Chuyên gia Nga bình luận vấn đề Biển Đông
Vấn đề Biển Đông thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia Nga trong khi phía chính quyền Moscow không muốn bị lôi kéo vào cuộc xung đột này.
Đánh giá &’ảnh hưởng toàn diện’ của Nhật Bản tại Biển Đông
Theo ông Vladimir Terekhov, chuyên gia Nga về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các sự kiện trong 2 tháng gần đây khẳng định sự hồi sinh toàn diện của Nhật Bản tại Biển Đông nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.
Theo vị chuyên gia này, hiện nay Biển Đông là đầu mối liên kết quan trọng và nhạy cảm của tuyến đường thương mại hàng hải quốc tế, khởi nguồn tại khu vực Vịnh Ba Tư và đi qua Ấn Độ Dương.
Vai trò bảo đảm hoạt động liên tục của tuyến đường huyết mạch này đối với Nhật Bản trở thành vấn đề mang tính sống còn.
Hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc trên đá Châu Viên của Việt Nam
Tuy nhiên, trước thực trạng Trung Quốc không ngừng gia tăng ảnh hưởng tại Biển Đông và Đông Nam Á, Nhật Bản hết sức quan ngại và cho rằng sự hiện diện của Bắc Kinh là nguồn thách thức tiềm năng đối với các lợi ích quốc gia của Nhật Bản.
Trung Quốc ngang nhiên nhận vơ, đưa ra khẳng định phi lý rằng “80% diện tích của Biển Đông là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc”.
Chính vì vậy, xung đột song phương vốn đã căng thẳng từ lâu tại Biển Hoa Đông liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Sekaku/ Điếu Ngư bắt đầu lan tỏa sang Biển Đông.
Về mặt kinh tế, cuộc tranh giành ảnh hưởng đối với 5 nước sông Mekong (Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan) nói riêng và ASEAN nói chung giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng mang tính công khai bất chấp các cuộc tham vấn song phương định kỳ được tổ chức nhằm mục đích hài hòa các nỗ lực tại các nước Vùng Mekong.
Video đang HOT
Theo ông Terekhov, trong khi đa số các nước vùng Mekong muốn giữ quan điểm chính trị trung lập trong “cuộc chơi” giữa hai cường quốc hàng đầu châu Á và không làm phức tạp thêm tiến trình hợp tác với các nhà tài trợ kinh tế tài chính lớn thì quan điểm của Việt Nam đối với chính sách của Trung Quốc tại khu vực bắt đầu có sự khác biệt rõ rệt.
Trong Hội nghị Thượng đỉnh ở Tokyo khi trong cuộc họp báo chung của Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản, ông Shinzo Abe tuyên bố rằng hai nước thể hiện sự quan ngại nghiêm túc trước việc đơn phương thay đổi thực trạng trên Biển Đông, tuy nhiên ông không đề cập đến nguồn quan ngại trực tiếp của Nhật Bản và Việt Nam.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã liên kết vào tiến trình bảo đảm các lợi ích quốc gia. Hiện nay, Nhật Bản đã tiến hành 2 cuộc tập trận quân sự cùng Philippines – một trong những đối thủ cứng rắn nhất của Trung Quốc tại Đông Nam Á.
Hơn nữa, với việc Quốc hội Nhật Bản ngày 16/7 đã thông qua điều chỉnh luật mới trong lĩnh vực quốc phòng, dự kiến sự hiện diện quân sự của Nhật Bản ở Đông Nam Á nhất định sẽ gia tăng.
Bình luận về các động thái của Nhật Bản trong thời gian gần đây tại Đông Nam Á trong lĩnh vực kinh tế và quân sự, nhà bình luận của tạp chí American Interest khẳng định rằng, tất cả các hành động này của Tokyo đều nhằm mục đích kiềm chế ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Nga không muốn bị lôi kéo vào vấn đề Biển Đông
Mới đây, báo Độc lập của Nga có bài bình luận dẫn lời chuyên gia của Viện Nghiên cứu Viễn Đông, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, ông Alexander Larin cho rằng, vai trò và ảnh hưởng của Nga ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là không lớn. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, Nga có các mối liên kết chặt chẽ ở phương diện chính trị, cũng như trong các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật và quân sự. Công ty con của tập đoàn dầu khí Gazprom, đã thành công trong việc khai thác, điều chế dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam.
Tuy nhiên, giữa Việt Nam và Trung Quốc lại tồn tại tranh chấp về việc kiểm soát các hòn đảo ở Biển Đông. Theo ông Larin, dường như trong mọi trường hợp, Nga không muốn bị lôi kéo vào vấn đề này. Mặt khác, Trung Quốc đã hứa sẽ hỗ trợ Nga trong việc xúc tiến thương mại các sản phẩm được sản xuất tại Nga sang thị trường Đông Nam Á. Và trong ngắn hạn, các nhà ngoại giao của Nga sẽ rất bận rộn với nhiều công việc phải hoàn thành”, chuyên gia Larin kết luận.
Theo các phương tiện truyền thông, tại Kuala- Lumpur (Malaysia) vừa qua, Ngoại trưởng Nga Lavrov có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, song không tiết lộ chi tiết nội dung cuộc gặp. Thay vào đó, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham gia vào sự kiện kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới II, sẽ diễn ra tại Bắc Kinh vào ngày 3/9 tới.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố phát triển quan hệ Nga-Trung là ưu tiên số 1 trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga.
Theo Đất Việt
Nga đối tác quân sự quan trọng của Việt Nam
Nga hiện là đối tác quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác quân sự. Hợp tác quân sự là một trong những lĩnh vực trụ cột của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Itar-Tass của Nga gần đây nhân dịp Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev có chuyến thăm đến Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
- Xin Ngài Thủ tướng đánh giá về thực trạng và triển vọng về quan hệ Việt - Nga?
Tôi vui mừng khẳng định rằng mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga đang phát triển tích cực, năng động và có chiều sâu và đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, đặc biệt là chính trị, kinh tế - thương mại, quốc phòng - an ninh, hợp tác nhân văn và giao lưu nhân dân. Nổi bật là:
Về quan hệ chính trị, hai nước đã triển khai, đa dạng hóa các kênh hợp tác, các cơ chế trao đổi đoàn và duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao thường xuyên theo kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội, nổi bật là chuyến thăm chính thức Liên bang Nga vào tháng 11/2014 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tạo động lực quan trọng thúc đẩy hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Các cơ chế hợp tác song phương tiếp tục phát huy hiệu quả, trong đó Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật Việt - Nga đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối, đưa ra các biện pháp thực hiện các thỏa thuận cấp cao đã đạt được. Hai bên cũng phối hợp hành động chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trên trường quốc tế, đặc biệt đối với các vấn đề liên quan đến lợi ích trực tiếp của mỗi nước.
Quan hệ kinh tế- thương mại giữa hai nước cũng đã có những nỗ lực đáng ghi nhận. Kim ngạch thương mại song phương năm 2014 đạt 2,59 tỷ USD nhưng vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của mỗi nước. Trong khi đó, hợp tác đầu tư giữa hai nước ổn định, hiện Nga có 104 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng 2 tỷ USD, Việt Nam hiện có 20 dự án đầu tư vào Nga với tổng vốn 2,5 tỷ USD. Sau hơn một năm đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, tháng 12/2014, hai bên đã ra Tuyên bố cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định và dự kiến sẽ ký chính thức trong nửa đầu năm 2015 tạo cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế - thương mại.
Hợp tác năng lượng tiếp tục là lĩnh vực trụ cột của quan hệ Việt - Nga. Trong lĩnh vực dầu khí, doanh nghiệp hai bên đang tích cực triển khai, chú trọng bảo đảm vốn đầu tư các dự án đã có cũng như thúc đẩy các dự án mới. Các liên doanh như Vietsovpetro, Rusvietpetro, Gazpromviet, Vietgazprom... hoạt động hiệu quả trên thềm lục địa Việt Nam và lãnh thổ Nga cũng như tích cực nghiên cứu mở rộng thăm dò và khai thác tại các mỏ mới. Hai bên đang phối hợp chặt chẽ triển khai dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I theo phương châm đáp ứng các yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn, hiệu quả cao nhất và tuân thủ đúng quy định pháp luật Việt Nam về đầu tư xây dựng.
Hợp tác trong các lĩnh vực công, nông nghiệp được hai bên tăng cường thúc đẩy. Trong lĩnh vực tài chính, hai bên đang phối hợp nghiên cứu khả năng thanh toán bằng đồng nội tệ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thanh toán thương mại trong tình hình mới.
Việt Nam và Nga cũng hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế ở mỗi nước, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga, đóng góp thiết thực vào việc duy trì môi trường hòa bình và ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Ngoài ra, các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch đang phát triển rất tích cực. Hiện nay, số lượng học bổng Chính phủ Nga cấp cho Việt Nam ngày càng tăng, năm học 2015 - 2016 sẽ là gần 800 học bổng đào tạo đại học và sau đại học, trong đó có 70 chỉ tiêu cho ngành năng lượng nguyên tử. Về hợp tác du lịch, Nga tiếp tục là một trong 10 nước đứng đầu về lượng khách đến Việt Nam, đạt hơn 364 ngàn lượt năm 2014.
Với thành quả hợp tác hiện nay, tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga có triển vọng và tương lai tốt đẹp. Năm 2015, hai nước chúng ta kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại cũng như các sự kiện trọng đại ở mỗi nước và đây chính là dấu mốc quan trọng để hai nước quyết tâm hướng tới những thành công mới to lớn hơn nữa với độ tin cậy cao về chính trị và việc triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả tất cả các lĩnh vực hợp tác song phương.
- Việt Nam và Nga đã có kinh nghiệm hợp tác lâu dài và thành công trong lĩnh vực năng lượng và kỹ thuật quân sự. Xin Thủ tướng nhận định về những nhiệm vụ mới trong các lĩnh vực này?
Hợp tác năng lượng và kỹ thuật quân sự là những lĩnh vực trụ cột của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga và trong giai đoạn mới, hai bên cần tiếp tục hợp tác theo các hướng truyền thống, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực mới.
Trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam và Liên bang Nga có thể mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới là chế biến và lọc hóa dầu, sản xuất nhiên liệu cho động cơ chạy khí và việc Nga cung cấp dầu thô dài hạn cho Việt Nam.
Trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, Nga hiện là đối tác quan trọng của Việt Nam. Trong thời gian tới, hai nước cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực này, chuyển sang hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực liên doanh sản xuất, nghiên cứu khoa học, thành lập các trung tâm dịch vụ và bảo hành. Đây cũng là chủ trương được Lãnh đạo cấp cao hai nước trao đổi và thống nhất triển khai từng bước trong những năm tới.
- Trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev, xin Ngài Thủ tướng cho biết những vấn đề thảo luận dự kiến giữa hai bên?
Tôi rất vui mừng được chào đón Ngài Thủ tướng Medvedev sang thăm Việt Nam. Tôi sẽ cùng Ngài Thủ tướng thảo luận, đánh giá hiệu quả những hoạt động hợp tác song phương thời gian qua, trao đổi ý kiến về những phương hướng, biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại, đầu tư, năng lượng, kỹ thuật quân sự, đào tạo nguồn nhân lực và nhiều lĩnh vực khác.
Chúng tôi cũng sẽ rà soát việc thực hiện các thỏa thuận cấp cao, tiến độ triển khai các dự án lớn giữa hai nước, thống nhất lộ trình ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, thảo luận về tiến độ triển khai dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I, cũng như các dự án dầu khí khác. Tôi và Ngài Thủ tướng cũng sẽ trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm, phối hợp hành động giữa hai nước trên trường quốc tế, tình hình cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga và việc tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân.
Tôi tin tưởng rằng, các kết quả đạt được trong khuôn khổ chuyến thăm sẽ thể hiện được ý chí, quyết tâm của Lãnh đạo Cấp cao hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga, nâng cao chất lượng hợp tác song phương, góp phần đẩy mạnh công cuộc phát triển và hiện đại hóa ở mỗi nước, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới.
Theo VnMedia
Những hình ảnh, phát ngôn ấn tượng trong hội đàm cấp cao Việt Nga Tại cuộc hội đàm ngày 6/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc đến hoạt động hợp tác với Nga về chế biến và lọc hóa dầu, dự án điện Hạt nhân Ninh Thuận. Thủ tướng Medvedev nói về 17 dự án như cung cấp máy bay, sản xuất đầu máy xe lửa cho Việt Nam... Thủ tướng 2 nước duyệt đội danh dự....