Cô bé H’Mông nói tiếng Anh như gió và chuyện đổi đời nhờ ngoại ngữ
Cô gái H’Mông có cuộc sống hạnh phúc ở nước ngoài, cậu bé nghèo người Campuchia đổi đời sau một đêm là những câu chuyện chứng tỏ ngoại ngữ có sức mạnh thay đổi vận mệnh con người.
Cậu bé Campuchia mời khách mua đồ bằng tiếng Anh và ‘Shape of You’ Không chỉ có lợi thế tiếng Anh khi bán hàng rong ở khu du lịch, Thuch Salik còn khéo léo mời khách bằng ca khúc “Shape of You”.
14 năm trước, Lò Thị Mai còn là cô bé gầy, đen nhẻm sống cùng gia đình nghèo ở bản Lao Chải, cách trung tâm thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai, khoảng 7 km. Hiện tại, ở tuổi 27, Mai có mái ấm hạnh phúc bên chồng và hai con trai cùng công việc y tá tại một bệnh viện ở Limburg, Bỉ.
Nếu không có tiếng Anh, câu chuyện của Mai chắc chắn đã rẽ sang hướng khác, ít tươi sáng hơn.
Đổi đời nhờ tiếng Anh
Năm 2005, Lò Thị Mai trở thành hiện tượng mạng khi xuất hiện trong clip của một du khách nước ngoài du lịch Sa Pa. Cũng từ đó, cô gắn liền biệt danh “cô bé người H’Mông nói tiếng Anh như gió”. Đây quả thực là biệt danh xứng với thực khi cô gái miền núi nhỏ nhắn tự tin nói chuyện với du khách bằng tiếng Anh trôi chảy, lưu loát.
Nhờ biết tiếng Anh, Lò Thị Mai thay đổi từ cô gái nghèo thành người phụ nữ hạnh phúc và có khả năng giúp đỡ nhiều trẻ em nghèo. Ảnh: NVCC.
Tại thời điểm đó, tiếng Anh đóng vai trò quan trọng, giúp Mai dễ dàng bán đồ lưu niệm hơn để phụ giúp gia đình. Cô bé nghèo không đi học tiếng Anh. Vốn ngoại ngữ của cô đến từ những lần tiếp xúc khách quốc tế và nó thay đổi cuộc đời cô – một người chỉ được học hết lớp 9.
Nhờ tiếng Anh, Mai giúp cải thiện cuộc sống gia đình, quen biết người chồng hiện tại, học hành ở Singapore, giờ làm việc cho bệnh viện và có điều kiện để giúp đỡ trẻ nghèo ở quê hương.
13 năm sau cơn sốt “cô bé H’Mông nói tiếng Anh như gió” của Lò Thị Mai, câu chuyện đổi đời của cậu bé bán đồ lưu niệm 14 tuổi người Campuchia, Thuch Salik, một lần nữa cho thấy sức mạnh của ngoại ngữ.
Giữa tháng 11/2018, một blogger người Malaysia đăng clip Thuch nói 16 thứ tiếng lên Facebook cá nhân. Với 1,3 triệu lượt chia sẻ, cư dân mạng đổ xô tìm kiếm thông tin cậu bé.
Nhờ đó, Thuch Salik trở thành ngôi sao chỉ sau một đêm. Em được mời sang Trung Quốc du lịch. Nhiều đài truyền hình đài thọ toàn bộ chi phí cho gia đình em để họ xuất hiện trong chương trình.
Hàng loạt doanh nhân, tổ chức từ thiện tìm đến Thuch, trao tặng hàng nghìn USD cùng quà tặng. Bên cạnh đó, họ còn cam kết hỗ trợ để em đi học đến khi tốt nghiệp đại học.
Thuch (ngoài cùng bên trái) cũng mẹ và em trai có cuộc đời tươi sáng sau khi nổi tiếng qua một đêm nhờ clip nói 16 thứ tiếng. Ảnh: Chanel News Asia.
Có thể nói, ngoại ngữ không chỉ giúp cuộc đời Thuch bước sang trang mới mà còn kéo cả gia đình khỏi cảnh đói nghèo, chắt chiu từng đồng lo việc học cho con.
Dù không phải kiểu chóng vánh, bước từ nghèo khó sang cuộc đời tươi sáng như trường hợp của Thuch Salik, tỷ phú Jack Ma cũng là câu chuyện nổi bật về thành công nhờ tiếng Anh.
Jack Ma sinh trưởng trong gia đình bình thường ở Trung Quốc. Thời trẻ của ông không mấy suôn sẻ. Ông phải thi đến 3 lần mới đỗ ĐH Sư phạm Hàng Châu. Hành trình tìm việc của ông còn chật vật hơn. Ông nộp đơn xin việc tại hàng chục công ty nhưng đều bị từ chối. Thậm chí, cửa hàng KFC cũng không tuyển dụng Jack Ma.
Nhưng nhờ vốn tiếng Anh tự học từ nhỏ, ông chuyển sang làm nghề phiên dịch và bắt đầu tiếp xúc Internet – khởi đầu cho hành trình xây dựng đế chế thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc.
Tự học tiếng Anh đúng cách
Ngoài việc tiếng Anh thay đổi cuộc đời, Jack Ma, Lò Thị Mai và Thuch Salik còn họ một điểm chung khác – họ tự học ngoại ngữ thông qua khách du lịch.
Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa đây là “bí quyết” quan trọng để học tiếng Anh. Điều cốt yếu là họ có ý chí và dù nói rõ hay không, họ đều biết tiếng Anh quan trọng với cuộc đời mình.
Chia sẻ với Zing.vn, thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương khẳng định trong thời đại hiện nay, người già cũng cần học tiếng Anh và người trẻ bắt buộc phải biết thứ tiếng này.
Thầy giáo Nguyễn Thái Dương là người có kinh nghiệm nhiều năm dạy tiếng Anh đồng thời là tác giả nhiều ca khúc chế về kiến thức ngoại ngữ. Ảnh: NVCC.
Theo anh, ở thời kỳ bùng nổ thông tin, tương tự công nghệ, tiếng Anh ngày càng quan trọng, ít nhất nó là trợ thủ đắc lực trong tìm kiếm thông tin. Đương nhiên, với quá trình toàn cầu hóa, nhiều thứ tiếng khác cũng quan trọng nhưng tiếng Anh vẫn giữ vị trí không thể thay thế.
Thầy giáo 9X nói thêm ngày nay, việc học ngoại ngữ tương đối thuận lợi. Người học có thể chủ động về thời gian, phương pháp học tập. Họ có nhiều kênh để lựa chọn như học qua sách, báo, phim ảnh, âm nhạc, show truyền hình thực tế, thậm chí chơi game cũng có thể trau dồi tiếng Anh.
Anh nói thêm khi Internet phủ sóng hầu hết lĩnh vực của cuộc sống, người học không nhất thiết phải đến trường lớp. Bản thân anh cũng tận dụng tài nguyên từ các bài giảng được đăng trên mạng để học tập.
Tuy nhiên, Nguyễn Thái Dương cho rằng mô hình trường lớp vẫn có lợi thế không thể chối bỏ. Ở đó, người học được tương tác với nhau. Đây là điều cực kỳ quan trọng vì quá trình học tiếng Anh cần trải qua 3 bước thu nạp kiến thức – luyện tập – sử dụng thì mới thông thạo.
Nếu không đến lớp, người học cũng cần môi trường để thực hành tiếng Anh như câu lạc bộ, hội nghị.
“Mỗi người có một cách học riêng. Việc chọn kênh nào cho hiệu quả còn tùy thuộc vào tính cách, tâm lý và năng khiếu của người học”, thầy Thái Dương cho biết.
Dù vậy, tinh thần tự học rất quan trọng. Và để tự học thành công, người học cần kiên trì, lặp đi lặp lại, không sợ sai, biết lượng sức mình để đặt mục tiêu phù hợp, tiếp xúc nhiều người, kênh, nguồn, học thuộc, luyện tập mỗi ngày, học bất cứ lúc nào, chọn đúng lợi thế của bản thân để có phương pháp phù hợp, biết cách nói để người khác hiểu đồng thời có kế hoạch cụ thể, lâu dài.
Bé gái H’Mông tự tin trò chuyện với khách Tây ‘gây bão’ mạng Lò Thị Mai nổi tiếng với clip nói tiếng Anh lưu loát với du khách nước ngoài cách đây hơn 10 năm. Khi đó, cô từ bản Lao Chải xuống thị trấn Sa Pa (tỉnh Lào Cai) bán đồ lưu niệm.
Theo Zing
Chương trình phổ thông mới môn tiếng Anh: Học sinh phải tự học nhiều hơn?
Đề án ngoại ngữ 2020 đến nay được đánh giá yếu kém và thất bại. Ở Chương trình giáo dục phổ thông mới, những yếu kém, thất bại được điều chỉnh như thế nào để tiếng Anh không còn là môn được đào tạo "chết" trong nhà trường?
Chương trình vừa đủ
Theo một số giáo viên, có nhiều nguyên nhân nhưng điểm hạn chế dạy/học Ngoại ngữ nói chung và môn tiếng Anh nói riêng trong nhà trường hiện nay: Do sĩ số quá đông, chương trình quá dài với nhiều kiến thức ngữ pháp hàn lâm, trong khi thời lượng 3 tiết/tuần là quá ít.
Chính điều đó, khiến giáo viên không thể tương tác với học sinh, học sinh không được tương tác với nhau nên môn học này đang được đào tạo "chết" trong nhà trường, thiếu tính trao đổi.
Trả lời PV báo Dân trí, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, trong Chương trình Phổ thông mới, môn tiếng Anh sẽ được thực hiện theo lộ trình: Với lớp 1 từ năm học 2020-2021; đối với lớp 2 và lớp 6 từ năm học 2021-2022; đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 từ năm học 2022-2023; đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11 từ năm học 2023-2024; đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12 từ năm học 2024-2025.
Đối với học sinh đang học Chương trình tiếng Anh thí điểm hệ 10 năm theo Đề án Ngoại ngữ quôc gia, sẽ thực hiên được đúng theo lô trình này.
Nhiều gia đình phải cho con học thêm ở trung tâm bên ngoài vì môn tiếng Anh đang được đào tạo "chết" trong nhà trường do không được tương tác.
Đối với các lớp của cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông chưa thực hiện được môn Ngoại ngữ theo lộ trình này, sẽ tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông đến hết lớp 12.
Theo ông Thành, mục tiêu của chương trình học là hình thành và phát triển năng lực đặc thù của môn học là năng lực giao tiếp. Chương trình này giúp người học phát triển đồng đều kỹ năng ngôn ngữ nghe, nói, đọc, viết, và kiến thức ngôn ngữ, ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp.
Trước những băn khoăn của giáo viên về Chương trình và SGK môn Tiếng Anh hiện còn nặng kiến thức hàn lâm và ngữ pháp, ông Thành cho hay, ngữ pháp, từ vựng và các chủ đề trong chương trình môn tiếng Anh mới sẽ được lựa chọn sao cho phù hợp thực tiễn. Từ đó, học sinh dễ vận dụng vào các tình huống trong học tập các môn học khác và trong cuộc sống.
"Do định hướng phát triển năng lực nên nội dung, kiến thức được lựa chọn đưa vào chương trình sgk phải vừa đủ, gắn liền với ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống để bảo đảm thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học, tăng cường hoạt động học tích cực, tự lực của học sinh", ông Thành cho hay.
Tùy vào điều kiện thực tiễn, giáo viên có thể sử dụng các loại phương tiện và học liệu khác nhau để tổ chức hoạt động học cho học sinh, trong đó cần tăng cường hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Học sinh phải tự học nhiều hơn?
Trả lời câu hỏi, hiện nhiều gia đình phải đưa con đi học thêm ở các trung tâm vì chương trình tiếng Anh ở nhà trường không đáp ứng nổi, ông Thành cho hay, chương trình tiếng Anh hiện hành là chương trình 7 năm với thời lượng học 3 tiết/tuần, bắt đầu từ lớp 6 đến lớp 12.
Tổng thời lượng môn tiếng Anh trong toàn bộ chương trình chỉ có 700 tiết là quá ít; đồng thời tới lớp 6 học sinh bắt đầu được học tiếng Anh. Đó chính là hạn chế khiến cho năng lực tiếng Anh của học sinh học theo chương trình hiện hành còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong học tập và giáo tiếp.
Quan trọng của việc học tiếng Anh là "học" đến đâu, "hành" đến đấy (Ảnh minh họa)
Thêm vào đó, việc tích hợp, lồng ghép nội dung các môn học khác vào môn tiếng Anh cũng chưa được chú trọng, khiến cho cơ hội thực hành của học sinh ngay trong quá trình học tập còn hạn chế.
Do đó, so với chương trình hiện hành, ông Thành cho rằng , với nội dung, kiến thức đưa vào sao cho vừa đủ và gắn với thực tiễn, các bài học tiếng Anh trong Chương trình mới tạo thuận lợi cho học sinh trong việc ứng dụng vào các tình huống giao tiếp hằng ngày ở trường và ở nhà.
Đó là kênh kết nối quan trọng để "học đến đâu, hành đến đấy", giúp cho trình độ tiếng Anh của học sinh phát triển tốt.
Ngoài ra, để triển khai chương trình mới, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông đã ban hành.
Tăng cường năng lực cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Việc bồi dưỡng sẽ được thực hiện theo phương thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, bảo đảm cho giáo viên và học sinh trên mọi miền của đất nước đều được bình đẳng trong tiếp cận nguồn học liệu tiếng Anh, khuyến khích giáo viên, phụ huynh cùng học sinh học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh.
Ông Thành kì vọng, với một chương trình mang tính thực tiễn cao, việc dạy học được thực hiện theo phương pháp tăng cường hoạt động học và vận dụng kiến thức vào thực tiễn, học sinh tốt nghiệp phổ thông sẽ đạt được năng lực Tiếng Anh bậc 3 theo Khung tham chiếu châu Âu.
Vẫn có tình trạng đóng tiền học thêm ở trung tâm Ngoại ngữ
"Nhiều gia đình đổ tiền cho con đi học tiếng Anh ở trung tâm vì học ở trường không đủ và không đúng chuẩn.
Theo tôi, kể cả ở chương trình phổ thông mới, cũng khó có thể giải quyết hết được những bất cập này nên để đẩy đủ hơn, tôi nghĩ vẫn có tình trạng các gia đình đóng tiền học thêm bên ngoài để đạt hiệu quả".
(Ông Nguyễn Quốc Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hiệu trưởng Trường THCS& THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội)
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Áp dụng trí tuệ nhân tạo AI vào giảng dạy tiếng Anh A.I kiểm soát chất lượng học tập của học viên qua hệ thống dữ liệu lớn, giúp các em tra cứu và theo dõi mức độ tiến bộ từng ngày. AI - Xu hướng giáo dục của tương lai Những năm gần đây, thuật ngữ Trí tuệ nhân tạo (A.I - Artifical Intelligence) được áp dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống...