Chuyện lạ: Nông dân trồng ngô không lấy hạt, thương lái lùng tận ruộng “hốt” cả cây
Nếu như ngô lấy hạt phải mất hơn 4 tháng mới cho thu hoạch thì loại ngô đặc biệt này chỉ cần 3 tháng. Mỗi năm 3-4 vụ, thương lái về tận ruộng thu mua từ gốc đến ngọn với giá cao.
Trồng ngô sinh khối ( ngô lấy cây) là một khái niệm mới xuất hiện ở một số địa phương trên cả nước, nơi ngành chăn nuôi bò phát triển. Ngô sinh khối là khi cây ngô cho bắp thì được cắt tận gốc, băm nhỏ và đem ủ ướp. Đây là nguồn cung cấp thức ăn thô xanh rất tốt cho bò.
Hàng nghìn tấn ngô cây sau khi thu hoạch, băm nhỏ được đem ủ ướp dưới những hố chôn để làm thức ăn cho bò. Ngô ủ ướp là loại thức ăn có thể dùng quanh năm, thêm vào đó, nhờ đã được lên men từ trước nên rất thích hợp với hệ tiêu hóa của bò.
Khi cây ngô cho bắp được thương lái về tận ruộng mua hết cả cây.
Trồng ngô sinh khối trên diện tích đất 1.500m2 tại bãi bồi sông Lam, anh Nguyễn Mai Tú, trú tại xã Tam Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) cho biết trước đây gia đình mình trồng ngô lấy hạt hoặc các loại đậu, lạc nhưng 3 năm trở lại đây chỉ trồng ngô sinh khối.
“Nhiều nơi họ trồng mỗi năm 4 vụ nhưng nhà tôi chỉ trồng được khoảng 3 vụ, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 6 tấn, với giá bán từ 800-900.000 đồng/tấn thì mỗi năm thu về được khoảng 15-16 triệu. Sau khi trừ chi phí giống, phân bón, nhân công thì lợi nhuận cao hơn một chút so với trồng ngô lấy hạt nhưng nhàn hơn”, anh Tú cho biết.
Mới trồng ngô sinh khối được hơn 3 năm nhưng đối với gia đình anh Trần Văn Minh, trú tại thôn 4, xã Tường Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) thì đây là loại cây mang về thu nhập chính bởi chỉ với 1ha ngô sinh khối, mỗi vụ nhà anh thu về hơn 30 triệu đồng mà “khỏe người”.
“Ngô này quê tôi gọi là ngô bò sữa bởi được các trang trại chăn nuôi bò sữa thu mua làm thức ăn cho bò. Bà con chỉ việc làm đất, gieo hạt mà không phải chăm bón, làm cỏ hay thu hoạch vất vả như ngô lấy hạt”, anh Minh nói.
Người dân “khỏe người” bởi không mất nhiều công sức vận chuyển hay phơi phóng.
Video đang HOT
Cụ thể, theo anh Minh, nếu như trồng ngô lấy hạt, bà con phải mất hơn 4 tháng chăm sóc cẩn thận để cây ngô cho hạt đạt năng suất cao. Không những thế, khi ngô già phải mất thêm công sức thu hoạch về bóc vỏ, tách hạt, phơi khô rồi mang bán.
Trong khi đó ngô sinh khối lấy cây chỉ mất chừng 3 tháng, khi cây ngô cho bắp là thương lái đi ô tô đến tận ruộng thu mua cả thân và lá khiến chi phí và công sức giảm đáng kể.
“Trung bình 1ha trồng ngô sinh khối nhà tôi thu hoạch được khoảng trên 40 tấn, trừ các chi phí thu về được khoảng 30 triệu đồng/vụ. Nếu thời tiết thuận lợi, không bị ngập lụt, mưa bão và thối rễ thì có thể trồng 3 vụ, vừa tận dụng được đất phù sa bãi bồi, mang lại lợi nhuận cao hơn ngô lấy hạt vừa khỏe người”, anh Minh chia sẻ.
Trồng ngô sinh khối đang trở thành hướng đi mới cho bà con nông dân huyện Anh Sơn
Nhận thấy lợi nhuận cao từ ngô sinh khối, nhiều bà con nông dân trong xã cũng đang triển khai trồng nhưng diện tích chưa nhiều bởi đường sá, giao thông ra tận ruộng chưa hoàn thiện.
“Một số ruộng chưa có đường bê tông vào tận nơi, nếu mưa gió xe ô tô thu mua của thương lái không ra được nên họ chưa triển khai. Hơn nữa, loại ngô này nhà máy họ mua khi hạt ngô đang ngậm sữa, nếu không bán được thì sẽ bị già, hạt không được năng suất như ngô lấy hạt nên nhiều hộ còn e dè”, anh Minh cho hay.
Theo mục tiêu của tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đến năm 2025, nước ta sẽ cố gắng nâng tổng đàn trâu lên 2,4 triệu con, bò thịt 6,6 triệu con và khoảng 552 nghìn con bò sữa, chưa kể các loại gia súc ăn cỏ khác như dê, cừu… cũng đang tăng nhanh về tổng đàn.
Đối với thịt bò, đến năm 2025, cố gắng nâng tỉ lệ thịt bò lên 10% tổng sản lượng thịt xẻ cả nước, cùng khoảng 1,8-2 triệu tấn sữa…
Ước tính cả nước sẽ cần thêm khoảng 234.000 ha ngô sinh khối mới phục vụ đủ nhu cầu thức ăn thô xanh cho chăn nuôi đại gia súc.
Để đạt được những mục tiêu này, nhu cầu về thức ăn thô xanh phục vụ cho việc nâng tổng đàn gia súc ăn cỏ của cả nước đang là vấn đề hết sức cấp thiết bởi mỗi con trâu, bò giai đoạn vỗ béo có thể có nhu cầu thức ăn thô xanh lên tới 40-50 kg/ngày.
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, tổng nhu cầu ngô sinh khối cần cho chăn nuôi đại gia súc là 27,6 triệu tấn/năm; trong đó các doanh nghiệp chăn nuôi tự cung cấp được khoảng 70% còn lại cần mua ngoài là 30% (khoảng 8 triệu tấn).
Với định hướng nâng cơ cấu thịt bò lên chiếm 10% tổng cơ cấu thịt xẻ vào năm 2020, ước tính cả nước sẽ cần thêm khoảng 234.000 ha ngô sinh khối (trồng liên tục cả 3 vụ/năm) mới đủ phục vụ nhu cầu thức ăn thô xanh.
Bơ booth rớt giá thê thảm chỉ 5.000 đồng/kg, nông dân neo quả trên cây chờ giá lên
Nếu như tại thời điểm năm 2016 giá bơ booth lên đến 100.000 đồng/kg thì hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, thương lái chỉ thu mua với giá vài nghìn đồng/kg, khiến nhiều hộ nông dân trồng bơ không khỏi ngao ngán, nhiều nhà vẫn tìm cách neo trái trên cây chờ giá lên.
Cách đây 6 năm, nhận thấy bơ booth cho hiệu quả kinh tế cao, anh Bùi Nguyên, trú tại phường An Lạc (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) đã mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng mua cây giống về trồng xen canh với sầu riêng trên diện tích đất hơn 1ha của gia đình. Thế nhưng, lượng cây cho trái chỉ đạt chưa đến 50%, việc chăm sóc cũng khó khăn hơn khiến anh phải tự tay chặt hạ vườn bơ của mình.
"Năm đó, thấy thương lái lùng mua bơ này với giá cao gấp 2-3 lần bơ thường, cơm cũng ngon, dẻo nên tôi đi mua cây giống về trồng. Người nông dân cứ thấy loại nào có giá cao thì trồng mặc dù chưa biết đầu ra ra sao, đổ xô đi mua cây giống với giá 80-100.000 đồng/cây. Vậy mà trồng lên, nhiều cây tốt xum xuê nhưng không có quả, số còn lại có quả thì giá rớt thê thảm", anh Nguyên kể.
Giống bơ booth có nguồn gốc từ Mỹ, được đưa vào trồng ở Đắk Lắk từ đầu những năm 2000 và phát triển mạnh trong 5 năm gần đây.
Theo anh Nguyên, năm ngoái, giá thương lái thu mua tại vườn còn đạt 30-35.000 đồng/kg, nếu tự cắt mang bán thì được giá 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay chỉ còn 6-7.000 đồng/kg đối với loại to đẹp, da bóng bẩy; loại nhỏ và xấu chỉ còn 4-5.000 đồng/kg khiến anh không buồn hái, vẫn neo quả trên cây chờ giá lên.
"Cứ hy vọng vậy thôi nhưng theo tôi khó mà có thể lên được. Loại bơ này không như bơ sáp hay 034, nó rất khó cho trái bởi là giống bơ nhập khẩu. May là tôi trồng xen sầu riêng chứ như một số hộ khác phá rẫy trồng bơ hoặc chặt hết các loại cây ăn quả khác đi trồng loại này thì lỗ to", anh Nguyên thở dài.
Những năm trước đây bà con nông dân thấy bơ booth có mức giá cao nên đã chạy theo phong trào trồng bơ ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu.
Cũng trồng bơ booth tại xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), chị Chu Thị Kiều Oanh phải tự hái bơ nhà mình đem đi bán với giá 7.000 đồng/kg, đồng thời thu mua giúp bà con một số xã lân cận nhằm "giải cứu" bơ.
"Nhiều nhà thương lái trả rẻ quá họ để rụng cho bò ăn chứ không bán, thậm chí có người cầm 3 quả bơ đi mấy chục km để dò giá xem chỗ nào mua cao thì mới bán", chị Oanh cho hay.
Những quả bơ booth da bóng, sáng, đẹp từ 2-3 quả/kg chỉ được thu mua với giá 6-7.000 đồng/kg.
Theo chị Oanh, nếu như năm ngoái giá cao, từ 35-40.000 đồng/kg nhưng lại rất dễ bán thì năm nay giá rẻ mà không có người mua bởi bơ ít trái, trái lại nhỏ và bị nám nhiều, mặt khác do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không xuất khẩu được. Hơn nữa, từ tay người nông dân đến người tiêu dùng tốn quá nhiều khâu trung gian và chi phí, nhất là tiền công vận chuyển.
"Thương lái chỉ trả 2-3.000 đồng/kg bơ xô nên nhiều nhà không bán, họ tự lên mạng đăng bài rồi bán lẻ cho các mối. Tôi tự bán thì được 6-7.000 đồng/kg nhưng lại mất tiền mua thùng đóng hàng 17.000 đồng/50kg, thuê người chở 20.000 đồng/thùng, rồi ủ 2-3 hôm để vận chuyển khỏi hư hỏng, chưa kể hao hụt hay hập nát. Tính ra mỗi tạ bơ lãi được vài chục nghìn mà rất mệt", chị Oanh nói.
Trên chợ mạng, bơ booth được rao bán tràn lan với giá chỉ 7.000 đồng/kg.
Trao đổi với PV, ông Hồ Sỹ Nguyên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cư Kuin xác nhận giá bơ booth trên địa bàn huyện đang được thu mua với giá chỉ 5.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyên, trên địa bàn huyện Cư Kuin có khoảng 600-700ha bơ và sầu riêng, diện tích bơ khoảng 200ha, chủ yếu là bơ booth và một số giống bơ cao sản, chất lượng ngon nhưng đầu ra chưa ổn định, chưa hình thành được chuỗi giá trị nên bị tư thương ép giá.
"Giá thấp một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc vận chuyển, tiêu thụ gặp không ít khó khăn, phần còn lại là do diện tích trồng ngày càng lớn, bà con lại không đảm bảo được đầu ra, phụ thuộc quá nhiều vào tư thương", ông Nguyên nhận định.
Để đảm bảo được đầu ra ổn định và tạo nên giá trị cao cho trái bơ, ông Nguyên cho rằng bà con nông dân phải tự mình hình thành được chuỗi giá trị, đảm bảo được chất lượng đầu ra để điều tiết được thị trường bởi nhu cầu sử dụng bơ trên thị trường còn rất rộng mở.
Quảng Trị: Nuôi hàng ngàn con cá leo to bự trong ao đất, chưa bắt bán thương lái đã "gạ" mua Năm 2019 hội viên, nông dân Trần Đình Xảo ở chi hội thôn Thủy Khê, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) đã nuôi thử nghiệm cá leo thương phẩm trong ao với diện tích mặt nước 0,8 ha mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi cá leo của ông Trần Đình Xảo, thôn Thủy Khê, xã Gio...