sự thật ở các lớp dạy, học thêm
Nhiều giáo viên kêu ca về áp lực dạy trên lớp với khối lượng công việc lớn, trách nhiệm cao, nhưng mấy ai phàn nàn vì mình dạy thêm nhiều quá. Khung chương trình giữa dạy thêm và chính khóa trùng nhau nên giáo viên thường chọn đề cập kiến thức cơ bản trên lớp, rồi nâng cao khi dạy thêm.
Chuyện để bài khó, quan trọng, có trong tiết kiểm tra, dạng hay ra trong đề thi để luyện ở lớp dạy thêm là bình thường. Tâm lý giáo viên luôn coi trọng những tiết học thêm hơn dạy chính khóa, vì thế chỉ học ở lớp không thể thi được.
Thầy cô dạy thêm thường đi trước chương trình để có thời gian ôn luyện. Vì thế, học chính khóa trên lớp chỉ là học lại, mệt mỏi và ngán ngẩm.
Lớp học thêm không có chỗ cho tự học, chỉ có chỗ học để thi. Thông thường, giáo viên giao bài sau đó chữa. Thầy cô hoàn toàn có thể dạy hết bài trên lớp và rèn thêm các bài trong tiết luyện tập. Bài tập giao về nhà với mục đích các em tự học lại được chữa ở lớp học thêm. Nói cách khác, thầy cô dạy hộ, học hộ. Học sinh học máy móc, gặp lại bài tập đó thì làm được, gặp bài dạng khác thì chịu.
Vì thế, đa phần giáo viên dạy thêm phản đối hình thức đổi mới dạy học vì coi đó là phù phiếm, hình thức.
Học thêm khiến thời gian biểu của học sinh luôn kín mít. Chúng ta đấu tranh để mỗi người có 8 tiếng làm việc, 8 tiếng vui chơi và 8 tiếng để ngủ mỗi ngày. Nhưng, nhiều phụ huynh đang ép con mình phải học ngày, đêm, học cả trong năm lẫn học hè mà không biết hiệu quả ra sao.
Học thêm sẽ rất tốt, nếu...
Thực tế nhu cầu học thêm đã và đang giảm. Năm 2016, số thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT là hơn 286.100, chiếm 32% tổng số dự thi. Những học sinh này không có nhu cầu học thêm và con số ấy ngày càng tăng.
Nhiều phụ huynh đã dần nhận ra đại học không phải con đường duy nhất. Các trường phải mở cửa để chiêu mộ người học, những áp lực học thêm cũng không còn quá căng thẳng.
Học thêm không bao giờ là xấu nếu là tự học, tự khám phá cái mới. Để thành công hay khẳng định được mình, bạn không thể chỉ cần kiến thức đâu.
Bạn hãy học thêm một ngoại ngữ, học thêm môn nghệ thuật như hội họa, nhạc cụ, ca hát, nhảy múa. Bạn có năng khiếu thể thao, hãy học thêm một môn nào đó. Bạn có hứng thú về máy tính hãy học khóa lập trình...
Có nhiều nghề nghiệp đem lại thu nhập cao nhưng xã hội đề cao nghề dạy học không phải vì thu nhập cao.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Theo Zing
Rối vì 'lệnh' cấm dạy thêm, học thêm Lệnh cấm dạy thêm, học thêm của lãnh đạo TP HCM đang được các Phòng GD&ĐT, các trường học thực hiện. Tuy nhiên, nhiều giáo viên và phụ huynh cho rằng, với chương trình học và cách thi cử như hiện nay, cấm chỉ khiến việc dạy thêm, học thêm khó quản lý hơn. Cấm trong, ngoài nở rộ Lâu nay, việc dạy...