Chuyên gia lưu ý về kiểm tra, đánh giá với môn học mới ở lớp 6
PGS.TS Trần Xuân Bách, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng chia sẻ một số nội dung về kiểm tra, đánh giá với một số môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 – lớp 6.
Ảnh minh họa/ITN
Đây là vấn đề được nhiều nhà trường và thầy cô được phân công dạy lớp 6 trong năm học tới quan tâm.
Có thể cơ cấu 2 đầu điểm
Liên quan đến băn khoăn của giáo viên: Theo công văn 2613, môn Lịch sử và Địa lý kiểm tra thường xuyên thì theo từng phân môn; còn kiểm tra định kì chung 2 phân môn. Vậy tỉ lệ câu hỏi, điểm cho từng phân môn như thế nào? Giáo viên chấm và lấy điểm ra sao (đối với trường chưa có giáo viên dạy tích hợp mà 2 giáo viên Lịch sử và Địa lý riêng?
Trả lời câu hỏi này, PGS. TS Trần Xuân Bách cho biết: Ở cấp THCS, Lịch sử và Địa lí là một môn học, giống như các môn học bình thường khác, nên các cột điểm định kì sẽ là điểm của môn chứ không phải là phân môn.
Đối với điểm thường xuyên, môn Lịch sử và Địa lí tổng số tiết là 105 tiết (như vậy lớn hơn 70 tiết/năm học theo Thông tư 26) nên một học kì có 4 điểm thường xuyên. Như vậy, có thể cơ cấu 2 đầu điểm cho phân môn Địa lí và 2 đầu điểm cho phân môn Lịch sử.
Đối với đánh giá định kì, môn học này mỗi kì có 1 bài giữa kì, một bài cuối kì, thời gian có thể từ 45-90 phút (chọn bao nhiêu phút có thể do hiệu trưởng quyết định). Với mỗi bài hiện có hai phương án như sau:
Phương án ra chung 1 đề kiểm tra. Với phương án này, tỉ lệ có thể do nhà trường xác định và tùy theo cách phân bổ số tiết cho học kì đó. Ví dụ học kì 1 – 2 tiết Lịch sử, 1 tiết Địa lý – thì tỉ lệ điểm có thể là 70% Sử, 30% Địa. Học kì 2 ngược lại.
Video đang HOT
Phương án 2, hai phân môn ra 2 đề riêng, điểm cộng lại chia đôi hoặc chia theo tỉ lệ như trên. Tuy nhiên phương án 1 được đồng ý nhiều hơn.
“Bên cạnh chương trình, thầy cô cần quan tâm cập nhật các quy định mới về đánh giá của Bộ GD&ĐT” – PGS.TS Trần Xuân Bách lưu ý.
PGS.TS Trần Xuân Bách – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: Vũ Văn Hoàng
Xây dựng tiêu chí đánh giá phù hợp
Với môn Khoa học tự nhiên, theo PGS.TS Trần Xuân Bách, chương trình có tổng số tiết 140 tiết/1 năm, trong đó có 10% tương ứng 14 tiết dành cho ôn tập, kiểm tra đánh giá. Ở mỗi học kỳ sẽ có 2 tiết ôn giữa kỳ, 1 tiết thi giữa kỳ, 2 tiết ôn cuối kỳ và 2 tiết thi cuối kỳ. Hoặc có thể tổ chức ôn tập sau mỗi chủ đề, miễn sao số tiết ôn tập và kiểm tra đánh giá là 14 tiết/ 1 năm
Với hoạt động thực hành và trải nghiệm có sử dụng dạy học dự án và đánh giá theo dạy học dự án. Đối với học sinh lớp 6 mới tiếp cận với loại hình này nên có thể khó khăn cho học sinh và giáo viên khi đưa ra bảng tiêu chí đánh giá và các mức độ. Nhiều thầy cô mong muốn được hướng dẫn về số lượng tiêu chí khi đánh giá (giáo viên đánh giá học sinh, các nhóm học sinh đánh giá lẫn nhau, học sinh đánh giá cá nhân).
Liên quan đến nội dung này, PGS. TS Trần Xuân Bách cho rằng, khi đánh giá mà sử dụng phương pháp đánh giá là sản phẩm dự án, giáo viên sẽ xây dựng các tiêu chí đánh giá sản phẩm đó phù hợp với yêu cầu sản phẩm khi giao cho học sinh. Về năng lực đánh giá và xây dựng công cụ đánh giá thì giáo viên đã được tập huấn trong mô đun 3.
Tuy nhiên PGS. TS Trần Xuân Bách cũng lưu ý: Không có yêu cầu cụ thể về số lượng tiêu chí đánh giá; tùy vào sản phẩm và yêu cầu khi giáo viên giao cho học sinh mà giáo viên sẽ xây dựng công cụ và tiêu chí đánh giá phù hợp.
Do đó không có khuôn mẫu, mà giáo viên sẽ dựa vào: Yêu cầu sản phẩm khi học sinh thực hiện; Đặc điểm học sinh (khả năng, năng lực, đặc điểm tâm lý); Mục tiêu khi đánh giá để xây dựng các tiêu chí và mức độ đánh giá cho phù hợp.
Chia sẻ về xếp lịch dạy ở một số môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, PGS.TS Trần Xuân Bách cho biết: Việc sắp xếp trong phân phối chương trình có thể linh hoạt trình bày theo từng phân môn, trình bày chung trong một bảng. Việc xếp lịch dạy được căn cứ trên kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn được hiệu trưởng phê duyệt. Sau khi kế hoạch được phê duyệt, tổ trưởng căn cứ tình hình giáo viên trong tổ, số tiết phải giảng dạt trong năm để phân cho giáo viên phù hợp, bảo đảm không quá 19 tiết/ tuần. Để có thêm kiến thức và các hiểu biết về nội dung này, mô-đun 4 sắp triển khai bồi dưỡng sẽ hỗ trợ thêm cho quý thầy cô để có cơ sở thực hiện tốt.
Dạy các môn học mới với lớp 6: Nhận diện khó khăn, giải pháp hợp lý
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 6 có sự xuất hiện môn học mới, nhiều trường xác định đây là thách thức không nhỏ để triển khai hiệu quả, đặc biệt trong bố trí đội ngũ.
Các cơ sở giáo dục cần đặt quyết tâm thực hiện chương trình lên hàng đầu.
Tuy nhiên, tinh thần của các trường là phát huy tối đa thuận lợi, nhận diện rõ khó khăn để có giải pháp triển khai hiệu quả nhất.
Chọn giáo viên tốt nhất dạy lớp 6
Hiện tổng số cán bộ quản lý, giáo viên (GV) THCS toàn huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) là 364 người; trong đó 34 cán bộ quản lý, 307 GV trong biên chế; 23 GV hợp đồng. Cơ cấu GV tương đối hợp lý giữa các nhà trường, bộ môn. Theo Trưởng phòng GD&ĐT Nguyễn Anh Tuấn, phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường rà soát, lên kế hoạch dự kiến phân công GV dạy lớp 6 năm học 2021 - 2022. Qua rà soát, các trường lựa chọn đủ số lượng, cơ cấu GV thực hiện chương trình mới (lớp 6). Trong đó, tất cả GV được lựa chọn đều là GV tốt nhất của các nhà trường. 100% GV dạy lớp 6, cũng như các GV khác đều đang tích cực bồi dưỡng, tập huấn theo chương trình tập huấn của Bộ/sở GD&ĐT; đồng thời với tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng.
Chú trọng đặc biệt đến đội ngũ, nhưng khi chia sẻ về khó khăn, điều đầu tiên ông Nguyễn Anh Tuấn đề cập đến cũng là vấn đề này. Theo đó, có cơ sở giáo dục còn thiếu GV theo phân môn. Ví dụ, có trường chỉ có 1 GV Hóa học, việc bảo đảm giảng dạy theo chương trình hiện hành (môn Hóa chỉ có ở lớp 8, lớp 9) đã khó khăn, nay thêm môn Khoa học Tự nhiên ở khối lớp 6, chắc chắn sẽ là thách thức không nhỏ với các cơ sở giáo dục. Hơn nữa, trình độ chuyên môn của GV không đồng đều. Có GV rất tâm huyết, trách nhiệm, năng lực chuyên môn vững vàng; nhưng cũng có bộ phận GV còn tư tưởng ỷ lại, ngại đổi mới, chưa có ý thức phấn đấu...
Tại Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội), thông tin từ Hiệu trưởng Hoàng Thị Yến, đội ngũ GV được chọn dạy chương trình, SGK mới đều là người có chuyên môn vững; đa số là GV cốt cán, có khả năng tiếp cận nhanh việc đổi mới chương trình và phương pháp dạy học. Tuy nhiên, khó khăn với trường là GV dạy ngoại ngữ 2 (môn tự chọn) không có trong biên chế, GV hợp đồng cũng không có nguồn để tuyển.
Với môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học Tự nhiên, các kiến thức của từng phân môn rất rõ ràng nên bố trí GV đúng chuyên môn để giảng dạy không khó. Nhưng sắp xếp thời khóa biểu cho những GV dạy môn này sẽ gặp khó khăn do thầy cô còn dạy ở các khối lớp đang thực hiện chương trình hiện hành. Với Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, nội dung các chủ đề phong phú, đòi hỏi GV có kiến thức về mọi mặt và kỹ năng tổ chức hoạt động. Đây cũng là khó khăn khi phân công GV thực hiện vì thầy cô hầu hết chỉ được đào tạo sâu về một môn khoa học.
Giáo viên là người vận dụng sáng tạo chương trình mới vào tiết học. Ảnh minh họa
Chuẩn bị với quyết tâm cao nhất
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Ea Trol (Sông Hinh, Phú Yên), thầy Lê Xuân Thiều chia sẻ: Triển khai chương trình mới cho lớp 6, nhà trường có thuận lợi là đội ngũ nhiệt tình, có tinh thần học hỏi, tự học cao, yêu nghề... Tuy nhiên, khó khăn của trường là tỷ lệ GV trên lớp đủ theo quy định, nhưng lại thừa thiếu cục bộ. GV chỉ được đào tạo đơn môn nên khi dạy các bài dạy, chủ đề sẽ khó đạt hiệu quả cao. Chất lượng học tập của HS, đặc biệt là các hoạt động khó bảo đảm vì HS là người đồng bào dân tộc thiểu số, các kỹ năng tính toán, hành văn (diễn đạt, nói, viết...) còn yếu...
Nhận diện rõ khó khăn, nhà trường xác định giải pháp kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ. Kiến nghị với ngành tổ chức các lớp bồi dưỡng về những nội dung giáo dục mới. Trước mắt, trường sẽ động viên, khuyến khích đội ngũ hiện có triển khai chương trình mới hiệu quả nhất. Việc tổ chức các hoạt động cho HS cũng sẽ được tính toán hợp lý, để các em làm quen dần. "Chúng tôi nhận định, trong quá trình triển khai sẽ còn gặp nhiều khó khăn; tùy vào từng vấn đề để linh động giải quyết, bảo đảm thực hiện tốt Chương trình GDPT mới" - thầy Lê Xuân Thiều chia sẻ.
Đưa giải pháp với khó khăn của Trường THCS Nam Từ Liêm khi triển khai Chương trình, SGK lớp 6 năm học 2021 - 2022, cô Hoàng Thị Yến cho rằng: Do trường tự chủ tài chính, nên với GV dạy ngoại ngữ 2, có thể thực hiện liên kết với trung tâm ngoại ngữ, tiết kiệm kinh phí các hoạt động khác để chi trả lương GV. Với việc thực hiện hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, trường chọn GV có chuyên môn liên quan các kiến thức trong chủ đề, tổ chức soạn giáo án, dạy thử nghiệm, rút kinh nghiệm chung.
Song song với buổi tập huấn chương trình, SGK trực tuyến đang diễn ra, các tổ nhóm Trường THCS Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình cùng sinh hoạt chuyên môn để thảo luận, góp ý, trao đổi tư liệu về xây dựng kế hoạch giáo dục, soạn giáo án, dự tiết dạy minh họa (mỗi môn tập huấn có 1 - 2 tiết dạy minh họa). Riêng với môn học mới, chia sẻ từ thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Dũng, nhà trường xác định trong quá trình thực hiện có vướng mắc nảy sinh sẽ chủ động điều chỉnh. Với môn Lịch sử và Địa lý, sau tập huấn về môn học diễn ra ngày 29/6, nhà trường sẽ thảo luận để có phương án sát thực tế nhất.
Chia sẻ giải pháp của các cơ sở giáo dục trên địa bàn khắc phục khó khăn khi triển khai chương trình mới, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Thủy thông tin: Phòng cập nhật đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT về việc thực hiện Chương trình, SGK GDPT mới.
Tiếp tục cho đội ngũ GV tập huấn Chương trình GDPT mới theo chương trình do Bộ, sở, phòng GD&ĐT tổ chức, đẩy mạnh việc tự học tự bồi dưỡng của GV. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch giáo dục khoa học, phù hợp với tình hình cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ của nhà trường. Xây dựng các phương án bố trí, sắp xếp GV giảng dạy lớp 6, đặc biệt các môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học Tự nhiên... Đặc biệt, phòng cần tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị bằng các nguồn ngân sách cấp trên, xã hội hóa, tăng cường đồ dùng tự làm... để có điều kiện tốt nhất thực hiện Chương trình GDPT mới.
Văn bản số 2613/BGDDT-GDTrH của Bộ GD&ĐT tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường, GV triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021 - 2022. Theo văn bản này, kế hoạch dạy học cũng như kiểm tra đánh giá linh hoạt hơn (phụ thuộc vào điều kiện thực tế của đơn vị); từ đó hiệu quả dạy và học sẽ được nâng lên. Các môn học mới như Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý... cũng được hướng dẫn triển khai khá cụ thể. - Thầy Lê Xuân Thiều
Ôn thi môn Ngữ văn vào lớp 10: Học sinh "tự lắng kiến thức" là phương pháp hiệu quả nhất Thạc sĩ Lê Hoài Quân - Tổ trưởng tổ Văn - Sử - Giáo dục công dân, trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, thời gian từ nay đến lúc thi là cơ hội cho học sinh lớp 9 tự học để kiểm tra, đánh giá, rà soát lại kiến thức, kỹ năng... Học sinh tận dụng giai đoạn...