Có cần thiết cho trẻ học chữ trước lớp 1?
Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên áp dụng chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới đối với học sinh lớp 1. Mặc dù vậy, nhiều phụ huynh vẫn cho con đi học chữ để đảm bảo trẻ “đọc thông, viết thạo” trước khi vào lớp 1. Điều này có thực sự cần thiết?
Trong chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT đều có nội dung làm quen chữ cái, trẻ không cần thiết học thêm bên ngoài. Trong ảnh: Học sinh Trường mầm non Hoa Sen trong giờ tập tô chữ. Ảnh: H.Yến
* “Đến hẹn lại lên”
Sau khi nghỉ học do dịch Covid-19, Trường mầm non Hoa Sen (TP. Biên Hòa) chỉ còn 130/151 trẻ lớp lá đi học. Trong đó, một vài trường hợp trẻ về quê ở với ông bà hoặc chuyển nơi ở mới, số còn lại không nêu rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm nhiều năm, các giáo viên ở đây đều cho rằng những học sinh này nghỉ học ở trường mầm non để tập trung cho việc học chữ trước khi vào lớp 1.
“Năm học nào cũng vậy, cứ qua Tết là trường lại bị giảm sĩ số học sinh lớp lá. Các con được cha mẹ cho đi học chữ trước khi vào lớp 1″- cô Trần Thị Hạnh, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Khác với Trường mầm non Hoa Sen, Trường mầm non Trảng Dài không bị giảm sĩ số học sinh lớp lá. Nhưng theo cô Tăng Thị Lan, Phó hiệu trưởng nhà trường, điều này không có nghĩa là phụ huynh không cho con đi học chữ. Họ chọn giải pháp cho con đến các trung tâm luyện chữ hoặc học thêm ở nhà giáo viên sau khi tan học ở trường.
Nếu chỉ dừng lại ở việc học, nhận biết 29 chữ cái tiếng Việt thì chuyện đi học chữ của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi sẽ không có nhiều điều đáng bàn, bởi lẽ, làm quen với chữ cái là một trong những nội dung học tập ở trường mầm non theo chương trình của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, việc học chữ trước khi vào lớp 1 này lại đi xa hơn: dạy bé ghép vần, đọc bài, luyện viết vào vở ô li; thậm chí với môn Toán, trẻ còn được học cộng trừ có nhớ trong phạm vi 100… Điều này là hoàn toàn trái với tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Dù vậy, cứ “đến hẹn lại lên”, năm nào phụ huynh có con sắp vào lớp 1 cũng “đua” nhau tìm chỗ cho con học trước chương trình.
Theo ông Nguyễn Minh Kiếm, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ 1 (Sở GD-ĐT): “Hiện nay, các trường học ở Đồng Nai đã chọn xong SGK. Trên cơ sở sĩ số học sinh của năm học vừa qua, chúng tôi đã dự kiến số lượng sách cho NXB in sách. Ngoài ra, các trường cũng sẽ đăng ký số lượng trực tiếp với Công ty Sách và thiết bị trường học. Chậm nhất đến ngày 15-8, SGK sẽ in kịp để tới tận tay phụ huynh, học sinh”.
* Học ở trường mầm non là đủ
Video đang HOT
Theo chương trình của Bộ GD-ĐT, ở bậc học mầm non, trẻ đã được làm quen với chữ cái và phép toán trong phạm vi 10. Theo đó, trẻ sẽ được học chữ cái thông qua các hoạt động như: tập đồ, sao chép, nhận diện chữ cái… Đối với môn Toán, các bé sẽ được làm quen với phép tính cộng trừ trong phạm vi 10 dưới dạng câu hỏi “thêm, bớt”… Đây là nền tảng cho bé học theo kịp chương trình ở lớp 1.
Nếu giáo viên ở mầm non đảm bảo dạy đúng chương trình của Bộ GD-ĐT và giáo viên bậc tiểu học không dạy “lướt” thì các bé hoàn toàn có thể bắt nhịp được với chương trình mới mà không gặp khó khăn.
Riêng năm học này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian năm học buộc phải rút ngắn lại. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng đã có công văn hướng dẫn công tác tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, đối với trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD-ĐT tại tài liệu Hướng dẫn giáo viên mầm non chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1, cơ sở giáo dục mầm non thống nhất, hướng dẫn giáo viên lựa chọn những nội dung giáo dục cốt lõi, cần thiết, ưu tiên tổ chức các hoạt động giáo dục giúp trẻ em đạt những kiến thức, kỹ năng cần thiết, chuẩn bị cho trẻ em có tâm thế tốt để vào học lớp 1.
Để thực hiện tốt điều này, các trường mầm non chủ động tạo môi trường chữ, môi trường số trong và ngoài lớp học cho trẻ tiếp xúc, làm quen. Chẳng hạn, trong lớp học, ngoài giờ tập tô chữ cái, trẻ còn được chơi trò nhận diện – nối chữ trong giờ hoạt động tự do. Tranh ảnh, trang trí ở trong và ngoài lớp học đều có chữ cái để trẻ tiếp cận, học mọi lúc, mọi nơi.
Ông Nguyễn Minh Kiếm, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ 1 (Sở GD-ĐT) cho rằng, học sinh không cần phải học trước chương trình lớp 1. Vì nếu được học trước thì khi vào học chính thức trẻ sẽ có tâm lý chủ quan, không chịu suy nghĩ, không còn ham học. Đồng thời, bài học sẽ trở nên nhàm chán đối với trẻ, khiến trẻ không còn hứng thú với việc học.
“Chương trình mới được thiết kế theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của trẻ. Do vậy, sự hứng thú trong học tập là rất quan trọng”- ông Kiếm cho hay.
Việc học chữ trước khi vào lớp 1 ban đầu có thể mang đến thuận lợi cho cả giáo viên, phụ huynh lẫn học sinh (giáo viên, phụ huynh không phải vất vả, học sinh học nhẹ nhàng hơn…) nhưng về lâu dài sẽ tác động xấu đến ý thức học tập của trẻ. Việc trẻ được dạy đọc, viết trước cũng sẽ khiến cho trẻ có tâm lý chủ quan, giảm hứng thú tiếp cận bài học khi chính thức bước vào năm học mới.
Sẵn sàng áp dụng sách giáo khoa mới
Các cơ sở giáo dục tại Đồng Nai đã hoàn thành việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, sẽ được áp dụng từ năm học 2020-2021.
Dù đây là lần đầu tiên các trường được quyền tự lựa chọn sách giáo khoa (SGK) nhưng việc lựa chọn đã diễn ra khá chặt chẽ, đồng thời đảm bảo được yêu cầu và tiến độ đề ra.
GS Nguyễn Minh Thuyết (thứ 2 từ phải qua), Tổng chủ biên bộ sách Cánh diều trao đổi với giáo viên tiểu học của Đồng Nai về sách giáo khoa và chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Công Nghĩa
Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch, việc lựa chọn SGK lớp 1 cho chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng từ năm học sắp tới ban đầu có nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do các NXB có sách được phê duyệt cung cấp cho các trường tham khảo nghiên cứu còn chậm. Tuy nhiên, khi được nhận đủ cả 5 bộ sách, các trường đã rất khẩn trương và nghiêm túc bắt tay tìm hiểu, lựa chọn.
* Sách Cánh diều "thắng" áp đảo
Năm học 2020-2021 tới là năm học đầu tiên, một chương trình giáo dục phổ thông được giảng dạy bằng 5 bộ SGK khác nhau thay vì chỉ có một bộ sách như trước đây. Vì có nhiều bộ sách cho một chương trình nên sau khi phê duyệt được các bộ sách, Bộ GD-ĐT đã trao quyền cho các cơ sở giáo dục được tự tổ chức chọn một trong số 5 bộ sách theo quy trình hướng dẫn. Ngoài các tiêu chí lựa chọn, Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích các địa phương đưa ra những tiêu chí riêng trong lựa chọn sách của địa phương mình.
Theo tổng hợp kết quả lựa chọn SGK được các phòng GD-ĐT gửi về Sở GD-ĐT, trong số 317 trường tiểu học và trường phổ thông nhiều cấp học, có đến 182 trường đã bỏ phiếu lựa chọn bộ sách Cánh diều. Đây được xem là bộ sách có tỷ lệ lựa chọn "áp đảo" nhất (với tỷ lệ 57,4%). Xếp thứ nhì là bộ sách Chân trời sáng tạo với số lượng 81 trường lựa chọn, chiếm tỷ lệ 25%. 3 bộ sách còn lại chiếm tỷ lệ lựa chọn thấp, từ 2,5-8,8%.
Thầy Nguyễn Văn Lăng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Liên Sơn (xã Thanh Sơn, H.Định Quán) cho biết, sau khi nhận đủ cả 5 bộ SGK và các sách ngoại ngữ tự chọn, nhà trường đã giao cho giáo viên nghiên cứu, tìm ra những ưu điểm và nhược điểm của từng bộ, đồng thời so sánh các bộ sách với nhau. Việc lựa chọn bộ sách nào là hoàn toàn tự nhiên, không có chỉ đạo hay áp đặt. Kết quả, có trên 90% thành viên hội đồng lựa chọn sách của trường chọn bộ sách Cánh diều. Đến nay, kết quả lựa chọn sách đã được công khai cho giáo viên và phụ huynh biết, đồng thời giáo viên của trường đã chủ động tìm hiểu kỹ hơn về bộ sách này để chuẩn bị những bài giảng mới trong năm học tới.
Cô Nguyễn Thị Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường tiểu học An Bình (P.An Bình, TP.Biên Hòa) cho hay, giáo viên của trường đã dày công tìm hiểu cả 5 bộ SGK mới được các NXB gửi đến, mỗi bộ đều có những ưu điểm riêng, tuy nhiên bộ sách Cánh diều được chú ý nhiều ngay từ đầu. Phần lớn giáo viên đều chọn bộ sách này vì có nhiều điểm tương đồng với bộ SGK lớp 1 hiện hành và cũng có nhiều điểm mới. Nội dung bộ sách Cánh diều đã bám sát chương trình giáo dục phổ thông mới, dễ triển khai bài giảng. Hình thức trình bày của bộ sách đẹp mắt, hình ảnh gần gũi và thân thiện. Khi một bộ sách được đánh giá cao về nội dung, hình thức sẽ góp phần nâng cao chất lượng các môn học.
Đồng Nai cần khoảng 60 ngàn bộ SGK mới lớp 1
Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết, năm học 2020-2021, Đồng Nai sẽ cần đến khoảng 60 ngàn bộ SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Sở GD-ĐT đã chủ động hoàn thành sớm việc chọn sách và báo cáo số lượng sách sơ bộ cho các NXB chuẩn bị in và phát hành. SGK mới sẽ được cung cấp đầy đủ, đồng thời Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh đưa SGK lớp 1 mới vào danh sách các mặt hàng bình ổn giá để phụ huynh có thể tiếp cận dễ dàng.
* Giá sách mới sẽ như thế nào?
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, sau khi báo cáo kết quả lựa chọn SGK lớp 1 về Bộ GD-ĐT, các bước tiếp theo để học sinh lớp 1 sẽ có SGK mới để sử dụng cho năm học 2020-2021 sẽ được tiến hành khẩn trương hơn. Theo đó, các NXB sẽ dựa vào số lượng đăng ký của từng địa phương để xuất bản và cung cấp sách trước thời gian khai giảng năm học mới 1 tháng. Như vậy, chậm nhất đến cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 tới, sách phải được in và chuyển về các địa phương để phụ huynh tiện mua sắm, chuẩn bị cho con em bước vào năm học mới.
Ban giám hiệu Trường tiểu học Nguyễn Du (TP.Biên Hòa) tiến hành lựa chọn sách giáo khoa mới
Một trong những vấn đề mà phụ huynh sắp có con bước vào lớp 1 quan tâm là việc tiếp cận và mua sắm sách sẽ như thế nào, giá mỗi bộ sách là bao nhiêu... Theo tìm hiểu, giá một bộ sách giáo khoa lớp 1 năm học 2019-2020 theo chương trình giáo dục hiện hành chỉ 54 ngàn đồng/bộ, nhưng giá một bộ SGK lớp 1 cho chương trình giáo dục phổ thông mới cao gấp 3-4 lần. Việc giá mỗi bộ SGK lớp 1 đều "nhảy vọt" về giá sẽ phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của phụ huynh, nhất là những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn.
Trong 5 bộ SGK mới được đưa vào sử dụng từ năm học sắp tới, có 4 bộ của NXB Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ GD-ĐT, 1 bộ còn lại do công ty tư nhân xuất bản. Các bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam có giá dao động từ 186-189 ngàn đồng/bộ. Cụ thể, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống (10 cuốn) có giá 179 ngàn đồng; Chân trời sáng tạo (10 cuốn) giá 186 ngàn đồng; Cùng học để phát triển năng lực (10 cuốn) giá 194 ngàn đồng; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (9 cuốn) giá 189 ngàn đồng.
Đại diện Công ty CP Đầu tư xuất bản thiết bị Giáo dục Việt Nam, đơn vị tư nhân thực hiện bộ sách Cánh diều gồm 9 cuốn cho biết, bộ sách này sẽ có giá bán là 199 ngàn đồng. Ngoài phiên bản giấy, bộ sách Cánh diều còn có phiên bản SGK điện tử để phục vụ quá trình chuyển đổi số SGK trong ngành Giáo dục.
Chị Đặng Thị Hải Anh (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) là một trong số rất nhiều phụ huynh sẽ có con bước vào lớp 1 sắp tới. Khi nói về SGK, điều chị quan tâm nhất là nội dung sách mới có thực sự hay, hấp dẫn, dễ hiểu hay không. Bên cạnh đó, chị cũng quan tâm tới giá của các bộ sách mới sẽ như thế nào? Chị Hải Anh cho hay: "Phụ huynh ai cũng phải mua sắm SGK cho con, tuy nhiên giá cả cần phù hợp để phụ huynh nào cũng có thể tiếp cận sách một cách dễ dàng, nhất là những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế".
Trong khi đó, ông Võ An Ninh, Giám đốc Công ty CP Sách thiết bị trường học Đồng Nai cho biết, hiện công ty đang chuẩn bị tốt các điều kiện để phát hành SGK cho năm học mới, đặc biệt là SGK lớp 1.
Toàn tỉnh có 142/317 cơ sở giáo dục chọn tiếng Anh là môn ngoại ngữ tự chọn cho học sinh lớp 1 từ năm học mới 2020-2021 (chiếm tỷ lệ 44,8%). Đối với SGK ngoại ngữ lớp 1, có tất cả 7 cuốn được gửi đến các trường tiến hành lựa chọn. Trong đó, cuốn I-Learn Smart Start của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Quyên chủ biên được lựa chọn với tỷ lệ cao nhất với 31,9%. Các bộ còn lại đều chiếm tỷ lệ nhỏ, thậm chí có 2 cuốn sách tiếng Anh đã không được trường nào lựa chọn.
Giới thiệu sách giáo khoa Tiếng Anh lớp 1 cho 101 trường tiểu học Ngày 12-5, Sở GD-ĐT TP phối hợp cùng các đơn vị xuất bản sách (NXB) tổ chức giới thiệu các bộ sách giáo khoa (SGK) Tiếng Anh lớp 1 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPTM) đã được Bộ GD-ĐT thông qua cho hơn 350 cán bộ quản lý, giáo viên Tiếng Anh của 101 trường tiểu học (TH) trên địa...