Chuyện về thầy giáo mầm non nơi rẻo cao biên giới
Thầy giáo Nguyễn Văn Cường (quê ở xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch) là người thầy đặc biệt của những đứa trẻ vùng cao tại điểm trường bản Chăm-pu thuộc Trường Mầm non Tân – Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.
Thầy Nguyễn Văn Cường phải vượt qua những đoạn đường khó khăn, hiểm trở để đến với các em nhỏ vùng biên giới xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình.
Với đặc thù của bậc học mầm non, người giáo viên không chỉ dạy học, còn đảm nhiệm việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Đây là phần việc đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo và thường được giáo viên nữ đảm nhiệm. Tuy vậy, tại xã biên giới Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), có một thầy giáo vẫn ngày ngày lặng lẽ, miệt mài dành tình yêu thương để chăm sóc, dạy dỗ những lớp trẻ mầm non nơi đây. Thầy giáo Nguyễn Văn Cường (quê ở xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch) là người thầy đặc biệt của những đứa trẻ vùng cao tại điểm trường bản Chăm-pu thuộc Trường Mầm non Tân – Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.
Nằm biệt lập giữa vùng rừng núi nơi biên giới huyện Bố Trạch, bản Chăm-pu, xã biên giới Thượng Trạch có 35 hộ, với 156 nhân khẩu, trong đó có khoảng 20 em ở độ tuổi mầm non. Với đặc thù địa bàn biên giới vùng cao, trình độ dân trí, đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; tỷ lệ trẻ trong độ tuổi mầm non đến trường còn thấp.
Xuất phát từ tình yêu nghề, mến trẻ, thương những đứa trẻ vùng cao vốn chịu nhiều thiệt thòi, thầy giáo Nguyễn Văn Cường đã tình nguyện lên cắm bản, dạy học tại bản Chăm-pu. Thầy Nguyễn Văn Cường tâm sự: “Khi tôi chọn học và gắn bó với nghề dạy trẻ bậc mầm non, người thân, bạn bè đều hoài nghi vì nghề đó chỉ phù hợp nữ giới. Nhưng tôi lại nghĩ, ở những vùng miền núi, biên giới của quê hương, nhiều nơi bà con và trẻ em còn gặp nhiều khó khăn. Các cô giáo mầm non cắm bản cũng vất vả và thiệt thòi khi phải xa gia đình, con cái. Vì thế, tôi không sợ khó, sợ khổ mà lấy đó làm động lực để cố gắng, nỗ lực học tập và công tác”.
Thầy Nguyễn Văn Cường dạy trẻ học múa, hát tại điểm trường Mầm non bản Chăm-pu, thuộc Trường Mầm non Tân – Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình.
“Dù ai có nói gì, tôi vẫn luôn vững niềm tin với quyết định của mình và mong đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình giúp các em vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới biết cái chữ, hy vọng sau này cuộc sống của các em đỡ vất vả hơn”, thầy Nguyễn Văn Cường chia sẻ.
Những ngày đầu mới về nhận cộng tác tại xã Thượng Trạch, thầy Cường đã cùng với chính quyền địa phương và các già làng, trưởng bản trèo đèo, lội suối, vượt qua những khó khăn đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động đồng bào đưa con em đến lớp học tập. Chính sự kiên trì và bằng tình cảm chân thành, sự gần gũi, sâu sát của thầy, bà con dân bản dần dần hiểu, đồng tình, ủng hộ và yên tâm gửi gắm các con cho thầy Cường dạy dỗ.
Chị Y Sự, bản Chăm-pu, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, nhà chị hiện có hai cháu đang gửi học ở thầy giáo Cường. Thầy Cường không chỉ ân cần dạy dỗ các con mà còn chăm sóc rất chu đáo nên vợ chồng chị rất yên tâm lên nương rẫy. Chị cho hay: “Vào mỗi mùa rẫy, vợ chồng tôi phải đi làm xa và ở lại trên rẫy, dù nhà trường không tổ chức bán trú nhưng thầy Cường vẫn nhiệt tình nhận trông nom, lo từng bữa ăn giấc ngủ cho mấy đứa trẻ nhà tôi và bà con trong bản. Từ ngày có thầy Cường về dạy học tại bản, bà con ai cũng thương quý và cảm ơn thầy Cường nhiều lắm!”.
Là Bí thư Chi bộ bản Chăm-pu, ông Đinh Đắc đã luôn đồng hành với thầy Nguyễn Văn Cường trên con đường đưa con chữ, văn hóa đến gần hơn với đồng bào. Sự cố gắng, nỗ lực và tình yêu thương con trẻ chân thành của người giáo viên trẻ đầy tâm huyết Nguyễn Văn Cường đã khiến ông Đắc và người dân bản làng Chăm-pu cảm phục, quý mến.
Ông Đinh Đắc vui mừng cho biết: “Chúng tôi rất vui khi Đảng, Nhà nước quan tâm mở một điểm trường mầm non ở bản Chăm-pu cho con em học hát, học múa và biết cái chữ. Dân bản càng phấn khởi khi có một người giáo viên tâm huyết, gắn bó sâu sát với đồng bào như thầy giáo Cường. Chúng tôi coi thầy Cường như người thân, ruột thịt và mong rằng thầy Cường sẽ ngày càng gắn bó với nhân dân, với bản làng Chăm-pu”.
Trải lòng mình về tổ ấm gia đình nhỏ ở quê nhà, thầy Nguyễn Văn Cường cho biết, người vợ hiền của mình hiện cũng là một giáo viên mầm non đang công tác tại địa phương và ngày ngày vẫn thay anh chăm nom, săn sóc các con và gia đình để chồng yên tâm công tác nơi xa.
Video đang HOT
Thầy Nguyễn Văn Cường cùng chính quyền địa phương và các già làng, trưởng bản đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động đồng bào đưa con em đến lớp học tập.
Thầy giáo Nguyễn Văn Cường chia sẻ: Cả hai vợ chồng đều xuất thân từ miền quê nghèo khó, thấu hiểu được những thiệt thòi mà con trẻ vùng cao đang trải qua, vợ tôi rất thương các em và luôn sẻ chia, ủng hộ công việc của chồng. Vợ anh hiểu hơn ai hết việc cần thiết phải thay đổi tư duy để trẻ em vùng cao được đi học nhiều hơn, học cao hơn vì chỉ có cái chữ mới giúp thế hệ trẻ nơi đây và đồng bào nâng cao được nhận thức, thay đổi thói quen, hủ tục lạc hậu, vươn lên thoát nghèo. Cùng chung niềm tin và suy nghĩ đó nên cả hai vợ chồng luôn động viên và truyền cảm hứng, sức mạnh cho nhau vượt qua hoàn cảnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình; cố gắng vun vén hạnh phúc gia đình, góp phần nhỏ bé vào sự phát triển của quê hương.
Hơn 4 năm công tác xa nhà, bản làng Chăm-pu và núi rừng Thượng Trạch được thầy Cường xem là nhà, là quê hương thứ hai. Đồng bào dân tộc nơi đây và những trẻ em nơi miền biên viễn này là người thân, ruột thịt của thầy giáo Cường. Ban ngày, thầy cần mẫn, kiên trì chăm lo cho các cháu. Khi màn đêm tĩnh mịch buông xuống, thầy Cường lặng lẽ, tỷ mẩn sáng chế ra những vật dụng đồ chơi học tập ngộ nghĩnh, bắt mắt, tạo hứng khởi và thích thú cho con trẻ trong mỗi giờ lên lớp. Dành hết quỹ thời gian của mình cho trẻ, niềm vui còn lại cuối ngày với thầy là được nghe giọng nói quen thuộc của người thân trong sự chập chờn lúc có lúc mất của sóng điện thoại. Giản dị thế nhưng đó là cả một sức mạnh tinh thần để thầy giáo Cường gắn bó hơn với sự nghiệp giáo dục ở vùng cao biên giới.
Từ sự chăm sóc, dạy dỗ tận tình, chu đáo của thầy Cường, những đứa trẻ nơi đây đã biết được con chữ, con số, biết múa hát và tự vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Sự tự tin và tiến bộ của lớp lớp học trò chính là động lực lớn lao nhất để thầy Cường tiếp tục nỗ lực, cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Lớp học nhỏ bé giữa núi rừng biên cương luôn vang lên những lời ca tiếng hát của con trẻ dưới sự chăm sóc, vỗ về của người thầy tâm huyết Nguyễn Văn Cường.
Ông Võ Hải Quân, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bố Trạch cho biết: Với cấp học Mầm non có một thầy giáo là điều rất đáng quý, nhất là khu vực vùng miền núi vốn gặp nhiều khó khăn. Thầy Nguyễn Văn Cường hiện là nam giáo viên duy nhất cấp Mầm non của ngành Giáo dục địa phương. Thầy là một giáo viên rất tâm huyết, có chuyên môn, năng lực, ý thức trách nhiệm cao trong công việc và có nhiều đóng góp lớn cho giáo dục vùng cao. “Tôi tin rằng, thời gian tới thầy Cường sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, cùng giáo dục địa phương có những bước phát triển mới và đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người”, ông Quân khẳng định.
Điểm trường Mầm non Chăm-pu nằm giữa điệp trùng núi non, ngày ngày dưới sự dìu dắt, dạy dỗ của thầy giáo Nguyễn Văn Cường, những âm thanh trong trẻo từ lời ca, tiếng hát, câu chuyện kể của con trẻ miền biên viễn vẫn vang lên rộn rã, tươi vui. Cuộc sống của người dân Chăm-pu, xã Thượng Trạch đang bừng sáng mỗi ngày với những gam màu mới. Thấp thoáng trong diện mạo mới của bản làng có bóng dáng của một người thầy vẫn lặng lẽ “lái con đò tri thức”, thắp nên niềm tin, hy vọng về một tương lai tươi sáng cho người dân và mảnh đất nơi miền biên viễn trên quê hương Quảng Bình.
Chuyện chưa kể về sự cố bất ngờ của thầy giáo mầm non hiếm hoi ở Hải Dương trong ngày đầu nhập học
Thầy Hùng cho biết: "Đúng hôm nhập học, khi tôi bước vào lớp, đột nhiên cô giáo đuổi ra ngoài vì nghĩ nhầm lớp. Bởi lớp mầm non chủ yếu là nữ, trong khi người đánh máy lại ghi nhầm giới tính của tôi..."
Về huyện Ninh Giang (Hải Dương), chúng tôi được mọi người nơi đây kể về giáo viên nam hi hữu công tác trong trường mầm non. Đó là thầy Nguyễn Đắc Hùng (SN 1988), giáo viên trường mầm non Hồng Dụ. Không phải ngẫu nhiên thầy Hùng gắn bó, dành tâm huyết và trở thành thầy giáo bậc học mầm non, mà phía sau câu chuyện đó là những trăn trở của người thầy từng là người lính.
Có mặt vào buổi trưa muộn tại trường mầm non Hồng Dụ khi thầy Hùng đang hăng say dạy các bé vui đùa trong tiết học vận động với những tiếng cười rộn vang, không ai có thể nghĩ rằng, phía sau nụ cười hồn nhiên đó là bao tâm huyết mà thầy dành cho các bé nơi đây trong suốt 5 năm qua.
Thầy Hùng đang vui đùa với các bé trong giờ học vận động
Thầy Hùng vui vẻ nói: "Đến lúc này nhiều người vẫn không tin tôi làm thầy giáo mầm non. Thậm chí có thời điểm tôi có ý định rời bỏ nghề này để làm công việc khác và câu nói ngây thơ vô tình của các bé đã khiến tôi suy nghĩ lại, quyết định chọn nghề sư phạm mầm non gắn liền với cuộc đời".
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, vào tháng 12/2008, chàng thanh niên 20 tuổi Nguyễn Đắc Hùng trở về địa phương mang theo nhiều ước mơ, hoài bão tuổi trẻ và tham gia công tác tại Ban Công an xã Hồng Dụ. Cùng thời gian này, chị gái thầy Hùng đang công tác tại trường mầm non địa phương cùng Hiệu trưởng mầm non xã Hồng Dụ (nay đã nghỉ công tác) khuyên thầy đi học ngành sư phạm âm nhạc.
Công việc làm thầy giáo mầm non đã gắn bó với thầy Hùng 5 năm qua
Tuy nhiên, khi thầy Hùng đang học tại trường Trung cấp Văn hoá nghệ thuật và Du lịch Hải Dương, chị gái lại khuyên nên học sư phạm mầm non để sau này có cơ hội vào ngành. Thấy chị gái phân tích hợp lý, thầy Hùng đã nộp hồ sơ và học tại trường Cao đẳng Hải Dương với chuyên ngành giáo dục mầm non.
Vì là chuyên ngành mầm non cho nên việc nam giới theo học là rất hiếm. Chính vì vậy, ngày nhập học đã có nhiều chuyện dở khóc, dở cười mà giờ nghĩ lại thầy Hùng cho rằng đó chính là cái duyên với nghề.
Thầy cho biết: "Đúng hôm nhập học, khi tôi bước vào lớp, đột nhiên cô giáo đuổi ra ngoài vì nghĩ nhầm lớp. Bởi lớp mầm non chủ yếu là nữ, trong khi người đánh máy lại ghi nhầm giới tính của tôi và cô giáo cũng không nghĩ sẽ có nam giới tham gia ngành học này. Sau khi tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành giáo dục mầm non, tháng 9/2015, tôi về công tác tại trường mầm non Hồng Dụ cho đến nay".
Thầy Hùng chia sẻ, có những thời điểm bản thân muốn từ bỏ nghề mầm non nhưng rồi chính câu nói thơ ngây của học sinh khiến bản thân suy nghĩ lại...
Vốn là người lính, cho nên việc chăm sóc, giáo dục trẻ hàng ngày luôn được thầy hoàn thành và thực hiện đầy đủ như các giáo viên nữ khác trong trường. Đôi khi có những việc "tế nhị" còn khiến thầy e ngại. Tuy nhiên, cũng có thời điểm thầy Hùng muốn rời nghề để chuyển sang công việc khác.
"Sau lần thi tuyển viên chức năm 2016 không được may mắn khiến tôi chán nản muốn bỏ nghề để đi tìm công việc mới. Do đó, tôi xin với Hiệu trưởng nghỉ 1 tháng không trực tiếp đứng lớp, nhưng vẫn làm công việc khác tại trường. Cùng lúc này, tôi cũng nhận được lời mời của một doanh nghiệp với mức lương khá, chế độ đãi ngộ cao khiến tôi suy nghĩ.
Tuy nhiên, hôm đó trên đường đi làm về, tôi gặp bé học sinh trong trường đang chơi ở ngoài ngõ. Bé hỏi: "Thầy ơi! Sao dạo này thầy đi đâu mà không thấy ở lớp?". Thấy bé hỏi vậy, tôi trả lời: "Thầy vẫn ở trường mà...". Nhưng câu nói của bé học sinh đó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Chính câu nói ấy làm tôi có cách nhìn nhận nghiêm túc về nghề. Từ lúc đó, tôi quyết định không từ bỏ nghề, gắn bó với cấp học này. Đến tháng 1/2020, tôi được xét tuyển viên chức và vào biên chế chính thức", thầy Hùng tâm sự.
Từ một người lính xuất ngũ, thầy Hùng đến với nghề giáo viên mầm non như một duyên số
Cũng theo chia sẻ thầy Hùng, việc đến với giáo viên mầm non như cái duyên chứ không phải bản thân tự chọn. Bởi thời điểm xuất ngũ, thầy nhận được nhiều lời mời đi làm với mức lương cao, chế độ đãi ngộ tốt. Tuy nhiên, điều khiến thầy vui hơn hết đó là từ môi trường sư phạm mầm non, thầy đã có được mái ấm gia đình. Hiện tại, 2 vợ chồng thầy công tác cùng trường.
Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, cô Trịnh Thị Dịu - Hiệu trưởng Trường mầm non Hồng Dụ thông tin, trước đây (khi chưa sáp nhập xã Hồng Dụ và xã Hồng Thái, lúc đó cô Dịu là Hiệu trưởng trường mầm non Hồng Thái), cô có nghe kể về một giáo viên nam nhưng cô nghĩ mọi người trêu đùa. Nếu thật thì thầy giáo đó chắc cũng chỉ làm văn thư hay công việc khác trong trường, chứ chưa khi nào cô nghĩ thầy giáo đứng lớp dạy học sinh mầm non. Sau khi sáp nhập 2 nhà trường và với cương vị là người đứng đầu thì suy nghĩ của cô hoàn toàn khác khi được trực tiếp dự tiết học, tiếp xúc với thầy Hùng.
Niềm vui của thầy Hùng khi tham gia vui chơi cùng các bé
"Thầy Hùng là giáo viên nhiệt huyết với nghề, chu toàn, có trách nhiệm với công việc. Thầy không ngại khi tham gia với bất kỳ công việc nào của trường, lớp hay phân công của BGH. Trong khi đó, bản thân thầy có nhiều năng khiếu và làm được những công việc khác nhau trong trường. Vì vậy, việc thầy Hùng công tác trong trường đã xoá đi khoảng cách và suy nghĩ lâu nay của nhiều người khi cho rằng chỉ có nữ giới mới làm được công việc mầm non".
Thầy giáo Nguyễn Xuân Ba đang công tác tại trường mầm non xã Vĩnh Hòa
Đối với giáo viên nam công tác tại cấp học mầm non có những khó khăn khác nhau. Khi giáo viên mầm non thường gắn liền với những công việc của người mẹ, vừa dạy, vừa chăm sóc nuôi dưỡng và phù hợp với nữ giới hơn. Do đó, đối với thầy giáo đôi khi có những điều bất cập riêng.
Tuy nhiên, giáo viên nam trong trường mầm non cũng có những cái hay, thậm chí một số công việc liên quan đến chủ đề nghề nghiệp, khám phá khoa học trẻ lại thích các thầy hơn cô giáo. Vì vậy, nếu bản thân các thầy giáo không yêu nghề, gắn bó với trẻ; các trường không tạo điều kiện, quan tâm, động viên, chia sẻ thì chưa chắc các thầy đã tự tin để tham gia công tác trong môi trường mà hầu hết là nữ.
Ngành giáo dục huyện Ninh Giang tôn vinh 2 thầy giáo duy nhất của cấp học mầm non
"Ngành giáo dục chúng tôi luôn quan tâm và chỉ đạo các nhà trường tạo điều kiện cho các thầy làm những công việc thuộc năng khiếu, sở trường để có thêm thu nhập cho gia đình ngoài chuyên môn trên lớp.
Đặc biệt, trong đợt tổng kết hội thi vừa qua, chúng tôi dành sự tôn vinh đối với 2 thầy giáo mầm non. Đó là những người thầy dũng cảm, yêu nghề, yêu trẻ. Tôi mong có những chế độ, cơ chế đặc thù dành cho những người thầy công tác trong cấp học mầm non để thu hút nhiều hơn nữa nam giới tham gia", bà Thắm cho biết.
Đưa con chữ đến với 'bản đa không' nơi biên giới Việt - Lào 25 năm công tác trong ngành giáo dục thì có gần 20 năm cô giáo Lê Thị Loan (52 tuổi, trú tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) "cắm" ở xã biên giới Pa Thơm (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Cũng là chừng ấy năm cô lặng thầm "gieo chữ" nơi vùng biên nghèo khó này. Vượt đèo gieo...