Chuyện học ở Phiêng Lằm
Ở Phiêng Lằm xa xôi, các cô giáo vẫn ngày ngày miệt mài đứng lớp ghép. Học sinh trong làng không ngại vượt dốc đá, xa gia đình để từng bước hướng đến tương lai tươi sáng hơn…
Lớp ghép các khối 3, 4, 5 ở điểm trường Phiêng Lằm.
Cháy bỏng khát vọng
Phiêng Lằm là thôn vùng cao thuộc xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Dao và Tày. Người dân ở đây còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào ruộng, nương và tự cung tự cấp. Dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng các em nhỏ nơi đây nỗ lực vươn lên, miệt mài bên trang sách và nuôi dưỡng ước mơ về ngày mai tươi sáng.
Dẫn chúng tôi đến điểm trường Phiêng Lằm là cô Ma Thị Thân, giáo viên đã dạy học ở thôn Phiêng Lằm hơn 10 năm và mới chuyển xuống trường chính 3 năm gần đây. Điểm trường với ba lớp học tách biệt ở ngọn đồi thoai thoải. Đang giờ ra chơi, học sinh vui đùa hớn hở, vài gương mặt ngơ ngác khi có người lạ đến. Đây là nơi học tập của 8 bé mẫu giáo và 19 em trong độ tuổi tiểu học.
Hiện, chỉ có một lớp mẫu giáo học chung, còn bậc tiểu học được chia thành lớp ghép 1 2 và lớp ghép 3 4 5. Vào giờ học, các em được chia thành từng nhóm nhỏ, quay lưng với nhau và chăm chú vào bài tập của mình. Cô giáo liên tục di chuyển giữa những tấm bảng, giảng bài mới, ôn kiến thức cũ, giao bài tập…
“Điều kiện học tập ở Phiêng Lằm còn rất nhiều thiệt thòi. Nhưng so với trước đây thì hiện nay tốt hơn rất nhiều. Những năm trước, thời điểm chúng tôi mới lên nhận công tác, còn phải đi vận động từng nhà cho các em đến trường, khi ấy chỉ có lớp 1, lớp 2. Thế mà nhiều em ham học, đến lớp 3 rủ nhau đi bộ gần 5 cây số xuống xã để học tiếp. Ngày ấy không có đường như bây giờ, phải men theo lối mòn đường rừng để đi. Chúng tôi lên dạy học phải đi bộ, từ sáng sớm sương mờ mịt” – cô Thân nhớ lại.
Video đang HOT
Chia sẻ về công việc đứng lớp ở đây của mình, cô giáo trẻ Ma Thị Mây cho biết: “Ban đầu mới lên đường đi khó quá, tôi bị ngã xe, vừa đau vừa tủi thân. Lúc ấy cũng buồn lắm, tôi từng có ý định thôi không dạy nữa. Nhưng ở đây một thời gian với các em, yêu mến sự chân thành, tốt bụng của bà con, tự nhiên bây giờ lại muốn gắn bó lâu dài”.
Cô Mây cho biết, các em học sinh ở đây ngoan ngoãn, nhưng điều kiện học tập chưa được tốt nên sức học chỉ ở mức trung bình. Cô mong đường đi lại thuận lợi để các em lớp 3 có thể xuống trường chính học, được tiếp xúc với môn Tiếng Anh. Có như vậy khi các em vào cấp II sẽ không bị thiệt thòi.
Cô và trò như những người thân trong gia đình, cùng chăm sóc vườn hoa nhỏ.
Thay đổi trong nhận thức
Bắt đầu lên đến cấp 2, học sinh trong làng bắt đầu cuộc sống tự lập để đi học cách thôn 11km; cấp 3 thì phải xuống thị trấn Bằng Lũng (huyện Chợ Đồn), thuê lán trọ (ở từ 3 – 5 người). Thông thường những ngày cuối tuần các em sẽ về phụ giúp bố mẹ và sau đó mang gạo, rau từ nhà xuống để tiếp tục cho những ngày tháng nuôi dưỡng ước mơ của mình.
Trưởng thôn Hoàng Thế Minh tự hào cho biết: Bà con nắm được tầm quan trọng của cái chữ, từ người lớn đến trẻ nhỏ, ai cũng quyết tâm đi học. Từ trước khi chưa có lớp học, ở đây còn hiện tượng học hết cấp 1 là phải bỏ học, vì khi ấy đời sống còn khó quá, trẻ con cũng phải giúp đỡ việc nhà. Nhưng bây giờ khác rồi, hết cấp 1 mới phải đi học xa, đi ở trọ, lâu lâu về nhà một lần.
Phiêng Lằm là thôn đặc biệt khó khăn, nên học sinh được Nhà nước hỗ trợ gạo, miễn học phí… Dù còn nhiều khó khăn nhưng gia đình nào cũng cố gắng động viên con em đến trường. Người dân cũng hiểu rằng, nếu có kiến thức thì kể cả lao động chân tay cũng sẽ đỡ vất vả hơn.
“Em nghe người lớn kể ngày xưa đi học khổ lắm, thế mà nhiều cô, chú, anh, chị ở thôn em vẫn học tốt, bây giờ được đi làm cán bộ ở tỉnh, ở xã. Chúng em bây giờ đỡ hơn nhiều rồi, thế nên ai cũng quyết tâm cố gắng học, để sau này thành người có ích, giúp đỡ cho quê hương” – em Hoàng Thị Huệ, học sinh lớp 8 chia sẻ.
Càng tìm hiểu, chúng tôi càng khâm phục việc dạy và học của cô trò nơi đây. Mong sao trong thời gian tới, việc học ở bản vùng cao Phiêng Lằm sẽ nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ hơn nữa, để các em không còn phải học ở lớp ghép, để con đường đến tương lai của các em bớt gập ghềnh hơn.
Học sinh được nói nhiều, làm nhiều hơn với chương trình mới
Nhiều giáo viên cho rằng, Chương trình giáo dục phổ thông mới tăng tính thực hành, tăng cường hoạt động trải nghiệm, giúp học trò hứng thú học tập, hoạt bát, tự tin trong giao tiếp hơn.
Sau 2 tháng dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, cô Bàn Thị Hương - giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Đồng Lâm 2 (Quảng Ninh) nhận thấy, học sinh trong lớp mình chủ nhiệm (100% là người Dao) vui vẻ, tự tin trong giao tiếp hơn. Đây là thay đổi rõ rệt mà bước đầu chương trình mới đã mang lại cho người học.
Giờ học môn Tiếng Việt của học sinh lớp 1 trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Đồng Lâm 2 (Quảng Ninh), cô giáo chiếu lên màn hình hình ảnh một số loài vật. Tương ứng với mỗi vần mà học sinh vừa được học, cô "đố" trò tìm được con vật nào mà tên gọi có chứa vần đó. Phía dưới lớp, hàng loạt cánh tay học sinh giơ lên. Nhiều em còn đứng hẳn dậy giơ tay để cô chú ý và gọi lên bảng giải đố.
Nhiều học sinh hào hứng với chương trình mới. (Ảnh minh họa)
Sự hào hứng, vui vẻ, tự tin, thích được phát biểu ý kiến này là điều mà trước đây cô giáo Bàn Thị Hương ít thấy ở học trò trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Đồng Lâm 2 trong những tháng đầu vào học lớp 1. 100% học sinh ở đây là người dân tộc Dao; các em thường rụt rè, nhút nhát, ít thể hiện bản thân.
"Chương trình giáo dục phổ thông mới tăng tính thực hành, tăng cường hoạt động trải nghiệm, giúp học trò hứng thú học tập, hoạt bát, tự tin trong giao tiếp hơn. Đó là điểm rất tích cực mà chương trình bước đầu đã mang lại cho học sinh người dân tộc thiểu số", giáo viên Bàn Thị Hường nói.
Tại một trường tiểu học vùng nông thôn của xã An Lư, huyện Thủy Nguyên (tỉnh Hải Phòng), các tiết học của học sinh lớp 1 cũng diễn ra sôi nổi. Cô giáo cho sinh chơi trò tìm hình vuông, tròn, chữ nhật, tam giác để ôn lại bài "Làm quen với một số hình phẳng". Một học sinh lên bảng trả lời rồi tự điều khiển lớp, mời các bạn phía dưới nhận xét về đáp án của mình. Các học sinh hào hứng tham gia.
Cũng với tiết ôn bài "Làm quen với một số hình phẳng" này, học sinh của trường Tiểu học Ngọc Sơn (quận Kiến An, TP Hải Phòng) được tham gia chơi trò "Tiếp sức". Cô giáo đặt những mẫu hình (tròn, vuông, chữ nhật, tam giác) lẫn lộn trên bảng và chia lớp học thành 2 đội. Ở mỗi lượt chơi, học sinh của 2 dãy sẽ liên tục thay phiên nhau chạy lên bảng để tìm hình theo yêu cầu của giáo viên. Học sinh nào quên hoặc chưa chọn hình được chính xác, các bạn cùng nhóm có thể nhắc hoặc cử bạn khác lên tiếp sức. Kết thúc, nhóm nào cài được nhiều hình đúng và nhanh hơn sẽ giành chiến thắng.
Giáo viên Vũ Thanh Phương - người tổ chức cho học sinh chơi trò "tiếp sức" cho biết, mục tiêu của hoạt động này là giúp học sinh củng cố lại kiến thức đã học và rèn thêm kỹ năng quan sát nhanh, phản xạ nhanh, tinh thần đoàn kết, đồng đội hỗ trợ nhau cùng giải quyết vấn đề.
Qua 2 tháng học tập với nhiều hoạt động sôi nổi được tổ chức theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh của chương trình giáo dục phổ thông mới, các học trò lớp 1 của cô Phương tiếp thu bài rất tốt. "Các em nhanh nhẹn, tự tin hơn, đặc biệt khả năng giao tiếp, tương tác với bạn bè, thầy cô của các em tốt hơn rõ rệt", nữ giáo viên nói.
Các hoạt động học tập được tổ chức cho học sinh nói trên, dễ nhận thấy là không có trong bất cứ sách giáo khoa nào. Các giáo viên bằng quyền chủ động chuyên môn đã linh hoạt, sáng tạo xây dựng và tổ chức bài dạy để phù hợp với học sinh và đạt được hiệu quả giáo dục tốt nhất.
Không cần dạy học đúng y chang yêu cầu trong sách giáo khoa, được chủ động, tự do sáng tạo cho tiết dạy của mình, chính là điểm tích cực ở chương trình giáo dục phổ thông mới mà nhiều giáo viên tâm đắc.
"Tôi thích nhất ở chương trình giáo dục phổ thông mới là trao quyền cho giáo viên được chủ động chuyên môn, sách giáo khoa không còn là pháp lệnh. Theo đó, giáo viên chúng tôi được linh hoạt sử dụng các phương pháp dạy học, điều tiết các bài giảng sao cho phù hợp với đối tượng học sinh. Điều này, có ý nghĩa và tác dụng lớn cho giáo viên khi dạy học sinh người dân tộc thiểu số có những khác biệt trong nhận thức và giao tiếp", cô giáo Bàn Thị Hương, trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Đồng Lâm 2 (Quảng Ninh) nói.
Giáo viên Đinh Duyên Thịnh - trường Tiểu học và Trung học cơ sở Victoria Thăng Long (Hoài Đức, Hà Nội) cũng cho biết, chương trình mới với yêu cầu mở và trao quyền chủ động chuyên môn cho người dạy đã giúp cô tạo ra những bài giảng gần gũi hơn với học sinh, giúp học trò hứng thú hơn trong mỗi tiết học.
Các bài giảng thường được giáo viên tổ chức theo 3 nguyên tắc: huy động vốn hiểu biết của học sinh; hướng dẫn các kỹ năng học tập qua các trò chơi; học phải có sự tương tác giữa học sinh và giáo viên, để học sinh được "sống" nhiều hơn trong bài học của mình./.
Vượt lên nghịch cảnh, cậu học sinh nghèo 9 năm đạt học sinh giỏi Hiểu được sự vất vả của mẹ, ngay từ nhỏ em Đặng Văn Nguyên (sinh năm 2005) đã luôn cố gắng học giỏi. Nghị lực vượt khó của người con hiếu thảo Em Đặng Văn Nguyên dân tộc Dao, sinh ra tại một vùng quê nghèo khó ở xã Yên Lập, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Trong căn nhà nhỏ chỉ có...