Chuyện thật như đùa thời Covid-19: Khách sạn 5 sao bán bánh rán 7.000 đồng
Để sống sót qua mùa Covid-19, nhiều khách sạn hạng sang mở bán đồ ăn với giá siêu rẻ đến giật mình. Điển hình như 1 khách sạn 5 sao ở Hà Nội rao bán bánh rán chỉ với giá 7.000 đồng/chiếc.
Không tin vào mắt mình, chị Thùy An ( Cầu Giấy, Hà Nội) giật mình khi nhìn thấy thông tin 1 khách sạn 5 sao ở Hà Nội mở bán bánh rán chỉ với giá 7.000 đồng/chiếc. Tưởng đọc nhầm, chị còn cố lướt điện thoại thêm 3 lượt cho yên tâm.
Sau khi kiểm tra địa chỉ, đường dây nóng của khách sạn, chị mới tin là sự thật. Như vớ được vàng, ngay lập tức, chị bốc máy đặt ngay 6 suất bánh ngọt để ăn nhẹ trong chiều.
Theo thực đơn, bánh rán vòng có giá 7.000 đồng/chiếc, bánh sừng bò là 10.000 đồng chiếc, các loại bánh khác dao động 20.000 – 55.000 đồng/chiếc. Nếu khách có hóa đơn trên 400.000 đồng sẽ được miễn phí vận chuyển trong phạm vi 5 km. Trong đó các loại bánh dưới 10.000 đồng, người tiêu dùng phải mua từ 5 chiếc trở lên.
“Chất lượng bánh ở các khách sạn từ xưa đến nay thì không phải bàn. Thú thật là chúng rất ngon, chuẩn vị và sạch sẽ. Dù bán với giá rẻ nhưng bánh được đóng gói khá đẹp, chỉn chu và cẩn thận” – chị An cho biết.
Chiếc bánh rán 7.000 đồng/chiếc được chị An mua ở 1 khách sạn 5 sao Hà Nội
Không chỉ bán bánh, nhiều khách sạn hạng sang ở Hà Nội trong mùa Covid-19 còn triển khai thêm mảng bán cơm. Điển hình như 1 khách sạn trên đường Duy Tân (Hà Nội) bán cơm thố kiểu Nhật chỉ với giá 79.000 đồng/suất. “Thượng đế” có thể ăn tại khách sạn, tự mang đi hoặc đặt chế độ giao hàng.
Video đang HOT
Chị Hoàng Hương, nhân viên văn phòng ở Hà Nội tâm sự, từ hôm khách sạn mở bán cơm, thay vì ra quán, chị lựa đồ tại đây. So với hàng ăn bên ngoài, giá có thể có thể đắt hơn 10.000 – 20.000 đồng/suất nhưng đổi lại là được ăn ngon, ăn sạch.
“Để sống sót qua mùa Covid-19, khách sạn hay nhà hàng có mở bán cơm hay bán bánh là điều rất bình thường. Bởi đây là cách duy nhất để cứu vớt tình hình, dù so với trước kia, doanh thu chẳng thấm vào đâu. Nhưng tính ra, người tiêu dùng cũng nhờ thế mà được hưởng lợi và có thêm nhiều sự lựa chọn” – chị Hương bày tỏ quan điểm.
Bánh mì phô mai bơ tỏi, cơn sốt một thời cũng nằm trong sách mở bán của nhiều khách sạn
Theo đánh giá, dịch Covid-19 đang có tác động rất lớn đến các ngành dịch vụ trong đó khách sạn. Để thích nghi với bối cảnh mới, việc chuyển mô hình kinh doanh là điều cấp thiết. Đây là cách giữ chân khách hàng, duy trì nguồn thu và tạo ra bước đệm phục hồi tốt sau dịch.
Trước đó, nhiều khách sạn có tiếng như Sofitel Legend Metropole Hanoi, Daewoo, InterContinental Hanoi Lanmark 72 cũng mở bán online, thậm chí khách sạn 5 sao Park Hyatt Saigon còn điều đầu bếp tới nhà phục vụ khách. Đây là điều hiếm hoi, chỉ xuất hiện trong mùa dịch, bởi đa phần các khách sạn xưa nay chỉ phục tại chỗ.
Cá hồi tiêu thụ trong nước giảm mạnh, người tiêu dùng hưởng lợi
Do nhiều nhà hàng, khách sạn đóng cửa vì dịch COVID-19 nên cá hồi Sa Pa tiêu thụ giảm. Bên cạnh đó, cá hồi nhập khẩu cũng giảm mạnh chưa từng có giúp người tiêu dùng hưởng lợi.
Chị Thu Hoài, chuyên bán thực phẩm nhập từ nước ngoài chia sẻ: "Chưa có năm nào giá cá hồi về Việt Nam rẻ như thế. Ngoài cá hồi Australia giảm mạnh thì loại này nhập ở Na Uy cũng xuống thấp. Mọi năm tôi chủ yếu lấy sỉ cá hồi Na Uy gần 400.000 đồng/kg thì nay còn 290.000-330.000 đồng/kg".
Hiện, chị đang bán online giống cá hồi Australia, với loại nguyên con chỉ có giá 230.000 đồng/kg, còn phile không đầu giá 250.000 đồng, giảm 70.000-100.000 đồng so với thời điểm chưa có dịch COVID-19.
Tại cửa hàng thực phẩm sạch Homefarm, cá hồi Na Uy được niêm yết còn 279.000 đồng/kg mua nguyên con hay nửa con. Theo đại diện cửa hàng, một nửa con cá hồi (khoảng 2,5 - 3,5 Kg, tương đương 600-800K), bao gồm: 1/2 thân cá hồi Fillet (đã lọc xương); 1/2 chiếc đầu cá hồi; 1/2 bộ xương và lườn cá hồi.
"Nếu quy đổi ra thì phần thịt cá fillet khi mua nguyên con/ nửa con có giá chỉ khoảng 399.000đ/kg - tốt nhất thị trường hiện nay", vị này nói.
Anh Minh Kha, chuyên bán hải sản nhập khẩu online cho biết, cá hồi được cấp đông an toàn nên khi về Việt Nam luôn tươi ngon.
"Tôi bán cá hồi Na Uy giá 270.000 đồng một kg loại nguyên con, bỏ đầu, không nội tạng, còn cá hồi phi lê 330.000 đồng. Trước đây tôi bán cá phi lê có đợt 598.000 đồng/kg nhưng nay giá chỉ gần bằng một nửa. Hơn tháng trước bán cả trăm kg cá hồi nhập khẩu Na Uy trên chợ mạng với giá 240.000 đồng/kg (loại 3 con một kg), rẻ hơn nhiều so với giá 350.000-450.000 trước đó".
Không chỉ cá hồi nhập khẩu rẻ chưa từng có, cá hồi Sa Pa cũng đang tràn ngập thị trường Hà Nội với giá rẻ nhất từ trước đến nay.
Tại hệ thống siêu thị Big C miền Bắc đang bán cá hồi với giá khuyến mại với mức giảm từ 13-22%. Cụ thể, cá hồi Sa Pa tươi nguyên con làm giảm còn 265.000 đồng/kg (giảm giá 13%, giá thường là 305.000 đồng/kg); file cá hồi tươi giảm còn 379.000 đồng/kg (giám giá 22%, giá cũ 489.000 đồng/kg); cá hồi Sa Pa cắt khúc giá thường 359.000 đồng/kg, giá bán khuyến mãi chỉ 297.000 đồng/kg (giảm giá 17%).
Lý giải việc cá hồi Sa Pa rẻ và tràn ngập thị trường Hà Nội, ông Đỗ Tiến Thắng - Chủ tịch Hội cá nước lạnh (cá hồi và cá tầm), cho biết: Năm nay, sản lượng cá hồi của Lào Cai đạt khoảng 400-500 tấn vì thời tiết có nhiều thuận lợi: Mưa nhiều, mát mẻ và nước nhiều nên cá chóng lớn.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19, hệ thống nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa để ứng phó với dịch bệnh đã ảnh hưởng phần nào đến tiêu thụ hàng hóa, trong đó có cá hồi tại Sa Pa. Hiện nay, lượng cá hồi chỉ mới tiêu thụ được khoảng 100 tấn.
Với tư cách là Chủ tịch hội, ông Thắng cũng nuôi loại cá cao cấp này với quy mô và sản lượng lớn nhất Sa Pa.
"Ngoài nuôi cá, tôi có hệ thống nhà hàng để tiêu thụ, tuy nhiên do dịch COVID-19 nên hiện tôi còn khoảng 30-40 tấn cá hồi chưa bán được, hiện đang giữ trong đầm để nuôi tiếp"- ông Thắng nói.
Cũng theo ông Đỗ Tiến Thắng, nhiều hộ nuôi cá hồi ở Sa Pa đã tiêu thụ hết vì quy mô chỉ ở mức trung bình, lượng cá không nhiều.
"Những hộ có nhiều cá thì vẫn tiếp tục nuôi và vẫn bán được, giá đều không dưới 200.000 đồng/kg. Tôi bán cá tầm to loại ngon với giá từ 300.000 đồng/kg, hoàn toàn không có chuyện giá cá hồi tồn không ai mua" - ông Thắng khẳng định.
Giải thích thêm về thông tin hồi tháng 3/2020, một số người nuôi cá hồi tại Lào Cai phản ánh 2 loại cá đặc sản là cá hồi và cá tầm bị "rớt giá" do dịch Covid-19, ông Thắng cho biết: Lượng cá bán ra có chậm hơn, giá giảm nhẹ, nhưng cá tầm và cá hồi là đặc sản cao cấp, không có chuyện phải "giải cứu" với giá rẻ như các loại nông sản, trái cây khác.
"Hàng ngày, các xe chở cá hồi và cá tầm từ Lào Cai về Hà Nội với số lượng hàng chục tấn và được tiêu thụ khá tốt"- ông Thắng nói.
Ngọc Mai
Sa Pa còn khoảng 100 tấn cá nước lạnh "bí" đầu ra Không khách du lịch, nhà hàng, khách sạn tạm dừng kinh doanh khiến các trang trại nuôi cá hồi, cá tầm Sa Pa lâm vào cảnh lao đao không nơi tiêu thụ. Những ngày này, người nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa dùng đủ mọi cách để tiêu thụ cá, nhưng cũng không được là bao. Hàng tấn cá đến tuổi xuất...