Chuyên gia tâm lý mách thí sinh cách loại bỏ căng thẳng trước ngày thi
Để chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi Tốt nghiệp THPT, chuyên gia tâm lý cho rằng các sỹ tử cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn là vùi đầu vào bài vở.
Chỉ còn đúng 1 ngày nữa, các thí sinh trên cả nước (trừ các vùng đang có dịch) sẽ chính thức bước vào kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020.
Đây là kỳ thi nhằm mục đích xét tốt nghiệp, và được nhiều trường cao đẳng, đại học sử dụng kết quả để tuyển sinh. Căng thẳng, lo lắng là tâm lý chung của nhiều thí sinh trước ngày thi.
Chia sẻ với VOV.VN, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam cho rằng, mùa thi năm nào cũng đầy sức nóng, không chỉ căng thẳng cho gia đình mà toàn xã hội.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội). (Ảnh: KT)
“Dường như chúng ta đang sống trong một nền văn hóa thi cử, nơi mà những cơ hội cuộc sống chúng ta bị quyết định bởi một phần điểm số của những cuộc thi. Có lẽ các kỳ thi ngày càng trở nên căng thẳng hơn vì có tác động trực tiếp đến cơ hội giáo dục tốt hơn cho cá nhân, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội nghề nghiệp tương lai, thậm chí là vị trí xã hội và thu nhập của từng học sinh. Vì vậy, đến hẹn lại lên, mùa thi năm nào cũng đầy sức nóng không chỉ gây căng thẳng cho các gia đình mà toàn xã hội. Nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của học sinh, làm hạn chế năng lực thực tế của các em khi làm bài”, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia về tâm lý học đường, các kích thích căng thẳng bao gồm những thông tin tiêu cực hoặc không chính xác như đề thi mang tính đánh đố, khó, tỷ lệ “chọi” cao, kỳ thi không công bằng….
Khi thí sinh tiếp cận quá nhiều thông tin này trên mạng xã hội sẽ dẫn đến hoang mang, lo lắng, không thể tập trung cho các hoạt động ôn luyện.
Tự nhốt mình ôn bài có nguy cơ trầm cảm
PGS.TS Trần Thành Nam cho hay, nhiều học sinh có thói quen trì hoãn, tự nhủ lần này sẽ lên kế hoạch ôn tập và bắt đầu sớm, nhưng cuối cùng lại nhận ra không thể thực hiện.
Từ đó, nhiều học sinh bắt đầu nghi ngờ có điều gì không ổn với mình dẫn đến lo lắng, không thể tập trung vào việc khác.
“Hiện nhiều gia đình cách ly học sinh ra khỏi những hoạt động xã hội. Học sinh tự nhốt mình trong nhà không tiếp xúc với ai trong suốt thời gian trước khi thi để tập trung ôn tập.
Chính sự cô lập này, cùng với thiếu hoạt động thường là nguy cơ gây các triệu chứng trầm cảm, ảnh hưởng đến tốc độ tư duy, tốc độ ghi nhớ và sự sắc bén của hệ thần kinh trong khi học tập”, PGS Nam nói.
Cũng theo Chủ nhiệm khoa các Khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục), nhiều học sinh đang tin rằng, nghỉ ngơi trong thời gian này là “xa xỉ”, nếu ngủ 6 tiếng/ngày thì sẽ trượt, hay “nếu không vượt qua kỳ thi này, thì tôi chỉ là kẻ thất bại không đáng sống”, “tất cả mọi người sẽ coi thường nếu tôi không đạt được kết quả như kỳ vọng’…
Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý cho rằng, những suy nghĩ, niềm tin không hoàn toàn chính xác và nó khiến thí sinh xao nhãng, mất tự tin khi học và làm bài.
Thói quen sinh hoạt không lành mạnh trong thời gian này như ăn kiêng một cách không phù hợp, kiêng ăn trứng, tin thịt bò, thịt lợn… vì tin rằng không may mắn trong kỳ thi. Hay thức quá khuya để học bài, uống các loại nước có cafein để giúp tình táo. Nhiều em lại ngồi lỳ học bài, không vận động hay duy trì một chế độ luyện tập thể chất trong thời gian dài cũng làm cơ thể mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức học tập.
Dành thời gian “tử tế” cho bản thân
Video đang HOT
Để ứng phó với những kẻ thù tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, các thí sinh cần thay đổi các tác nhân gây stress.
“Các em có thể từ chối không tiếp tục câu chuyện với những người có tư tưởng cho rằng kỳ thi không công bằng vì nó sẽ cấy mầm cho những suy nghĩ gian lận.
Việc nghỉ ngơi phù hợp, giúp não bộ được thư giãn và giúp chúng ta học được nhanh hơn.
Duy trì giấc ngủ sâu đầy đủ, khiến bộ não tái tạo năng lượng giúp chúng ta tập trung hơn, ghi nhớ lâu hơn, tư duy sắc bén hơn, nếu không vượt qua kỳ thi này thì tôi vẫn còn những lựa chọn khác để thành công.
Dành thời gian cho vận động giúp tăng cường endorphins, cải thiện tâm trạng khiến chúng ta hào hứng hơn khi học.
Cố gắng duy trì một thời gian biểu lành mạnh: có kế hoạch vệ sinh giấc ngủ và ngủ đủ để cải thiện sức khỏe tinh thần, ăn uống cân bằng và đủ chất, duy trì một kế hoạch vận động.
Nên nhớ rằng sức khỏe thể chất tốt làm tăng sức đề kháng của sức khỏe tinh thần”, chuyên gia tâm lý này lưu ý.
PGS Trần Thành Nam cũng cho rằng, thí sinh cần đặt mục tiêu và tập trung vào một việc để giảm những áp lực về số lượng công việc. Chia công việc thành những nhiệm vụ nhỏ để thực hiện. Đặt thời gian ngày giờ cụ thể và tự thưởng cho mình nếu hoàn thành đúng tiến độ đã đề ra.
“Các em hãy dành thời gian tử tế với bản thân mình. Mỗi bạn hãy tìm ra một cách để thư giãn phù hợp. Bên cạnh đó, các em cũng nên duy trì những mối quan hệ xã hội để tránh sự cô lập. Mỗi ngày hãy dành thời gian nói chuyện với người thân, bạn bè, củng cố những mối quan hệ hiện tại hoặc dành lại những mối quan hệ đã xa. Không ngại nói ra những xảm xúc của bản thân và nhờ giúp đỡ.
Trong giai đoạn này hãy áp dụng phương châm “mỉm cười là công cụ, nhờ vả là con đường’, PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên cho các thí sinh./.
'Nghỉ hè 3 tháng không dài, thậm chí còn ngắn'
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng khi ngành giáo dục chuyển trọng tâm sang dạy người, 3 tháng hè không dài, thậm chí còn ngắn.
Trong khi nhiều phụ huynh, giáo viên, học sinh vui mừng trước thông tin từ năm học sau, thời gian nghỉ hè kéo dài 3 tháng, không ít bậc cha mẹ lo lắng nghỉ quá lâu, con quên kiến thức.
PGS.TS Trần Thành Nam, chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng với suy nghĩ và cho con học theo kiểu nhớ vẹt kiến thức, trước sau gì con cũng quên.
Theo ông, bố mẹ sợ con quên kiến thức, tức là chỉ chú trọng việc trẻ học bằng cách nhớ lặp lại cái được dạy. Nhớ lặp lại như vậy, con người sẽ càng ngày càng thua máy móc.
"Con người hơn máy móc ở tư duy sáng tạo, tư duy phản biện và sự khác biệt. Cha mẹ nên dành kỳ nghỉ hè để tập trung cho con rèn luyện những điều này", ông Nam nêu quan điểm.
TS Trần Thành Nam cho rằng kiến thức cần được hình thành qua hoạt động, trải nghiệm thực tế. Ảnh: VieChannel.
Không quá coi trọng kiến thức học bằng cách nhớ
Theo TS Trần Thành Nam, nếu phụ huynh để con chơi suốt ngày, chúng có thể quên kiến thức học trong năm học. Tuy nhiên, ông cho rằng ngày nay, con người không còn quá coi trọng những kiến thức học bằng cách nhớ.
"Nếu cần những kiến thức phải nhớ như vậy, chúng ta có thể rất dễ dàng tìm thấy trên một cơ sở dữ liệu nào đó. Kiến thức phụ huynh sợ con quên đều có thể tìm kiếm trên mạng", ông Nam nói.
Nếu người lớn muốn trẻ có kiến thức thực sự, không phải kiểu học vẹt, kiến thức đó cần phải được hình thành qua hoạt động, trải nghiệm va chạm thực tế để chuyển thành hành vi, thói quen, năng lực của con.
Loại kiến thức này khó hình thành nhưng khi đã hình thành được thì khó quên.
Song PGS.TS Trần Thành Nam khẳng định nếu chỉ học trên lớp, môi trường học tập giới hạn trong 4 bức tường, trẻ không bao giờ hình thành được năng lực đó.
Vì vậy, kỳ nghỉ hè chính là thời gian để trẻ kiểm nghiệm kiến thức đã học vào cuộc sống. Phụ huynh cần tổ chức các hoạt động giúp con vận dụng những gì học được trong năm học vào thực tế.
Nếu có thể tổ chức tốt, trẻ chơi nhưng sẽ không quên kiến thức, con cảm thấy nội dung học thú vị vì gắn với thực tiễn, ứng dụng được trong cuộc sống.
"Những bố mẹ suy nghĩ nghỉ 3 tháng nhiều quá, sợ con quên kiến thức, cũng đều xuất phát từ tâm lý ích kỷ vì không có ai trông con. Họ đang muốn nhường hết trách nhiệm dạy con cho nhà trường, để thầy cô lo cho con mình 100%", ông nói.
Việc phụ huynh cho con học vượt trong hè để đua thành tích khiến trẻ mất hứng thú với việc học. Ảnh minh họa: Hoàng Đông.
Trẻ cần những khoảng "không làm gì cả"
Thực tế, tâm lý sợ con quên kiến thức còn dẫn đến tình trạng nhiều phụ huynh, đặc biệt ở thành phố, cho con học thêm suốt kỳ nghỉ hè.
Về vấn đề này, TS Trần Thành Nam cho hay ở nhiều nước phương Tây, các lớp học hè được mở với mục tiêu giúp đỡ, hỗ trợ học sinh khó khăn đặc biệt hoặc không thể tham dự đầy đủ thời gian học trong năm vì hoàn cảnh.
Như vậy, học hè giúp thu hẹp khoảng cách kiến thức giữa học sinh, để đến năm học mới, mọi học sinh có năng lực như nhau.
Nói cách khác, học hè ở trường tạo cơ hội nâng đỡ học sinh thiệt thòi, thực hiện quyền bình đẳng giữa các học sinh, không để em nào tụt lại phía sau.
Giáo dục đang chuyển trọng tâm từ dạy chữ sang dạy người. Trong hè, người lớn có thời gian để tổ chức các hoạt động giáo dục phục vụ mục tiêu dạy người.
PGS.TS Trần Thành Nam
Tuy nhiên, theo ông Nam, ở nước ta, mục tiêu của học hè phần nhiều là đẩy thành tích, năng lực. Giống như một cuộc đua, các bậc cha mẹ luôn có xu hướng so sánh con với những chuẩn mực cao hơn để tạo áp lực cho con mình phải ở tốp đầu nếu không muốn nói là thứ nhất.
Vì thế, nhiều khóa học hè mà phụ huynh cho con theo học còn học trước kiến thức của năm tiếp theo. Điều này trực tiếp làm giảm động cơ và thái độ học tập của trẻ trong năm học mới.
Chuyên gia giáo dục này phân tích học sinh bị bắt học khiến học hè trở thành áp lực, gánh nặng chứ không còn hứng thú với các em. Hơn nữa, những kiến thức năm mới được học trước khiến trẻ bước vào năm học một cách chủ quan, hình thành thói quen học trên lớp lơ đãng vì nghĩ mình biết rồi.
Bên cạnh đó, học hè diễn ra trong thời gian ngắn, thường không có tác dụng nâng cao năng lực hay đẩy mạnh kiến thức. Nó chỉ được chứng minh có hiệu quả trong việc củng cố kiến thức chưa nắm chắc hoặc hạn chế rơi rụng kiến thức.
Ông Nam dẫn nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ nhìn nhận việc phải học hè theo sắp đặt của bố mẹ (với các môn văn hóa) là do trẻ đã không đáp ứng được kỳ vọng, làm hài lòng bố mẹ.
Nhiều trẻ diễn giải học hè là do bố mẹ lúc nào cũng chỉ quan tâm công việc. Việc bắt trẻ đi học hè là để "rảnh tay" làm việc.
Ông khẳng định cách thức nhìn nhận này không có lợi cho sự gắn bó cha mẹ - con cái và sức khỏe tinh thần của bản thân trẻ.
Ngoài ra, phụ huynh cần hiểu muốn con thành công trong tương lai, kỹ năng sống, kiến thức áp dụng giải quyết trong cuộc sống mới là vấn đề cốt lõi.
Để phát triển tư duy sáng tạo, phản biện, con phải có những khoảng thời gian "không làm gì cả" để tự do suy nghĩ theo cách của mình. Những ý tưởng mới sẽ xuất hiện lúc đó.
Vì thế, ông Nam cho rằng cần nâng cao nhận thức cho phụ huynh về hậu quả của việc ép con học trước, hay học nhồi nhét, học để đua con. Nếu người lớn không thay đổi suy nghĩ, dù Bộ GD&ĐT cấm dạy thêm trong hè, họ vẫn tìm cách "lách luật" để cho con học thêm.
Thời gian hè, học sinh có thể tham gia hoạt động phát triển thể chất hoặc các khóa học nhằm rèn luyện kỹ năng sống, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.
Nghỉ hè không có nghĩa dừng học
PGS.TS Trần Thành Nam khẳng định nghỉ hè không có nghĩa nghỉ, dừng học. Giáo dục đang chuyển trọng tâm từ dạy chữ sang dạy người. Trong hè, người lớn có thời gian để tổ chức các hoạt động giáo dục phục vụ mục tiêu dạy người.
"Ba tháng nghỉ hè không dài, thậm chí còn ngắn nếu chúng ta tổ chức thời gian này khoa học, giúp con đạt được những kỹ năng sống, kỹ năng của công dân thế kỷ 21", ông Nam nêu quan điểm.
Ông cho rằng phụ huynh nên chọn các khóa học hè dựa trên nhu cầu của con bên cạnh các yếu tố khác như giáo viên, chương trình, đồng thời nghiên cứu để các khóa học đó không làm mất thời gian trẻ cùng gia đình nghỉ ngơi, du lịch, theo đuổi sở thích.
Ngành giáo dục cần hướng dẫn các gia đình để tổ chức hoạt động hè thực sự an toàn, hữu ích cho trẻ. Nhà trường cũng có thể đưa ra một số hoạt động định hướng theo khối lớp, giúp học sinh vận dụng kiến thức đã học vào hoạt động cụ thể, thiết kế hoạt động phù hợp với chuẩn đầu ra.
Ngoài ra, việc chuẩn hóa, kiểm định các trung tâm giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng sống, kiến thức bổ trợ, tránh tình trạng "bát nháo", phụ huynh không biết đâu mà lần.
Để lựa chọn hoạt động hè hữu ích cho trẻ, phụ huynh cần phân tích điểm mạnh, hạn chế của việc học hè theo những điều bàn luận ở trên.
Ngoài ra, cha mẹ cân nhắc nhu cầu của mình và con cái, ai dạy khóa học đó (giáo viên có kinh nghiệm, tạo được hứng thú hay không), khóa học đáp ứng nhu cầu của cha mẹ, con cái và kế hoạch du lịch, nghỉ ngơi của gia đình thế nào.
Bên cạnh đó, họ nên xem xét đề cương, nội dung, giáo trình, số học sinh/lớp, tần suất tương tác giữa giáo viên -học sinh để xác định chất lượng khóa học.
Học sinh nghỉ hè 3 tháng: Vì sao tôi ủng hộ? Nghỉ hè 3 tháng: con rất thích - mẹ rất lo. Nhưng đứng về phía người học, cá nhân tôi ủng hộ phương án nghỉ hè 3 tháng vì những ưu điểm không thể phủ nhận dưới đây. Xin giới thiệu ý kiến của PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội)...