Chuyển sang thi tốt nghiệp THPT, thí sinh phải làm mấy bài thi?
Theo Bộ GD-ĐT, đề thi tốt sẽ tập trung vào kiến thức lớp 12, phù hợp với nội dung tinh giản học kỳ 2, lớp 12, nội dung sẽ dễ hơn, độ phân hóa giảm.
Ngày 21/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có cuộc họp báo cáo, xin ý kiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông (THPT) trong điều kiện ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Sau khi phân tích tình hình diễn biến dịch bệnh, các quy định của pháp luật và các yếu tố liên quan đến công tác tổ chức thi, các ý kiến tại cuộc họp thống nhất sẽ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 nhằm mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT; đồng thời làm căn cứ để đánh giá chất lượng giáo dục cả nước, từ đó điều chỉnh nội dung, chương trình, phương pháp dạy học trong các trường phổ thông. Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ) sẽ do các cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo tinh thần tự chủ.
Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã có trao đổi cụ thể về phương án thi này.
PV: Theo phương án được đưa ra tại cuộc họp ngày 21/4, kỳ thi năm 2020 có còn là kỳ thi THPT quốc gia nữa hay không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ:Do bối cảnh của dịch bệnh Covid-19, kế hoạch năm học 2019-2020 đã phải điều chỉnh, Bộ GD-ĐT cũng đã công bố tinh giản chương trình học kỳ 2 và triển khai dạy học qua Internet và trên truyền hình. Cũng vì dịch bệnh Covid-19 mà kỳ thi THPT sẽ được tổ chức muộn hơn mọi năm, dự kiến vào tháng 8 năm 2020; thời điểm này cả Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học đã có hiệu lực thi hành (Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 01/7/2019 và Luật Giáo dục có hiệu lực từ 01/7/2020). Do vậy, sẽ không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm mà tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT .
Mục đích của Kỳ thi tốt nghiệp THPT là tổ chứ c an toàn, nghiêm túc lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường. Kết quả của kỳ thi cũng có thể được các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
PV: Mục đích thay đổi, vậy các bài thi có thay đổi không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ:Kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến sẽ gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổng hợp KHTN và bài thi tổng hợp KHXH. Trong bài thi KHTN gồm tổ hợp của 3 môn Vật lí, Hóa học và Sinh học; Bài thi KHXH đối với thí sinh THPT gồm tổ hợp của 3 môn Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân; đối với thí sinh GDTX gồm tổ hợp của 2 môn Lịch sử, Địa lí.
Thí sinh THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH; Thí sinh GDTX phải thi 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH.
Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm (Phiếu TLTN); kết quả làm bài của thí sinh trên Phiếu TLTN được chấm bằng phần mềm máy tính do Bộ GD-ĐT cung cấp; Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
Video đang HOT
Mỗi bài thi tổng hợp được chấm chỉ với 1 đầu điểm (không có điểm các môn thành phần như đối với bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia những năm trước đây).
PV: Với đặc thù học sinh phải nghỉ học dài ngày do dịch bệnh, đề thi năm nay sẽ được ra theo hướng nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Để đảm bảo tính khách quan, công bằng và mặt bằng chung trong đánh giá, xét công nhận tốt nghiệp, Bộ GD-ĐT xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương để tổ chức thi tốt nghiệp cùng một thời điểm trong cả nước. Với bài thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh trong mỗi phòng thi sẽ có một mã đề thi riêng. Đề thi sẽ dùng chung cho cả học sinh giáo dục THPT và học viên GDTX.
Nội dung thi nằm trong Chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; phù hợp với nội dung tinh giản chương trình học kỳ 2 đã được Bộ GDĐT công bố; nội dung đề thi sẽ dễ hơn, độ phân hóa của đề thi cũng sẽ giảm đi so với các năm trước để phù hợp với mục đích của Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như điều kiện dạy học do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Kỳ thi sẽ sử dụng đề thi chung của Bộ để đảm bảo thống nhất trong cả nước cùng một mặt bằng đánh giá chất lượng giáo dục sau 12 năm học ở cấp phổ thông cũng như đảm bảo tính khách quan, công bằng trong đánh giá giữa các địa phương. Hơn nữa, chương trình giáo dục do Bộ ban hành vì vậy việc Bộ ra đề thi cũng phù hợp để đảm bảo đánh giá theo chuẩn đầu ra của chương trình.
Việc sử dụng các bài thi bắt buộc và các bài thi tổ hợp tự chọn KHTN và KHXH hướng đến đánh giá toàn diện học sinh, hạn chế học lệch, học tủ. Việc vẫn tổ chức thi 3 môn bắt buộc và 1 bài thi tổ hợp tự chọn cũng là cách để giúp thí sinh tập trung thi những môn học đã được dành thời gian ôn tập kỹ hơn, phù hợp với định hướng lựa chọn nghề nghiệp của các thí sinh.
Mặt khác, sử dụng đề thi chung là phù hợp với việc sử dụng chung mẫu bằng tốt nghiệp THPT có tính quốc gia cho các thí sinh. Việc này tạo thuận lợi trong hội nhập quốc tế, nhất là trong việc học sinh đi du học ở nước ngoài.
PV: Vậy kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Kỳ thi sẽ do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là UBND tỉnh) chủ trì tổ chức. Bộ GD-ĐT chỉ đạo, UBND tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức Kỳ thi của địa phương mình bảo đảm an toàn, nghiêm túc, công bằng và đúng quy chế.
Các tỉnh sẽ thành lập Hội đồng thi để tổ chức thi cho tất cả thí sinh. Hội đồng thi của tỉnh sẽ chịu trách nhiệm tổ chức tất cả các khâu của kỳ thi như: in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Mỗi Hội đồng thi có các Điểm thi được bố trí đảm bảo tại thuận lợi tối đa cho thí sinh. Cán bộ coi thi là giáo viên của tỉnh và có sự đổi chéo giáo viên coi thi giữa các trường với nhau, bảo đảm giáo viên không coi thi học sinh của trường mình.
Công tác thanh tra, giám sát sẽ được tăng cường để hướng tới kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, trung thực, khách quan. Theo đó, dự kiến ngoài lực lượng thanh tra của Bộ, thanh tra của sở GDĐT, công tác thanh tra sẽ có thêm lực lượng thanh tra của tỉnh để thanh tra, giám sát tất cả các khâu của kỳ thi; nhất là các khâu in sao, vận chuyển, bảo mật đề thi, công tác coi thi và chấm thi.
PV: Có ý kiến cho rằng, kết quả tốt nghiệp THPT nhiều năm đạt đến gần 100%, xét trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Thứ trưởng có thể cho biết vì sao vẫn tổ chức kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT?
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Như chúng ta đã biết, việc duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT là thực hiện đúng theo Luật Giáo dục sửa đổi. Đặc biệt, việc tổ chức kỳ thi để chúng ta đánh giá mặt bằng chung của giáo dục phổ thông toàn quốc. Việc đánh giá kết quả dạy và học qua kỳ thi tốt nghiệp THPT là kết quả đáng tin cậy để chúng ta điều chỉnh chương trình cho phù hợp, nhất là khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Kỳ thi tổ chức với phương thức như đã nói cũng là cơ sở để giảm bớt tính cục bộ giữa các địa phương; làm căn cứ để chúng ta phân loại, đánh giá chất lượng dạy, học giữa các trường trong từng địa phương và giữa các địa phương với nhau.
Hơn nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi cuối cùng ở bậc phổ thông.Việc tổ chức một kỳ thi để đánh giá chất lượng của giáo dục phổ thông là cần thiết, tạo động lực học tập tích cực cho học sinh (nếu không thi thì một bộ phận học sinh sẽ không học hoặc học không tích cực) ; Kỳ thi cũng sẽ góp phần duy trì được nền nếp dạy, học trong các cơ sở giáo dục.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Nguyễn Trang
Năm 2020: Thí sinh sẽ phải tham gia bao nhiêu đợt thi vào đại học?
Thí sinh sẽ phải tham gia bao nhiêu đợt thi của các trường? nếu thí sinh dùng kết quả thi của trường này để xét tuyển vào trường khác thì có được không? Rủi ro kỹ thuật khi tổ chức kỳ thi?
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện phương án phương án thi mới tốt nghiệp THPT 2020 để trình Chính phủ quyết định.
Phương án mới của Bộ GD&ĐT là Kỳ thi chỉ tập trung vào mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh phổ thông cả nước. Về tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quyền tự chủ được quy định trong Luật.
Năm 2020: Thí sinh sẽ phải tham gia bao nhiêu đợt thi vào đại học?
Trao đổi với PV Dân trí, GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho rằng, với phương án mà Bộ GDĐT đưa ra thì việc tuyển sinh của các trường đại học năm 2020 có thể diễn ra theo các hướng:
Nhóm 1: Một số trường vẫn tuyển sinh theo phương án xét tuyển thông qua học bạ như những năm trước.
Nhóm 2: Một số trường sẽ tuyển sinh căn cứ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.
Nhóm 3: Một số trường ĐH lớn có uy tín đã công bố sẽ tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển.
GS Sơn phân tích, với nhóm 1, kết quả học tập học kỳ 2 năm nay được đánh giá không đồng nhất giữa các trường THPT, giữa các vùng miền do tổ chức dạy và học online.
Vậy nên, việc xét tuyển thông qua học bạ cũng là vấn đề chúng ta cần xem xét về tính khách quan, công bằng, yêu cầu về chất lượng tuyển sinh.
Với nhóm 2, chắc chắn một điều rằng, khi kỳ thi đã tinh giản môn thi, tinh giản kiến thức và mục tiêu chủ yếu của kỳ thi là phục vụ cho xét tốt nghiệp THPT thì việc xét tuyển sẽ không đáp ứng đầy các mục tiêu như: tính khách quan, công bằng và quan trọng hơn là chất lượng đầu vào .
Với nhóm 3, sẽ có một loạt các câu hỏi đặt ra: Chi phí tổ chức một kỳ thi, rủi ro kỹ thuật trong tổ chức (tính bảo mật, mức độ khó dễ của đề thi,...) do thời gian chuẩn bị cho kỳ thi tương đối gấp?; một trường tổ chức bao nhiêu môn thi? (vì trước kia trường đã sử dụng nhiều tổ hợp xét tuyển)
Thí sinh sẽ phải tham gia bao nhiêu đợt thi của các trường? (vì thí sinh có nhiều nguyện vọng); nếu thí sinh dùng kết quả thi của trường này để xét tuyển vào trường khác thì có được chấp nhận hay không? Chi phí tổ chức thi, các trường tính toán với nhau thế nào?....
Và một câu hỏi muôn thủa là tình trạng thí sinh ảo sẽ giải quyết ra sao khi các trường tổ chức thi độc lập cũng đồng nghĩa không có các "Nhóm xét tuyển" như những năm trước nữa.
GS Sơn cho rằng, sẽ rất khó khăn cho các trường lúc này khi phải lựa chọn một phương án tuyển sinh khả dĩ nhất khi mà Bộ GDĐT giao quyền tuyển sinh cho các trường ĐH.
Bởi vậy, theo GS Sơn có 2 phương án tối ưu nhất cho tuyển sinh đại học 2020 là:
- Phương án 1: Bộ chủ trì một kỳ thi "3 chung rút gọn" (rút gọn đợt thi, rút gọn số môn thi). Phương án này sẽ thuận lợi nhất cho các trường trong bối cảnh hiện nay. Cùng với đó nhất thiết phải hình thành các nhóm xét tuyển như năm trước để hạn chế tình trạng thí sinh ảo.
- Phương án 2: Bộ GD&DT cần có sự chỉ đạo, hỗ trợ cho các trường đại học trong công tác tuyển sinh năm 2020 theo hướng các trường ĐH có cùng khối ngành đào tạo hoặc có các tổ hợp môn thi xét tuyển giống nhau cần hợp tác tổ chức kỳ thi chung của các trường đó.
"Không nên mỗi người mỗi ngựa, mạnh ai người đó chạy. Khi xây dựng phương án tuyển sinh cần tính đến quyền lợi của thí sinh. Đây có thể coi là giải pháp tình huống trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Và nếu nhìn xa hơn thì có thể coi là thời kỳ chuyển tiếp quá độ để tiến tới các trường đại học tự chủ hoàn toàn trong công tác tuyển sinh"- GS Sơn nhấn mạnh.
Hồng Hạnh ( ghi)
Lúng túng trước sự thay đổi phương án thi THPT Học sinh, lãnh đạo các trường THPT bày tỏ bất ngờ, lúng túng trước sự thay đổi phương án thi, riêng các đại học không quá lo cho việc tuyển sinh. Đón nhận phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Nguyễn Đức, học sinh lớp 12 ở Việt Trì, tỉnh Phú Thọ tỏ ra bối rối. Dự định đăng...